Từ ngày 25 đến 27-2, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ ba (3th ADMM) diễn ra tại thành phố biển Pát-tay-a thuộc tỉnh Chon-bu-ri của Thái Lan.

Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác xây dựng quân đội các nước trong khối trên tinh thần hiểu biết, hữu nghị và tin cậy lẫn nhau; mở rộng trao đổi thông tin, thúc đẩy các chuyến thăm các cấp chỉ huy, mở rộng việc giao lưu đào tạo, học tập; nâng cao khả năng sử dụng quân đội vào mục đích cứu trợ nhân đạo, thảm họa; thúc đẩy công tác tuần tra chung trên biển, phòng, chống cướp biển, buôn người, tội phạm xuyên biên giới, buôn lậu... Việc hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột chính trong ASEAN góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, duy trì trật tự, ổn định trong khu vực. Hội nghị cũng sẽ thảo luận vấn đề cơ chế ADMM+, nghĩa là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cùng với một số nước đối thoại.

Ðoàn Việt Nam do Ðại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự 3th ADMM. Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân, Ðại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, trước khi ADMM diễn ra, Ðoàn Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Thái-lan và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Thái-lan Pra-vít Vông-xu-van. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Pra-vít đã đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của Ðại tướng Phùng Quang Thanh.

Tại ADMM lần này, phía Việt Nam sẽ nêu vấn đề tôn trọng Tuyên bố ứng xử Biển Ðông (DOC), trong đó nêu rõ tình hình Biển Ðông phức tạp, tồn tại tranh chấp, do đó các bên cần hết sức kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, tiến tới xây dựng bộ Quy tắc ứng xử Biển Ðông (COC), trên cơ sở đó tìm giải pháp các bên chấp nhận được, đồng thời tôn trọng chủ quyền của các nước, tôn trọng công ước Luật Biển quốc tế năm 1982. Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng sẽ nêu vấn đề tăng cường hợp tác, giải quyết các vấn đề liên quan ngư dân xâm phạm vùng biển tiếp giáp giữa các nước trong khu vực. Quan điểm phía Việt Nam là lực lượng hải quân, cảnh sát biển làm nòng cốt giải quyết trên cơ sở tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, không dùng vũ lực, không làm hại tính mạng, tài sản của ngư dân.

Việc Việt Nam tích cực tham gia ADMM lần này góp phần thuận lợi để năm 2010, phía Việt Nam làm chủ nhà và tổ chức thành công ADMM lần thứ tư tại Hà Nội, khi Việt Nam nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN./.