TCCSĐT - Nhân dịp kỷ niệm Ngày 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước.

* Không khí những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tưng bừng khắp phố phường Hà Nội. Khắp các nẻo đường rực rỡ sắc màu của băng rôn khẩu hiệu, cờ dây mầu, cờ phướn đuôi nheo và cụm hồng kỳ, cụm panô khiến phố phường càng thêm rộn rã. Cũng trong dịp này, để tạo không khí phấn khởi, thành phố Hà Nội tổ chức tới 60 chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ quần chúng tại các quận, huyện, các trung tâm giáo dục xã hội… Chủ đề của các chương trình văn nghệ đều tập trung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ.

Tại các điểm tham quan, vui chơi khác như Khu di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu  - Quốc Tử Giám, Công viên Hồ Tây, Công viên Thống Nhất, khu vực đường Thanh Niên… cũng thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách các tỉnh đến tham quan. Tâm điểm hướng tới của mọi người vẫn là Khu di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Hoàn Kiếm, nơi hội tụ cả sự thiêng liêng lẫn vẻ đẹp của chính các địa danh. Ngoài ra, Bảo tàng dân tộc học dịp này luôn sôi động các hoạt động văn hoá, nghệ thuật dân gian, hấp dẫn đông đảo người lớn, trẻ nhỏ tới tham quan, tìm hiểu.

Các khu du lịch sinh thái tại Sơn Tây, Ba Vì cũng hấp dẫn đông đảo du khách đến tham quan do có lợi thế gần trung tâm Hà Nội và phù hợp với những cuộc picnic, nghỉ dưỡng khi mùa hè vừa tới. Huyện Ba Vì cũng vừa tổ chức khai trương các khu du lịch nơi này, với những sản phẩm du lịch mới khiến lượng khách đổ về ngày càng đông.

Không chỉ khu vui chơi, giải trí náo nức trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các điểm mua sắm trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng rộn ràng trong những ngày này với lượng khách tăng đột biến. Theo đánh giá của các siêu thị lớn, trong hai ngày 28 – 29-4, các đơn vị này đã đón một lượng khách tăng đáng kể so với các ngày cuối tuần khác.

* Kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2012), tối 28-4, tại Hà Nội, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Truyền thông Quê hương phối hợp tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Những bước chân không mỏi”.

Trong Chương trình giao lưu nghệ thuật, tuổi trẻ Công an nhân dân được thưởng thức các ca khúc về Tổ quốc, về Bác, về người chiến sĩ Công an nhân dân. Các giai điệu, một lần nữa tái hiện lại đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời khẳng định truyền thống Công an nhân dân “Vì nước quên thương, vì dân phục vụ”.

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Những bước chân không mỏi” là cơ hội để tuổi trẻ Công an nhân dân được giao lưu với các nhân chứng lịch sử, những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam; là cầu nối giữa quá khứ gian khổ nhưng rất đỗi tự hào với nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Qua chương trình còn giúp tuổi trẻ Công an nhân dân xác định ý thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, công tác và chiến đấu, xứng đáng là lớp người kế thừa sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của các thế hệ cha anh.

* Tại Sapa, từ ngày 27-4 đến ngày 4-5, lễ hội trên mây Sapa được tổ chức tại trung tâm thị trấn Sapa. Đây là lễ hội mở màn du lịch mùa hè 2012 của Sapa trong khuôn khổ chương trình du lịch “Về cội nguồn 2012” do 3 tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái phối hợp tổ chức.

Trong ngày 29-4, tại Khu du lịch núi Hàm Rồng đã khai mạc “Ngày hội văn hóa dân gian” của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Sa Pa với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Tại đây, du khách cũng trực tiếp tham gia vào nhiều các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như ném còn, bịt mắt bắt dê, đi cầu treo, thi leo núi chinh phục đỉnh Hàm Rồng… và được thưởng thức các loại đặc sản vùng cao.

Lễ hội trên mây Sapa năm nay hứa hẹn nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn, như tái hiện “Đêm chợ tình Sapa”, “Hội chợ ẩm thực vùng cao Lào Cai”, “Ngày hội văn hóa dân gian”, triển lãm ảnh nghệ thuật “Đất và người Sa Pa”, “Trưng bày hoa, cây cảnh đặc hữu của vùng cao Sa Pa, “Giải quần vợt Cúp Fansipan 2012”, “Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát”. Đặc biệt năm nay chương trình “Một ngày làm nông dân vùng cao Sa Pa” sẽ là điểm nhấn tạo nên điểm khác biệt của lễ hội năm nay so với những năm trước.

 

* Tối 28-4, tại bãi biển Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra lễ khai mạc festival “Thuận An biển gọi” năm 2012 với chủ đề “Về với biển” - mở đầu cho mùa du lịch biển năm 2012.

Festival Thuận An biển gọi năm nay gồm các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng như giải bóng đá bãi biển, liên hoan diều, biểu diễn nghệ thuật Thuận An biển gọi, đua thuyền, nhảy bao bố trên cát... Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch biển ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tiếp sau Festival Thuận An biển gọi sẽ là lễ hội "Sóng nước Tam Giang" được tổ chức vào 2 ngày 18 và 19-5 và lễ hội "Về với Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới" tổ chức vào các ngày 16 và 17-6.

* Cũng trong tối 28-4, tại thị xã biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá tổ chức sự kiện “Tuần Văn hóa - Du lịch Sầm Sơn 2012” với chủ đề “Sầm Sơn - sắc mới” để khai trương mùa du lịch 2012 và gắn với lễ công bố quyết định công nhận Thị xã Sầm Sơn là đô thị loại III.

Diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5, “Tuần Văn hóa - Du lịch Sầm Sơn 2012” là một sự kiện du lịch đặc biệt của tỉnh Thanh Hoá, với nhiều sự kiện, hoạt động văn hoá - thể thao - du lịch tiêu biểu, hấp dẫn và ấn tượng.

* Được tổ chức từ ngày 24-4 đến 2-5, Tuần lễ du lịch Hạ Long - Quảng Ninh là một trong những sự kiện thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước. Năm 2012, sự kiện này lại càng có ý nghĩa hơn nữa vì Vịnh Hạ Long đã được Tổ chức New 7 Wonders chính thức công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Tâm điểm của Tuần Du lịch vẫn là Lễ hội Carnaval Hạ Long, một thương hiệu của Du lịch Quảng Ninh đã được xây dựng từ nhiều năm nay.

Với tiêu đề “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, Carnaval Hạ Long 2012 là nơi những người tổ chức lễ hội trình diễn bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch và tôn vinh giá trị di sản của địa phương.

Khác với 5 mùa lễ hội Carnaval trước đó, lễ hội đường phố năm nay được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị có quy mô lớn nhất và tạo ra sự khác biệt rõ nét với hơn 3.800 người tham gia, trong đó có 3.200 người là diễn viên không chuyên, nhân dân các dân tộc và đại diện các vùng, miền trong tỉnh.

Đặc biệt, các chủ đề văn hóa dân gian và đương đại với hàng trăm người tham gia diễu hành trên đường phố sẽ tạo nên hình ảnh đa diện để du khách khám phá được rõ nhất về các hình ảnh lễ hội dân gian của địa phương qua các lễ rước thánh thần, làng xã. Dịp này, khách du lịch được tận mắt xem những các trò chơi trong hội xuân; lễ cưới, tập tục của ngư dân làng chài Hạ Long; tái hiện các điệu múa, lời hát câu hò dân gian; hoạt động đánh bắt hải sản./.