Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Trung Quốc có vai trò quan trọng với tiến trình mở cửa, cải cách ở nước này. Với những thành tựu to lớn của 30 năm cải cách, mở cửa, mới đây, vấn đề này của Trung Quốc lại một lần nữa thu hút sự chú ý.

Quá trình đổi mới với nông nghiệp

Những người theo dõi tình hình Trung Quốc đều thấy rõ, bước thay đổi cơ bản đầu tiên về tư duy kinh tế của Trung Quốc được tiến hành bắt đầu từ khu vực nông thôn, với đời sống của nông dân, tại Hội nghị Trung ương 3, khoá XI (tháng 12 - 1978). Khi đó, sự chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn của Trung Quốc là 2,57/1. Lúc này, đa số người dân Trung Quốc sống ở khu vực nông thôn, nhưng nông nghiệp chậm phát triển. Để đất nước đi lên, trước tiên cần đảm bảo đủ nhu cầu lương thực trong nước, sau đó từng bước tích lũy về nguồn lực và kinh nghiệm quản lý, để đi đến hình thành chiến lược phát triển mới.

Cũng trong năm 1978, những đặc khu kinh tế Chu Hải, Thâm Quyến... bắt đầu được thành lập. Các đặc khu này áp dụng cách thức quản lý thông thoáng, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển hướng tới phục vụ xuất khẩu theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến.

Cải cách, mở cửa của Trung Quốc bước vào giai đoạn đẩy nhanh toàn diện đã đưa đến những thay đổi trong quản lý kinh tế nói chung, đánh dấu bằng Hội nghị Trung ương 3, khoá XII (tháng 10 - 1984), với nội dung chính là quyết định trọng điểm cải cách từ nông thôn mở rộng sang khu vực thành thị. Bước tiến mang tính căn bản, được tiến hành tại Hội nghị Trung ương 3, Khoá XIV (tháng 11 - 1993), với mục tiêu cải cách là thiết lập cơ chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Quan điểm mới trong quản lý nông nghiệp thể hiện ở chỗ, ruộng đất vẫn là sở hữu toàn dân, nhưng được giao cho các hộ nông dân canh tác, sản phẩm nông nghiệp được khoán dựa trên diện tích gieo trồng. Người dân được tự chủ trong sản xuất, gieo trồng. Sau khi nộp phần sản phẩm nghĩa vụ, người dân được sử dụng phần dư ra. Sự thay đổi này đã kích thích người dân chăm chỉ hăng say sản xuất. Sản phẩm nông nghiệp tăng mạnh, đời sống của người nông dân cũng được cải thiện nhiều.

Biến chuyển này cùng với nhiều thành quả trong phát triển kinh tế khác, đã thể hiện rõ trong so sánh mức sống giữa người dân nông thôn với đô thị. Sau khi tiến hành đổi mới trong nông nghiệp, nông thôn, sự chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc đã giảm xuống là 1,8/1.

Như vậy, với bước khởi đầu cải cách, mở cửa từ sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức sống khu vực nông thôn, Trung Quốc đã tạo ra một sức sống mới cho đất nước, làm nền tảng cho sự cất cánh về kinh tế những năm về sau.

Những thành quả đạt được của kinh tế – xã hội Trung Quốc từ cải cách, mở cửa

Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu tập trung đầu tư mạnh sản xuất công nghiệp và dịch vụ, với việc hình thành các đặc khu kinh tế. Cách làm của Trung Quốc đã rút ngắn con đường phát triển truyền thống, nhanh chóng xây dựng được nền tảng công nghiệp hiện đại, trên cơ sở tạo ra những khu vực đặc thù, áp dụng những chính sách thông thoáng về quản lý, tận dụng triệt để các thế mạnh của Trung Quốc.

Cho đến nay, các nhà phân tích quốc tế vẫn đánh giá, đây là sự lựa chọn đúng đắn cho một nước bước đầu phát triển công nghiệp. Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”. Đó là do định hướng sản xuất công nghiệp hướng về xuất khẩu, với lợi thế về nguồn lao động dồi dào, lương công nhân thấp so với các nước công nghiệp phát triển. Đồng thời, Trung Quốc chọn hàng tiêu dùng công nghiệp nhẹ làm mũi nhọn, do đó có sức cạnh tranh mạnh với các nhà sản xuất trên thế giới.

Sự thay đổi này đã tạo cho Trung Quốc một vị thế mới trên thế giới. Mức độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) luôn ở mức cao. Năm năm gần đây, từ 2002 - 2007, GDP của Trung Quốc luôn đạt bình quân hơn 10%, một mức tăng trưởng ngoạn mục. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đến nay xấp xỉ 1.900 tỉ USD, được đánh giá là lớn nhất thế giới. Kinh tế Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Nhật và Đức. Tuy nhiên, với tổng GDP năm 2007 tương đương 3.420 tỉ USD, Trung Quốc đang có cơ hội vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Những đòi hỏi về một thay đổi trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Sự phát triển mạnh khu vực công nghiệp, hướng về xuất khẩu tuy đem lại cho Trung Quốc một tài lực lớn, nhưng đồng thời cũng đưa đến sự tụt hậu của khu vực nông thôn về tốc độ và chất lượng tăng trưởng so với khu vực đô thị. Đồng thời, chính do một thời gian dài không kịp thời quan tâm đến những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, nên khu vực này có những biến chuyển không tốt. Đó là, đất đai canh tác ngày càng bị thu hẹp do các dự án sản xuất công nghiệp (bình quân đất đai sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc là 0,67 ha/người), đầu tư cho nông nghiệp không theo kịp yêu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế hiện đại phát triển. Trong khi đó, người nông dân vẫn phải đóng thuế nông nghiệp. Có tình trạng là nông dân Trung Quốc đổ xô ra thành phố tìm việc, tạo ra áp lực với khu vực đô thị, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.

Điều này đưa đến đòi hỏi một cuộc thay đổi lần thứ hai về tốc độ và chất lượng phát triển khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để hạn chế những mặt trái của quá trình phát triển. Cụ thể, tốc độ phát triển mạnh trong thời gian qua của Trung Quốc đã dẫn tới sự phân cách về mức sống và thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn. Hiện nay, sự chênh lệch đó là 3,33/1, với thu nhập bình quân năm 2007 của người dân thành thị là 13.786 nhân dân tệ, người dân nông thôn chỉ là 4.140 nhân dân tệ. Điều đó dẫn tới những sức ép cho sự phát triển bền vững, ổn định xét về toàn cục.

Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế thế giới đang và sẽ tiếp tục hạn chế hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc, biểu hiện rõ nhất là sự chững lại về tốc độ phát triển (dự kiến năm 2008 mức tăng GDP chỉ là 9%) cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải quan tâm trở lại khai thác thị trường nội địa. Điều này cũng trùng với định hướng chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc về sự phát triển toàn diện, hài hoà.

Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chính là nhằm phát triển ổn định, bền vững

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra, đó là: Tập trung xây dựng xã hội hài hoà, tập trung cải thiện dân sinh. Trong những năm qua, thu nhập thực tế giữa khu vực thành thị và nông thôn của Trung Quốc đã dần đi tới không hài hoà, đời sống nông dân đã tụt hậu so với cư dân thành thị, cần phải điều chỉnh kịp thời góp phần ổn định xã hội một cách cơ bản, từ đó tạo ra sức mạnh mới cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

Những điều chỉnh lớn trong chính sách cho nông nghiệp Trung Quốc. Từ năm 2002, nhằm tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn, Trung Quốc đã bắt đầu bỏ 4 loại thuế, trong đó đáng chú ý là thuế chăn nuôi và thuế nông nghiệp; đồng thời tiến hành trợ cấp 4 loại cho nông dân, bao gồm trợ cấp trực tiếp trồng cấy lương thực, trợ cấp nông nghiệp, trợ cấp mua sắm máy móc nông cụ, trợ cấp tổng hợp nông nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố quyết định tới sản xuất nông nghiệp vẫn còn bó buộc, chính là chế độ quyền sở hữu tài sản chính ở nông thôn - đất đai.

Mới đây, Trung Quốc có chương trình với quy mô lớn, đối tượng là 800 triệu nông dân, mục tiêu là tăng gấp đôi thu nhập cho tầng lớp này vào năm 2020. Mục tiêu này nếu thành hiện thực, thì đến năm 2020 nông dân Trung Quốc có thu nhập khoảng 8.250 nhân dân tệ. So với thu nhập của người dân thành thị ở thời điểm hiện nay là 13.786 nhân dân tệ vẫn còn khoảng cách lớn.

Do đó, cùng với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, Trung Quốc còn có chủ trương đô thị hoá bước đầu ở một số địa phương trọng điểm để thu hẹp diện ưu đãi đặc biệt cho khu vực nông thôn; đồng thời thực hiện kiên quyết việc hạ tốc độ tăng dân số. Cụ thể, thành phố Trùng Khánh (trực thuộc Trung ương) đặt mục tiêu đến năm 2020 hoà nhập toàn bộ người dân nội, ngoại thành, với quy mô 32 triệu (hiện nay, hơn một nửa số dân Trùng Khánh sống ở các huyện ngoại thành).

Tuy nhiên, ngay ở các biện pháp này cũng đã thấy xuất hiện khó khăn. Đó là đô thị hoá đồng nghĩa với việc phải phát triển mạnh khu vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Trong khi diễn biến kinh tế thế giới hai năm gần đây, theo đánh giá của các nhà phân tích thế giới, có ảnh hưởng không tốt cho kinh tế Trung Quốc, vốn đặt nặng trọng tâm vào xuất khẩu.

Do đó, để đảm bảo phát triển bền vững, Trung Quốc không thể bỏ qua khu vực nông thôn, đầu tư toàn diện, mạnh mẽ cho khu vực này. Đầu tư mạnh cho khu vực này sẽ góp phần phát triển mạnh thị trường nội địa, cân bằng lại những mất mát từ thị trường quốc tế. Đồng thời, qua đó cũng tăng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, trước hết là kết cấu hạ tầng, sau đó là đầu tư tài chính.

Thay đổi về một số quyền hạn trong sử dụng đất. Cho đến nay, luật pháp Trung Quốc vẫn xác định ruộng đất thuộc tập thể, nghĩa là người nông dân chỉ có quyền sử dụng để sản xuất, chứ không được mua bán ngay cả quyền sử dụng đó. Như vậy, nông dân chỉ có thể sản xuất, chứ không thể tự mình khai thác tối đa nguồn lợi từ đất nhằm tăng đầu tư toàn diện. Qua đó, sản xuất nông nghiệp không đủ điều kiện để tích lũy lớn, tăng nhanh thu nhập từ khu vực, không thể khai thác các quyền lợi khác từ đất đó, dù chỉ trên góc độ quyền sử dụng tạm thời.

Nhận thức được hạn chế về quản lý đất đai ở nông thôn đã gây khó khăn cho huy động tài chính phục vụ sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, Hội nghị Trung ương 3, khoá XVII đã đưa ra những quan điểm mới về quản lý đất đai, từng bước thực hiện quyền thế chấp và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai, tạo điều kiện cho người nông dân thuận lợi trong sản xuất với quy mô lớn.

Cụ thể, luật pháp sẽ công nhận nông dân có quyền mua, bán, cho thuê và cầm cố quyền sử dụng mảnh đất của họ cho cá nhân khác hoặc các công ty. Đồng thời, thời gian cho nông dân thuê quyền sử dụng đất cũng sẽ kéo dài hơn, lên đến 70 năm so với trước đây chỉ là 30 năm. Những thay đổi này sẽ giúp cho người nông dân được pháp luật bảo vệ trong các giao dịch trên quyền sử dụng đất của họ, khi mà trước kia, trong thực tế họ đã tự động chuyển đổi cho nhau nhưng chưa được pháp luật công nhận. Nó đồng thời cũng tạo cho họ một lợi thế nhất định trong giao dịch kinh tế với các cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu tập trung đất đai. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, đó là điều kiện quan trọng đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, nhằm tăng giá trị sử dụng đất nông nghiệp tới mức cao nhất.

Như vậy, hoàn cảnh có những điểm tương đồng với Việt Nam, như: cùng có một số lượng lớn dân chúng sống ở nông thôn; cùng có những thay đổi cơ bản về chính sách quản lý kinh tế, mà những thay đổi này đều được bắt đầu từ thay đổi trong sản xuất nông nghiệp; cùng có Đảng Cộng sản lãnh đạo đất nước; sau một thời gian dài tập trung phát triển công nghiệp và đạt được những thành tựu to lớn về xây dựng tiềm lực kinh tế đất nước, đến nay, Trung Quốc bắt đầu chuyển trọng tâm phát triển trở lại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này không có nghĩa là không quan tâm đến công nghiệp, mà do Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy rằng, xung lực phát triển đất nước cần thiết phải được tiếp thêm sức sống mới, với những thay đổi mới từ khu vực nông nghiệp, nông thôn, nơi có đến 2/3 dân số đang sinh sống.

Với mục tiêu như vậy, dù bước đi, biện pháp có thể còn tiếp tục có những cách nhìn nhận khác nhau, nhưng như đã trình bày ở trên, do Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, do đó thận trọng theo dõi, học tập khi cần thiết là cách ứng xử lúc này của chúng ta. Tất cả nhằm xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đất nước phát triển bền vững; giống như mục tiêu phát triển toàn diện, xã hội hài hoà của Trung Quốc, bởi đây chính là sự thể hiện điểm ưu việt của chủ nghĩa xã hội ở những nước xây dựng chế độ xã hội này từ điểm xuất phát thấp./.