TCCSĐT - Sáng ngày 3-5-2012, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Tạp chí Mặt trận thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình Phát triển Liệp hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đã phối hợp tổ chức Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2011.



 

 Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2011


PAPI - chỉ số phản ánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân

Khi đất nước đạt đến trình độ phát triển cao hơn thì người dân cũng đòi hỏi các cấp chính quyền nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ngoài yêu cầu về tăng số lượng hay diện bao phủ của các loại hình dịch vụ, người dân cũng đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt hơn, kỳ vọng của người dân cũng cao hơn. Chỉ số PAPI (Public Administration Performance Index) là công cụ chính sách nhằm đo lường và theo dõi mức độ hiệu quả công tác quản trị, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước (bao gồm cả cung ứng dịch vụ công) dựa trên trải nghiệm và cảm nhận của người dân khi tiếp xúc, giao dịch với cơ quan chính quyền các cấp.

Là công cụ theo dõi hiệu quả hoạt động, PAPI góp phần cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công qua việc cung cấp thêm một cách nhìn, một cách tiếp cận - từ cảm nhận thực tiễn của người dân. Với ý nghĩa đó, PAPI cung cấp thông tin về những vấn đề “dân biết”, là phương tiện hỗ trợ việc thảo luận và thẩm định các giải pháp nhằm tạo điều kiện để “dân bàn”, đồng thời đánh giá hiệu quả thực tế của các cấp chính quyền thông qua việc tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền hạn “dân kiểm tra”. Theo ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc CECODES, thành viên chính trong nhóm nghiên cứu PAPI, “triết lý của nghiên cứu PAPI là nhìn từ góc độ người dân là “khách hàng” sử dụng dịch vụ của nền hành chính công, có đủ khả năng thực hiện giám sát và đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền nơi họ sinh sống”.

PAPI 2011 nghiên cứu, khảo sát 6 lĩnh vực nội dung lớn (còn gọi là 6 trục nội dung với 22 nội dung thành phần và 92 chỉ số thành phần) có mối quan hệ tương hỗ liên quan đến quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh, bao gồm: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng; (5) Thủ tục hành chính công; và (6), Cung ứng dịch vụ công. Với hơn 13.640 người dân tại 63 tỉnh/thành được lựa chọn ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp, PAPI 2011 là kết quả của cuộc khảo sát toàn quốc có quy mô lớn, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay, về chủ đề quản trị và hành chính công. Số lượng mẫu rất lớn trải khắp trên toàn quốc đánh dấu bước ngoặt lớn của nghiên cứu PAPI trong nỗ lực hỗ trợ tích cực cho quy trình hoạch định chính sách dựa trên dữ liệu thực chứng.

Kết quả nghiên cứu PAPI 2011

Để xác định những tỉnh/thành phố có mức độ hiệu quả cao từ đó tìm kiếm những điển hình tốt nhằm mục đích nhân rộng điển hình, PAPI đã phân nhóm các tỉnh/thành phố theo 4 nhóm hiệu quả (sử dụng thang điểm từ 6 - 60 điểm) dựa trên điểm số chung của mỗi tỉnh/thành phố.

- Phát hiện nghiên cứu quan trọng đầu tiên đó là các tỉnh/thành phố có thể thuộc vào nhóm có điểm số cao nhất ở một số trục nội dung, song cũng có thể thuộc vào nhóm có điểm số thấp nhất ở các trục nội dung còn lại. Thành phố Hà Nội đạt điểm khá ở các nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch” và “Cung ứng dịch vụ công”, song đạt điểm trung bình thấp ở nội dung “Kiểm soát tham nhũng”. Thành phố Hồ Chí Minh đạt điểm cao ở các nội dung “Công khai, minh bạch”, “Kiểm soát tham nhũng” và “Cung ứng dịch vụ công”, song lại rơi vào nhóm trung bình thấp ở trục nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” và “Thủ tục hành chính công”. Long An là địa phương duy nhất trên cả nước thuộc nhóm tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 nội dung.

- Kết quả cụ thể phân theo 4 nhóm hiệu quả:  

Nhóm các tỉnh/ thành phố đạt điểm cao nhất với điểm số từ 37,381 đến 40,319 gồm: Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Quảng Trị,  Hà Tĩnh,  Sơn La,  Nam Định, Lạng Sơn,  Bình Định,  Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa, Hải Dương, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội và Đồng Tháp.

Nhóm các tỉnh/ thành phố đạt điểm trung bình cao với điểm số từ 36,144 đến 37,217 gồm: Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Bình, Bình Dương,  Bắc Kạn, Bình Phước, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Nam, Hà Nam, Đồng Nai,  Phú Thọ, Yên Bái và Đắk Nông.

- Nhóm các tỉnh/ thành phố đạt điểm trung bình thấp với điểm số từ 35,003  đến 36,098 gồm: Bắc Ninh, Kon Tum, thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Sóc Trăng và Lâm Đồng.

- Nhóm các tỉnh/ thành phố đạt điểm thấp nhất với số điểm từ 32,599 đến 34,995 gồm: Ninh Thuận, Điện Biên, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Hưng Yên, Lai Châu, Bạc Liêu, Ninh Bình, Bình Thuận, An Giang, Phú Yên, Cao Bằng, Tây Ninh, Hà Giang và Trà Vinh.

Tuy công cụ thu thập dữ liệu PAPI trong thời gian đầu vẫn mang tính thử nghiệm, song các phát hiện trong nghiên cứu PAPI đã và đang được nhiều cơ quan, địa phương sử dụng để theo dõi, đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công. Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì thực hiện cải cách hành chính cũng đang xem xét sử dụng PAPI làm công cụ mang tính tham khảo và bổ sung cho bộ chỉ số theo dõi, đánh giá công tác cải cách hành chính (PAR Index) ở Trung ương và địa phương. Việc so sánh mức độ hiệu quả của các tỉnh/thành phố, dù mang tính tham khảo, nhưng cũng góp phần tạo thêm động lực cho các địa phương thúc đẩy hơn nữa hiệu quả quản trị và hành chính công ở địa phương./.

Địa bàn khảo sát:

Năm 2009: thí điểm tại 3 tỉnh: Phú Thọ, Đà Nẵng và Đồng Tháp
Năm 2010: triển khai tại 30 tỉnh/ thành phố trên toàn quốc
Năm 2011: triển khai tại 63 tỉnh/ thành phố