Chuyến công du gây nhiều suy đoán

Lê Thị Nga
08:17, ngày 28-02-2009

Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã làm cho đời sống chính trị quốc tế trở nên sôi động hơn; những động thái ngoại giao của các nước lớn thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều hơn. Trong những diễn biến đó có chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn tới bốn nước châu Á là Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và Trung Quốc, từ ngày 15-2 đến 22-2-2009 vừa qua. Báo chí các nước đăng tải nhiều bài bình luận về chuyến đi này, lý giải cho những suy đoán: vì sao châu Á?; vì sao lại là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a?

1. Vì sao châu Á?

Rất dễ nhận thấy là, châu Á - Thái Bình dương đang trở thành khu vực phát triển năng động nhất trong thế giới đương đại. Tại đây đang diễn ra các quá trình phát triển kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội hết sức sôi động. Ở khu vực này có các nước lớn vào hàng bậc nhất thế giới, với vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế quan trọng, hội tụ nhiều tuyến đường biển huyết mạch của thế giới.

Châu Á - Thái Bình dương chiếm 40% tổng diện tích lãnh thổ và 41% dân số thế giới (gần 3,6 tỉ người), 65% nguồn nguyên liệu toàn cầu; là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm cao nhất trên thế giới, chiếm 61% GDP thế giới, 47% tổng thương mại quốc tế và 48% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới.

Nếu năm 2004, khu vực này mới đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% trong khi mức chung của thế giới là 5,1%, thì những năm sau đó, con số này đã lên đến 8%, trong khi mức chung của thế giới chỉ khoảng 3%. Góp phần quan trọng vào mức tăng đó là sự phát triển đến chóng mặt của nền kinh tế Trung Quốc. GDP của Trung Quốc tính từ thời điểm đất nước này bắt đầu các cải cách kinh tế vào năm 1978 cho đến năm 2007 đã tăng lên 5 lần, với mức tăng trưởng từ 8,5-10%/năm. Dự tính, đến năm 2040, Trung Quốc sẽ chiếm 14-16% GDP thế giới; còn Nhật Bản sẽ chấm dứt tình trạng trì trệ kinh tế và phát triển mạnh nhất ở Đông Bắc Á vào năm 2020.

Tại khu vực này đang diễn ra xu hướng gia tăng tự do hoá thương mại, liên kết song phương, đa phương, khu vực và toàn cầu thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC); quá trình tự do hoá và hội nhập trong phạm vi ASEAN; tự do hoá và liên kết hội nhập giữa các nước Đông Bắc Á; xu hướng tiến tới hình thành Cộng đồng kinh tế Đông Á với hai đầu tàu kinh tế là Trung Quốc và Nhật Bản...

Các cường quốc hạt nhân hàng đầu của thế giới là Nga, Mỹ, Trung Quốc; bốn trung tâm sức mạnh thực tế là Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc cũng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình dương.

Ở khu vực này, diễn biến của các quá trình chính trị - quân sự cũng rất năng động. Các cường quốc Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, trong đó nổi lên là Mỹ và Trung Quốc vừa cạnh tranh vừa hợp tác để khẳng định vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng trong khu vực, cũng như trên thế giới. Trong khi đó, tại đây vẫn còn thiếu một cơ chế nhiều bên thống nhất về an ninh tập thể; hệ thống an ninh chính trị - quân sự dựa chủ yếu trên các thoả thuận song phương (Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ; Hiệp ước về phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc…).

Châu Á - Thái Bình dương còn là thị trường quan trọng, là chỗ dựa để Mỹ khôi phục nền kinh tế đang suy thoái và giải quyết nạn thất nghiệp đang ngày càng gia tăng. Hiện nay, buôn bán hai chiều của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình dương chiếm 36% tổng kim ngạch ngoại thương của Mỹ, thu hút 2,8 triệu việc làm của Mỹ. Xuất khẩu của Mỹ sang khu vực này cao hơn gấp đôi so với xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).

Thực tế phân tích ở trên cho thấy, vì sao Mỹ đặc biệt chú trọng khu vực châu Á - Thái Bình dương, thậm chí coi khu vực này có ý nghĩa sống còn. Một chiến lược mới của Mỹ đối với khu vực này được xây dựng có 4 nội dung cơ bản. Một là, củng cố các liên minh của Mỹ; “dính líu” với các cường quốc hàng đầu trong khu vực; xây dựng các cơ chế bền vững cho sự hợp tác khu vực; xúc tiến và ủng hộ “dân chủ”, “nhân quyền”. Hai là, tiếp tục duy trì và tăng cường các liên minh truyền thống với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Phi-lip-pin, Thái Lan và một số nước khác, trong đó, liên minh Mỹ - Nhật Bản đóng vai trò quan trọng nhất và là “hòn đá tảng” trong chiến lược an ninh và các mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ ở khu vực này. Ba là, duy trì sự có mặt quân sự của Mỹ trong khu vực. Hiện nay, Mỹ đang duy trì khoảng 100.000 quân ở đây, trong đó ở Nhật Bản là 47.000 quân và Hàn Quốc: 37.000 quân. Lực lượng này được coi là nhân tố chủ yếu bảo vệ an ninh khu vực, ngăn chặn có hiệu quả sự xuất hiện các nguy cơ đe dọa vị thế quân sự toàn cầu của Mỹ. Bốn là, thiết lập cơ cấu an ninh mới cho khu vực, trong đó Mỹ giữ vai trò lãnh đạo. Mỹ cũng xúc tiến ý định thành lập Diễn đàn an ninh tiểu khu vực Đông Bắc Á, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga.

Vì sao lại là Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, và Trung Quốc?

Việc Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn tới Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi thăm Trung Quốc chứng tỏ, Oa-sinh-tơn chủ trương thắt chặt hơn nữa liên minh chiến lược truyền thống với Tô-ki-ô và Xơ-un trong bối cảnh cục diện chính trị - quân sự và kinh tế có những diễn biến không thuận đối với vai trò và vị trí của Mỹ trong chiến lược toàn cầu. Tô-ki-ô cũng rất nhạy cảm trước những động thái của Oa-sinh-tơn đối với vai trò là một đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực. Do đó, việc lựa chọn Nhật Bản là nơi dừng chân đầu tiên đã phần nào xua tan mối hoài nghi đó. Hơn nữa, khi đến Tô-ki-ô, Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn tuyên bố ủng hộ mong muốn của Nhật Bản giải quyết vấn đề các công dân của nước này bị phía CHDCND Triều Tiên bắt cóc trước đây trong giải pháp cả gói nhằm phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Đã có lúc, Tô-ki-ô tỏ ra thất vọng trước động thái của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống G.W.Bu-sơ cố dàn xếp vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng mà làm ngơ yêu cầu bảo vệ các công dân của Nhật Bản bị bắt cóc.

Chuyến viếng thăm Hàn Quốc của Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn diễn ra trong thời điểm đàm phán sáu bên về hồ sơ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên rơi vào bế tắc và gần đây xuất hiện sự căng thẳng bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên. Tình hình này khiến cho “bài toán hạt nhân” vốn rất khó giải khó càng có thêm ẩn số khiến bà Hi-la-ri Clin-tơn chưa thể đưa ra đề xuất cụ thể cho những quyết sách lâu dài nhằm tháo gỡ bế tắc. Do đó, sứ mệnh của Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn trong chuyến công du đầu tiên này có vẻ như chỉ là lấy lại lòng tin từ các đồng minh truyền thống.

Điểm đáng chú ý và gợi nên những suy đoán là vì sao In-đô-nê-xi-a nằm trong danh sách các nước đến thăm lần đầu tiên này. In-đô-nê-xi-a không chỉ đơn giản là nơi Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma từng trải qua thời thơ ấu mà còn là nước Hồi giáo lớn nhất và đông dân thứ tư thế giới. "Cuộc chiến chống khủng bố", cũng như cách tiếp cận trong chính sách ngoại giao của chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống G.Bu-sơ đã gây khó chịu và phản cảm cho nhiều người dân In-đô-nê-xi-a nói riêng, thế giới Hồi giáo nói chung.

Đến In-đô-nê-xi-a với nhiều lý do thích hợp, ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn không dấu giếm tham vọng của Mỹ muốn “vươn tới” thế giới Hồi giáo và hoá giải những thù hằn in đậm trong tiềm thức của cộng đồng Hồi giáo đối với nước Mỹ. Dư luận cho rằng, rất có thể In-đô-nê-xi-a sẽ là một tâm điểm chú ý của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma.

Thêm vào đó, khi Đông Nam Á ngày càng chứng kiến sự mở rộng hoạt động thương mại của Trung Quốc, thì sự hiện diện thường xuyên của Mỹ ở khu vực này cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn tuyên bố khi tới Gia-các-ta là Mỹ sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với các nước ASEAN và bà sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này trong thời gian tới - một việc mà các chính quyền tiền nhiệm trước đây luôn từ chối.

Với Trung Quốc, tân Ngoại trưởng Mỹ đã từng phát biểu rằng Mỹ không coi một nước Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ của mình, mà ngược lại, Oa-sinh-tơn coi việc hai nước hợp tác với nhau, cùng nhau chia sẻ những cơ hội và mối lo ngại chung là “nằm trong lợi ích của Mỹ”. Và, Ngoại trưởng H.Clin-tơn hy vọng “một cuộc đối thoại toàn diện hơn” với Trung Quốc là thể hiện mong muốn của chính quyền mới ở Oa-sinh-tơn về việc mở rộng quan hệ đối tác với Bắc Kinh nhằm giải quyết các vấn đề lớn của khu vực cũng như thế giới. Hơn lúc nào hết, Mỹ cần có sự hỗ trợ của Trung Quốc để đối phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính, đặc biệt là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn là một sự kiện mang tính biểu tượng, thể hiện những ưu tiên đối ngoại của chính quyền mới. Châu Á tuy ít được ông Ba-rắc Ô-ba-ma đề cập tới trong chiến dịch tranh cử của mình, nhưng khu vực này luôn giữ vai trò quan trọng đối với lợi ích của nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Chuyến thăm châu Á của bà Hi-la-ri Clin-tơn lần này, ngoài việc muốn khẳng định châu lục này có ý nghĩa quan trọng với Mỹ mà còn cho thấy Oa-sinh-tơn quyết duy trì vai trò và ưu thế lâu dài trong khu vực, để chứng tỏ rằng Mỹ không chỉ là một siêu cường xuyên Đại Tây Dương mà cũng là một siêu cường xuyên châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó càng trở nên cần thiết khi giờ đây, châu Á đang xuất hiện các cường quốc mới nổi lên, và khó kiểm soát đối với Mỹ trong thực hiện chiến lược toàn cầu thế kỷ XXI./.