Cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho nền ngoại giao hiện đại Việt Nam, tạo ra nền tảng tinh thần, chất "kết dính" làm bền chặt quan hệ chính trị và kinh tế, đồng thời có lúc đóng vai trò đi trước, mở đường cho ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị.

Ảnh: Chinhphu.vn

Đó là nhận định chung của hầu hết các đại biểu tại Hội nghị Ngoại giao Văn hóa, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao Việt Nam lần thứ 26 đang diễn ra tại Hà Nội.
Trong Hội nghị lần này, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ nội hàm và cụ thể hóa các biện pháp để tăng cường công tác ngoại giao văn hóa trong thời gian tới.

Nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa là giới thiệu có bài bản về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, những tinh hoa văn hóa Việt Nam; góp phần xây dựng và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa; giúp đỡ các Bộ, ngành khác trong việc xây dựng những chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam; tạo nên một "thương hiệu" văn hóa Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam ở trong và ngoài nước; tiếp thu những giá trị văn hóa của thế giới để làm giàu văn hóa Việt Nam.

Ngoại giao văn hóa không phải làm thay mà có vai trò mở đường, là cầu nối, có tính chất đồng hành, tham mưu giúp các bộ, ngành, các đơn vị tổ chức sự kiện văn hóa đối ngoại.

Trong năm 2008, Việt Nam đã tổ chức Tuần lễ văn hóa tại Nhật Bản (từ 16 đến 21-9), tại Ru-ma-ni (từ 9 đến 16-8), và ở Cam-pu-chia (từ 28-11 đến 4-12). Những sự kiện văn hóa quy mô như thế này đã thực sự tạo ra những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè thế giới về đất nước với một nền văn hóa đa dạng, có chiều sâu, một dân tộc mến khách, đang trên đà đổi mới và hội nhập mạnh mẽ.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, công tác ngoại giao văn hóa lại càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, hiện tượng giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ và phổ biến; bên cạnh đó nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa ngày càng lớn và thay đổi nhanh đòi hỏi phải có những phương thức chuyển tải sáng tạo văn hóa, những sản phẩm văn hóa phong phú, có chất lượng. Đổi lại, các cấp, các ngành và người dân cũng cần có những hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa của các nước.

Các đại biểu cho rằng, trong ngoại giao văn hóa, công tác thông tin đối ngoại chiếm một vai trò quan trọng. Thông tin đối ngoại phải chính xác, kịp thời, sắc bén và phù hợp cho từng đối tượng; phải gắn kết chặt chẽ với thông tin đối nội. Xác định đúng đối tượng truyền bá văn hóa, mới có thể đưa ra "thực đơn" chính xác.

Các đại biểu nhận định, trong bối cảnh hiện nay, công tác ngoại giao văn hóa có nhiều điều kiện thuận lợi do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự ra đời của hàng loạt cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí. Do đó, trước hết, cần thông hiểu sâu sắc về vai trò của văn hóa trong ngoại giao. Các sản phẩm văn hóa, ấn phẩm văn hóa, chương trình quảng bá... cần có tính chuyên nghiệp, có hệ thống và được đầu tư bài bản.

Về một số giải pháp cho công tác Ngoại giao Văn hóa trong thời gian tới, các đại biểu khuyến nghị việc tổ chức các Phòng văn hóa trong Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; đánh giá đúng mức vai trò của các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước trong việc tuyên truyền văn hóa; vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với tư cách là những sứ giả văn hóa.../.