TCCSĐT - Ngày 26-9, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tới dự và chỉ đạo Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các bước và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo đúng trình tự, quy định. Theo đó, đến nay đã có 86 ý kiến đóng góp của tập thể, 24 ý kiến của cá nhân. Trên cơ sở hướng dẫn của Thành ủy và tiếp thu các ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng báo cáo kiểm điểm của tập thể; các cá nhân chuẩn bị đầy đủ báo cáo để thực hiện đợt kiểm điểm này.

Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân theo phương thức tập thể trước, cá nhân sau; Bí thư Ban Cán sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trước; sau đó mới đến các phó chủ tịch và thành viên các sở, ngành.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, ngoài đánh giá những ưu điểm, sẽ làm rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành của của tập thể Ủy ban nhân dân thành phố cũng như cá nhân để tìm ra các giải pháp khắc phục, qua đó, xây dựng tập thể Ban Cán sự Đảng đoàn kết thống nhất, có bản lĩnh vững vàng về chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, đáp ứng nhu cầu phát triển và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố phải tập trung đánh giá những thành tựu và cả những hạn chế yếu kém và thảo luận, làm rõ nguyên nhân để trên cơ sở đó, tìm các giải pháp khắc phục. Đáng chú ý kiểm điểm rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, khả năng điều hành của Ban Cán sự Đảng, vai trò trách nhiệm của đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và từng thành viên.

Bí thư Thành ủy yêu cầu tập thể Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, trong đánh giá bám sát các nội dung gợi ý kiểm điểm của Bộ Chính trị đối với Đảng bộ thành phố như công tác quản lý, đầu tư, xây dựng… Làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ xây dựng các dự án, tình trạng xây dựng sai phép tràn lan... và đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới...

* Cùng ngày, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương bốn (khóa XI). Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí
thư Ban Cán sự chủ trì.

Hội nghị lần này nhằm báo cáo kết quả đợt kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng, đồng thời triển khai kế hoạch tổ chức kiểm điểm tới các cấp ủy trực thuộc.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng, vừa qua, tập thể lãnh đạo Ban Cán sự Đảng Bộ đã tập trung kiểm điểm 3 nội dung theo Nghị quyết Trung ương 4, trong đó làm rõ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm và biện pháp khắc phục. Hầu hết các vấn đề lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hoạt động quản lý nhà nước của bộ, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành bộ máy của bộ đã được nêu ra phân tích, đánh giá.

Ban Cán sự Đảng đi sâu phân tích 6 tồn tại, hạn chế về quản lý nhà nước: việc thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp còn chậm, sản xuất một số mặt hàng còn phân tán, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp; tình trạng phá rừng còn xảy ra bức xúc ở nhiều nơi, nhất là Tây Nguyên; khai thác và nuôi trồng thủy sản kém bền vững; quản lý vận hành, duy trì bảo dưỡng các công trình thủy lợi còn nhiều bất cập; đ ầu tư còn dàn trải; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; việc đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, Nông lâm trường quốc doanh còn chậm; quản lý doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ còn nhiều bất cập, yếu kém…

Về công tác tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Ban Cán sự tập trung phân tích những hạn chế, tồn tại về công tác xây dựng tổ chức, công tác tuyển dụng, bố trí công chức, viên chức; năng lực của các cơ quan tham mưu và quản lý chuyên ngành; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị trực thuộc.

Về công tác cán bộ, hiện nay cũng còn nhiều bất cập như: trên 70% cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Bộ quản lý có độ tuổi trên 50, chỉ có khỏang 5% có độ tuổi dưới 40, cán bộ nữ chỉ chiếm 5,7%. Công tác bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển làm được ít, thực tế mới chủ yếu quan tâm đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước. Đội ngũ cán bộ khoa học có số lượng tương đối đông nhưng cũng có tỷ lệ có tuổi đời cao, có nhiều nguy cơ hụt hẫng cán bộ đầu đàn, có trình độ cao. Một số cán bộ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp chưa giỏi nên tổ chức sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả, một số doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT cũng đã tập trung phân tích nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm thuộc tập thể và cá nhân phụ trách, trên cơ sở đó thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo trong thời gian tới.

Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề lớn, bức xúc đang đặt ra đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như tái cơ cấu ngành, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tham gia tích cực quản lý thị trường, giá cả nông sản phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng trong nước; xử lý căn cơ về dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; tạo bước chuyển biến trong quản lý an toàn thực phẩm, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức triển khai quyết liệt chương trình xây dựng nông thôn mới; quan tâm chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất trong ngành, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới tổ chức kinh tế hợp tác, sắp xếp nông lâm trường quốc doanh và các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ.

Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ ngay từ khâu tuyển dụng công chức, viên chức, đồng thời gắn việc đánh giá cán bộ với quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Bộ có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.

* Từ ngày 24 đến 26-9-2012, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Quyền - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Nhóm Công tác của Trung ương dự, chỉ đạo Hội nghị.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã được chuẩn bị chu đáo, tiến hành nghiêm túc theo tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, tập trung vào ba vấn đề theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4: Về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; từ đó, đề ra giải pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, các đồng chí ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các tập thể và cá nhân, những hạn chế, khuyết điểm thuộc trách nhiệm tập thể Ban Thường vụ để bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo kiểm điểm. Nội dung kiểm điểm của từng cá nhân bảo đảm chất lượng, bám sát vào ba vấn đề cấp bách của Nghị quyết; tiếp thu, giải trình rõ, đầy đủ các ý kiến góp ý; đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục, đồng thời xác định những nhiệm vụ cần tập trung giải quyết trước mắt theo từng cương vị công tác.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Lò Văn Giàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Qua kiểm điểm cho thấy, 15 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữ vững lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm túc Quy định về những điều đảng viên không được làm; mỗi cá nhân có tinh thần đoàn kết, tạo nên một tập thể đoàn kết, thống nhất với quyết tâm chính trị cao; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; công tác đối ngoại được mở rộng, có chiều sâu; góp phần giữ vững ổn định chính trị và chủ quyền biên giới quốc gia.

Đồng chí nhấn mạnh: Từng đồng chí đã trình bày kiểm điểm, tập thể tham gia góp ý, bình quân mỗi đồng chí có từ 3 đến 5 ý kiến góp ý, các ý kiến phát biểu thể hiện tình đồng chí, tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, tập trung đánh giá những ưu điểm nổi bật, phân tích làm rõ những hạn chế, yếu kém của đồng chí mình; không có biểu hiện nể nang, thành kiến, áp đặt chủ quan trong quá trình kiểm điểm; người được tham gia góp ý kiến tiếp thu với thái độ chân thành, cởi mở, tạo nên không khí sôi nổi và thực sự dân chủ trong thảo luận. Thông qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình giúp các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đoàn kết thống nhất hơn, chân thành hơn, cởi mở và gắn bó hơn.

Đồng chí đề nghị ngay sau Hội nghị, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ cần tập trung sửa chữa khuyết điểm, khẩn trương thực hiện ngay một số việc thuộc trách nhiệm cá nhân từng đồng chí đã xác định; tiếp thu hoàn chỉnh kiểm điểm và dành thời gian dự, chỉ đạo Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình của ban thường vụ huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh các đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh theo đúng yêu cầu đề ra.

Bộ phận Thường trực, Tổ giúp việc giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng báo cáo kết quả kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ mười ba; thông báo kết quả kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các tập thể, cá nhân tham gia góp ý kiến./.