Những diễn biến chính trị mới và triển vọng của phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh
TCCS - Cuộc bầu cử vào tháng 12-2018 tại Chi-lê với chiến thắng của lãnh đạo cánh hữu Xê-bát-tiên Pi-nê-ra (Sebastián Piñera) đã đánh dấu một giai đoạn vô cùng khó khăn trong phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh, báo hiệu một thời kỳ lực lượng cực hữu đã giành được quyền chi phối ở khu vực này. Các ứng cử viên cực hữu ở các nước khu vực Mỹ La-tinh trong những năm gần đây đã giành được số phiếu rất cao và trở thành lãnh đạo ở một số nước trong khu vực này, như ở Ác-hen-ti-na (năm 2015), Bra-xin (năm 2016), và Pa-ra-goay (năm 2018).
Đỉnh cao của phong trào cánh tả trong thập niên đầu tiên thế kỷ XXI
Phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh bắt đầu nổi lên mạnh mẽ từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và phát triển ở đỉnh cao vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, khi Tổng thống Hu-gô Cha-vét lên nắm quyền ở Vê-nê-xu-ê-la từ năm 1998, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, để xây dựng, tập hợp và tài trợ cho một liên minh cánh tả trên toàn cầu. Đến năm 2009, thông qua bầu cử dân chủ, chính phủ cánh tả đã được thành lập ở 14 quốc gia, bao gồm các nước chủ chốt ở khu vực Mỹ La-tinh, như Vê-nê-xu-ê-la, Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê, U-ru-goay, Pa-ra-goay, Ê-cu-a-đo và Bô-li-vi-a... chiếm gần 3/4 dân số Nam Mỹ (khoảng 350 triệu người). Đây được coi là một hiện tượng của toàn khu vực và thế giới tại thời điểm đó.
Sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng thiên tả này, trước hết, là hệ quả trực tiếp của những chuyển biến chính trị, kinh tế - xã hội và tương quan lực lượng ở các nước trong khu vực sau nhiều năm thực hiện mô hình chủ nghĩa tự do mới về kinh tế. Tuy mô hình này mang lại một số kết quả ban đầu về tăng trưởng kinh tế, nhưng các mặt trái của nó cũng ngày càng bộc lộ một cách rõ ràng. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1981 đến năm 2002 (giai đoạn thực hiện mô hình chủ nghĩa tự do mới về kinh tế), khu vực Mỹ La-tinh có hơn 8 năm kinh tế tăng trưởng âm, trong đó các nước có kinh tế tăng trưởng âm kéo dài nhất là Vê-nê-xu-ê-la (12 năm), Ác-hen-ti-na (11 năm), Bô-li-vi-a và Pê-ru (10 năm). Nợ nước ngoài tại khu vực này tăng nhanh (năm 1985 là 300 tỷ USD; năm 2003 là 750 tỷ USD), cản trở rất lớn đối với sự phát triển của các quốc gia. Phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, tình trạng nghèo đói lan rộng đã gây nên sự phản kháng xã hội rộng lớn, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh vì công bằng, dân chủ. Cụ thể, khu vực Mỹ La-tinh có hơn 500 triệu dân nhưng có đến 227 triệu người (44%) sống nghèo khổ, trong đó 92 triệu người sống dưới mức nghèo khổ và 55 triệu người bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp trung bình của toàn khu vực luôn ở mức cao (11%). Đói nghèo và thất nghiệp đã kéo theo tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, văn hoá mất dần bản sắc dân tộc, và lối sống thực dụng kiểu Mỹ ngày càng lan rộng. Tất cả những diễn biến này đã dẫn đến bùng nổ xã hội và khủng hoảng chính trị triền miên, gây xáo động lớn về kinh tế và chính trị - xã hội, và đặt các nước ở khu vực Mỹ La-tinh trước bờ vực của sự sụp đổ.
Trước tình hình đó, với sự thức tỉnh ý thức tự chủ, tự tôn dân tộc của các tầng lớp xã hội, ở các nước Mỹ La-tinh đã xuất hiện phong trào đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, được biết đến với tên gọi “phong trào cánh tả” (the Pink Tide). Mục tiêu của tất cả các chính phủ cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh hướng đến là củng cố độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, bảo đảm các quyền dân sinh, dân chủ cho người dân. Diễn biến này đã tạo điều kiện cho các lực lượng cánh tả trong khu vực đẩy mạnh hoạt động, trở thành lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tự do mới, chống sự lệ thuộc vào Mỹ, và yêu cầu bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Các chính phủ cánh tả cầm quyền đã tập trung vào các cải cách kinh tế - xã hội, với xu hướng chuyển từ mô hình chủ nghĩa tự do mới sang mô hình kinh tế thị trường, kết hợp với giải quyết các vấn đề xã hội theo hướng coi trọng lợi ích quốc gia và quan tâm đến người lao động.
Dưới sự lãnh đạo của lực lượng cánh tả, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở các nước Mỹ La-tinh đã có những thay đổi rõ rệt và đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội. Từ năm 2002 đến 2014, khu vực đã trải qua một cuộc chuyển đổi trên tất cả các lĩnh vực, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng mạnh và tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 11%. Lợi ích từ tăng trưởng kinh tế và những chính sách xã hội ưu tiên cho người nghèo đã giúp hơn 72 triệu người trong khu vực thoát khỏi tình trạng đói nghèo và 94 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu trong xã hội. Chính phủ cánh tả ở các nước Mỹ La-tinh cũng đã tăng cường hợp tác và liên kết khu vực, mở rộng quan hệ với các nước đang phát triển, tích cực hội nhập kinh tế trong khu vực và trên trường quốc tế.
Những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử, địa lý là điều kiện thuận lợi để các nước Mỹ La-tinh đoàn kết, hợp tác cùng phát triển dưới sự lãnh đạo của lực lượng cánh tả. Các cơ chế của khu vực, như Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Cộng đồng các quốc gia vùng An-đét (CAN), Thị trường chung Ca-ri-bê (CARICOM) và Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ (CSN) liên tục được củng cố và tăng cường. Gần đây, một số tổ chức và các chương trình hợp tác kinh tế khu vực mới đã được thiết lập, như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) (được hình thành trên cơ sở của CSN vào tháng 5-2008), Liên minh Bô-li-vi-a cho châu Mỹ (ALBA), Dầu khí Nam Mỹ (PETROSUR), Dầu khí Ca-ri-bê (PETROCARIBE)… nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết khu vực trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực năng lượng.
Bước đột phá về chính trị, kinh tế - xã hội ở Mỹ La-tinh có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của lực lượng cánh tả trên thế giới, nhất là trong bối cảnh phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng kể từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Đồng thời, nó đã có tác động tích cực đến đời sống chính trị khu vực theo hướng dân chủ (đây là điểm khác biệt giữa cánh tả Mỹ La-tinh với cánh tả châu Âu). Nếu như cánh tả châu Âu coi cử tri là tất cả, giành được đa số ghế trong nghị viện là quan trọng nhất, dẫn đến xu hướng tả - hữu trung dung ngày càng chiếm ưu thế, thì cánh tả Mỹ La-tinh lại có xu hướng thiên tả đặc trưng, gắn quá trình giành quyền lực của mình với một mục tiêu rộng lớn hơn là bảo vệ chủ quyền dân tộc, chống sự can thiệp và chi phối của các nước đế quốc và các công ty xuyên quốc gia, và giải quyết những bế tắc trong phát triển xã hội do chủ nghĩa tự do mới gây ra.
Diễn biến chính trị tại khu vực Mỹ La-tinh trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI
Vai trò to lớn của cánh tả Mỹ La-tinh trong thập niên đầu thế kỷ XXI là không thể phủ nhận, với những thành tựu trong đời sống chính trị, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội, góp phần đẩy nhanh quá trình đối thoại và hợp tác trong quan hệ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng chính trị của các nước trong khu vực này đang có dấu hiệu đổi chiều khi các nhà lãnh đạo cánh hữu của khu vực đang cố gắng lên cầm quyền. Tháng 11- 2015, chính khách bảo thủ M. Mác-xi ở Ác-hen-ti-na đã được bầu làm tổng thống, chấm dứt 12 năm cầm quyền của những người theo chủ nghĩa Pê-rôn (tên của cựu Tổng thống Ác-hen-ti-na - Juan Domingo Perón, người theo đuổi những nỗ lực loại bỏ đói nghèo và đề cao lao động). Tháng 8-2016, Tổng thống Đ. Rút-xép ở Bra-xin bị phế truất, chấm dứt 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động. Trong khi đó, Vê-nê-xu-ê-la - một “thành trì” của cánh tả và là nhà bảo trợ nhiều mặt cho một số quốc gia láng giềng, đang bị chống phá bởi thủ lĩnh đối lập. Tháng 1-2019, ông Hoan Gai-đô tự tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời của đất nước này. Mỹ chính thức công nhận ông H. Gai-đô là Tổng thống lâm thời của Vê-nê-xu-ê-la, đồng thời phủ nhận quyền Tổng thống của ông N. Ma-đu-rô. Tuy nhiên, quân đội và phần lớn người dân ở Vê-nê-xu-ê-la tuyên bố sẽ mãi trung thành với Tổng thống N. Ma-đu-rô vốn được người dân bầu.
Trong số các lý giải về diễn biến chính trị tại khu vực Mỹ La-tinh, ba nguyên nhân được bàn luận nhiều nhất bao gồm: 1- Sự suy giảm về kinh tế ở khu vực; 2- Những sai lầm trong điều hành đất nước của các chính phủ cánh tả; 3- Sự tác động từ các thế lực bên ngoài.
Nguyên nhân đầu tiên là sự bất ổn về kinh tế tại khu vực Mỹ La-tinh. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kể từ năm 2012, mọi nền kinh tế lớn ở Mỹ La-tinh đều hoạt động kém hiệu quả, với một số nền kinh tế đã trải qua sự suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động mạnh tới nền kinh tế Mỹ La-tinh vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu. Kinh tế thế giới suy giảm dẫn tới nhu cầu về nguyên liệu giảm theo. Chính sách nới lỏng tiền tệ và đầu tư công rầm rộ của nhiều nước Mỹ La-tinh, vốn chỉ dựa vào ngân sách từ việc xuất khẩu dầu thô, đã phản tác dụng khi giá dầu xuống thấp đột ngột gây giảm mạnh nguồn thu ngân sách, dẫn đến chính phủ không còn khả năng chi trả cho các dự án và chương trình phúc lợi xã hội, đặc biệt là trường hợp của Vê-nê-xu-ê-la. Sự suy thoái trong chi tiêu công đã khiến các chính phủ cánh tả gặp nhiều khó khăn trong việc nắm giữ quyền lực của mình.
Nguyên nhân thứ hai là sai lầm trong việc cầm quyền của những nhà lãnh đạo chủ chốt. Việc các nhà lãnh đạo cầm quyền trong nhiều năm liên tục đã dẫn tới sự hình thành tâm lý cá nhân của nhiều đảng cánh tả Mỹ La-tinh, khi ranh giới giữa mong muốn của cá nhân lãnh đạo, lợi ích của đảng và lợi ích của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước không còn được phân định rõ. Điển hình là việc hầu hết các nhà lãnh đạo cánh tả đều cố gắng thay đổi hiến pháp, nhằm cho phép bản thân có thể tái cử. Điều này làm cho các chương trình nghị sự bị giới hạn và xoay quanh các cá nhân, thay vì thúc đẩy một kế hoạch phát triển toàn diện của đảng và đất nước. Chính những hành động này của các nhà lãnh đạo đã tác động mạnh tới tâm lý cử tri, cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình đổi mới nhân sự và cương lĩnh của các đảng cánh tả Mỹ La-tinh.
Nguyên nhân thứ ba là sự tác động của các thế lực bên ngoài đối với tình hình chính trị nội bộ ở Mỹ La-tinh, đứng đầu là Mỹ với các lệnh trừng phạt đối với các nước trong khu vực này, đặc biệt là với Vê-nê-xu-ê-la, nước chủ chốt trong phong trào cánh tả. Mặt khác, Mỹ ra sức hậu thuẫn cho lực lượng cánh hữu chiến thắng trong các cuộc bầu cử, trong đó tiêu biểu là chiến thắng của J. Bôn-xô-ra-nô ở Bra-xin, M. Mác-xi ở Ác-hen-ti-na, X. Pi-nê-ra ở Chi-lê và M. A. Ben-ni-tét ở Pa-ra-goay. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông ở các nước này được phe đối lập hậu thuẫn, đã thông tin phiến diện, thiếu trung thực về các vấn đề xã hội, tìm mọi cách che đậy sự tiến bộ xã hội, phớt lờ những mặt tích cực mà chính quyền cánh tả làm được, chỉ tập trung khai thác những khía cạnh tiêu cực, chỉ trích những vấn đề tồn tại, thậm chí bóp méo, tuyên truyền sai lệch, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của các nhà lãnh đạo, nhằm mục đích gây mất lòng tin của người dân. Có thể thấy rằng, lực lượng đối lập ở các nước khu vực Mỹ La-tinh đang thành công trong việc cùng thống nhất lại một kế hoạch hành động chung và cùng bác bỏ các chính sách của chính phủ cánh tả đương nhiệm.
Trong bối cảnh hiện tại, các chính quyền cánh tả Mỹ La-tinh cần xây dựng một dự án chiến lược cho khu vực, không chỉ để vượt qua chủ nghĩa tự do mới, mà còn để xây dựng xã hội công bằng, hữu nghị, có chủ quyền, tự do và loại bỏ tất cả các hình thức bất bình đẳng xã hội. Để tiến bước và bảo vệ những thành quả của mình đòi hỏi các chính phủ cánh tả chú trọng đề cao tinh thần đoàn kết, đổi mới toàn diện về cả kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như có một chiến lược, đường lối phát triển dài hạn để tạo thời cơ thuận lợi cho việc giành lại quyền lãnh đạo của mình ở khu vực này.
Sự trở lại của phong trào cánh tả trong tương lai
Để mô tả nền chính trị Mỹ La-tinh, một số nhà phân tích quốc tế thường sử dụng hình ảnh ẩn dụ con lắc, với hàm ý diễn biến chính trị được đặc trưng bởi một mô hình có tính chu kỳ, trong đó, không có mô hình chính trị nào trường tồn theo thời gian, ngay cả khi chính phủ được điều hành luân phiên bởi các nhà lãnh đạo cánh tả và cánh hữu. Do đó, việc những nhà lãnh đạo cánh hữu đang chiếm ưu thế không phải là dấu chấm hết đối với phong trào cánh tả. Tình thế này có thể chỉ mang tính tạm thời, ẩn chứa một cơ hội cho sự trỗi dậy một lần nữa của phong trào cánh tả như thập niên đầu thế kỷ XXI. Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy việc trở lại mạnh mẽ phong trào cánh tả là hoàn toàn có cơ sở.
Thứ nhất, sau khi lên cầm quyền thì tỷ lệ tín nhiệm đối với các tổng thống chống lại phong trào cánh tả đã trở nên cực kỳ thấp, xuống dưới mức 20% như trường hợp của Tổng thống J. M. Xan-tốt ở Cô-lôm-bi-a, Tổng thống E. P. Ni-ê-tô ở Mê-xi-cô và Tổng thống P. Cu-din-xki ở Pê-ru. Sự mất uy tín này đã giúp thúc đẩy sự phát triển của phong trào cánh tả. Mặc dù đang lâm vào khủng hoảng, song phong trào cánh tả vẫn nhận được sự ủng hộ quá mạnh mẽ từ những cử tri nghèo, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ những cải cách về kinh tế - xã hội và những dự án phúc lợi mà những nhà lãnh đạo cánh tả mang lại.
Thứ hai, làn sóng cánh tả có sức mạnh bền bỉ và sự đoàn kết lớn giữa các nước trong khu vực và lớn hơn rất nhiều so với các làn sóng tiến bộ và dân chủ ở Mỹ La-tinh trong quá khứ. Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, ban đầu một số chính phủ tiến bộ đã xuất hiện ở Goa-tê-ma-la, Ác-hen-ti-na và một số nước khác; tuy nhiên, sau đấy là sự nổi lên của một loạt chính phủ cánh tả với số lượng vượt trội, bao gồm Vê-nê-xu-ê-la, Bra-xin, U-ru-goay, Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a, Ê-cu-a-đo, Ni-ca-ra-goa, En Xan-va-đo, Ôn-đu-rát và Pa-ra-goay. Bên cạnh đó, chính phủ cánh tả là yếu tố quan trọng trong việc hình thành và hợp nhất của một số tổ chức khu vực, bao gồm UNASUR, CELAC, ALBA và MERCOSUR, tất cả đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự thống nhất và hội nhập của Mỹ La-tinh. Các nhà lãnh đạo cánh tả đã cùng nhau giúp đỡ các quốc gia cánh tả đối mặt với các khủng hoảng chính trị, như trường hợp của Vê-nê-xu-ê-la các năm 2002 - 2003 và 2017 - 2018, Bô-li-vi-a các năm 2006 và 2009, Ê-cu-a-đo vào năm 2010. Tinh thần đoàn kết này đặc biệt gây ấn tượng trong bối cảnh quá khứ đã chứng kiến những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa phong trào cánh tả ôn hòa, đại diện bởi Chính phủ của Tổng thống Lu-la đa Xin-va ở Bra-xin và phong trào cánh tả điển hình, đại diện bởi nhà lãnh đạo Hu-gô Cha-vét.
Thứ ba, sức sống của các nước cánh tả vẫn còn đang rất mạnh mẽ, điển hình là ở Vê-nê-xu-ê-la. Bất chấp sự chống phá quyết liệt của Mỹ và các nước phương Tây, Vê-nê-xu-ê-la vẫn vững vàng, cho thấy được tinh thần thép mạnh mẽ của những người tiên phong, cách mạng. Trong năm 2019, hàng nghìn người dân Vê-nê-xu-ê-la đã tuần hành trên đường phố của Thủ đô Ca-ra-cát để bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ của Tổng thống N. Ma-đu-rô và phản đối phe đối lập ở nước này, cho thấy niềm tin của những người dân nơi đây vẫn luôn dành cho các chính phủ cánh tả. Thêm vào đó, Liên minh cánh tả của những chế độ cánh tả còn lại tại Mỹ La-tinh đã họp tại Ca-ra-cát trong khuôn khổ Diễn đàn Sao Pao-lô để thảo luận về việc tiếp tục duy trì sự tồn tại của họ trước làn sóng chuyển dịch này và cùng nhau bày tỏ tình đoàn kết chống “đế quốc”.
Sự ủng hộ của người dân và sự đoàn kết bền bỉ của các nước cánh tả trong cả một chiều dài lịch sử sẽ cổ vũ cho sự sớm xuất hiện một làn sóng mới trong phong trào cánh tả tại khu vực Mỹ La-tinh./.
Việt Nam sát cánh cùng các nước thành viên Phong trào Không liên kết, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới  (26/10/2019)
Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga qua hơn một thế kỷ  (21/10/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển