Gia Lai phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả
TCCS - Với diện tích tự nhiên trên 1,553 triệu ha với 7 nhóm đất chính, trong đó có loại đất thích hợp cho trồng trọt (410.067 ha đất ba-dan, 364.806 ha đất xám và 46.430 ha đất phù sa...); khí hậu, thời tiết khá thích hợp với các loại cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới, tỉnh Gia Lai có lợi thế tương đối về phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh có kết cấu hạ tầng cơ sở khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp Gia Lai phát triển.
Nhận thức được tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương, những năm qua tỉnh Gia Lai chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 25/CTr/TU, ngày 10-01-2003 của Tỉnh ủy Gia Lai về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn khẳng định: Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp tăng hằng năm: 7,7%; đến năm 2010, tỷ trọng nông lâm nghiệp chiếm 38% trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Quán triệt và thực hiện chủ trương đó, theo từng giai đoạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp trên địa bàn nói riêng. Trên cơ sở quy hoạch, các cấp các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và ban hành nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Bằng các nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, 279 công trình thủy lợi lớn nhỏ được đầu tư xây dựng để tưới cho khoảng trên 37.000 ha cây trồng các loại. Chủ động thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông lâm sản như: chế biến mía đường (2 nhà máy), chế biến sắn (4 nhà máy), hạt điều (2 nhà máy). Các công ty sản xuất, kinh doanh cao su, công ty sản xuất kinh doanh cà phê đều có các nhà máy hoặc cơ sở chế biến...; triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: Chương trình Phát triển giống lúa nước chất lượng cao, lai cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo, phát triển đàn ong, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (WB tài trợ), Dự án Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh cà-phê robusta bền vững tại Chư Sê. Ngoài ra, tỉnh còn cấp một số giống và trợ cước, trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, phân bón...; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến tận người dân.
Trong những năm gần đây, trước yêu cầu hội nhập kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Gia Lai càng đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả. Trước hết, về môi trường sinh thái, cả tỉnh hiện có khoảng 720 nghìn héc-ta rừng tự nhiên, độ che phủ khoảng 46%; cơ cấu các nhóm cây trồng cân đối: Năm 2008, nhóm cây công nghiệp lâu năm là 179.588 ha (42% tổng diện tích), trong đó các cây trồng chịu hạn, thời gian cho sản phẩm lâu dài như: cao-su trên 73 nghìn héc-ta, điều trên 20 nghìn héc-ta. Nhóm cây lương thực có hạt 123.606 ha (29%), còn lại là các cây hàng hóa, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản. Thứ hai, về hiệu quả, do các vùng sản xuất hàng hóa luôn được gắn với thị trường tiêu thụ hoặc các nhà máy chế biến nên nông nghiệp của tỉnh phát triển khá ổn định. Trong quy hoạch, tỉnh bố trí các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến, khuyến khích, hỗ trợ các nhà máy chế biến hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm như: nguyên liệu mía phía đông của tỉnh gắn với nhà máy chế biến đường An Khê, Công ty Cổ phần nhiệt điện, mía đường Ayun Pa; vùng nguyên liệu sắn gắn với 4 nhà máy chế biến tinh bột; các công ty cao-su, công ty sản xuất cà-phê đều có nhà máy chế biến sản phẩm... Nhờ đó, các loại nông sản của tỉnh đều được tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Giá trị xuất khẩu nông sản hằng năm của tỉnh đạt khoảng 70 triệu USD, bao gồm trên 100 nghìn tấn cà-phê, trên 67 nghìn tấn mủ cao-su, trên 16 nghìn tấn hạt tiêu... Ngoài ra, một số loại nông sản khác cũng có uy tín về chất lượng trên thị trường trong nước như: bò thịt giống Hà Tam, thuốc lá nguyên liệu,...
Vấn đề quản lý chất lượng nông sản và xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cũng đã được tỉnh quan tâm. Các loại nông sản hàng hóa chính của tỉnh đều xúc tiến việc quản lý chất lượng. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến mủ cao-su xuất khẩu đều được cấp chứng chỉ ISO; 2/2 doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè (Bầu Cạn, Biển Hồ) cũng được cấp chứng chỉ ISO. Hồ tiêu Chư Sê được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê năm 2007. Hiện nay, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai đang xây dựng đề án Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê. Những năm qua, các sản phẩm cao-su, chè, hồ tiêu của Gia Lai đều có mặt ở nhiều nước trên thị trường quốc tế. Điều đó chứng tỏ, các loại nông sản này đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Năm 2007, tỉnh triển khai Dự án Nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh cà-phê robusta bền vững tại Chư Sê. Từ đầu năm 2009, tỉnh tham gia Dự án Cạnh tranh nông nghiệp do WB tài trợ. Nội dung chính của Dự án khuyến khích các tổ chức, cá nhân tổ chức lại sản suất để áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng đối với tất cả các loại nông sản của địa phương. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số quy định về sản xuất thực phẩm an toàn; phân công, phân cấp quản lý nhà nước về quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; ban hành một số chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân sản xuất nông sản áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng để được cấp chứng chỉ như: VietGAP và các GAP tương đương; ISO, Utz và 4C đối với cà-phê...
Những nỗ lực trên, đã đem lại cho nông nghiệp Gia Lai thành quả khá ấn tượng. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm trên 47% GDP, với tốc độ tăng trưởng bình quân năm khoảng trên 8%/năm. Quy mô sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng lớn. Nếu năm 2003, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh là 3.964 tỉ đồng, thì đến năm 2008, giá trị sản xuất đạt 6.067 tỉ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2003.
Đến nay, ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực, tỉnh hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh như: cây công nghiệp lâu năm ở các địa phương phía tây của tỉnh; vùng sản xuất mía nguyên liệu cho các nhà máy ở các địa phương phía đông; vùng sản xuất lúa ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa, thị xã Ayun Pa; vùng chăn nuôi bò ở các địa phương phía đông... Một số cây trồng, vật nuôi của tỉnh chiếm vị trí khá cao trong cả nước như: tổng đàn bò lớn thứ 2; diện tích cà-phê, cao-su đứng thứ 3 trong cả nước; hồ tiêu đứng đầu cả nước.
Những năm tới, tỉnh chủ trương tiếp tục phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả với mục tiêu: Bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; chú trọng đầu tư chiều sâu các vùng sản xuất tập trung với cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý gắn với công nghiệp chế biến và thị trường để khai thác hiệu quả lợi thế so sánh của từng vùng, từng sản phẩm. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Duy trì diện tích rừng hiện có; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng diện tích các cây trồng chịu hạn, năng suất cao, có chu kỳ khai thác nhanh; duy trì và phát triển đàn gia súc có chất lượng cao. Cụ thể:
+ Tiếp tục trồng mới 5 vạn héc-ta cao-su ở những nơi có điều kiện, đưa diện tích đến năm 2015 lên 120.000 ha; xây dựng các cơ sở sơ chế và các cơ sở sản xuất cao-su, bảo đảm chế biến hết và nâng cao chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
+ Đầu tư thâm canh và ổn định 70.000 ha cà-phê gắn với công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư đồng bộ hóa hệ thống thủy lợi, sân phơi, cơ sở chế biến và pha chế tinh, chuyển dần sang sản xuất cà-phê có chứng chỉ nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường xuất khẩu.
+ Trồng mới và tiếp tục cải tạo giống điều, đưa diện tích điều lên 22.000 ha; đồng thời xây dựng các cơ sở chế biến hạt điều xuất khẩu.
+ Ổn định diện tích hồ tiêu 5.189 ha; quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê ra thị trường quốc tế.
+ Phát triển mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, tạo tiền đề phát triển công nghiệp chế biến súc sản, thuộc da. Đẩy mạnh chương trình “lai hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo”; khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh nghề nuôi ong...
- Đối với các nông, lâm sản tiêu dùng trong nước, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng “Thực hành nông nghiệp tốt” (GAP). Đối với các sản phẩm xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Trên cơ sở đó, dần áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, xây dựng “Thương hiệu” cho nông sản Gia Lai. Tuy nhiên, để áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng này, cần thay đổi về tổ chức sản xuất theo 2 hướng: Một là, đẩy nhanh quá trình hình thành các Liên minh sản xuất hoặc Liên minh giữa sản xuất và tiêu thụ... Hai là, thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất. Đây là việc làm cần phải có thời gian và sự ủng hộ của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong tỉnh./.
Để nông nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu  (23/01/2010)
Hội thảo khoa học quốc gia “Các lý thuyết kinh tế chính trong bối cảnh phát triển của thế giới và những vấn đề rút ra cho Việt Nam” thành công tốt đẹp  (23/01/2010)
Tết đến với mọi nhà trên thành phố Hà Nội  (23/01/2010)
Liên hợp quốc và EU kêu gọi nối lại đàm phán hòa bình ở Trung Ðông  (23/01/2010)
Châu Á tăng cường hợp tác về an ninh hạt nhân  (23/01/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên