Ngày 22-4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác điều trị bệnh sởi với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế; đại diện các sở y tế và bệnh viện khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyến Thị Xuyên cho biết: Bệnh sởi hiện đang diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, bệnh sởi xảy ra vào cuối tháng 12-2013 và đến nay số mắc bệnh đã lên đến trên 3.000 ca.

Nguyên nhân của thực trạng trên đầu tiên và quan trọng nhất là do người dân và trẻ em không tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Nguyên nhân thứ hai là do tình trạng nhiều gia đình đưa trẻ mắc bệnh đổ dồn về tuyến trung ương, đặc biệt là Bệnh viện Nhi Trung ương dẫn tới tình trạng quá tải, dễ bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Đồng thời, khí hậu ẩm hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các bệnh về hô hấp phát triển.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Hiện nay, tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vắc xin sởi và tiêm vét cho trẻ nhằm khống chế bệnh sởi lây lan trong cộng đồng. Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống và điều trị bệnh, đặc biệt là với bệnh nhi mắc sởi nhằm giảm tỷ lệ tử vong, giảm biến chứng và quá tải bệnh viện tuyến trung ương. Hội nghị tăng cường công tác điều trị bệnh sởi được tổ chức nhằm phổ biến nội dung Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi; phân tuyến điều trị; đồng thời thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm điều trị bệnh sởi hiệu quả.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.481 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.473 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong số 119 trường hợp nặng xin về, tử vong có liên quan đến sởi, trong đó 25 trường hợp tử vong xác định do sởi. Chưa phát hiện có sự biến đổi về gen và các tuýp vi rút sởi lưu hành tại Việt Nam. Ngay khi bệnh xuất hiện, Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh cho bệnh nhân sởi; thiết lập các bệnh viện vệ tinh của bệnh viện tuyến trung ương để giãn bệnh nhân giảm quá tải bệnh viện.

Đồng chí Trần Đắc Phu đề xuất: Thời gian tới, để công tác phòng, chống bệnh đạt hiệu quả, tại các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế dự phòng và điều trị; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, không bỏ sót trường hợp mắc bệnh. Đặc biệt, hạn chế chẩn đoán nhầm giữa bệnh sởi với sốt phát ban; tiếp tục áp dụng lịch tiêm phòng vắc xin cũ (mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi)...

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính nêu rõ: Bệnh sởi không có điều trị đặc hiệu, chỉ có điều trị hỗ trợ. Người mắc bệnh sởi cần được cách ly, phát hiện và điều trị sớm biến chứng. Chính vì vậy “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi” quy định cụ thể hoạt động phân tuyến điều trị như: tuyến xã, phường tư vấn, chăm sóc và điều trị người bệnh không có biến chứng; tuyến huyện tư vấn, chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng hô hấp nhưng không có suy hô hấp; tuyến tỉnh chăm sóc và điều trị tất cả các bệnh nhân mắc sởi có biến chứng; tuyến trung ương chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng vượt quá khả năng xử lý của tuyến tỉnh.

Khi mắc bệnh, người bệnh phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp; sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho người bệnh, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế. Hạn chế việc tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm người bệnh đối với người bệnh. Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.../.