1. Tăng cường tiếp cận đối với tài sản

Tài sản hộ gia đình là yếu tố quyết định khả năng tham gia thị trường nông nghiệp, đảm bảo sinh kế trong canh tác tự cung tự cấp, cạnh tranh với tư cách như những doanh nhân trong nền kinh tế phi nông nghiệp nông thôn, và tìm được những công việc yêu cầu kỹ năng cao. Ba tài sản cốt yếu, đó là đất, nước và vốn con người. Tuy nhiên, tài sản của nông dân nghèo thường bị hạn chế do tăng dân số, suy thoái môi trường, hay phải sung công vì mục đích chung, những thiên lệch về mặt xã hội ngay trong chính sách và sự phân bổ hàng hóa công. Áp lực dân số, quy mô đất canh tác giảm cùng với sự khan hiếm nước là thách thức chính ở nhiều vùng châu Á. Để có thể tăng cường tài sản cho vùng này, cần nhiều đầu tư công vào thủy lợi, y tế, giáo dục. Trong các trường hợp khác thì phát triển thể chế còn khó hơn nhiều, ví dụ như việc tăng cường đảm bảo đối với quyền sở hữu đất đai và chất lượng quản lý đất. Việc tăng cường tài sản yêu cầu những quyết sách nhằm bình đẳng hóa cho các nhóm dân yếu thế và dễ bị loại trừ như phụ nữ và dân tộc thiểu số.

2- Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ canh tác bền vững và tăng năng suất

- Các chính sách tăng động cơ khuyến khích về giá và tăng số lượng lẫn chất lượng của đầu tư công

Các cuộc cải cách gần đây đã làm tăng động cơ khuyến khích về giá đối với các nhà sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước đang phát triển, giảm thiểu nhưng chưa xóa bỏ hẳn những chính sách bất lợi cho nông nghiệp vốn có. Vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả thông qua cải cách các chính sách thương mại của các nước đang phát triển. Tự do hóa nhập khẩu mà chủ yếu là lương thực cũng có thể coi là hành động vì người nghèo do phần lớn người nghèo, bao gồm các hộ gia đình, chính là những người mau lương thực ròng. Tuy nhiên, nhiều người nghèo là người bán ròng (đôi khi là nhóm người nghèo nhất) bị thiệt hại nên các chương trình được thiết kế theo điều kiện cụ thể của từng nước là rất cần thiết nhằm đơn giản hóa chương trình chuyển đổi sang thị trường mới được dễ dàng.

Ước tính các tác động phúc lợi của việc tự do hóa thương mại đầy đủ là tương đối lớn. Thông qua việc xóa bỏ mức độ bảo hộ hiện tại, các nước công nghiệp sẽ khuyến khích việc tăng phúc lợi hàng năm đối với những nước đang phát triển khoảng năm lần dòng tiền hỗ trợ nông nghiệp hiện tại. Tuy nhiên, tác động này có sự khác biệt giữa các sản phẩm và quốc gia khác nhau. Với tự do hóa thương mại hoàn toàn, giá cả hàng hóa nông nghiệp quốc tế ước tính sẽ tăng trung bình 5,5% trong khi giá bông sẽ tăng khoảng 21% và hạt có dầu sẽ tăng 15%. Những sự tăng giá như thế này đặc biệt đáng lo ngại đối với các nước nhập khẩu lương thực với những khó khăn về ngoại hối. Những quốc gia nghèo xuất khẩu bông vải hay hạt có dầu sẽ có lợi. Những nước sẽ có lợi nhất có thể sẽ là Bra-xin, Thái Lan và Việt Nam.

Tác động của những biện pháp khuyến khích giá tốt hơn tùy thuộc vào đầu tư công về kết cấu hạ tầng, thể chế và các dịch vụ hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, chất lượng chi tiêu công vẫn thường thấp và cần cải thiệu hơn nữa. Tại một số quốc gia, những trợ cấp không mang tính chiến lược lên tới một nửa ngân sách dành cho nông nghiệp.
 
- Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản phẩm và thị trường đầu vào của nông nghiệp

Với những thay đổi về cơ cấu trong thị trường nông nghiệp và việc tham gia của thành phần mới, vấn đề chính đối với phát triển là thúc đẩy sự tham gia của các nông hộ nhỏ và đảm bảo các tác động giảm nghèo trong tăng trưởng nông nghiệp. Các mảng thị trường khác nhau cần có các lựa chọn khác nhau.

Các thị trường thực phẩm

Vấn đề đặc biệt nhức nhối trong thị trường lương thực là làm thế nào quản lý được sự bấp bênh giá thực phẩm ở các nước có lượng tiêu thụ lớn. Nếu các nhu yếu phẩm có thể được đem ra trao đổi thì việc bảo hiểm thông qua các hợp đồng thương mại trao đổi kỳ hạn đôi khi có thể quản lý được rủi ro về giá cả. Song hầu hết thực phẩm của các nước nông nghiệp chỉ được đem ra trao đổi một phần, và nhiều nước có sự thay đổi thời tiết thường xuyên đã phải quản lý các kho dự trữ lương thực công nhằm giảm thiểu sự bất ổn giá. Cách làm này có lúc thành công, có khi thất bại. Những rủi ro cao của việc giá cả bấp bênh đều có thể xảy ra với cả nông dân lẫn khách hàng ở nhiều nước nông nghiệp, và mạng lưới an sinh hiệu quả sẽ còn quan trọng cho tới khi thu nhập tăng lên hoặc hoạt động thị trường được cải thiện.

Những mặt hàng xuất khẩu truyền thống với khối lượng lớn

Tình trạng giá cả trên thị trường thế giới của những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như cà phê, bông giảm mạnh đe dọa cuộc sống của hàng triệu người sản xuất. Trong nhiều bối cảnh thì việc giảm thuế và tăng cường tự do hóa có thể làm tăng thu nhập. Tuy nhiên, những thị trường tự do hóa này lại yêu cầu một vai trò mới của chính phủ, đặc biệt trong sự điều tiết của các hoạt động tiếp thị công bằng và hiệu quả. Những nơi đã thực hiện điều này thì sản lượng và chất lượng tăng. Điều quan trọng không kém là biện pháp tăng năng suất của các mặt hàng xuất khẩu. Việc tăng chất lượng và thương mại bình đẳng có thể mở ra những cơ hội kiếm lời trên thị trường cho các nông hộ nhỏ.

Các thị trường nông phẩm có giá trị cao

Việc tham gia thị trường của các nông hộ nhỏ cũng được tăng cường ở các thị trường nông phẩm giá trị cao, kể cả trong lẫn ngoài nước, bao gồm cả sự phát triển mang tính bùng nổ của hệ thống siêu thị ở nhiều nước. Ở hầu hết các nước đang phát triển thì thị trường tiêu thụ nông phẩm giá trị cao trong nước lại là thị trường nông sản phát triển mạnh nhất, tăng 6-7% năm, đứng đầu là các sản phẩm thịt và rau quả.

Thị trường nguyên vật liệu đầu vào

Đặc biệt đối với hạt giống và phân bón, thất bại thị trường vẫn tiếp tục nghiêm trọng ở nhiều nước do chi phí giao dịch cao, rủi ro và vấn đề hiệu quả. Do đó, sử dụng ít phân bón là một khó khăn chính trong việc nâng cao năng suất nông nghiệp. Sự quan tâm trở lại đối với việc trợ cấp phân bón cần tập trung vào các giải pháp bền vững, giải quyết các thất bại thị trường. Các hướng tiếp cận “thị trường nhanh nhạy” nhằm nhanh chóng có được thị trường nguyên vật liệu đầu vào cho nông nghiệp kể cả việc cấp phiếu để cho phép nông dân mua nguyên vật liệu đầu vào và kích cầu tại các thị trường tư nhân, đồng thời trợ cấp tương ứng để san sẻ các chi phí khởi sự nhất định cho các nhà phân phối tư nhân khi tham gia thị trường nguyên vật liệu đầu vào đối với nông nghiệp.

- Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính và giảm thiểu mức độ rủi ro do không bảo hiểm

Tài chính nông thôn

Cuộc cách mạng tài chính vi mô, cho phép vay tiền mà không cần thế chấp chính thức, đã mở ra cơ hội cho hàng triệu dân nghèo vay tiền, đặc biệt là phụ nữ. Song nguồn vốn này lại chưa vươn tới được phần lớn các hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, hàng loạt những sản phẩm tài chính sẵn có cho người nghèo nông thôn đang được mở rộng, bao gồm tiết kiệm, chuyển tiền, dịch vụ bảo hiểm và các giải pháp cho thuê. Cùng với sự xuất hiện của dây chuyền cung cấp đồng bộ và chế độ khoán nông nghiệp, trung gian tài chính thông qua các đại lý liên kết với nhau đang dần trở nên thông dụng. Công nghệ thông tin giúp giảm chi phí giao dịch và giảm chi phí vay vốn ở các vùng nông thôn.

Quản lý rủi ro

Do phải đương đầu với các rủi ro không được bảo hiểm - hậu quả của thiên tai, các cú sốc sức khỏe, thay đổi nhân khẩu, biến động giá cả, và các thay đổi chính sách - những hộ gia đình nông thôn thường phải trả giá cao về tính hiệu quả và phúc lợi. Để phòng, chống những rủi ro này, nông dân phải từ bỏ những hoạt động có thu nhập kỳ vọng cao hơn. Việc bán tài sản đi để chống chọi với những cú sốc đó có thể gây hại lâu dài do thiếu vốn (bán tống bán tháo đất đai và gia súc) mà không thể khôi phục hoặc mất rất nhiều thời gian để khôi phục lại số tài sản nông nghiệp đó. Thêm vào đó, y tế và giáo dục cho trẻ em có thể phải chịu hậu quả lâu dài khi mà trẻ em phải xa trường để chống chọi lại những biến động hay bị suy dinh dưỡng. Điều này dẫn đến nghèo đói cứ nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác.

- Tăng cường chất lượng hoạt động của các tổ chức người sản xuất

Hành động tập thể của các tổ chức người sản xuất có thể giúp giảm chi phí giao dịch trên thị trường đạt một số sức mạnh thị trường nhất định, và tăng cường sự hiện diện của mình trên các diễn đàn chính sách trong và ngoài nước. Đối với các nông hộ nhỏ, các tổ chức người sản xuất là rất cần thiết để tạo ra sức cạnh tranh. Những tổ chức này, đã lớn mạnh hơn nhiều về số lượng, và tư cách hội viên, thường xuyên nỗ lực bù đắp khoảng trống do việc nhà nước rút khỏi công tác tiếp thị, cung cấp đầu vào, và tín dụng gây ra, và nhằm tận dụng các chính sách dân chủ thông thoáng cho phép người dân tham gia vào công việc quản lý.

Cho dù có nhiều thành công song hiệu quả của các tổ chức người sản xuất thường xuyên bị hạn chế bởi các ràng buộc pháp lý, khả năng quản lý yếu kém, bị các tầng lớp có thế lực thao túng, sự loại trừ đối với người nghèo và không được nhà nước công nhận như những đối tác đầy đủ. Các nhà tài trợ và chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách thúc đẩy quyền được tổ chức, đào tạo đội ngũ lãnh đạo, và trao quyền cho các thành viên yếu kém hơn, đặc biệt là phụ nữ và những nông dân trẻ. Tuy nhiên, làm sao để hỗ trợ mà không gây nên tâm lý ỷ lại quả là một vấn đề nan giải.

- Khuyến khích đổi mới thông qua khoa học công nghệ

Do đầu tư tư nhân vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D) đang ngày một tăng nhanh nên khoảng cách tri thức giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển ngày càng lớn. Nếu tính cả các nguồn của nhà nước và tư nhân thì các nước đang phát triển mới chỉ đầu tư được 1/9 so với mức đầu tư của các nước công nghiệp vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, tính theo tỉ trọng GDP nông nghiệp.

Để có thể thu hẹp khoảng cách này, cần coi việc tăng cường mạnh mẽ đầu tư nghiên cứu và phát triển là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình chính sách. Nhiều đầu tư trong và ngoài nước vào nghiên cứu và phát triển đã đem lại kết quả rất tốt, với tỉ suất nội hoàn trung bình trong nước là 43% trong 700 dự án nghiên cứu và phát triển ở các nước đang phát triển trên tất cả các khu vực của thế giới. Tuy nhiên, các thất bại thị trường và thất bại trong công tác quản lý trong nước và quốc tế lại dẫn đến việc thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nghiêm trọng, nói rộng hơn là vào các hệ thống đổi mới, đặc biệt là ở các khu công nghiệp. Trong khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ở Trung Quốc và Ấn Độ trong vòng 20 năm qua tăng lên 3 lần thì ở châu Phi Hạ Xa-ha-ra lại chỉ tăng lên 1/5 (thậm chí còn giảm xuống trong khoảng một nửa các nước ở đây).

- Làm cho nông nghiệp bền vững hơn, đồng thời trở thành nơi cung cấp các dịch vụ môi trường

Tác hại của nông nghiệp đối với môi trường từ trước đến nay là rất lớn. Tuy nhiên còn có nhiều cơ hội để giảm tác động này. Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992 tại Ri-o, nhìn chung người ta đã chấp nhận rằng Chương trình nghị sự về môi trường là không thể tách rời với Chương trình nghị sự nông nghiệp cho phát triển. Và tương lại của ngành nông nghiệp, về bản chất, gắn liền với việc quản lý tốt hơn tài nguyên thiên nhiên.

Cả hình thức thâm canh lẫn quảng canh trong nông nghiệp đều gặp phải vấn đề khác nhau về môi trường. Việc phát triển nông nghiệp thâm canh đã gây hại cho môi trường do giảm tính đa dạng sinh học, thiếu sự quản lý nước trong thủy lợi, ô nhiễm chất hóa học nông nghiệp và tổn hại về sức khỏe và tử vong gây ra do ngộ độc thuốc trừ sâu. Sự bùng phát trong chăn nuôi cũng gây tổn hại không kém, đặc biệt là cho những vùng đông dân và vùng ven đô, do chất thải động vật và sự lan tràn bệnh dịch gia súc như bệnh cúm gia cầm. Rất nhiều vùng khó khăn phải chịu ảnh hưởng của tình trạng thoái hóa rừng, xói mòn đất, sa mạc hóa và suy thoái đồng cỏ và nguồn nước.

Điều cần làm lúc này là tìm kiếm các hệ thống sản xuất bền vững hơn và tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ môi trường của ngành nông nghiệp.

Công nghệ tốt hơn và cách thức quản lý hiệu quả hơn đầu vào nông nghiệp hiện đại cũng có thể tạo điều kiện cho nền nông nghiệp tự nhiên phát triển bền vững hơn.

Về mặt chính trị, các cuộc cải cách thường rất khó khăn. Hệ thống đo lường nước từ xa tốt hơn nhờ có công nghệ tế bào quang điện, chất lượng dịch vụ thủy lợi tốt hơn, và tăng tính trách nhiệm của những người dùng nước có thể tranh thủ được sự hậu thuẫn chính trị mà nếu không có nó thì cải cách sẽ tê liệt.

Việc áp dụng biện pháp bắt buộc phải trả tiền cho dịch vụ môi trường có thể giúp khắc phục những thất bại thị trường trong việc quản lý các ngoại ứng của môi trường. Bảo vệ rừng và lưu vực các con sông tạo ra các dịch vụ môi trường khác (nước sạch, dòng chảy ổn định, hệ thống thủy lợi, hấp thụ cacbon, và bảo vệ đa dạng sinh học), trong đó những người được hưởng lợi từ những dịch vụ này cần trả tiền cho những người tạo nên chúng.

Cần giải quyết khẩn cấp vấn đề thay đổi khí hậu

Người nghèo phụ thuộc vào nghề nông là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi khí hậu thay đổi. Mùa màng thất bát, gia súc chết ngày một nhiều gây tổn thất kinh tế cao và đe dọa an ninh lương thực ở một số vùng của một số nước và những người nông dân, nhất là nông dân nghèo sẽ còn phải chịu nhiều tai ương hơn khi mà hiện tượng trái đất nóng lên vẫn còn tiếp diễn. Tình trạng hạn hán thường xuyên và khan hiếm nước gia tăng có thể sẽ tàn phá nhiều khu vực nhiệt đới và gây thiếu nước cung cấp cho hệ thống thủy lợi, nước uống cho các cộng đồng vốn đã nghèo khổ và dễ bị tổn thương. Cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng mở rộng hỗ trợ công tác phòng tránh sự thay đổi khí hậu trong hệ thống canh tác của người nghèo. Theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải chi trả thì các nước giàu hơn phải có trách nhiệm bù đắp cho những nước nghèo chi phí thích ứng. Từ lâu nay, các cam kết toàn cầu đóng góp cho các quỹ thích ứng môi trường hiện hành vẫn còn rất khiêm tốn.

Nhiên liệu sinh học - cơ hội và thách thức

Những cơ hội mới để giảm thiểu sự thay đổi khí hậu và tạo ra các thị trường mới đối với nông nghiệp đã xuất hiện thông qua việc sản xuất nhiên liệu sinh học, và quá trình này ngày càng được khuyến khích do giá năng lượng cao. Tuy nhiên, chỉ có rất ít chương trình nhiên liệu sinh học là khả thi về mặt kinh tế, và nhiều chương trình còn tạo ra những rủi ro về mặt xã hội (tăng giá lương thực) và môi trường (phá rừng). Đến nay, sau hàng rào thuế quan bảo hộ nhiên liệu sinh học được sản xuất tại các nước công nghiệp đã phát triển với các khoản trợ cấp lớn. Những chính sách này gây khó khăn cho những nước đang phát triển vốn đang và có thể trở thành những nơi sản xuất hiệu quả cho các thị trường xuất khẩu. Những người tiêu dùng nghèo phải trả giá cao hơn cho nhu yếu phẩm khi giá ngũ cốc tăng trên thị trường thế giới do việc chuyển đổi trực tiếp đất trồng ngũ cốc sang trồng cây cho nhiên liệu sinh học hoặc gián tiếp thu hẹp đất trồng cây lương thực.

- Không dừng lại ở trồng trọt: một nền kinh tế nông thôn năng động và các kỹ năng tham gia vào nền kinh tế này

Tạo việc làm nông thôn
 
Với dân số tăng nhanh và chậm tạo ra việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm ở các vùng nông thôn là một thách thức lớn, chưa được nhìn nhận đầy đủ.

Ưu tiên chính sách là tạo thêm việc làm cả trong kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các yếu tố cơ bản của một nền kinh tế phi nông nghiệp nông thôn năng động là nền nông nghiệp đang phát triển nhanh và môi trường đầu tư tốt. Kết nối nền kinh tế địa phương với các thị trường rộng hơn bằng cách giảm chi phí giao dịch, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ kinh doanh và thông tin thị trường là tối cần thiết. Các liên kết giữa nông nghiệp và các doanh nghiệp trên cùng địa bàn phối hợp với nhau để phục vụ cho các thị trường năng động.

Thách thức thực sự là việc hỗ trợ chuyển dân cư nông thôn sang việc làm có tiền công cao hơn. Các quy định lao động là cần thiết để giúp gắn kết một tỷ lệ lớn hơn lao động nông thôn với thị trường lao động chính thức và xóa đi sự phân biệt đối xử nam nữ. Giáo dục, các ký năng và tổ chức doanh nhân cần được nuôi dưỡng thông qua việc tạo động lực khuyến khích đối với các ông bố bà mẹ để giáo dục con em họ tốt hơn, cải thiện chất lượng trường học và tạo ra cơ hội đào tạo phù hợp với nhu cầu của những thị trường lao động mới.

Gây dựng mạng lưới an sinh

Mạng lưới an sinh, như các chương trình phúc hợi việc làm có bảo lãnh và viện trợ lương thực hay tiền mặt cũng có chức năng bảo hiểm để bảo vệ những người thiệt thòi nhất trước những cú sốc. Các chương trình này phải được tổ chức để chúng không tổn hại đến thị trường lao động địa phương và kinh tế lương thực và cũng không làm giảm động cơ làm việc đối với người hưởng lợi, nhưng vẫn “kịp thời” tới được với những người thực sự cần thiết. Với sự chuyển đổi trọng tâm của các chương trình của chính phủ và các nhà tài trợ trong hai thập kỷ qua theo hướng coi trợ cấp là một công cụ để giảm nghèo và chú ý hơn tới đánh giá tác động, có thể học được nhiều điều để xác định tốt hơn mục tiêu cho các chương trình để đạt được hiệu quả./.