Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm
Chiều 27-11-2013, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và thảo luận về dự án Luật Đầu tư công.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đề ra và yêu cầu trong năm 2014 và những năm tiếp theo tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 37; đồng thời tăng cường các biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và đạt được những mục tiêu cụ thể. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ các lực lượng tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm; tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; làm giảm các loại tội phạm đang gia tăng như giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ma túy, các tội phạm chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trốn thuế, tội phạm cho vay lãi nặng. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, gia đình, xã hội; giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở, địa bàn dân cư, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Người đứng đầu chính quyền và cơ quan công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; không để tội phạm lộng hành, không để các trường hợp bao che tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; không để hình thành các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận. Công an các cấp tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa xã hội; triệt phá các tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy; giảm tỷ lệ tái phạm tội, giảm số đối tượng bắt truy nã còn ở ngoài xã hội.
Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012 - 2016 và Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và trong lĩnh vực quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt. Người đứng đầu, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, khi không kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; chịu trách nhiệm về những trường hợp xử lý hành chính, kỷ luật không đúng quy định pháp luật để lọt tội phạm, bao che cán bộ do mình quản lý có hành vi tham nhũng.
Hằng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng; nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt. Trong năm 2014, Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; ban hành, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng để phục vụ hiệu quả hoạt động tố tụng; hướng dẫn việc bảo vệ, biểu dương, khen thưởng người tố giác tội phạm, việc xử lý các hành vi trả thù người tố giác tội phạm, tố cáo tham nhũng.
Thời gian còn lại của phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư công.
Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, việc ban hành Luật Đầu tư công nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng việc thực hiện cam kết với các đối tác phát triển về minh bạch, chuẩn mực trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư công phải là bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đầu tư; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư và phân bổ vốn đầu tư.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá dự án Luật Đầu tư công đã cơ bản xây dựng được một bộ khung với trình tự, các bước thủ tục, phân cấp quyết định đầu tư và kiểm soát từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình đầu tư công. Đặc biệt, dự án Luật đã quy định rõ trách nhiệm của người quyết định ngay từ khâu lập, phê duyệt chủ trương đầu tư. Trách nhiệm này còn được kiểm soát bằng các điều kiện quy định rõ ràng, mang tính bắt buộc trước khi phê duyệt. Đại biểu nhấn mạnh, dự án Luật đã đáp ứng được nguyên tắc rất quan trọng trong phương pháp quản lý hiện đại, hướng đến hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đó là nguyên tắc làm đúng ngay từ đầu, góp phần nâng cao chất lượng các kế hoạch đầu tư, các dự án đầu tư cũng như xác định rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan đến hoạt động đầu tư công; hạn chế được lãng phí ngay từ khâu chủ trương đầu tư.
Thảo luận về 14 hành vi bị cấm trong dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị cần ghép khoản 4 và 5 của Điều 10 để tránh sự trùng lặp về nội dung và làm rõ các hành vi bị cấm. Khoản 4 và 5 sẽ thành một khoản quy định mới là phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đầu tư công kém hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, tài nguyên quốc gia làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng. Đại biểu đề xuất ghép khoản 6 với khoản 8 Điều 10 thành khoản quy định mới là bố trí và sử dụng vốn đầu tư công dàn trải, không theo đúng các mục đích, đối tượng, tiêu chí, nguyên tắc và định mức đã được quy định. Cho rằng đầu tư công có hai mục tiêu là lợi nhuận và phi lợi nhuận nên rất dễ bị lạm dụng, khi có lãi thì coi là đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận, còn khi có lỗ thì bị coi là đầu tư phi lợi nhuận, đại biểu đề nghị cần bổ sung một hành vi nữa bị cấm trong dự Luật đó là cố tình tính toán sai, gian lận trong hạch toán đầu tư công vì mục tiêu lợi nhuận và không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm trục lợi cho cá nhân và đơn vị thực hiện đầu tư.
Có ý kiến cho rằng thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như: do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công,... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Về vấn đề này đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó, quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công...
Cũng về vấn đề nguyên tắc quản lý đầu tư công, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) tâm đắc với nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 16. Theo đại biểu nguyên tắc này chi phối không chỉ từ khi bắt đầu hình thành chủ trương đầu tư mà xa hơn, cơ sở thiết lập kế hoạch đầu tư phải bắt nguồn từ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn bởi hiện nay, một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế là Đề án Tái cơ cấu đầu tư công mới đang tiếp tục nghiên cứu. Theo đại biểu đây là nội dung quan trọng, định hướng cho việc thiết kế các điều luật sát với yêu cầu của tái cơ cấu nền kinh tế; đồng thời làm cơ sở cho việc hoạch định, xác lập các kế hoạch đầu tư đi đúng trọng tâm. Đại biểu đặt vấn đề “Luật Đầu tư công nên thiết kế theo Đề án Tái cơ cấu đầu tư công hay ngược lại? Nếu không xác định và làm rõ mối liên hệ giữa Luật Đầu tư công và Đề án Tái cơ cấu đầu tư công thì e rằng sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra của luật này”.
Tại phiên thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích về nhiều nội dung quan trọng của dự Luật gồm: chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công; điều kiện và đối tượng chương trình, dự án đầu tư công được ghi vốn kế hoạch đầu tư hàng năm; quy định trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể liên quan đến đầu tư công...
Theo Chương trình, sáng 28-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp; Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.
Đoàn công tác Bộ Quốc phòng đánh giá chất lượng tàu tuần tra đa năng Cảnh sát biển 8001 và thăm đảo Trường Sa  (28/11/2013)
Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng  (27/11/2013)
Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản thăm điểm di tích tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang  (27/11/2013)
Ninh Thuận cần quan tâm chăm lo đời sống của người dân phải di dời, tái định cư dự án điện hạt nhân  (27/11/2013)
Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2014  (27/11/2013)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên