Năm năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW khóa IX về công tác tôn giáo
Thực hiện phương châm “tín ngưỡng tự do, Lương - Giáo đoàn kết”, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn tôn trọng sự phát triển của các tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân. Điều này đồng nghĩa với việc, tính chất dân chủ của xã hội nước ta đã, đang và sẽ luôn luôn được bảo đảm, phát triển.
1 - Tổng kết quá trình 20 năm đổi mới đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta khẳng định, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Không chỉ nền kinh tế đất nước vượt qua khủng hoảng, liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện một bước, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững mà các lĩnh vực khác cũng có bước phát triển đáng kể. Nhờ vậy, vai trò, vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế. Đất nước có thêm thế và lực mới để đẩy nhanh nhịp độ phát triển.
Thành tựu trên đây là kết quả của sự phấn đấu gian khổ của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với một đường lối chính trị càng ngày càng phản ánh đúng đắn ý chí và nguyện vọng của quảng đại nhân dân, trong đó có 20 triệu đồng bào theo các tôn giáo khác nhau. Nhờ vậy, mặc dù còn có những khác biệt về mặt nhận thức song tuyệt đại bộ phận đồng bào có đạo vẫn quyết tâm bảo vệ lợi ích chân chính của dân tộc, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo Đảng, tin Đảng, ủng hộ sự nghiệp đổi mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2 - Nghiên cứu quá trình hình thành phát triển đường lối đổi mới của Đảng về lĩnh vực tôn giáo, cho đến nay, đại bộ phận các nhà khoa học đều khẳng định, đường lối đổi mới đó được bắt đầu từ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị khóa VI Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đây có thể coi là văn kiện chứa đựng một tư duy chính trị mới về tôn giáo, là khởi đầu của những đột phá trong nhận thức của Đảng ta về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo.
Nghị quyết số 24-NQ/TW chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, trong đó các nội dung sau đây được coi là cốt lõi:
Một là, tôn giáo là nhu cầu tinh thần khách quan của một bộ phận quần chúng nhân dân;
Hai là, đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới;
Ba là, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động đồng bào có đạo;
Bốn là, làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Các quan điểm trên đây là những đột phá về nhận thức bởi các lý do sau đây:
- Trong điều kiện lịch sử hiện tại, xã hội trần thế vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng đầy đủ những nhu cầu, khát vọng hiện thực của con người và nhu cầu được bù đắp, được che chở bởi sức mạnh của các “lực lượng thiêng” vẫn có tính khách quan.
- Các tôn giáo, nhất là các tôn giáo thế giới đã có lịch sử tồn tại lâu dài cùng nhân loại. Trong quá trình đó, tôn giáo đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những ảnh hưởng đó không phải lúc nào cũng tạo nên những biến đổi theo hướng tích cực, song vai trò về văn hóa, đạo đức của tôn giáo đối với con người là không thể phủ nhận.
Trong lịch sử Việt Nam, mặc dù các thế lực chính trị xấu luôn tìm cách lợi dụng tôn giáo hòng cản trở sự phát triển của dân tộc, tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và một bộ phận tín đồ, chức sắc các tôn giáo vì thiên kiến hoặc vì lợi ích cá nhân ích kỷ, hoặc bị lường gạt, ép buộc đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho các thế lực đó, song tuyệt đại bộ phận đồng bào có đạo vẫn đồng hành cùng dân tộc, vẫn phát huy nét hay, nét đẹp nhất là mặt về văn hóa, đạo đức của tôn giáo, làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc.
- Trong điều kiện của nước ta, một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đồng bào ta, dù có tín ngưỡng, tôn giáo hay không vẫn là những công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật, vẫn là những chủ thể của đất nước. Vì vậy, mặc dù đối tượng tác động của công tác tôn giáo có những đặc thù song phương thức tác động đúng đắn nhất, hiệu quả nhất và cũng nhân đạo nhất là vận động, là lôi cuốn đồng bào có đạo tham gia giải quyết các mục tiêu phát triển của dân tộc, đó là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dĩ nhiên, điều này không hề mâu thuẫn với việc nghiêm trị các hành vi lợi dụng tôn giáo, lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức dù họ là ai, có tín ngưỡng, tôn giáo hay không có tín ngưỡng, tôn giáo.
- Bài học thành công của dân tộc là bài học đoàn kết, là phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Đối với hoạt động của hệ thống chính trị cũng vậy, muốn đưa lại hiệu quả tích cực, ngoài việc phân công, phân nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, tổ chức cần phải quán triệt về nhận thức rằng, làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và phải có cơ chế để phối hợp hoạt động phù hợp.
3 - Tiếp theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 2-7-1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW Về công tác tôn giáo trong tình hình mới, và nhất là ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ra Nghị quyết số 25-NQ/TW Về công tác tôn giáo. Có thể nói cho đến nay, về lĩnh vực tôn giáo, đây là nghị quyết quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất. Quan trọng và ý nghĩa nhất bởi, lần đầu tiên, có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về tôn giáo và Nghị quyết số 25-NQ/TW đã thể hiện khá đầy đủ nhận thức mới của Đảng kể từ ngày đổi mới về lĩnh vực rất phức tạp và nhạy cảm này. Ngoài việc tiếp tục tái khẳng định những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII và một số văn kiện khác, chúng tôi cho rằng, Nghị quyết số 25-NQ/TW có một số điểm phát triển mới.
- Nghị quyết khẳng định cụ thể và rõ ràng hơn về sự tồn tại có tính khách quan của tôn giáo trong đời sống xã hội. Nếu các nghị quyết trước đây chỉ khẳng định tôn giáo là hiện tượng còn tồn tại lâu dài thì Nghị quyết số 25-NQ/TW cho rằng: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta"(1)
- Trong các văn kiện trước đây, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được nhất quán thừa nhận và Nhà nước cam kết tôn trọng quyền tự do đó, song ở mức độ nhất định, vẫn còn chưa thật cụ thể. Tuy nhiên, đến Nghị quyết số 25-NQ/TW, Đảng ta khẳng định: "Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền được sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”(2).
Rõ ràng, đây là một bước tiến trong nhận thức nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chân chính của một bộ phận nhân dân, làm cho nhu cầu đó không chỉ được thừa nhận, được thỏa mãn về mặt tư tưởng mà còn có thể được thể hiện qua hành vi trong sinh hoạt tôn giáo của người dân. Điều này cũng phù hợp với các công ước của Liên hợp quốc rằng, công dân không chỉ có quyền được tự do lựa chọn đức tin, thay đổi đức tin mà còn được tự do "bày tỏ đức tin thầm kín hay công khai"...
- Lần đầu tiên, trong Văn kiện Hội nghị Trung ương, việc giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân được chính thức thừa nhận. Đây có thể xem là một bước tiến mới trong nhận thức của Đảng về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này cho thấy, cùng với vấn đề tôn giáo, vấn đề thờ cúng tổ tiên và những người có công với Tổ quốc được đặt trong phạm trù văn hóa và vì là một phạm trù thuộc lĩnh vực văn hóa nên nó là đối tượng tác động chủ yếu của công tác vận động nhân dân.
4 - Qua 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 25-NQ/TW bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống. Tác dụng tích cực này được thể hiện trên các khía cạnh chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chân chính của nhân dân được đáp ứng ngày càng tốt hơn.
Nghị quyết số 25-NQ/TW đã được Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng thể chế hóa thành những quy định cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của nhân dân. Lần đầu tiên, Uy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp lệnh này đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương ký lệnh ban hành vào ngày 29-6-2004. Có thể nói, Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo là một văn bản pháp lý quan trọng, chứa đựng những quan điểm mới của Đảng ta về tôn giáo và công tác tôn giáo, theo đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có khung khổ rộng rãi hơn để thực hiện.
Tiếp theo, ngày 1-3-2005, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo và ngày 4-2-2005, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành.
Có thể nói, chưa bao giờ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân có cơ sở pháp lý thuận lợi như hiện nay. Thực tế này là không thể phủ nhận khi chúng ta quan sát diễn biến trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Khắp cả nước, từ Nam đến Bắc, từ các tôn giáo có số lượng tín đồ lớn như Phật giáo, Công giáo... đến các tôn giáo có số lượng tín đồ ít hơn như đạo Bahả... sau khi đăng ký hoạt động và được Nhà nước chấp thuận, đều tự do hành đạo theo đúng tôn chỉ của đạo và quy định của pháp luật. Kể từ khi có Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo đến nay, đã có thêm 13 tổ chức, hệ phái tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động như: Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam, Tứ ân hiếu nghĩa... Riêng đối với đạo Tin lành, thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết năm 2007, ở khu vực miền núi phía Bắc đã có 80 điểm nhóm đăng ký sinh hoạt, 40 điểm nhóm khác chuẩn bị được cấp đăng ký. Khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước có 104 chi hội được công nhận, 1.080 điểm nhóm thuộc Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật...
Ngoài phương diện trên, các hoạt động khác của tôn giáo cũng được Nhà nước tạo thuận lợi như tổ chức các kỳ đại hội, các ngày lễ trọng, bồi dưỡng giáo lý thần học, đào tạo chức sắc, in ấn kinh sách... Chỉ tính riêng trong năm 2007, tại Nhà xuất bản Tôn giáo đã có 500 ấn phẩm tôn giáo được cấp giấy phép xuất bản.
Thứ hai, hoạt động xã hội, từ thiện của tôn giáo được đẩy mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố.
Ngoài việc đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chân chính của nhân dân, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, các hoạt động xã hội, từ thiện của tôn giáo được đẩy mạnh đáng kể. Chỉ tính riêng năm 2007, các tổ chức tôn giáo đã quyên góp được hàng ngàn tỉ đồng giúp đỡ các gia đình khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giúp đỡ các trường mẫu giáo, nhà trẻ, trung tâm, phòng khám chữa bệnh miễn phí cho nhiều đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống.
Chủ trương cho phép các tôn giáo có tư cách pháp nhân tham gia hoạt động xã hội, từ thiện theo quy định của pháp luật đã giúp các tôn giáo phát huy được lợi thế của mình tham gia giải quyết một số vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Nhờ đó, khối đoàn kết đạo - đời được tăng cường, những mặc cảm phát sinh do sự khác biệt về đức tin trong các cộng đồng dân cư được khắc phục từng bước, góp phần làm thất bại âm mưu chia rẽ của các thế lực chính trị thù địch.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước các hoạt động tôn giáo có bước phát triển mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố, tăng cường, âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng được ngăn ngừa.
Năm năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và nhất là sau khi Nghị quyết được thể chế hóa, công tác quản lý nhà nước các hoạt động tôn giáo có thêm công cụ pháp luật hữu hiệu. Nhờ đó, hiệu quả quản lý được nâng cao. Có thể nhận thấy hiệu quả của công tác này ở chỗ, các hoạt động tôn giáo dần đi vào nền nếp theo quy định của pháp luật. Nếu như trước đây, sinh hoạt tôn giáo, nhất là với đạo Tin lành ở khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên đã diễn ra tự phát thì nay thông qua việc các điểm, nhóm tôn giáo được chính quyền cơ sở cấp phép hoạt động, tình hình đó đã được khắc phục một bước đáng kể. Nhìn chung, các điểm, nhóm tôn giáo được cấp phép hoạt động đều tuân thủ pháp luật. Bằng chứng là, qua vụ bạo loạn ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên tháng 4-2004, tại các điểm, nhóm tôn giáo đã đăng ký hoạt động, hầu như không có tín đồ tham gia hoạt động bạo loạn. Các hoạt động xây sửa cơ sở thờ tự trái phép, không phép trong phạm vi cả nước, nhìn chung giảm nhiều. Các hoạt động chống đối của một số phần tử tôn giáo cực đoan như Thích Huyền Quang, Nguyễn Văn Lý... càng ngày càng có nhiều người theo đạo nhận ra chân tướng và kiên quyết phản đối. Qua sự việc gần đây nhất ở giáo xứ Thái Hà, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cho thấy, bên cạnh một bộ phận giáo dân trình độ văn hóa thấp, bị xúi giục, lường gạt nên có những hành vi trái pháp luật, một lực lượng đông đảo giáo dân, chức sắc đạo Công giáo đã nhận ra lẽ phải, bày tỏ thái độ không đồng tình với những đồng đạo. Chủ trương "tốt đời, đẹp đạo" được tuyệt đại bộ phận người có đạo đồng tình, hưởng ứng. Nhờ vậy đã góp phần làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực chính trị thù địch.
Riêng hoạt động thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với dân, với nước, trong 5 năm qua cũng có bước phát triển khá tích cực. Càng ngày, những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người có công với dân, với nước càng được phát huy. Nhờ đó, làm cho sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh hơn, đúng pháp luật hơn...
Nước Mỹ 8 năm dưới thời Tổng thống G.Bu-sơ  (08/10/2008)
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức  (08/10/2008)
Họp báo về Lễ trao giải thưởng Tài năng Sáng tạo Nữ năm 2008  (08/10/2008)
Hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững  (08/10/2008)
Các thế hệ vệ tinh Sputnik của Nga  (08/10/2008)
Thế kỷ XXI, nước Nga vẫn là siêu cường vũ trụ!  (08/10/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên