TCCSĐT - Trong các ngày 2 và 3 -5-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có buổi tiếp xúc cử tri các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

* Ngày 3-5-2012, tiếp xúc cử tri quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế nước ta nhìn chung còn yếu kém, trong khi đó, năm 2015 Việt Nam sẽ tự do hóa hoàn toàn về thương mại, giảm thuế suất như đã cam kết với các tổ chức quốc tế có liên quan. Theo Chủ tịch nước, thời gian còn lại không nhiều, do vậy phải nỗ lực tối đa, các doanh nghiệp phải chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đại diện doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ có thêm các giải pháp mạnh hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, như: giảm thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạ lãi suất ngân hàng, ưu tiên nguồn vốn để duy trì sản xuất... Theo cử tri Trần Trường Sơn, đại diện khối doanh nghiệp sáng tạo Thành phố, hiện nay doanh nghiệp sáng tạo nói chung và doanh nghiệp chế tạo máy nói riêng đang chết dần; sự sáng tạo của nền kinh tế, khả năng tăng năng suất của nền kinh tế có nhiều hạn chế. Vì vậy cần ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp sáng tạo, hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp chế tạo máy...

Lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khó khăn, thiếu vốn... cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày đang “sống dở, chết dở”. Các cử tri đại diện khối doanh nghiệp dệt may kiến nghị nên thành lập vùng nguyên liệu tại chỗ để doanh nghiệp tăng giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, có chính sách cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, công nghệ...

Trước những băn khoăn và kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, song song với kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã bắt đầu triển khai một số giải pháp cụ thể để khắc phục tình hình suy giảm kinh tế và sản xuất đang khó khăn hiện nay. Chủ tịch nước nhấn mạnh, một mặt Nhà nước sẽ có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng mặt khác doanh nghiệp phải chủ động nỗ lực vượt khó, vì trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp không thể cứ mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

** Nhằm thu thập ý kiến, nắm bắt nguyện vọng của cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII, trong hai ngày 2 và 3-5-2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri theo chuyên đề tại huyện Đức Thọ và thành phố Hà Tĩnh về lĩnh vực giáo dục ở bậc phổ thông và giáo dục dạy nghề.

 

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm xưởng thực hành cơ khí của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh.

Lắng nghe ý kiến của đại diện cử tri là các thầy cô giáo tại các trường phổ thông huyện Đức Thọ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, công tác giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là quốc sách xây dựng và phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước. Sau nhiều năm đổi mới, đất nước đang hướng tới giai đoạn phát triển mạnh, tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực và tích cực xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, giáo dục, đào tạo là giải pháp mang tính quyết định, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Vui mừng trước thành tích Hà Tĩnh đứng trong tốp đầu cả nước về giáo dục phổ thông trong điều kiện là địa phương nghèo, còn nhiều khó khăn, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh những ý kiến thẳng thắn của các cử tri, các thầy cô giáo về những bất cập, hạn chế trong dạy và học tại địa phương và trên địa bàn cả nước. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kỹ những tồn tại này để từng bước có giải pháp khắc phục, giải quyết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp tục thu thập kiến nghị, đề xuất của cử tri, tổng hợp thêm nhiều ý kiến hơn nữa góp phần vào việc sửa đổi pháp luật về giáo dục một cách toàn diện, đầy đủ hơn trên các phương diện của công tác giáo dục.

Thăm cơ sở đào tạo, gặp gỡ các thầy cô giáo tại trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh và tiếp xúc với các cử tri công tác trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, đất nước đang có nhu cầu rất lớn về việc thu hút nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế những năm vừa qua, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trách nhiệm đặt ra đối với ngành giáo dục cả nước là hết sức quan trọng nhưng cũng đầy vinh quang, đào tạo những thế hệ lao động đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, là địa phương đang định hướng phát triển mạnh về công nghiệp, hình thành khu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đang có nhu cầu lớn về lao động mọi ngành nghề. Căn cứ vào tình hình thực tế, nhiệm vụ đào tạo nghề của tỉnh cần hướng đến những yêu cầu cụ thể, đặc biệt là việc đào tạo lao động phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Trân trọng, đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị của đông đảo cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp tục tổng hợp, ghi nhận các ý kiến đóng góp, tổng hợp, đánh giá riêng về lĩnh vực đào tạo nghề, từ đó đặt ra các giải pháp, thực hiện bằng được mục tiêu đặt ra. Tỉnh cần lưu ý mở rộng mô hình đào tạo, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, đổi mới giáo trình, chương trình, tránh tình trạng lạc hậu trong đào tạo. Việc đầu tư dạy nghề cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, mô hình đào tạo theo hướng tự chủ, năng động, tránh dàn trải, cào bằng.

Tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước, các thầy cô giáo tại huyện Đức Thọ đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong ngành giáo dục nói chung, ngành giáo dục của huyện và tỉnh nói riêng. Các ý kiến đề nghị bổ sung chế độ phụ cấp đối với cán bộ không trực tiếp làm công tác giảng dạy; tạo cơ chế ưu đãi để khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập; hạn chế việc thay đổi sách giáo khoa gây tốn kém, lãng phí; nâng cao chất lượng giáo dục sư phạm; điều chỉnh, sửa đổi quy định mỗi xã có một trường tiểu học ở trung tâm vì không phù hợp với tình hình thực tế; giảm tải chương trình, nội dung đào tạo cho học sinh tránh tình trạng học nhiều, nhưng kiến thức không chuyên sâu. Nêu bật những hạn chế, tồn tại trong chính sách đào tạo nghề, cử tri Hà Tĩnh đề nghị Nhà nước cần có chính sách cụ thể đối với doanh nghiệp để đầu tư cho đào tạo nghề; bổ sung kinh phí phù hợp để đảm bảo đủ điều kiện vật chất cho các cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tiếp tục chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cho nhà trường. Nhà nước cũng cần có chính sách cho đầu tư hoặc huy động nguồn lực xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa để phát triển mạng lưới đào tạo nghề…

*** Tiếp theo các buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt, ngày 3-5, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn -Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội và các thành viên trong đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII thành phố Cần Thơ tiếp tục lần lượt tiếp xúc cử tri tại hai quận trung tâm Bình Thủy và Ninh Kiều.

 

 Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh tiếp xúc cử tri tại 2 quận Bình Thủy và Ninh Kiều.

Tại hai điểm tiếp xúc, Đại diện đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII thành phố Cần Thơ đã thông báo đến cử tri dự kiến tóm tắt những vấn đề quan trọng sẽ thảo thuận, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 21-5 đến ngày 21-6. Thông báo về tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh quí I và 4 tháng đầu năm năm 2012 những thuận lợi khó khăn, cái được và chưa được, theo đó nêu một số vấn đề trọng tâm Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, một số chương trình xây dựng dự án luật, sửa đổi một điều luật của một số bộ luật…

Cử tri cho rằng, các cuộc họp của Quốc hội và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới trong chất vấn, trả lời chất vấn, trong đó rất hoan nghênh các cuộc họp trực tuyến để các Bộ ngành đối thoại trực tuyến trả lời cử tri. Cử tri cũng bày tỏ băn khoăn tình trạng tham nhũng, một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút phẩm chất, ý chí chiến đấu, tha hóa, cơ hội, vô cảm, thực dụng vẫn đang tồn tại đương chức làm mất dần niềm tin của nhân dân. Vấn đề tai nạn giao thông, chất lượng công trình giao thông bị rút ruột...chưa được đẩy lùi.

Cử tri kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y trế và bảo hiểm thất nghiệp, chương trình đào tạo nghề... Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn nhiều bất cập, các bộ, ngành chức năng nên có kế hoạch sản xuất cung - cầu hài hòa tránh tình trạng "điệp khúc” được mùa rớt giá như hiện nay.

Lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, đề đạt của cử tri, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh biểu dương tinh thần đóng góp xây dựng thẳng thắn của cử tri, cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ chân thành của cử tri thành phố Cần Thơ. Với tinh thần công khai, dân chủ, thẳng thắn, đồng chí Lê Hồng Anh báo cáo bổ sung tóm tắt chương trình kỳ họp của Quốc hội sắp tới; tóm tắt tình hình phát triển kinh tế – xã hội - quốc phòng, an ninh của đất nước; hệ thống lại kế hoạch và 7 nhóm giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm, đồng thời trao đổi một số vấn đề cử tri quan tâm.../.