TCCSĐT - Những ngày cuối tháng 4-2012, các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang háo hức chào đón sự kiện trọng đại: “Triển lãm – Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL” theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010”, kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là dịp để các bộ, ngành trung ương cùng đảng bộ, chính quyền, quân và dân các tỉnh, thành trong vùng tổng kết, đánh giá lại những thành tựu trong xây dựng, phát triển ĐBSCL 10 năm qua; nhận rõ những hạn chế, yếu kém, thách thức; từ đó xác định những giải pháp để tiếp tục đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Tăng tốc phát triển

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, diện mạo của vùng ĐBSCL đã có rất nhiều thay đổi. Trong đó, nổi bật là một số thành tựu sau:

Kinh tế các tỉnh, thành trong vùng phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tổ chức huy động tốt các nguồn lực đầu tư; môi trường đầu tư được cải thiện

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/năm. Về cơ cấu kinh tế, năm 2000 tỷ trọng khu vực I (nông - lâm nghiệp và thủy sản) chiếm 53,5%, khu vực II (công nghiệp - xây dựng): 18,5% và khu vực III (dịch vụ): 28%, đến năm 2010 cơ cấu kinh tế các khu vực tương ứng là 39%, 26%, 35%. Giá trị sản xuất năm 2010 (giá so sánh năm 1994) đạt 336.924 tỉ đồng, tăng gấp 3,5 lần so năm 2001, tăng bình quân 11,87%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 6,83 tỉ USD (chiếm khoảng 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 17,8%. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001.

Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển khá, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây), thể hiện vai trò trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của cả nước

Giai đoạn 2001-2010, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng bình quân 6,9%/năm; hiệu quả thu nhập trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp tăng từ 20,2 triệu đồng/ha (năm 2000) lên gần 38 triệu đồng/ha (năm 2010). Sản lượng lúa tăng từ 16 triệu tấn/năm (năm 2001) lên 21,6 triệu tấn/năm (năm 2010), tăng 35%. Hằng năm, toàn vùng xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Cây ăn trái phát triển nhanh, đến cuối năm 2010 toàn vùng có hơn 400.000 ha cây ăn trái, chiếm 40% diện tích cả nước, đạt 3,5 triệu tấn, chiếm khoảng 70% sản lượng trái cây cả nước. Về thủy sản,  ĐBSCL chiếm 70% diện tích nuôi, 58% sản lượng thủy sản cả nước. Trong đó, cá tra, tôm trở thành một trong những ngành kinh tế chiến lược của quốc gia.

Công nghiệp được chú trọng phát triển, đi dần vào khai thác các thế mạnh của vùng về công nghiệp chế biến nông sản, bước đầu tập trung đầu tư phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí     

Giá trị sản xuất công nghiệp vùng ĐBSCL tăng bình quân 18,8%/năm giai đoạn 2001-2010. Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm được tập trung đầu tư phát triển, góp phần tăng tỷ trọng của ngành đạt 26% trong cơ cấu kinh tế của vùng năm 2010. Sản phẩm chế biến thủy sản phát triển mạnh với hơn 60 chủng loại mặt hàng, cung cấp cho cả nước trên 50% sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu lao động. Công nghiệp năng lượng, hóa chất, dược phẩm có bước phát triển khá. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản, điện, khí có giá trị sản xuất lớn, bước đầu đã hình thành các khu công nghiệp tập trung cấp vùng và quốc gia như: Trung tâm Khí – điện – đạm Cà Mau, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ); đã khởi công xây dựng Nhà máy điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh), Nhà máy nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), cơ sở hạ tầng Trung tâm Nhiệt điện sông Hậu (Hậu Giang), đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn.

Thương mại, dịch vụ, du lịch, thông tin và truyền thông có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và đời sống nhân dân

Từ năm 2001 đến năm 2010, toàn vùng  đã xây mới 494 chợ, nâng tổng số chợ trong toàn vùng lên 1.790 chợ (chiếm 20,9% số chợ cả nước). Bước đầu hình thành trung tâm thương mại cấp vùng ở Cần Thơ và các trung tâm cấp tỉnh. Các địa phương có đường biên giới với Campuchia đã chú ý khai thác lợi thế để phát triển kinh tế biên mậu và các khu kinh tế cửa khẩu, các loại hình siêu thị miễn thuế, đã hình thành các khu kinh tế cửa khẩu ở An Giang, Kiên Giang, Long An và Đồng Tháp. Các dịch vụ tài chính, tiền tệ, tư vấn,.. được các địa phương quan tâm đầu tư, phát triển. Hạ tầng bưu chính viễn thông được đầu tư rộng khắp từ đô thị đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các địa phương đã chú ý liên kết chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc khai thác, phát huy lợi thế vùng sông nước, phát triển ngày càng đa dạng và phong phú các loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn. Năm 2010, toàn vùng thu hút hơn 19 triệu lượt du khách; trong đó có 1,46 triệu lượt khách quốc tế.

Hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến, gắn kết với thủy lợi; toàn vùng cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, các đô thị được đầu tư, nâng cấp

Hệ thống giao thông huyết mạch, nhiều cầu vượt sông lớn được xây dựng, nâng cấp, giảm ách tắc giao thông liên vùng, liên tỉnh. Hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình giao thông thủy và hàng không quan trọng. Nhiều công trình giao thông đã được xây dựng lồng ghép với phát triển hệ thống thủy lợi, xây dựng các cụm tuyến dân cư, phát triển nông thôn. 10 năm qua, toàn vùng đã huy động trên 4.600 tỉ đồng xây dựng các công trình kiểm soát lũ, hoàn thành 35 công trình thủy lợi vừa và lớn; xây dựng hơn 754 km đê sông và đê biển giúp hình thành những vùng sản xuất mới. Nhiều cụm dân cư phát triển thành đô thị nông thôn mới, giúp ổn cư cho 132.371 hộ dân vùng ngập sâu. Dự kiến đến cuối năm 2012, giai đoạn 2 của chương trình xây dựng các cụm tuyến khu dân cư vượt lũ sẽ hoàn thành để bố trí 57.252 hộ dân vào ở.

Nâng cấp thành phố Cần Thơ thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của vùng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các thành phố, thị xã, thị trấn được phát triển khá nhanh. Hệ thống lưới điện và hệ thống cấp nước sinh hoạt ở các thành phố, thị xã, thị trấn được đầu tư nâng cấp hoàn thiện.

Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Chăm được cải thiện

Toàn vùng đã thành lập mới và mở rộng, nâng cấp nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề. Trường Đại học Cần Thơ trở thành trường trọng điểm quốc gia cấp vùng. Mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông phát triển rộng khắp các địa bàn dân cư. Cơ sở vật chất trường, lớp được tập trung đầu tư, đội ngũ giáo viên, học sinh tăng nhanh. Các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường dân tộc nội trú.

Công tác dạy nghề có nhiều tiến bộ, gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xoá đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu lao động xã hội. Đến năm 2010, toàn vùng có 336 cơ sở dạy nghề, trong đó có 95 trung tâm dạy nghề cấp huyện, tăng gấp 3 lần so năm 2001; chất lượng giáo viên và giảng dạy từng bước được nâng lên.

Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được những thành tựu quan trọng. Xây dựng mới Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ 700 giường, xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang 500 giường, nâng cấp nhiều bệnh viện tỉnh như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang... Cơ bản hoàn thành nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Đến năm 2010, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ, y tá phục vụ đạt 97%.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm từ 14,18% cuối năm 2000 xuống còn 7,32% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010). Giải quyết việc làm được tập trung thực hiện, đạt bình quân 332.000 lao động/năm. Trên 87% số hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch.

Còn nhiều bất cập, thiếu tính bền vững

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị nhưng trên thực tế, quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Đó là :

Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, yếu tố rủi ro còn cao, chưa tương xứng tiềm năng của vùng, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 21 chưa đạt được

 Nông nghiệp có lợi thế, nhưng công tác quy hoạch cụ thể chuyên ngành như sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái… thực hiện chậm; chưa khai thác tốt tiềm năng và chưa đạt hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực, kinh tế mũi nhọn của vùng, chưa tạo được nhiều thương hiệu mạnh. Nền kinh tế nông nghiệp quy mô nhỏ, rủi ro cao, bị đe dọa bởi nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Quy mô công nghiệp nhỏ, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là công nghiệp địa phương; công nghiệp chế tác, cơ khí phục vụ nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao chưa phát triển. Thu hút đầu tư chưa nhiều, nhất là đầu tư nước ngoài. Hệ thống trung tâm siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại còn hạn chế, hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại chỉ mới đáp ứng 10% nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng ĐBSCL.

Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tuy được tập trung đầu tư trong các năm qua, nhưng cơ bản vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số công trình trọng điểm về giao thông như : cầu Vàm Cống, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho, nhiều tuyến đường ô tô đến trung tâm xã, các cảng nằm dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu; cảng biển Đại Ngãi, Hòn Chông chưa được đầu tư xây dựng. Chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và dự án thủy lợi Ba Lai (Bến Tre) đầu tư chưa đồng bộ...

Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa – xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém so với các vùng, miền khác

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu, các chỉ số giáo dục - đào tạo và dạy nghề trong vùng còn thấp so với các vùng khác. Tỷ lệ đầu tư cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề còn thấp, chỉ mới đạt 18% vào cuối năm 2010. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp (11%); tỷ lệ huy động học sinh trung học phổ thông mới đạt 44,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt  23,5%. Trang thiết bị giảng dạy thiếu, lạc hậu, giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, chủ yếu là dạy nghề ngắn hạn. Số xã có bác sĩ mới đạt 71% (chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết 21 là 100%).

Nhiều hạn chế, yếu kém trong xây dựng hệ thống chính trị chậm được khắc phục

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng trong vùng còn yếu kém. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan và ở cơ sở từng lúc, từng nơi còn hình thức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ đầu ngành có trình độ cao, chuyên sâu về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế ... còn nhiều hạn chế, tình trạng hụt hẫng cán bộ vẫn còn diễn ra. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị còn có mặt bất cập.

Tạo động lực mới để ĐBSCL tiến kịp cả nước

Để vượt qua những khó khăn, thách thức nêu trên, mục tiêu chủ yếu trong xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2020, được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các  tỉnh, thành vùng ĐBSCL thống nhất đề ra là:

- Xây dựng vùng ĐBSCL tiếp tục là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng cả nước. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động về kinh tế, các mặt văn hoá, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước. Chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng; tập trung xây dựng xã nông thôn mới.

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 của vùng đạt 12-13%; tỷ trọng nông, lâm, ngư ngiệp trong GDP giảm xuống còn 32-30%, công nghiệp xây dựng tăng lên 33-34%, khu vực dịch vụ 35-36%. Thu nhập GDP bình quân đầu người phấn đấu đến năm 2015 đạt khoảng 50 triệu đồng (tương đương 2.130 USD) và đạt khoảng 70 triệu đồng (tương đương 3.200 USD) vào năm 2020.

- Tăng trưởng kinh tế phải gắn với công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các tầng lớp dân cư.

Khâu đột phá để đạt được mục tiêu này của vùng trong 10 năm tới được xác định là: “Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, thuỷ lợi, giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề và xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển hợp lý các đô thị trung tâm và các khu công nghiệp đã được quy hoạch”.

Một số giải pháp chủ yếu phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL trong 10 năm tới:

- Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch trong nước và ở nước ngoài; huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh phát triển.

- Đẩy mạnh thực hiện liên kết vùng gắn với xây dựng nông thôn mới

Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách riêng cho vùng ĐBSCL, ưu tiên các chính sách đặc thù thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp và nguồn nhân lực. Các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL chủ động xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện liên kết vùng” để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ĐBSCL giai đoạn 2011-2020.

Nghiên cứu xây dựng và ban hành Chính sách hợp tác liên tỉnh trong vùng, hợp tác với các vùng và các nước trong khu vực; giữa vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường hợp tác với Campuchia và các nước trong khu vực.

- Tập trung mọi nguồn lực phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Hình thành một bước cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại là đột phá chiến lược để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trước mắt, cần tập trung rà soát, hoàn chỉnh các quy hoạch kết cấu hạ tầng ở từng tỉnh, thành trong vùng,  bảo đảm sử dụng tiết kiệm các nguồn lực và hiệu quả của nền kinh tế.

Huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông vận tải thiết yếu, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa các tỉnh, thành trong vùng. Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, bảo trì các công trình hiện có và xây dựng mới các công trình kết cấu hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội (đường cao tốc, nạo vét luồng Định An, đào kênh Quan Chánh Bố, cảng biển cho tàu lớn…). Đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đối ngoại, hoàn thiện đường vành đai biên giới. Rà soát, cập nhật chiến lược và các quy hoạch chuyên ngành cho phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng giai đoạn 2011-2020.

Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, môi trường. Đẩy mạnh việc xã hội hóa để huy động nhiều nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển vùng ĐBSCL.

Từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống thuỷ lợi, chú trọng xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, đê sông, các công trình ngăn mặn... Phát triển hệ thống cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh cho đô thị, khu công nghiệp và dân cư nông thôn. Giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước và xử lý nước thải ở các đô thị.

- Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với công tác bảo vệ môi trường

 Tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở vùng ĐBSCL. Quy hoạch và xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng các cụm tuyến khu dân cư vượt lũ giai đoạn II phải phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường. Thực hiện đúng định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.

 - Thực hiện tốt chủ trương đoàn kết dân tộc, các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân

Tăng cường quán triệt nhận thức về đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách tạo thêm việc làm mới, bao gồm các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp mới, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; phát triển thị trường lao động; tăng cường cho vay giải quyết việc làm; duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm./.