Nguồn hàng thiết yếu dồi dào giúp CPI tháng Hai chỉ tăng 1,32%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 2 chỉ tăng 1,32% so với tháng 1, tăng 7,02% so với cùng kỳ năm 2012, đưa CPI 2 tháng qua tăng 2,59% so với tháng 12-2012. Đây là thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố chiều 23-2-2013.
Đánh giá về mức tăng CPI tháng Tết Nguyên đán này, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết: Mặc dù là tháng Tết Nguyên đán và có số ngày nghỉ Tết kéo dài nhất từ trước tới nay, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thường cao hơn và sôi động, nhưng nhờ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu khá dồi dào, phong phú nên không gây ra sự tăng giá đột biến như nhiều năm trước đây. Vì vậy, CPI tháng 2-2013 chỉ cao hơn mức tăng 1,17% của tháng 2-2009; còn thấp hơn mức tăng 1,37% của tháng 2-2012 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng từ 2 đến 3,56% của các tháng 2 kể từ năm 2002 lại đây.
Theo đó, CPI tháng 2 tăng ở 10/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,03 đến 2,28%; trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất là 2,28%, nhóm giáo dục có mức tăng thấp là 0,03%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,03%.
Cụ thể, nhờ nguồn cung về lương thực ổn định, chỉ số giá lương thực chỉ tăng nhẹ là 0,37% khi nhu cầu của người dân tiêu dùng Tết về mặt hàng gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng mạnh. Tuy nhiên, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giá lương thực lại giảm 0,85%, trong đó giảm mạnh là mặt hàng gạo tẻ thường do vào thời điểm thu hoạch vụ lúa Đông Xuân.
Với nhóm hàng thực phẩm, do nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền tăng cao nên chỉ số giá thực phẩm tăng tới 3%; trong đó thịt lợn tăng 2,27%, thịt bò tăng 6,62%, thủy sản tăng 3,66%, gia cầm tươi sống tăng 5,68%, nhất là mặt hàng gà ta do nhu cầu cúng lễ của người dân trong dịp Tết tăng.
Do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán, giá đồ uống các loại đã tăng 1,5%, trong đó đồ uống không cồn tăng 1,63%, rượu bia tăng 2,08%, thuốc lá tăng 0,86%. Cũng trong tháng Tết Nguyên đán này, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách đều tăng cao nên nhóm giao thông có mức tăng khá là 0,81%; trong đó dịch vụ giao thông công cộng tăng tới 8,23% với giá vé xe khách tăng 12%, giá vé tàu hỏa tăng 4,5%.
Lý giải về mức tăng tương đối thấp của CPI tháng 2, nhiều chuyên gia cho rằng: Năm 2012 là một năm kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh nên thưởng Tết Nguyên đán năm nay tính chung giảm khoảng 10% so với năm ngoái. Trong khi đó, kinh tế 2013 vẫn chưa có những tín hiệu tốt nên đa số người làm công ăn lương đều có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm hơn, chỉ chi tiêu cho những hàng hóa thiết yếu, giảm chi những hàng hóa dịch vụ xa xỉ. Xu hướng này đã góp phần “hạ nhiệt” quy luật tiêu dùng “nóng” trong dịp Tết như các năm trước đây.
Bên cạnh đó, chính sách bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, dự trữ hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán được triển khai mạnh mẽ ở cả hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần giúp kiềm chế tăng giá đột biến nhiều mặt hàng có sức tiêu dùng mạnh trong dịp Tết.
Dự báo về mức tăng CPI tháng 3 và các tháng tiếp theo, các chuyên gia cho rằng: CPI tháng 2 tăng không cao nhưng nếu sau Tết Nguyên đán, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng theo đề nghị trước đó của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, thì CPI tháng 3 và các tháng tiếp theo sẽ có mức tăng tương đối. Theo tính toán, nếu giá xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lít thì CPI tháng 3 tới sẽ có thể tăng thêm hơn 0,1%.
Trong tháng 2, chỉ số giá vàng đã giảm 0,33% do giá vàng thế giới giảm và chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Giá đô la Mỹ trên thị trường cũng chỉ tăng nhẹ 0,03% nhờ lượng kiều hối gửi về cuối năm tăng mạnh./
Gặp mặt các thành viên Chính phủ qua các thời kỳ  (23/02/2013)
Ngoại trưởng hai nước Nga, Trung Quốc nhấn mạnh lập trường về vấn đề hạt nhân Triều Tiên  (23/02/2013)
Tăng ni, phật tử đóng góp to lớn cho sự phát triển Thủ đô  (23/02/2013)
Thực phẩm và rau xanh giảm giá mạnh sau Tết  (23/02/2013)
Đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại ở nước ta hiện nay  (23/02/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên