10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông năm 2008
1. VINASAT-1, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam
5h17 phút sáng 19-4-2008, VINASAT-1 - vệ tinh đầu tiên của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo trái đất, đưa ngành viễn thông Việt Nam lên một tầm cao mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực thông tin liên lạc của Việt Nam, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian vũ trụ, thể hiện vị thế ngày càng lớn mạnh của đất nước và của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế với thế giới. Cùng với trên 200 nghìn km cáp quang trên đất liền và dưới biển, hệ thống vi ba số hiện đại, VINASAT-1 đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia theo hướng hiện đại, dung lượng lớn, nâng cao độ an toàn mạng lưới, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại, giải trí...cho các vùng lõm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đi quốc tế.
2. Bưu chính hoạt động độc lập
Từ ngày 1-1-2008, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam chính thức đi vào hoạt động đánh dấu sự kiện lịch sử 63 năm xây dựng và phát triển ngành Bưu Điện (Bưu chính Viễn thông). Việc chia tách bưu chính, viễn thông thể hiện sự đổi mới trong quản lý, phù hợp với xu thế phát triển của bưu chính, viễn thông và cam kết WTO của Việt Nam.
Việc chia tách đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế một cách vững chắc trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông. Tránh sự bù chéo giữa dịch vụ viễn thông và bưu chính, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong viễn thông, bước đầu tạo môi trường cạnh tranh cho thị trường bưu chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc thù của Bưu chính là cung cấp dịch vụ xã hội bao gồm dịch vụ bưu chính cơ bản (dịch vụ thư) và các dịch vụ bưu chính khác. Dịch vụ bưu chính cơ bản là yêu cầu bắt buộc cung cấp để đáp ứng nhu cầu được thông tin của người dân, đây là nhiệm vụ công ích được nhà nước đảm bảo và giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam thực hiện.
Ngày 2-5-2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 65/2008/QĐ-TTg về cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích, xác định lộ trình phấn đấu của ngành Bưu chính, với quyết tâm vươn lên giảm dần bù lỗ, tiến tới có lãi vào năm 2013.
3. Tăng cường kỷ cương trong hoạt động báo chí, xuất bản
Trong một năm đầy những biến động của đời sống kinh tế - xã hội như 2008, báo chí trong cả nước đã đóng góp rất lớn trong việc thông tin, tuyên truyền các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, đã phản ánh kịp thời sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, phản ánh nhiều gương người tốt, việc tốt trong phát triển kinh tế - xã hội, chống tham nhũng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia; Thực hiện tốt vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, diễn đàn xã hội của nhân dân; Khẳng định sự quan trọng của mình trong đời sống xã hội.
Bên cạnh những thành công, tích cực, năm 2008 báo chí, xuất bản cũng gặp không ít khó khăn. Trong cuộc cạnh tranh thông tin, một số cán bộ, phóng viên, biên tập viên đã không giữ được tính khách quan, trung thực, chính xác - những tiêu chuẩn cơ bản nhất của báo chí. Trong hoạt động xuất bản, một số bất cập trong liên kết xuất bản đã làm phát sinh những sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực xã hội. Trong năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời xử lý nghiêm túc mọi sai phạm của cá nhân và tập thể được dư luận đồng tình, tăng cường thực hiện kỷ cương trong hoạt động báo chí, xuất bản, giúp các nhà báo tự tin và tự chịu trách nhiệm cao hơn trong tác nghiệp. Cùng với việc Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực hoàn chỉnh Luật Báo chí sửa đổi để trình Quốc hội năm 2009, Bộ đã ban hành các quy chế quản lý báo chí như: Quy chế Người phát ngôn, Quy chế cung cấp thông tin, Quy chế thẩm định nguồn thông tin trên báo chí.v.v. đưa báo chí nước nhà sang một thời kỳ phát triển thông thoáng, đưa trách nhiệm nghề nghiệp và xã hội cao hơn.
4. Nghị định 97/2008/NĐ-CP về Internet, bước phát triển về quản lý Internet
Ngày 28-8-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP về Internet là bước phát triển “đột phá” trong quản lý Internet khuyến khích việc ứng dụng Internet trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Bước đột phá của Nghị định 97/2008/NĐ-CP nằm ở cả hai khía cạnh. Đối với quản lý nội dung trên Interrnet, Nghị định xác định quyền đưa thông tin và tự chịu trách nhiệm những nội dung thông tin đưa lên Internet của người sử dụng. Đối với việc kinh doanh dịch vụ Internet thì cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ Internet. Mọi doanh nghiệp đều có quyền thuê kênh để trực tiếp kết nối với Internet quốc tế và với các trạm trung chuyển Internet, đồng thời buộc các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng phải có trách nhiệm cung cấp đường truyền dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không có hạ tầng mạng có thể triển khai dịch vụ Internet băng rộng, Internet Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá của khu vực. Tính đến hết tháng 11-2008, toàn quốc có trên 20,67 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 24,20%, trong đó có 2 triệu thuê bao băng rộng.
5. Công bố đánh giá, xếp hạng website các Bộ, địa phương
Báo cáo đánh giá, xếp hạng website các Bộ, địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố lần đầu tiên vào tháng 7-2008 dựa trên số lượng truy cập và cung cấp dịch vụ công đã cho thấy bức tranh khái quát về mức độ phát triển website của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng góp phần thực hiện Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008, bản Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin cấp quốc gia đầu tiên kể từ sau Đề án 112, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Cùng với Quyết định 43/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đã được ban hành như: định mức ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp định giá phần mềm, Chỉ thị 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển, sử dụng e-mail, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin 2009-2010…Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin và Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin ở các bộ, ngành, địa phương được kiện toàn. Chính phủ và các bộ, ngành đã thực hiện nhiều buổi trả lời trực tuyến, giải quyết một số thắc mắc của xã hội qua mạng…một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin cũng có nhiều khởi sắc, công nghiệp phần mềm tăng trưởng ở mức độ khá cao (35%), công nghiệp nội dung số đã có nhiều sản phẩm được xã hội và thị trường chấp nhận, tiếp tục thu hút mạnh đầu tư nước ngoài trong công nghiệp công nghệ thông tin.
6. Trên 1.200 tỷ đồng được đầu tư, xây dựng và duy trì mạng lưới cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo
Trong năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao nhiệm vụ cho 4 đơn vị: VNPT, Viettel, EVN telelcom, Vishipel với tổng gía trị trên 1.200 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên 189 huyện và gần 600 xã thuộc vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Sản lượng dịch vụ viễn thông được thực hiện gồm: Phát triển mới 600.000 máy điện thoại và 23.810 thuê bao Internet cho các hộ gia đình, duy trì 1.743.259 thuê bao điện thoại cố định và 26.974 thuê bao Internet; Phát triển mới 574 điểm truy nhập điện thoại công cộng và 624 điểm truy nhập Internet công cộng, duy trì 4.361 điểm truy nhập điện thoại công cộng và 590 điểm truy nhập Internet công cộng; Phát triển mới 1.000 máy thu phát sóng vô tuyến điện HF-công nghệ thoại sử dụng cho tàu cá, duy trì 16 đài thông tin duyên hải phục vụ thông báo bão, lũ, cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn.
Chính sách hỗ trợ phát triển và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã bước đầu góp phần có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, phục vụ an ninh, quốc phòng tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo.
7. Năm 2008 là năm phát triển cao nhất số lượng trạm BTS
Năm 2008, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện mạng lưới viễn thông và nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống, thiết bị, mở rộng dung lượng mạng, trong đó đặc biệt tập trung xây dựng thêm các trạm thu phát sóng di động nhằm giảm thiểu hiện tượng nghẽn mạng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tính đến hết tháng 11-2008, phát triển mới trên 13.700 trạm BTS, tổng số máy điện thoại trên toàn mạng đạt 79,1 triệu, trong đó thuê bao di động chiếm 83,5%, mật độ điện thoại trên toàn quốc đạt 92,6 máy/100 dân.
Kể từ khi mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam, tháng 6 năm 2008, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố số lượng thuê bao thực của 04 mạng thông tin di động lớn nhất trong nước (VinaPhone, MobiFone, Viettel và S-Fone) với tổng số hơn 48 triệu. Trong đó tỷ lệ thuê bao trả trước chiếm trên 90%.
Để quản lý và phục vụ loại hình thuê bao di động trả trước được tốt hơn, trong năm 2008 Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc đăng ký thông tin cá nhân của thuê bao đang sử dụng và bắt đầu đăng ký sử dụng. Cũng để đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao điện thoại cố định trong 50 năm tới, việc quy hoạch lại đầu số điện thoại cố định và mở rộng số thuê bao đã được triển khai. Trong vòng 20 ngày các doanh nghiệp viễn thông thực hiện thành công việc tăng thêm đầu số cho 11 triêu thuê bao cố định trên toàn quốc. Năm 2008 cũng đánh dấu một bước chuyển quan trọng của thị trường di động Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho phép HT- Mobile chuyển công nghệ từ CDMA sang GSM và đã chính thức phát hành hồ sơ mời thi tuyển cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ IMT-2000 (3G), thị trường 3G tại Việt Nam hứa hẹn sẽ phát triển sôi động, cung cấp cho xã hội đa dạng các loại hình dịch vụ mới, tiên tiến.
8. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản
Luật sửa đổi một số điều của Luật Xuất bản 2004 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 3 ngày 3-6-2008 thông qua, hoàn chỉnh hành lang pháp lý nhằm nâng cao chất lượng toàn diện cho hoạt động xuất bản, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2008 cũng là năm đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách cho phát triển ngành Thông tin và Truyền thông với việc Bộ Thông tin và Truyền thông được Quốc hội và Chính phủ giao xây dựng 5 Dự án Luật để trình Quốc hội khoá XII gồm: Luật Tần số, Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Xuất bản (sửa đổi). Cùng với hệ thống Luật, hàng loạt văn bản qui phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý đã được xây dựng và trình ban hành: Nghị định về tổ chức hoạt động của Thanh tra Thông tin và Truyền thông; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Internet; Đề án cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và cơ chế tài chính đảm bảo cung cấp dịch vụ bưu chính công ích; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Thông tư về quản lý Blog…
9. Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại được thành lập và đi vào hoạt động
Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử được thành lập để thực hiện công tác quy hoạch, định hướng, hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động trong sự phát triển Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Từ đây đã có một cơ quan quản lý nhà nước đồng bộ cả về nội dung và kỹ thuật trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và hoạt động cung cấp nội dung trên môi trường điện tử, trên mạng Internet, góp phần thúc đẩy ngành PT-TH phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ về hệ thống kỹ thuật và định hướng nội dung, phù hợp với xu thế hội tụ công nghệ viễn thông, công nghệ truyền hình và công nghệ thông tin điện tử. Trong những năm tới, việc thúc đẩy “Lộ trình số hoá” nhằm tối ưu hoá mạng phát sóng truyền hình mặt đất sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài, vừa tiết kiệm phổ tần số, vừa tạo thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ phát thanh, truyền hình trong tương lai.
Cục Thông tin đối ngoại là đầu mối quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, là đầu mối điều phối, tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương…phục vụ đắc lực cho công tác thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Cùng với sự ra đời của 2 Cục mới, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số, Trung tâm Hợp tác báo chí và Truyền thông quốc tế cũng được kiện toàn. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xúc tiến để thành lập và sớm đi vào hoạt động 2 trường: Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ thông tin và truyền thông, Trường Đại học Thông tin và Truyền thông quốc gia, như vậy tổ chức bộ máy quản lý nhà nước của Bộ đã được hoàn thiện, đồng bộ theo đúng Nghị định 187/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
10. Thống nhất một giá cước điện thoại nội hạt trên toàn quốc
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án điều chỉnh cước nội hạt, nội tỉnh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định gói cước cơ bản dịch vụ điện thoại cố định nội hạt tại nhà thuê bao, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2009. Mức cước thuê bao nội hạt cơ bản là 20.000 đồng/tháng/máy điện thoại (hoặc 667 đồng/ngày/máy điện thoại) và mức cước liên lạc nội hạt cơ bản là 200 đồng/phút. Vùng cước nội hạt được xác định là trong phạm vi toàn bộ một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc thống nhất giá cước điện thoại cố định nội hạt trong toàn bộ địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố đã khắc phục tính bất cập trong việc áp dụng cách tính cước nội hạt, nội tỉnh hiện tại. Điều này cũng đảm bảo việc thực hiện quản lý nghiệp vụ giá cước viễn thông không phân biệt đối xử giữa các vùng miền trong cả nước.
Đây là bước đột phá trong việc quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Quyết định thống nhất giá cước dịch vụ điện thoại nội hạt với mức sát với giá thành giúp cho các doanh nghiệp viễn thông có điều kiện cân đối lại bảng giá cước các dịch vụ viễn thông, xóa bỏ bù chéo giữa các dịch vụ, tự quyết định các gói cước không cơ bản và thông qua đó, các doanh nghiệp viễn thông cố định nội hạt có điều kiện phát triển mạng lưới và dịch vụ của mình theo cơ chế thị trường, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người sử dụng./.
Giới thiệu một số chính sách mới  (31/12/2008)
Trung Quốc tạo xung lực mới trong nông nghiệp, nông thôn  (31/12/2008)
Ngành Ngân hàng phải bám sát thực hiện 5 nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế  (31/12/2008)
10 sự kiện đối ngoại nổi bật năm 2008  (31/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay