Đại diện các nước đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam cho cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an và Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7 cho biết, ngay sau khi tiếp nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an từ Mỹ, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 6, Phái đoàn đại diện Việt Nam đã gặp đại sứ của các nước thành viên Hội đồng Bảo an để thống nhất chương trình làm việc trong tháng 7. Đại diện của các nước đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này.
Ngày 2-7-2008, Đại sứ Lê Lương Minh đã tổ chức họp báo công bố chương trình làm việc của Hội đồng Bảo an trong tháng 7. Phát biểu khai mạc cuộc họp, Đại sứ Lê Lương Minh nêu bật những thành tựu đối nội và đối ngoại của Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới; khẳng định việc Việt Nam ứng cử và trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là sự phản ánh và tiếp nối của chính sách đối ngoại rộng mở, sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển. Đại sứ khẳng định trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các thành viên trong việc giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng. Đại sứ cũng cho biết, theo sáng kiến của Việt Nam, Hội đồng Bảo an sẽ tổ chức phiên thảo luận mở về vấn đề “Trẻ em và xung đột vũ trang” vào ngày 17-7, nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm không chỉ của Hội đồng Bảo an mà của cả Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế tới vấn đề xã hội quan trọng này. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm sẽ trực tiếp chủ trì phiên thảo luận.
Cùng ngày, Đại sứ Lê Lương Minh đã tổ chức họp thông báo chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an trong tháng 7-2008 cho các nước thành viên Liên hợp quốc, với sự tham dự của đông đảo đại diện các nước.
Cũng theo đề nghị của Việt Nam, trong tháng 7, Hội đồng Bảo an sẽ có một phiên thảo luận mở về vấn đề Trung Đông vào ngày 22-7. Đại diện của các nước thành viên Hội đồng Bảo an đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam, vì đây là vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm nhưng nhiều tháng qua Hội đồng Bảo an chưa tổ chức một phiên thảo luận mở nào, cho dù nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra ở Trung Đông trong thời gian qua. Phiên thảo luận này sẽ không chỉ là diễn đàn để các nước thành viên Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc thể hiện quan điểm và lập trường của mình về vấn đề này, mà còn là dịp để các nước phát huy sáng kiến đưa ra kiến nghị khai thông bế tắc và tìm giải pháp cho nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề Trung Đông.
Đại sứ Lê Lương Minh cho biết, trong tháng 7 này, sứ mệnh của nhiều phái bộ Liên hợp quốc sẽ hết hạn, đòi hỏi Hội đồng Bảo an phải có quyết định gia hạn hoặc điều chỉnh sứ mệnh của các phái bộ này, trong đó có Phái bộ hỗn hợp Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (UNAMID) ở Đa-phơ (Xu-đăng), Phái bộ Liên hợp quốc tại Ê-ti-ô-pi-a/Ê-ri-tơ-ri-a, Phái bộ quan sát viên tại Cốt Đi-voa và Phái bộ Liên hợp quốc tại Nê-pan.
Ngoài ra, trong tháng 7, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ phải hoàn tất báo cáo hằng năm của Hội đồng để trình ra Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Báo cáo này sẽ kiểm điểm lại hoạt động của Hội đồng từ ngày 1-8-2007 đến 31-7-2008, tức là trong đó có cả khoảng thời gian Việt Nam chưa là thành viên của Hội đồng Bảo an.
Về quan hệ với giới báo chí tại Liên hợp quốc, Đại sứ Lê Lương Minh cho biết, tiếp xúc với báo chí là một phần quan trọng trong chức năng của Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Theo thông lệ, sau mỗi quyết định hoặc phiên họp của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Bảo an có nhiệm vụ thông báo cho báo chí và dư luận biết các quyết định của Hội đồng Bảo an và ý kiến của các nước thành viên trong những vấn đề còn chưa thống nhất. Đây là một phần trong nỗ lực minh bạch hóa các hoạt động của Hội đồng Bảo an mà Việt Nam ủng hộ.
Đại sứ Lê Lương Minh cho rằng, việc đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7 sẽ càng khẳng định thêm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sau nhiều năm đổi mới và hội nhập. Đại sứ cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị tốt để có thể hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7, đóng góp tốt hơn vào nỗ lực gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, một trong những chức năng chủ yếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.
Bế mạc Đại hội Dầu mỏ Thế giới lần thứ 19  (04/07/2008)
Kiềm chế lạm phát, chăm lo các vấn đề xã hội là ưu tiên hàng đầu  (04/07/2008)
Không để thiếu vốn cho các dự án điện  (04/07/2008)
Chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn của một số tỉnh, thành phố tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2008  (04/07/2008)
Thêm 50 triệu người bị đói vì giá lương thực quá cao  (04/07/2008)
Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt trên 7,6 tỉ USD  (04/07/2008)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên