TCCSĐT- Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande chủ trương khuyến khích tiêu dùng và kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ khiến nước Pháp có thể vượt qua được những khó khăn như nợ công, nạn thất nghiệp, thâm hụt ngân sách…, đồng thời sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi mô hình phát triển kinh tế và diện mạo châu Âu.

Tìm lời giải cho những khó khăn trong nước

Bước vào điện Elysee, tân Tổng thống Pháp F. Hollande và ekip không có nhiều thời gian ăn mừng, mà phải bắt tay ngay vào thực hiện những điều đã cam kết với cử tri: ưu tiên giải quyết các vấn đề kinh tế, sớm ổn định và khôi phục tăng trưởng. Các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung và dài hạn được đề ra và triển khai, đều nhằm huy động tối đa khối doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, sức mua, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng số lượng việc làm mới cho lớp trẻ, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, cải thiện đời sống của tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình... Đây là những thách thức lớn vì kinh tế Pháp đang gặp rất nhiều khó khăn, nợ công hiện đã ở mức hơn 1.700 tỉ euro; thâm hụt thương mại lên tới 70 tỉ euro hồi cuối năm ngoái; thất nghiệp dự báo vượt mức 10% vào mùa hè này; thị phần trên toàn cầu sụt giảm mạnh và năm ngoái chỉ còn chiếm 3,2%.

Theo những số liệu của Viện Thống kê quốc gia Pháp (INSEE), trong quí I năm nay, nền kinh tế Pháp (đứng thứ hai châu Âu, sau Đức), chỉ tăng trưởng 0,2%. Dự tính của Chính phủ Pháp, cả năm 2012, tăng trưởng GDP sẽ là 0,7%, còn theo dự báo của IMF chỉ đạt 0,5%. Có thể thấy, trong mấy năm qua, nền kinh tế Pháp chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng, vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm được khắc phục: năm 2009 tăng trưởng GDP đạt chỉ số âm 2,3%; năm 2010 tăng 1,4%; năm 2011 tăng 1,7%; năm nay dự tính tăng 0,7%. Tân Tổng thống F. Hollande đề ra chương trình tăng trưởng năm 2013 là 2%. Nhưng IMF cho rằng, con số đó là hơi lạc quan, bởi còn nhiều điều kiện ràng buộc và khó khăn. Theo họ, tăng trưởng năm 2013 của Pháp chỉ có thể đạt 1%.

Nợ công của Pháp đang ở mức rất cao. Tính đến cuối năm 2011, tổng số nợ công của nước này đã lên tới 1700 tỉ euro, bằng 85,8% GDP, chỉ đứng sau Hy Lạp (162% GDP) và Italy (120% GDP). Bất chấp mọi biện pháp cắt giảm chi tiêu của Chính phủ, nợ công của Pháp vẫn sẽ chưa giảm cho tới năm 2014. Dự báo, cho đến hết năm 2013, chỉ số nợ công của Pháp sẽ còn leo thang lên tới 89% GDP. Mặc dù vậy, tình hình thâm hụt ngân sách của Pháp đã được cải thiện khá rõ rệt. Nếu năm 2011 chỉ số thâm hụt ngân sách đã được kéo xuống còn 5,2% GDP, thì năm 2012 chỉ số đó sẽ thấp hơn nữa, chỉ còn 4,5% GDP. Cứ theo đà này, chắc chắn Chính phủ của Tổng thống F. Hollande sẽ đáp ứng được những tiêu chuẩn của hiệp ước tài chính mới của khối Eurozone về việc đưa mức thâm hụt ngân sách xuống còn 3% vào năm 2013. Điều đó sẽ tạo điều kiện làm chững lại mức độ leo thang nợ công vào năm 2015 và hy vọng bắt đầu giảm dần nợ công vào năm 2016.

Thâm hụt thương mại cũng là một trong những “di sản tồi tệ” mà chính phủ cũ để lại. Năm 2011, mức thâm hụt trong cán cân ngoại thương của Pháp đã đạt tới con số kỷ lục - 70 tỉ euro. Nền kinh tế thứ hai châu Âu và thứ năm thế giới này đã 9 năm liền trong tình trạng thâm hụt thương mại. Điều đó thể hiện sức cạnh tranh của Pháp suy giảm sâu, chất lượng hàng hóa không đáp ứng nhu cầu thị trường, uy tín sản phẩm không còn cao như trước.

Ông F. Hollande chủ trương gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Pháp. Về điểm này, tờ báo Pháp "Les Echos" lo ngại rằng, chương trình kinh tế của ông sẽ làm cho giá lao động tăng cao, trong khi giá nhân công theo giờ ở Pháp vốn đã cao hơn nhiều so với ở Đức. Còn chủ trương tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy các công trình nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, thì đòi hỏi phải có thêm nhiều thời gian mới đem lại những thành quả cụ thể.

Cán cân thương mại và thị phần sản phẩm “made in France”, lệ thuộc vào số lượng và quy mô các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu so sánh với Đức, nền kinh tế đầu tàu - số 1 châu Âu, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu của Pháp chỉ bằng 1/4 của Đức. Hơn nữa, trong vòng hơn một thập kỷ qua, từ năm 2000 đến nay, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu của Pháp đã giảm từ 130 nghìn xuống còn 117 nghìn. Trong vòng 20 năm qua, giá trị thị phần của Pháp đã giảm gần một nửa, từ 6,2% năm 1990, xuống còn 3,2% năm 2011. Phải làm sao ngay từ năm nay ngăn chặn được sự gia tăng thâm hụt thương mại và lấy lại đà phát triển xuất khẩu? Đây cũng là một trong những bài toán không dễ đối với ông F. Hollande.

Chủ trương hòa đồng với châu lục

Tân chủ nhân điện Elysee F. Hollande ý thức rõ rằng, ông không phải chỉ lo cho mô hình phát triển kinh tế của riêng nước Pháp, mà còn tự coi mình là người “sẽ tạo ra sự thay đổi trên toàn châu Âu”. Trong bài phát biểu vào sáng ngày 7-5, tại quảng trường Bastille, trước đông đảo những người ủng hộ đang vui mừng chiến thắng, ông F. Hollande nói: “Mọi người ở tất cả các thủ đô khác đang hướng về chúng ta. Nhờ có chúng ta mà họ có hy vọng và mong muốn chấm dứt tình trạng thắt lưng buộc bụng. Các bạn đang tạo ra một phong trào trên khắp châu Âu, và có thể còn trên toàn thế giới”.

Tân Tổng thống F. Hollande cho biết, việc đầu tiên sau cuộc bầu cử là ông sẽ viết một bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo châu Âu khác, kêu gọi đàm phán lại Hiệp ước siết chặt kỷ luật ngân sách, nhằm đưa các nền kinh tế của châu lục này xích lại gần nhau hơn. Ông F. Hollande muốn chương trình kích thích kinh tế có sự tài trợ của Chính phủ được thông qua, với hy vọng có thể tái khởi động tăng trưởng. Ông lập luận rằng, khủng hoảng nợ công sẽ chỉ tồi tệ hơn, nếu các nền kinh tế châu Âu không tăng trưởng trở lại. Ông Jeffrey Bergstrand, giáo sư tài chính Trường Đại học Notre Dame cho rằng, việc tân Tổng thống F. Hollande thúc đẩy tăng cường chi tiêu trên toàn châu Âu nhằm kích thích phát triển kinh tế là một điều đáng mừng. Theo ông J. Bergstrand, châu Âu sắp rơi vào một tình thế thực sự tồi tệ và nghiêm trọng. Quan điểm của Tổng thống F. Hollande về việc khắc phục nợ công bằng cách thúc đẩy tiêu dùng, kích thích sản xuất, chứ không phải “thắt lưng buộc bụng” như người tiền nhiệm chủ trương, sẽ trở thành “tiếng nói đại diện cho những quốc gia muốn làm một điều gì đó nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Ông F. Hollande dự định chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông là tới Đức, nơi ông muốn cùng nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel thương lượng lại về hiệp ước liên quan đến ngân sách châu Âu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong Eurozone. Và sau đó, sẽ là những chuyến thăm - làm việc với các đối tác, đồng minh lớn ở châu Âu, với Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, mặc dù trước đây Thủ tướng Đức luôn tích cực ủng hộ ông Nicolas Sarkozy trong chiến dịch tái tranh cử vào điện Elysée, song giờ đây bà Angela Merkel đang nỗ lực xây dựng mối liên minh mới với tân Tổng thống Pháp F. Hollande. Nhiều nhà quan sát cho rằng, mối quan hệ Merkel - Hollande có thể sẽ tốt đẹp hơn những gì người ta đã dự đoán trước đó. Bà A. Merkel đã tuyên bố sẽ sẵn sàng hợp tác với tân Tổng thống Pháp và chuyển trọng tâm sang mô hình thúc đẩy tăng trưởng tại châu Âu, mặc dù bà vẫn tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp tài chính khắc khổ, “thắt lưng buộc bụng”. Trong một động thái khác thể hiện việc Đức sẵn sàng hợp tác với ông F. Hollande, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã tuyên bố hai nước Đức và Pháp sẽ “nhanh chóng thảo luận để bổ sung một thỏa thuận tăng trưởng vào bản hiệp ước tài chính nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của khu vực đồng euro”.

Việc một chính khách cánh tả lần đầu tiên kể từ năm 1995 lên làm Tổng thống Pháp cũng hàm chứa khả năng làm thay đổi mạnh mẽ vai trò của Pháp trên trường quốc tế, nhất là ở thời điểm có nhiều biến động và nhạy cảm như hiện nay. Tổng thống F. Hollande chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8 và Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới tại Mỹ, cũng như tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào tháng 6 tới tại Mexico. NATO đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng tại Afghanistan. Cộng đồng thế giới cũng đang mệt mỏi với tình hình bạo lực gia tăng tại Syria và nguy cơ đối đầu quân sự liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Các chuyên gia chính trị cho biết, đã và đang xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nước Pháp dưới sự lãnh đạo của ông F. Hollande sẽ có nhiều thay đổi hơn.

Các cố vấn của tân Tổng thống F. Hollande cho biết, ông F. Hollande có thể sẽ sớm có thông báo một lộ trình rút toàn bộ 3.300 lính Pháp khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, hoặc cùng lắm kéo dài đến năm 2014. Quyết định này, nếu được đưa ra, có thể tác động không nhỏ tới nỗ lực của Mỹ hô hào các đồng minh châu Âu cùng góp sức hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Ông F. Hollande có thể cũng sẽ bảo lưu quan điểm của cựu  Tổng thống N. Sarkozy, theo đó, Pháp sẽ tham gia ngày càng nhiều vào các chiến dịch quân sự của NATO, cũng như sẽ quyết định tái gia nhập cơ cấu bộ chỉ huy quân sự NATO.

Đông đảo các nhà quan sát ở Paris, cũng như tại các thủ đô trên khắp thế giới đều cho rằng, chính sách của tân Tổng thống Pháp F. Hollande nhằm khuyến khích tiêu dùng, kích thích sản xuất sẽ tạo đà phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó sẽ giảm dần thâm hụt ngân sách, tạo nhiều việc làm mới, góp phần giảm đội quân thất nghiệp. Và đương nhiên, chỉ như thế mới có thể cải thiện đời sống của người dân, tạo diện mạo mới cho mỗi quốc gia, cũng như toàn châu lục. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, dù ông F. Hollande thuộc cánh tả, hay bất cứ ai khác, một khi đã trở thành người đứng đầu nước Pháp, thì cũng không thể “thoát ly” châu lục, không thể không tạo dựng mối quan hệ thân thiện và hòa đồng với thế giới, mà trước hết là với các cường quốc như Đức, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc… Bởi vậy, trong các vấn đề Afghanistan, Syria hoặc Iran, ông F. Hollande không thể “một mình một ngựa” thủng thẳng dạo chơi đâu đó, hay phi nước đại tới mục tiêu riêng của mình./.