Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 7-7 đến 13-7-2008)
1. I-rắc yêu cầu Mỹ ấn định thời gian biểu rút quân
Thủ tướng I-rắc, ông Nu-ri an-Ma-la-ki (Nurri al-Maliki), cho biết ông đang đàm phán với Mỹ về nội dung của một thoả thuận chỉ cho phép quân đội Mỹ hiện diện trong thời gian ngắn ở I-rắc sau năm 2008 và ấn định thời gian biểu cho việc rút toàn bộ quân Mỹ khỏi I-rắc. Phát biểu với đại sứ các nước A-rập ở Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), ông Nu-ri An-Ma-la-ki cho biết, Bát-đa có ý định đạt được một văn bản ghi nhớ về việc rút các lực lượng quân sự nước ngoài ra khỏi I-rắc, hoặc định ra thời gian biểu cho việc rút quân. I-rắc đang tiếp tục đàm phán với Mỹ nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, cơ sở cho mọi thoả thuận cũng sẽ phải tôn trọng chủ quyền của I-rắc. Tháng 11-2007, Tổng thống G.W.Bu-sơ và Thủ tướng Nu-ri an-Ma-la-ki đã nhất trí trên nguyên tắc về việc sẽ ký Hiệp định về quy chế dành cho các lực lượng Mỹ ở I-rắc vào cuối tháng 7-2008, tạo cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia này sau tháng 12-2008. Như vậy, tuyên bố của Chính phủ Bát-đa hôm 7-7-2008 về việc ấn định thời gian biểu cho việc rút quân Mỹ khỏi I-rắc khiến cho nỗ lực bấy lâu nay của Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận với Bát-đa cho phép quân đội Mỹ hiện diện vô thời hạn ở quốc gia Vùng Vịnh này đứng trước nguy cơ thất bại.
2. Nga tiến hành cuộc diễn tập quy mô lớn tại vùng Biển Nhật Bản
Nga tiến hành cuộc diễn tập quy mô lớn
tại vùng Biển Nhật Bản |
Ngày 8-7-2008, hơn 20 tàu chiến và tàu hỗ trợ thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Nga bắt đầu cuộc diễn tập quy mô lớn tại vùng Biển Nhật Bản, trong đó có cả các cuộc bắn đạn thật. Sỹ quan hải quân cao cấp Rô-man Mác-tốp, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết, cuộc tập trận này là một phần của chương trình huấn luyện chiến đấu mùa hè 2008. Hạt nhân của lực lượng tham gia tập trận là tàu tuần dương mang tên lửa "Va-ri-at" ("Varyag") được mệnh danh là "sát thủ đối với các tàu sân bay"; tàu khu trục "Bư-tri" ("Bystry") và nhỉều tàu tên lửa khác. Theo kịch bản tập trận, lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Nga với sự phối hợp của không quân, hải quân đóng trên bờ sẽ truy lùng và tiêu diệt một "lực lượng xâm lược" đang mưu toan đánh chiếm và xây dựng công sự trên bờ biển của Nga. Các tàu chiến của Nga thực hiện nhiều cuộc bắn đạn thật nhằm vào các mục tiêu trên mặt biển, đất liền và trên không.
3. Diễn biến mới trên chính trường Xéc-bi
Sau gần hai tháng kể từ ngày bầu cử Quốc hội, ngày 8-7-2008, Quốc hội mới của Xéc-bi thông qua danh sách nội các Chính phủ mới với 127 phiếu chống, 150 phiếu thuận. Chính phủ mới do ông Mi-rơ-cô Xvét-cô-vich, người của Đảng Dân chủ, 58 tuổi làm thủ tướng, với 24 bộ trưởng, 1 bộ trưởng không Bộ, 1 Phó Thủ tướng thứ nhất và 3 Phó Thủ tướng khác. Hầu hết các bộ trưởng mới là người của các đảng trong Liên minh đa số (gồm Phái thân EU, Liên minh các Đảng xã hội và Nhóm các Đảng thiểu số), ngoài ra có 4 bộ trưởng không đảng phái và 1 bộ trưởng thuộc khu vực vùng Xan-dắc (Sandzak), nơi có ảnh hưởng lớn của Đạo Hồi. Nhận sự kiện này, Tổng thống Xéc-bi, ông Bô-rit Ta-dích, tuyên bố, Chính phủ mới tuy đông nhưng sẽ hoạt động trong một khối thống nhất ý chí với các nguyên tắc cơ bản như cam kết sớm gia nhập EU; phủ nhận quyền của Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập; tăng cường phát triển kinh tế đất nước; phát huy trách nhiệm của chính phủ trong lĩnh vực xã hội; đẩy mạnh nỗ lực chống tội phạm và tham nhũng; tuân thủ luật pháp quốc tế. Một trong những bước đi đầu tiên của Chính phủ mới là trình Quốc hội thông qua Hiệp định về ổn định và liên kết với EU. Ngày 8-7-2008, EU lên tiếng hoan nghênh Chính phủ mới tại Xéc-bi và hy vọng Xéc-bi sẽ nhanh chóng gia nhập EU.
4. Hội nghị Hội đồng Ngoại trưởng lần thứ 11 của Nhóm D-8
Ngày 8-7-2008, Tham dự Hội nghị Hội đồng Ngoại trưởng lần thứ 11 của Nhóm 8 nước hồi giáo đang phát triển, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ni-giê-ri-a, I-ran, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Pa-ki-xtan, Băng-la-đet, còn gọi là D-8, tổ chức tại Cu-a-la Lăm-pơ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ba-ba-can, tuyên bố Ban thư ký thường trực của D-8 sẽ được thiết lập tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên và loại trừ những trở ngại đối với quá trình hợp tác đó. Theo cách giải thích về những biện pháp nhằm tăng cường khuôn khổ pháp lý của Ban thư ký D-8, ông Ba-ba-can cho biết, D-8 là thể chế của 8 nước hồi giáo đang phát triển, được thành lập dưới sự lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị Hội đồng Ngoại trưởng lần thứ 11 của Nhóm D-8 thảo luận về hệ thống bầu cử và các quy định liên quan đến bầu Tổng thư ký. Tổng thư ký hiện nay của D-8 sẽ tiếp tục đảm nhiệm cương vị thêm 4 năm nữa, sau đó các nước thành viên sẽ bầu một Tổng thư ký cho nhiệm kỳ 4 năm theo vần chữ cái La-tinh, theo đó, Tổng thư ký tiếp theo sẽ do I-ran lựa chọn, tiếp đến là Ni-giê-ri-a.
5. Vụ khủng bố tàn khốc nhằm vào Đại sứ quán Ấn Độ tại Áp-ga-ni-xtan
Ngày 7-7-2008, một vụ khủng bố tàn khốc do một kẻ tấn công tự sát lao chiếc xe chứa đầy chất nổ vào Đại sứ quán Ấn Độ tại trung tâm thủ đô Ca-bun của Áp-ga-ni-xtan, làm ít nhất 28 người chết và 141 người khác bị thương. Bộ Nội vụ Áp-ga-ni-xtan khẳng định vụ nổ là do bom xe trong khi chưa có cá nhân hay tổ chức nào nhận trách nhiệm thực hiện một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất tại đây trong thời gian gần đây. Trong số những người thiệt mạng, có 2 nhân viên bán quân sự của Áp-ga-ni-xtan làm nhiệm vụ canh gác Đại sứ quán. Toà nhà của Đại sứ quán đã bị hư hỏng nặng nhưng Đại sứ Ấn Độ tại Áp-ga-ni-xtan và các quan chức cao cấp khác của Đại sứ quán đều an toàn. Ấn Độ hiện có mối quan hệ gần gũi với Áp-ga-ni-xtan và đã tài trợ nhiều dự án hạ tầng tại quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Ngoại trưởng Áp-ga-ni-xtan đã đến thăm Đại sứ quán Ấn Độ ngay sau vụ tấn công. Chính phủ Ấn Độ ra tuyên bố kịch liệt lên án vụ tấn công và khẳng định rằng những hành động khủng bố như vậy sẽ không thể làm ảnh hưởng đến cam kết của Ấn Độ đối với chính phủ và nhân dân Áp-ga-ni-xtan. Đại sứ của Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Lương Minh, đồng thời là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 7-2008 đã ra tuyên bố phản đối hành động khủng bố vừa qua và yêu cầu các bên điều tra xác định thủ phạm để có biện pháp trừng phạt thích đáng. Ông Minh cho rằng, khủng bố không phải là giải pháp để giải quyết mâu thuẫn và xung đột.
6. Ký kết Thoả thuận giữa Mỹ và Cộng hoà Séc về lá chắn tên lửa
Ký kết Thoả thuận giữa Mỹ và Cộng hoà Séc về lá chắn tên lửa |
Ngày 8-7-2008, Ngoại trưởng Mỹ C.Rai-xơ và Ngoại trưởng Cộng hoà Séc Ca-ren Xva-den-béc (Karel Schwarzenberg) đã ký kết Thoả thuận về việc Cộng hoà Séc cho phép Mỹ xây dựng một phần lá chắn tên lửa quốc gia NMD ở Cộng hoà Séc, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Nga. Từ trước tới nay, Oa-sinh-tơn vẫn một mực khẳng định rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ bảo vệ Mỹ và các đồng minh châu Âu trước mọi cuộc tấn công trong tương lai từ một nước đối địch như I-ran. Tuy nhiên, Điện Crem-li lại coi hệ thống này của Mỹ là một hiểm hoạ đối với hoà bình và an ninh ở châu Âu. Nga đe doạ sẽ hướng tên lửa hạt nhân vào Đông Âu nếu dự án phòng thủ tên lửa của Mỹ được triển khai tại khu vực này. Trong khi đó, Vác-sa-va chưa đồng ý ký kết thoả thuận cho phép Oa-sinh-tơn bố trí 10 tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ của họ với lý do Mỹ chưa sẵn sàng chi hàng trăm triệu USD viện trợ nhằm giúp hiện đại hoá quân đội và các hệ thống phòng không của Ba Lan.
7. Quan hệ ngày một căng thẳng giữa Nga và Gru-di-a
Quan hệ ngày một căng thẳng
giữa Nga và Gru-di-a |
Ngày 9-7-2008, Ngoại trưởng Mỹ C. Rai-xơ thăm Gru-di-a nhằm kêu gọi các bên Nga và Gru-di-a kiềm chế căng thẳng đang leo thang giữa hai nước. Trong bối cảnh hiện nay, cả Mỹ và Đức đều muốn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Gru-di-a. Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Đức, ông Xtây-mây-e (Steinmeier), đưa ra giải pháp ba bước cho nhóm các chuyên gia giải quyết xung đột khu vực của Liên hợp quốc. Với vai trò Chủ tịch EU 6 tháng cuối năm 2008, Pháp cũng mong muốn các bên hãy kiềm chế ở mức cao nhất và nối lại đối thoại càng sớm càng tốt để tránh leo thang bạo lực ở khu vực. Oa-sinh-tơn muốn đứng ra đóng vai trò trung gian hoà giải giữa Nga và Gru-di-a, nhưng Ngoại trưởng Nga La-vơ-rốp đã tuyên bố dứt khoát rằng, Nga sẽ đối thoại trực tiếp với Gru-di-a để giải quyết vấn đề mà không cần bất cứ sự trung gian hoà giải nào. Ngày 8-7-2008, Áp-kha-di-a đã bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc triển khai một lực lượng cảnh sát quốc tế tại đây. Ông Xéc-gây Ba-gáp-sơ (Sergei Bagapsh), một nhà lãnh đạo của Áp-kha-di-a, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không nghe theo bất cứ đề xuất nào từ Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan luôn có quan điểm đơn phương ủng hộ Gru-di-a". Trong khi đó, Nga đề nghị triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến các vụ đánh bom khủng bố xuất phát từ Gru-di-a nhằm vào các công dân Nga ở Áp-kha-di-a.
8. Li-băng đứng trước nguy cơ xung đột mới
Ngày 9-7-2007, các vụ giao tranh dữ dội lại bùng phát ở Tơ-ri-pô-li, miền Bắc Li-băng, làm ít nhất 2 người thiệt mạng, trong đó những người theo dòng Xan-ni (Sunni) ủng hộ chính phủ thân phương Tây giao tranh với các tay súng A-la-oai (Alawite) ủng hộ phe đối lập do lực lượng Héc-bô-la (Hezbollah) đứng đầu. Điều đáng chú ý là cuộc giao tranh làm rung chuyển cả thành phố Tơ-ri-pô-li này bùng phát đúng vào lúc Thủ tướng Phâu-at Xi-ni-ô-ra (Fouad Siniora) công bố danh sách chính phủ thống nhất dân tộc với các đảng đối lập theo thoả thuận đạt được hồi 5-2008 mở ra hy vọng chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài ở quốc gia này. Li-băng từng bị chia rẽ sâu sắc về chính trị và bè phái kể từ khi cựu Thủ tướng Ra-phic Ha-ri-ri (Rafik Hariri) bị ám sát năm 2005. Đa số cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Xan-ni ở Li-băng ủng hộ chính phủ trong khi hầu hết người Xi-ai (Shiite) lại ủng hộ tổ chức Héc-bô-la và phe đối lập. Như vậy, các vụ giao tranh mới bùng phát ở Tơ-ri-pô-li chứng tỏ chính trường Li-băng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột mà thoả thuận các bên đạt được hồi tháng 5-2008 chưa thể là giải pháp căn bản để ổn định tình hình.
9. Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Tô-y-a-cô, Hô-cai-đô (Nhật Bản)
Ngày 10-7-2008, Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Nhật Bản bế mạc với chương trình nghị sự đồ sộ chưa từng có trong bối cảnh thế giới đang trải qua "cơn bão kinh tế". Tại đây, nguyên thủ quốc gia các nước G8 thảo luận với nguyên thủ 7 nước Nam Phi, An-giê-ri, Ê-ti-ô-pi, Gha-na, Ni-giê-ri-a, Xê-nê-gan, Tan-da-ni-a và Liên minh châu Phi về phát triển châu Phi, khẳng định lại cam kết viện trợ phát triển dành cho các nước châu Phi từng được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Ai-len năm 2005, theo đó, tới năm 2010, G8 sẽ tăng gấp đôi viện trợ phát triển hàng năm cho châu lục này so với mức của năm 2004 (khoảng 25 tỉ đôla) để xoá nợ cho các nước nghèo nhất và giúp các nước châu Phi phát triển. Nguyên thủ các nước G8 thảo luận về thay đổi khí hầu toàn cầu, việc giá dầu và giá lương thực tăng cao, khủng hoảng tài chính, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và I-ran. Đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, 5 nước G8 tham gia đàm phán với Bình Nhưỡng thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc xem xét các biện pháp giám sát và kiểm tra việc phá hủy các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G8 lần này khá tham vọng nhưng kết quả đạt được lại khiêm tốn, nhất là trong lĩnh vực môi trường. Hội nghị thông qua "Tuyên bố chung về biến động môi trường và khí hậu", theo đó các bên tham dự hội nghị nhất trí giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu vào năm 2050 xuống mức 50% hiện nay; "Tuyên bố chung về kinh tế thế giới" nhằm giải quyết căn bản vấn đề giá dầu leo thang.
10. Hội nghị Quốc tế APG về chống rửa tiền
Từ ngày 8-7 đến 11-7-2008, Hội nghị thường niên lần thứ 11 của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương (APG) về chống rửa tiền đã diễn ra tại đảo Ba-li (In-đô-nê-xi-a). APG là một tổ chức quốc tế mang tính tự quản và hợp tác, được thành lập tại Băng-cốc (Thái Lan) năm 1997. APG có một ban điều hành gồm 36 thành viên và một loạt các quan sát viên quốc tế và khu vực. Một số tổ chức quốc tế đã tham gia hoặc hỗ trợ APG như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Cơ quan Liên hợp quốc chống buôn bán ma tuý và tội ác, Ngân hàng phát triển châu Á, APEC v.v. Hội nghị của APG lần này kết nạp thêm hai thành viên mới là Việt Nam và Đông Ti-mo. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Điều phối an ninh, chính trị và pháp luật In-đô-nê-xi-a, ông Vi-đô-đô (Widodo) nêu rõ, vấn đề rửa tiền đã trở thành một tội ác núp dưới nhiều hình thức khác nhau như một hệ quả của toàn cầu hoá mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được. Để ngăn chặn tội ác này cần phải có sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Với sự tham gia của hơn 260 chuyên gia tài chính cấp cao của các nước châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị lần này đánh giá việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đây là các tiêu chuẩn quốc tế được Nhóm công tác đặc biệt về tài chính FATF (Financial Action Task Force) xây dựng, một cơ quan liên chính phủ có chức năng phát triển và thúc đẩy các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm đấu tranh chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
11. Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
Ngày 10-7-2008, Cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên được tổ chức tại Bắc Kinh sau khi Bình Nhưỡng công khai chương trình hạt nhân của họ và phá dỡ toà tháp giải nhiệt của lò phản ứng hạt nhân Dông Piên. Các bên đàm phán đã đạt được sự nhất trí trên nguyên tắc về việc thẩm định "hồ sơ hạt nhân" của CHDCND Triều Tiên và về hoạt động viện trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên thông báo, họ đã ngừng hoạt động 80% các cơ sở hạt nhân chính nhưng chỉ mới nhận được 40% lượng nhiên liệu mà các nước đã cam kết viện trợ cho Bình Nhưỡng. Theo thoả thuận đạt được ngày 12-7-2008, CHDCND Triều Tiên đồng ý vô hiệu hoá lò phản ứng Dông Piên vào cuối tháng 10-2008 và cho phép thanh tra quốc tế thẩm tra quá trình giải trừ hạt nhân của họ. Đáp lại, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga cam kết hoàn tất vận chuyển dầu và viện trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng. Thoả thuận này mở ra giai đoạn mới rất quan trọng trong chặng đường dài đầy gian nan nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Nhật Bản không đóng góp gì vì vẫn bất đồng với CHDCND Triều Tiên trong việc giải quyết vấn đề người Nhật bị phía Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.
12. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thông qua nghị quyết về Dim-ba-bi-ê
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 7-7 đến 13-7-2008)  (14/07/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 7-7 đến 13-7-2008)  (14/07/2008)
Tìm hiểu cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tăng tính thuyết phục trong việc giáo dục tư tưởng của Người  (14/07/2008)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thông qua nghị quyết về Dim-ba-bi-ê  (13/07/2008)
Phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long  (13/07/2008)
Đẩy mạnh hợp tác với các nước Á - Phi - Mỹ La-tinh  (12/07/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên