Con sóng thần không lặng lẽ*

12:18, ngày 31-12-2008

Cuộc khủng hoảng lương thực thế giới hiện nay đang diễn ra rất dữ dội và khốc liệt khi nguồn cung giảm và giá cả tăng nhanh đã ảnh hưởng đến hàng tỉ người, nhất là người nghèo và người dân ở các nước đang phát triển. Các nhà bình luận gọi nó là “cơn sóng thần không lặng lẽ”, bởi đã được biết trước (1).

1 - Cuộc khủng hoảng do con người

Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đang ảnh hưởng đến hầu hết các nước trên thế giới, không phải do nguồn cung giảm và nhu cầu tăng mà chủ yếu do các chính sách tự do hóa và định hướng thị trường. Các chính sách này không đặt trọng tâm vào nông nghiệp hoặc cho phép thay đổi giá cả trên toàn cầu để quyết định mô hình vụ mùa và khả năng trồng trọt, do vậy đã tạo ra nhiều cơ hội cho hoạt động đầu cơ sản phẩm lương thực.

Hậu quả là, trên toàn thế giới, giá nhiều loại lương thực cơ bản đã tăng rất nhanh trong hơn 3 thập kỷ. Kể từ năm 2007, giá lương thực đã tăng hơn 40% và thậm chí còn cao hơn trong 3 tháng đầu năm 2008. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, giá lương thực trung bình năm 2007 tăng hơn năm 2006 là 25%. Ngoại trừ đường, còn hầu như giá của mọi loại lương thực đều tăng trong năm 2007 và tăng vọt trong những tháng đầu năm 2008.

Sự tăng giá này đã ảnh hưởng rất mạnh đến các nước nghèo, nơi người dân gần như phải chi một nửa thu nhập của gia đình vào lương thực. Đã có những náo loạn về lương thực ở Hai-i-ti, Ghi-nê, Mô-ri-ta-ni, Mê-hi-cô, Ma-rốc, Ai Cập, Xê-nê-gan, U-dơ-bê-ki-xtan, Y-ê-men, Băng-la-đét, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a. Và hiện cũng có nhiều nước bị đe dọa bởi sự náo loạn xã hội khi giá lương thực không chỉ gây ra sự thất vọng mà còn gây ra nạn đói phổ biến.

2 - Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng

Có 5 nguyên nhân cơ bản:

- Giá dầu cao;

- Nhu cầu cho nhiên liệu sinh học;

- Thu nhập ngày càng tăng ở Trung Quốc và ấn Độ giúp cho người dân có cơ hội mua nhiều thực phẩm hơn, nhất là thịt;

- Sự mất giá của đồng đô-la Mỹ;

- Lượng dự trữ lương thực thấp nhất trong vòng 25 năm khiến cho hoạt động đầu cơ tăng mạnh.

Tuy nhiên, còn có một số nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Đó là các nước đang phát triển theo khuyến nghị của các thể chế tài chính quốc tế và các nhà kinh tế đã dựa vào thị trường lương thực thế giới mà không dựa vào hệ thống dự trữ quốc gia để đáp ứng nhu cầu lương thực. Đây là tác động của một luồng tư tưởng nổi trội lên kể từ năm 1979 và thường được gọi là chủ nghĩa tự do mới hay sự Đồng thuận Oa-sinh-tơn. Tư tưởng tự do mới cho rằng, chủ nghĩa tư bản sẽ phát triển nhất khi các rào cản thương mại (thuế, các luật lệ) và sự can thiệp của chính phủ bị bãi bỏ. Và điều này sẽ dẫn đến sự ổn định của các thị trường toàn cầu. Đã có những cuộc tranh luận mạnh mẽ về lợi ích của tự do thương mại toàn cầu, nhưng lại không hề quan tâm tới vấn đề ổn định thị trường và vai trò trung tâm của lương thực đối với con người.

Các nước đang phát triển thường được khuyến nghị là không nên tự nỗ lực sản xuất lương thực và không nên xây dựng các kho dự trữ lương thực dành cho trường hợp bất ngờ mà nên dựa vào thị trường lương thực toàn cầu sẽ hiệu quả hơn và rẻ hơn. Điều này có thể đúng khi giá lương thực rẻ. Nhưng khi giá lương thực bị tác động bởi thị trường tài chính và dầu mỏ, nó sẽ không ổn định như dự đoán và các nước thực hiện lời khuyến nghị đó sẽ rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Do giá lương thực trên thị trường toàn cầu khác với giá trên thị trường trong nước(2) nên các rào cản về thuế và luật lệ đối với xuất, nhập khẩu lương thực mới phổ biến ở Nam bán cầu. Bãi bỏ các rào cản và luật lệ này sẽ khó tránh khỏi hậu quả. Cho dù việc giảm thuế có mang lại lợi ích, nhưng về lâu dài sẽ khiến cho các nước phương Nam phải đối mặt với sự bất ổn của các thị trường và nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu xảy ra ngoài dự kiến.

3 - Hậu quả của cuộc khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng lương thực đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với người dân ở các nước nghèo, đặc biệt ở châu Phi và châu Mỹ.

Ở châu Phi, sản xuất lương thực chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của gia đình, còn các chính phủ thường hỗ trợ người dân sản xuất lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu quốc gia. Ngược lại với các chính phủ thực dân chủ yếu tập trung vào sản xuất các loại cây lương thực để xuất khẩu, các chính phủ hậu thực dân trong khi vẫn tiếp tục chính sách đó đã có một số hỗ trợ cho những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Mặc dù vậy, các đồn điền chuyên canh quy mô lớn phục vụ cho mục đích xuất khẩu vẫn ở ngoài tầm của các hộ trồng trọt gia đình. Các vụ mùa để xuất khẩu là nguồn thu nhập quốc gia và được quan tâm rất lớn, trong khi các hộ trồng trọt gia đình chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước.

Chính sách này có thể thấy rất rõ ở Ga-na và Ca-mơ-run. Gạo nhập khẩu ở Ga-na đã tăng gấp đôi khi chính phủ nước này giảm thuế nhập khẩu từ 100% xuống còn 20% như kết quả của các chính sách điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB). Sự giảm thuế bảo hộ xuống còn 25% cũng đã làm tăng 6 lần số lượng gia cầm nhập khẩu. ở Xê-nê-gan, 70% ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm đã bị “quét sạch” trong những năm gần đây do chính sách trợ cấp cho người chăn nuôi gia cầm của Liên minh châu Âu (EU).

Ga-na bị ảnh hưởng rất mạnh trên 2 mặt. Gạo trong nước chiếm 43% thị trường nội địa năm 2000, nhưng chỉ đáp ứng được 29% năm 2003. Nhập khẩu gạo đã từ 250.000 tấn năm 1998 tăng lên đến 415.150 tấn năm 2003, khiến cho 66% số người sản xuất gạo bị thua lỗ. Với bột cà chua cũng vậy, nhập khẩu từ EU tăng từ 3.300 tấn năm 1998 lên đến 24.740 tấn năm 2003, khiến cho nông dân bị mất 40% thị phần trong nước do giá giảm. ở Cốt-đi-voa, nhập khẩu gia cầm tăng 650% thời kỳ 2001 - 2003 đã khiến cho sản xuất trong nước giảm 23%, giá cả bị rơi xuống và hàng ngàn người bị thất nghiệp. Nhập khẩu dầu thực vật ở Mô-dăm-bích tăng 5 lần trong thời kỳ 2001 - 2004 đã khiến cho sản xuất trong nước giảm từ 21.000 tấn năm 1981 xuống còn 3.500 tấn năm 2004.

Khả năng châu Phi bị thương tổn do cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là rất cao. Lý do là sự thay đổi khí hậu cũng như những vấn đề liên quan là hạn hán và sa mạc hóa đang tác động tiêu cực đến toàn thế giới. Những thách thức khác là các cuộc xung đột có thể trở thành chiến tranh và các hoạt động khai thác khoáng sản bừa bãi.

Giá lương thực tăng vọt hiện nay đang chống lại người nghèo. Thậm chí ở các xã hội hậu xung đột, cho dù hòa bình và hy vọng đã đến, người dân vẫn phải sống trong âu lo khắc khoải do cuộc khủng hoảng lương thực tác động sâu xa đến cuộc sống hằng ngày của họ. Tình cảnh này được nhiều người dân châu Phi mô tả qua câu nói: “Súng đạn đã chấm dứt nhưng khó khăn kinh tế lại cướp đi sinh mạng của người dân”.

Cuộc khủng hoảng lương thực cũng tác động rất lớn đến các nước ở Tây bán cầu, đặc biệt là Hai-i-ti. Hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy Hai-i-ti sẽ bị rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và thường xuyên nếu không có những thay đổi lớn về lương thực và hệ thống nông nghiệp.

Hai-i-ti là một quốc gia có hơn một nửa số dân sống với mức chưa đến 1 USD/ngày. Vì vậy giá lương thực cơ bản như gạo và đậu tăng hơn 50% đã khiến cho vấn đề chỉ là “tồn tại hay không tồn tại”. Tình hình tồi tệ đến mức các nhà bình luận nói rằng, không một nhà kinh tế nào của Ha-vớt có thể dự tính được giá cả lương thực bằng một phụ nữ nghèo phải nuôi cả gia đình. Tuy nhiên, Hai-i-ti lại không phải là một nước nghèo đối với tất cả người dân Hai-i-ti. Số liệu của Liên hợp quốc cho biết, đây là nước có tình trạng bất bình đẳng đứng thứ hai thế giới. Những triệu phú sống một cuộc sống mà hàng ngàn người ở những khu nhà ổ chuột không bao giờ có thể tưởng tượng được.

Sự bất bình đẳng xã hội và cuộc khủng hoảng lương thực ở Hai-i-ti hiện nay bắt nguồn từ các chính sách tự do mới. Theo một nghiên cứu của Đại học Tổng hợp Mỹ (American University), sự sụp đổ của ngành sản xuất gạo ở Hai-i-ti đã đe dọa cuộc sống của những người nông dân trồng lúa và những người tham gia vào quá trình trồng trọt, chế biến và bán gạo. Sự sụp đổ này có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân đa dạng, bao gồm cả điều kiện môi trường tự nhiên tồi tệ và những nhân tố cản trở người nông dân Hai-i-ti; nhưng trên tất cả vẫn là các chính sách tự do hóa.

Ở Mê-hi-cô, cuộc khủng hoảng lương thực cũng đã được dự báo trước. Năm 2007, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình do giá bánh ngô tăng 50%. Mặc dù được cho là do giá thế giới tăng vì nhu cầu cho chế xuất nhiên liệu sinh học, nhưng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là phức tạp và đã có từ trước khi có cuộc bùng nổ nhiên liệu sinh học.

Cuộc khủng hoảng này ở Mê-hi-cô sẽ vẫn còn tiếp tục, bên cạnh giá trên thế giới tăng và giá ga tăng còn do các công ty đa quốc gia tập trung vào thị trường ngô như kết quả của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Ngay khi người dân Mê-hi-cô tiếp tục biểu tình vì giá lương thực tăng, Cargill -một thương gia ngũ cốc lớn nhất thế giới - thông báo đã tăng lợi nhuận 86% trong quý I - 2008. ở đây, chính sách nhập khẩu và sự bãi bỏ các chương trình trợ cấp của chính phủ đã khiến cho người nông dân sản xuất nhỏ gặp phải khó khăn. Hơn 2 triệu nông dân Mê-hi-cô đã sa vào cảnh khốn cùng kể từ khi NAFTA có hiệu lực.

Hiện nay, người dân Mê-hi-cô không thể biết là cuộc khủng hoảng bánh ngô kể từ tháng 1-2007 liệu có chấm dứt không. Chương trình của chính phủ đặt một giá trần cho ngô vẫn có hiệu lực và đã ổn định được giá cả ở một số nơi. Tuy nhiên, giá cao vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Trong một cuộc điều tra một thị trường ở khu ngoại ô nghèo khổ thuộc Mê-hi-cô Ci-ty, những người nội trợ cho biết, sau tháng 1-2007 họ đã phải giảm một nửa số lượng bánh ngô trong bữa ăn của gia đình, và nói rằng: “Nếu không thể ăn bánh ngô coi như chúng tôi không được ăn gì hết”.

4 - Vai trò không tích cực của các tổ chức quốc tế

Theo WB, giá lúa mỳ đã tăng 181% trong 36 tháng, tính đến trước tháng 2-2008, và giá lương thực toàn cầu đã tăng 83%. WB dự báo rằng, giá lương thực sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới và cuộc khủng hoảng lương thực sẽ đẩy 100 triệu người trên thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban-ki-mun gọi cuộc khủng hoảng này là “một thách thức toàn cầu chưa có tiền lệ” và FAO đã tổ chức một hội nghị cấp cao về an ninh lương thực, thay đổi khí hậu và nhiên liệu sinh học trong các ngày từ 3 đến 5-6-2008. Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ cũng đề nghị quốc hội Mỹ chi một khoản trợ cấp lương thực khẩn cấp là 700 triệu USD. Tuy nhiên, các giải pháp quốc tế lại không đề cập đến những vấn đề cơ bản như sản xuất, phân phối và tiêu thụ lương thực mà chỉ nhấn mạnh đến “bố thí” và tự do thương mại, có xu hướng làm tăng thêm sự phụ thuộc của các nước đang phát triển vào nhập khẩu, viện trợ.

Một số ý kiến cho rằng, nên hỗ trợ cho những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ để họ sản xuất thêm nhiều lương thực, và như vậy, cộng đồng của họ sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường quốc tế do các công ty đa quốc gia chi phối. Nhưng khi giá phân bón đã tăng rất nhanh, thêm vào đó là giá cả và hệ thống thị trường không hoàn thiện thì người nông dân sẽ không thể sản xuất thêm nhiều lương thực một cách bền vững và cũng không thể tiếp cận thị trường sản phẩm của họ với một giá cả thích đáng.
 

* Nguồn: Third World Network (The global food crisis; The unacknowledged cause and unprecedented scale of the global food crisis; A tsunami that was never silent; Going hungry in the Americas...)

(1) Trái với quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo các nước phát triển và tổ chức quốc tế xem cuộc khủng hoảng là “cơn sóng thần lặng lẽ” (“a silent tsunami”)

(2) Các nước phát triển trợ cấp rất lớn cho nông nghiệp