Năm 2008: Thế giới đứng trước những biến chuyển có tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu
Năm 2008 sắp trôi qua, nhưng dấu ấn mà nó để lại trong lịch sử phát triển của thế giới sẽ hết sức sâu đậm. Bởi, tuy số lượng các sự kiện xảy ra trong năm 2008 không nhiều hơn những năm trước đó, nhưng tác động và tầm ảnh hưởng của các sự kiện đó đã dẫn tới những biến chuyển trên phạm vi toàn cầu. Người ta dự đoán rằng, những sự kiện chấn động trong năm 2008 có thể sẽ đặt nền móng để ra đời một trật tự thế giới mới, thay thế trật tự hiện nay đang tỏ rõ sự bất cập.
Trật tự thế giới đơn cực, một siêu cường đang lung lay tận gốc rễ
Sau sự kiện Liên Xô sụp đổ, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan vỡ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế suy thoái, đứng trước thử thách nghiêm trọng, sự đối đầu hai phe, vì thế, cũng chấm dứt, người ta đã bắt đầu nói tới sự “toàn thắng của chủ nghĩa tư bản”. Với sức mạnh vượt trội không ai có thể phủ nhận dựa trên hai trụ cột chính là sức mạnh quân sự và kinh tế, Mỹ với tư cách là người chiến thắng trong “chiến tranh lạnh” đã chớp lấy thời cơ, giành vị thế là một cực duy nhất “lãnh đạo” thế giới. Các “giá trị Mỹ”, trên đà đó, được phổ biến rộng khắp toàn cầu, và cùng với đó là sự áp đặt các tiêu chuẩn Mỹ. Rồi cao hơn nữa, Mỹ cho phép mình tiến hành các hành động đơn phương để trừng phạt nước này, răn đe nước kia, bỏ qua cả thái độ của Liên hợp quốc. Và cái gì đến đã đến! Những sự kiện ngoài tầm kiểm soát với quy mô “một thế kỷ chỉ xảy ra một lần”, trong năm 2008, xuất phát từ trung tâm của khu vực trung tâm là nước Mỹ, từ nội bộ nền kinh tế Mỹ, không hề do lực lượng bên ngoài tác động, làm bàng hoảng cả nước Mỹ và thế giới, đã cho thấy những trụ cột làm nên sức mạnh Mỹ “có vấn đề”.
Sự kiện thứ nhất phải kể đến cuộc chiến 5 ngày ở Nam Cáp-ca (từ 8-8-2008 đến 12-08-2008) do Gru-di-a phát động, được Mỹ và NATO ủng hộ. Ngay trước khi xảy ra cuộc chiến, Mỹ và Gru-di-a đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự phối hợp mang tên “Phản ứng tức thời”. Tuy nhiên, kết cục cuộc chiến chưa đầy một tuần này đã diễn ra không theo ý Mỹ: thất bại thuộc về bên chủ động gây chiến.
Chứng kiến sự thất bại của phía Gru-di-a trước các đòn tiến công kiên quyết, mau lẹ và có tác động cân não của các lực lượng quân sự Nga, Mỹ không thể không nhận thấy rằng, đã đến lúc không thể tự do hành động như mong muốn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự phương Tây và Nga, “cuộc chiến năm ngày” ở Nam Cáp-ca chứng tỏ, sau gần 7 năm phát động “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” mà không mang lại kết quả như mong đợi, sức mạnh quân sự của Mỹ đã suy giảm đáng kể. Cỗ máy quân sự khổng lồ và tối tân của Mỹ tỏ ra không thích hợp trong việc đối phó với những thách thức an ninh mới trong thế kỷ XXI, trong đó chủ nghĩa khủng bố là thách thức nghiêm trọng nhất.
Sự kiện thứ hai là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng phát từ Mỹ. Giàu như nước Mỹ, nhưng cũng không thể tự vượt qua, khoanh lại vấn đề trong nội bộ nước mình, mà ngược lại, còn kéo cả thế giới lâm họa, đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, với những dự báo về tương lai hôm sau ảm đạm hơn hôm trước.
Khủng hoảng tài chính kéo theo sự suy thoái kinh tế ở Mỹ chỉ là phần nổi của tảng băng, điều mà các nhà nghiên cứu nghi ngờ, sâu xa hơn nhiều là, phải chăng mô hình kinh tế Mỹ “có vấn đề”, phải chăng học thuyết kinh tế theo chủ nghĩa tự do mới, “nhà nước tối thiểu, thị trường tối đa” là có vấn đề. Có phải vì thế mà ngay ở phương Tây đang dấy lên phong trào tìm đọc, nghiên cứu lại tác phẩm “Tư bản” của C.Mác, bởi dường như vấn đề hôm nay đã được C.Mác dự báo từ “hôm qua”.
Như vậy, trụ cột thứ hai làm nên sức mạnh Mỹ cũng tỏ ra không còn ổn. Hệ quả tiếp theo sẽ là, các khái niệm “giá trị Mỹ”, “dân chủ Mỹ” cũng sẽ không còn được toàn cầu hóa với quy mô, tốc độ, cường độ như trước nữa.
Trong khi hai trụ cột sức mạnh chủ yếu của Mỹ bị lung lay thì các cường quốc và các trung tâm sức mạnh mới nổi lên, khẳng định mình, thách thức vị thế của Mỹ, trong đó có Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Bra-xin, EU v.v..
Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức ở Mỹ ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát đã chứng tỏ, từ nay, những nền kinh tế đang nổi lên sẽ có vai trò lớn hơn trong việc quản lý kinh tế toàn cầu.
Sự kiện thứ ba là tình hình các“điểm nóng” trên thế giới. Trong năm 2008, tình hình ở các “điểm nóng” không có diễn biến mang tính đột phá có lợi theo ý đồ của Mỹ. Sự rút lui và nhân nhượng của Mỹ trong một số vấn đề, đối với một số quốc gia, nói lên nhiều điều, trong đó có một điều là siêu cường duy nhất đang trên đà suy yếu, và tỏ ra mất uy tín trên trường quốc tế.
Với I-ran, sau nhiều năm từ chối, năm 2008, Mỹ đã phải chấp nhận đối thoại trực tiếp với Tê-hê-ran về chương trình hạt nhân của I-ran. Với CHDCND Triều Tiên, Oa-sinh-tơn từ chỗ một mực bác bỏ khả năng đối thoại riêng rẽ với Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán 6 bên, đã chấp nhận tiến hành đàm phán trực tiếp với đại diện của CHDCND Triều Tiên và đồng ý đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ khủng bố”. Với I-rắc, bằng hành động ký kết Hiệp ước an ninh với I-rắc, Mỹ đã từng bước rút lui khỏi quốc gia này trong danh dự, còn Tổng thống G.W.Bu-sơ đã phải thừa nhận, việc phát động chiến tranh nhằm vào I-rắc là sai lầm. Sai lầm đó đã kịp lấy đi bao mạng sống của dân thường và tàn phá cả một quốc gia. Với Áp-ga-ni-xtan, năm 2008 là năm đẫm máu nhất đối với Mỹ và liên quân. Ta-li-ban không những không bị tiêu diệt mà còn giành được quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn, có ảnh hưởng ngày càng mạnh ở Áp-ga-ni-xtan.
Như vậy, năm 2008 với những gì mà Mỹ đã mang lại, thế giới đang đang có nhu cầu thiết lập một trật tự toàn cầu mới. Với ý nghĩa này, năm 2008 được coi như cột mốc quan trọng, đánh dấu một thời kỳ quá độ có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm để chuyển từ trật tự thế giới “nhất nguyên siêu cường” sang trật tự thế giới mới dân chủ hơn, trong đó lợi ích của các quốc gia được tôn trọng và bảo đảm hơn.
Thế giới phụ thuộc vào nhau và hướng mạnh mẽ tới sự thay đổi
Diễn biến tình hình thế giới năm 2008 chứng tỏ, quá trình toàn cầu hoá đã tạo ra sự liên kết, gắn bó và tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tới mức chưa từng thấy trong lịch sử. Các sự kiện tưởng như chỉ mang tính cục bộ ngay lập tức làm chấn động cả thế giới.
Chẳng hạn, cuộc chiến tại Nam Ô-xê-ti-a chỉ là sự kiện cục bộ, nhưng đã làm rung chuyển quan hệ giữa Nga với Mỹ, EU và NATO, bộc lộ nhiều vấn đề, làm lung lay trật tự thế giới mới. Trong thế giới hôm nay, an ninh và thịnh vượng của từng quốc gia cũng là an ninh và thịnh vượng của toàn thế giới. Ngược lại, an ninh và thịnh vượng toàn cầu cũng là an ninh của từng quốc gia.
Hoặc như cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát điểm là sự kiện cục bộ, nội bộ của nước Mỹ, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này cho thấy, mô hình phát triển dựa trên nền tảng học thuyết tự do mới “có vấn đề”, và như thế, để tránh lặp lại sự đổ vỡ, các nước theo mô hình này sẽ có những xem xét, tham khảo các mô hình phát triển khác để điều chỉnh, thích nghi... Thế giới sẽ tiếp tục tranh luận nhiều hơn về sức sống của các mô hình đang tồn tại: mô hình kinh tế thị trường tự do, mà điển hình là nền kinh tế Mỹ; mô hình xã hội dân chủ; mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Những sự kiện bùng phát và xuyên suốt năm 2008 - kết quả của sự dồn nén, tích tụ trong một thời gian dài, còn cho thấy một khía cạnh nữa là sự đổi mới, thay đổi không chỉ còn là nhu cầu mà đã trở thành khát vọng của cả thế giới. Đó là thay đổi trật tự thế giới; thay đổi cách thức đối phó với các nguy cơ có tính toàn cầu; thay đổi mô hình phát triển kinh tế; thay đổi về cách ứng xử giữa các quốc gia; thay đổi về sự phân chia ảnh hưởng địa - chính trị và địa - kinh tế v.v.. Có thể nói, nhu cầu thay đổi mang tính thời đại và tính toàn cầu.
Chính vì thế mà chiến lược tranh cử mang chủ đề “Thay đổi” của Thượng nghị sỹ Ba-rắc Ô-ba-ma không chỉ thu hút được sự ủng hộ của các cử tri Mỹ mà còn tranh thủ được sự ủng hộ và cảm tình của dư luận quốc tế rộng rãi, đưa ông trở thành chủ nhân da màu đầu tiên của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, để nhu cầu thay đổi trở thành hiện thực theo hướng tiến bộ hơn, rất cần có sự thiện chí của tất cả các quốc gia, các định chế chính trị, kinh tế, quân sự. Cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin đã từng tuyên bố: “Liên Xô đã sụp đổ, mối đe doạ không còn, vậy mà khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tồn tại và tiếp tục mở rộng. Vậy, NATO liên minh lại để chống ai?”. Đã đến lúc, thế giới nhận thấy sự tồn tại của NATO ở châu Âu là một “sự vô duyên” của lịch sử, cần phải thay đổi.
Trục quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây căng thẳng và nhân nhượng
Cuộc chiến ở Nam Cáp-ca, và đặc biệt việc Nga công nhận nền độc lập của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a, quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây trở nên căng thẳng, đến mức người ta đã nghĩ đến sự khởi đầu của một cuộc “chiến tranh lạnh” mới. Tuy nhiên, điều đó, rất may, đã không xảy ra. Mỹ và phương Tây sau khi cân nhắc hơn thiệt trong mối quan hệ với Nga đã chùng xuống, nhân nhượng trước thái độ cương quyết, nhất quán của Nga. EU cải thiện quan hệ với Nga, khôi phục hội đồng Nga - NATO, NATO tạm ngừng việc cấp quy chế kế hoạch hành động thành viên cho U-crai-na và Gru-di-a. Sự kiện này được dư luận thế giới bình là phép thử để đo vị thế, vai trò của Nga trên trường quốc tế. Và, những gì diễn ra, đến hôm nay, cho thấy vị thế của Nga ngày càng mạnh, tương quan giữa Mỹ và Nga đã thay đổi căn bản, đặc biệt khi nội bộ phương Tây không thống nhất quan điểm về nhiều vấn đề do có lợi ích khác nhau trong quan hệ với Nga.
Các sự kiện năm 2008 liên quan tới quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây sẽ có tác động sâu sắc trước hết tới các quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Một là, quan hệ giữa Nga với EU trong các vấn đề của châu Âu sẽ mang sắc thái thực tế hơn. EU không thể thiếu Nga, và ngược lại, Nga cũng rất cần EU. Sau cuộc chiến tại Nam Ô-xê-ti-a, Tổng thống Đ.Met-vê-đép đã tuyên bố, EU nên có sự lựa chọn dứt khoát giữa Nga và Gru-di-a. Cuối cùng, EU đã lựa chọn Nga. Do đó, trong những năm tới, dự báo, quan hệ Nga - EU sẽ “ấm” dần lên. Hai là, trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, có trục quan hệ giữa Mỹ với NATO, và quan hệ giữa Mỹ với EU. Trong những năm tới, quan hệ này sẽ có những thay đổi, trong đó vai trò của EU sẽ mạnh lên, còn vai trò của NATO có thể sẽ giảm sút do vị thế lãnh đạo của Mỹ trong NATO không còn như trước. Ba là, NATO sẽ phải nối lại quan hệ với Nga bởi NATO không thể thiếu Nga trong việc đối phó với một số nguy cơ có tính toàn cầu như cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan. Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước NATO và Nga trong tháng 12-2008 ở Brúc-xen (Bỉ) đã quyết định tái khởi động hoạt động của Hội đồng Nga - NATO dựa trên một nguyên tắc căn bản là không bên nào được phép duy trì an ninh của mình trong khi làm phương hại tới an ninh của bên kia. Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu sẽ xem xét và thảo luận sáng kiến của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đưa ra nhằm ký kết Hiệp ước an ninh chung châu Âu.
Dự báo về triển vọng tình hình thế giới năm 2009
Tình hình thế giới trong năm 2009 sẽ diễn ra xung quanh hai trục lớn. Trục thứ nhất là các nước nỗ lực khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính và ngăn chặn đà suy thoái kinh tế toàn cầu. Không loại trừ khả năng, kinh tế thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cuối năm 2009, nền tài chính và kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi. Tới giữa năm 2009, giá dầu có thể sẽ tăng giá trở lại vào khoảng 50-60 đô la/ thùng.
Trục thứ hai là quan hệ giữa các nước lớn và các trung tâm sức mạnh trên thế giới, trong đó nổi lên quan hệ Mỹ - Nga, quan hệ Mỹ - Nga - NATO. Với chiến lược “Thay đổi” của tân Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, trong quan hệ Mỹ - Nga, Nga - NATO, Nga - EU sẽ có những bước chuyển nhất định. Với những gì thế giới đang chứng kiến hôm nay, người ta dự báo rằng, Mỹ sẽ bớt thái độ áp đặt trong quan hệ với Nga và các nước khác. Trật tự thế giới nói chung, và quan hệ giữa các quốc gia nói riêng, phụ thuộc rất lớn vào trục quan hệ Mỹ - Nga. Một khi quan hệ này được cải thiện, tình hình thế giới sẽ có tương lai sáng sủa hơn.
Hai trục quan hệ trên diễn biến như thế nào sẽ có ảnh hưởng tới việc giải quyết các “điểm nóng” trên thế giới. Năm 2009 là năm đầu tiên sau khi lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc rút khỏi I-rắc. Đến 31-07-2009, các lực lượng của Anh, Xan-va-đo, Ô-xtrây-li-a, Ru-ma-ni, E-xtô-nhi-a cũng sẽ rút khỏi I-rắc. Đầu năm 2009, sẽ diễn ra các cuộc bầu cử địa phương ở I-rắc. Do đó, rất có thể diễn biến tình hình ở I-rắc sẽ phức tạp hơn, khủng bố có thể sẽ gia tăng hơn. Tuyên bố cuộc chiến tranh tại I-rắc là sai lầm của Tổng thống G.W.Bu-sơ vào cuối năm 2008 sẽ kích động các lực lượng ủng hộ chính quyền của Tổng thống Xát-đam Hút-xen trước đây, nổi dậy. Bằng chứng là vừa qua, Bộ Nội vụ I-rắc đã ngăn chặn thành công một âm mưu lật đổ chính quyền hiện thời ở I-rắc.
Áp-ga-ni-xtan trong năm 2009 và những năm tiếp theo sẽ là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và sẽ có những diễn biến mới sau khi Mỹ quyết định điều thêm 28.000 quân tới quốc gia này. Tuy nhiên, chưa có hy vọng tình hình ở đây sẽ ổn định trong năm 2009. Tình hình Áp-ga-ni-xtan sẽ là bài toán khó giải nhất trong nhiệm kỳ tới của tân Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Vấn đề hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên có thể sẽ có những diễn biến mới tích cực, tuy chưa thể hy vọng nhiều vào sự đột phá trong năm 2009.
Có thể thấy, năm 2009 sẽ là năm tạo tiền đề mới để giải quyết các “điểm nóng” trong những năm sau, trước mắt, Mỹ và thế giới đang phải giải quyết nhiệm vụ hàng đầu là khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính và sự suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu.
Nói một cách hình ảnh, “ván cờ” địa - chính trị năm 2009 đã được bày sẵn để chờ những người chơi mới. Thế giới đang nhìn vào hai vị tổng thống trẻ tuổi của hai cường quốc là tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép để dự đoán câu trả lời./.
Từ ngày 01-01-2009, các doanh nghiệp bắt đầu trả lương theo mức lương tối thiểu mới  (31/12/2008)
Hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam  (31/12/2008)
Hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam  (31/12/2008)
Con sóng thần không lặng lẽ*  (31/12/2008)
10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông năm 2008  (31/12/2008)
Giới thiệu một số chính sách mới  (31/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay