Những người sống vì mọi người
Xin mượn những ca từ đẹp này để nói về những con người bình dị, mà suy nghĩ, hành động và nghĩa cử của họ thực sự đã gây xúc động lòng người, làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn, trong sáng hơn, nhân hậu hơn và cao đẹp hơn.
Những con người bình dị
Ksor H'lâm sinh 1945, dân tộc Ba Na, quê ở xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai). Bà là người không chỉ có bản lĩnh, uy tín và mối quan hệ rộng, mà còn là người có tiếng nói quan trọng trong đời sống tâm linh, sinh hoạt cộng đồng.
Từng là bộ đội kháng chiến, nghỉ hưu năm 1987 với quân hàm thượng uý, bà trở về làng, sống cuộc sống đời thường. Bà không xây dựng gia đình riêng mà dồn cả tâm sức xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào dân tộc thiểu số ở quê hương. Bà là người có công lớn trong việc làm thay đổi tập quán làm ăn, cải thiện đời sống người dân; xoá hủ tục ngàn đời của làng để cứu sống nhiều trẻ sơ sinh suýt bị chôn theo khi mẹ chết; bỏ tục người chết chôn chung trong một "hố ma"...
Bà là niềm tự hào của dân làng và được tôn vinh là "già làng", và, bà cũng là nhân vật trong tác phẩm “Tây Nguyên có một nữ già làng...” của tác giả Lê Quang Hồi, phóng viên thường trú của báo Quân đội nhân dân tại Gia Lai.
Khác với H’Lâm, “lão” công nhân tên Lê Văn Hai - nhân vật trong tác phẩm “Người công nhân cầu đường "cổ lai hy" đăng trên Báo Lao động của tác giả Nguyễn Phấn Đấu, lại có cách giúp đời, giúp người riêng của mình. Sở dĩ gọi là “lão” bởi năm nay ông Hai đã 82 tuổi. Ròng rã 15 năm qua, ông đã tự tay thiết kế, thi công, chạy lo kinh phí… để "bê tông hoá" gần 50 cầu khỉ ở cù lao Tân Phong - nơi từng được mệnh danh là "vương quốc" của cầu khỉ, "ra ngõ gặp cầu khỉ" nên cho tới năm 1993, trên cả cù lao Tân Phong hầu như chưa có xe đạp!
Vậy mà hôm nay, cây cầu khỉ cuối cùng ở Tân Phong sắp được xây dựng bê-tông. Đến bờ sông Tiền - bến phà Tân Phong, hỏi thăm về "ông Hai làm cầu" ở bên kia cù lao, hầu như ai cũng biết, họ tranh nhau nói, tranh nhau chỉ vanh vách cách đến nhà ông.
Còn hai chiến sĩ Nguyễn Xuân Thuyết và Nguyễn Hữu Cường - hai nhân vật trong tác phẩm “Bầm trầy cái chữ ở bản Cuôi”, được bộ đội biên phòng đồn Cù Bài cử đi vượt sông Sẽ Păng Hiêng đến bản Cuôi dạy chữ cho trẻ nhỏ và xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, của tác giả Hải Luận lại khiến chúng ta thêm cảm phục, mến yêu những người lính mang quân hàm xanh lá cây.
Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, bản Cuôi nghèo khó thuộc xã Hướng Lập, Hướng Hoá (Quảng Trị), được mệnh danh là bản "6 không" bởi nó: không chợ, không đường giao thông, không điện, không trường học, không trạm y tế, không thông tin liên lạc. Vào bản Cuôi chỉ có một đường độc đạo đi bộ hết 7 giờ. Đường ở đây chỉ là một lối mòn leo lên núi, tụt xuống núi và vượt qua giữa lòng sông đến... 52 lần.
Dù là lính biên giới đã "nếm" đủ các loại địa hình rừng núi, lội suối, vượt sông, nhưng khi đi vào bản Cuôi hai anh vẫn bị bổ nhào, bổ nghiêng không biết bao nhiêu lần. “Đến nơi đưa hai chân lên nhìn xem thì giống như bị dao cắt dày đặc. Hai đầu gối bị bong gân, sưng to vù, nằm liệt mấy ngày mới dậy được”. Sợ nhất là mùa lạnh, nước sông lạnh giá mà các anh phải ngâm mình trong nước từ 7-9 giờ, đi ngược dòng chảy, đó là chưa kể lũ ở các khe suối bất thần đổ về sẽ cuốn trôi không biết lúc nào, để vào tới bản. Vậy mà hai người thày giáo áo xanh ấy vẫn bám trụ như những con người của bản làng để dạy mỗi ngày cho các em 2 con chữ!
… và có một tấm lòng nhân hậu
Nhiều đêm không ngủ, H'Lâm suy nghĩ: Mình là già làng, là cán bộ phụ nữ xã, nên không thể kéo dài cuộc sống bà con mình mãi thế này được. Thế là mình bắt tay vào công việc. Lúc đầu, số tiền tiết kiệm được, bà gom hết mua 10 con bò, vừa nuôi nhân giống, vừa lấy phân bón ruộng. Tích cực đi phát quang những cánh rừng thưa để trồng điều, trồng tiêu và cây mì (sắn); khai hoang đất ven các con suối để trồng lúa nước, cây bắp lai... Vừa làm vừa tranh thủ vận động bà con làm theo mô hình VAC để xoá đói, giảm nghèo phát triển kinh tế.
Với tấm lòng nhân ái của nữ già làng cùng sự nỗ lực vượt khó của dân làng Krông nói riêng và bà con xã biên giới Ia Mơr nói chung, đời sống bà con ổn định. "Điện, đường, trường, trạm" đã về đến từng làng bản, số hộ đói không còn, hộ nghèo không quá 5%; hơn 95% số hộ đã có ti-vi; 70% số hộ có xe máy, 45% số hộ có xe công nông, máy xay xát... 100% trẻ em đủ tuổi đến trường và đều được Nhà nước hỗ trợ sách vở học tập.
Không những hướng dẫn, giúp đỡ bà con vùng biên giới Ia Mơr phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nữ già làng - Chủ tịch Hội phụ nữ xã còn được nhiều người biết đến như là một "bà tiên" cổ tích, cứu sống nhiều sinh linh bé nhỏ thoát khỏi tử thần trong gang tấc... Ở xã này đã biết bao ca sinh khó qua tay bà, giờ nhớ không hết được. Kinh tế phát triển cũng đã xoá được biết bao nhiêu hủ tục mà hàng chục năm qua đã đeo bám như con đỉa, con vắt làm khổ người dân như chuyện cưới hỏi, cúng bái, bỏ mả, vào nhà mới, rồi tới chuyện thuốc thư, ma lai...
Đặc biệt hơn cả là chuyện đưa làng bước qua "lời nguyền vạn kiếp", bỏ đi "luật tục chôn chung"- một hủ tục lạc hậu gây ra nhiều bệnh tật và làm chết bao nhiêu người dân vô tội.
Ởvùng biên giới Ia Mơr và một số vùng lân cận, người Jrai trong một dòng họ, hoặc trong một gia đình, thường đào một cái "hố ma". Khi trong nhà hoặc trong dòng tộc có người chết là họ bỏ chung vào đó. Với họ, "khi còn sống thì đã sống với nhau, nên khi chết cũng được ở với nhau cho trọn tình, trọn nghĩa". Cứ như vậy, mọi người chết đều được chôn chung vào cái "hố ma" đó và đều được người nhà hằng ngày đến cho ăn, cho uống đến khi nào đủ lễ vật để làm lễ bỏ mả mới thôi.
Chuyện đáng nói ở đây là không may trong dòng tộc có những người mới về với "A Tâu" được mấy ngày, lại có thêm người chết, thế là hàng trăm dân làng lại đưa đến và làm lễ "mở nắp" để tiếp thêm một xác người. Họ đâu biết rằng đó là dịp để các vi trùng bệnh có điều kiện tán phát, nguồn gốc lây lan bệnh tật, và thực tế đã có những trận dịch tả, thương hàn... làm chết rất nhiều người.
Nhiều đêm không ngủ vì thương dân làng, H'Lâm quyết tâm đi vận động bà con bỏ tập tục chôn chung và thành lập một nghĩa địa của làng, thuận lợi cho bà con thờ cúng, cho "ăn uống" khỏi lẫn lộn... Thế nên, nói đến nữ già làng H'Lâm là nói đến một người dũng cảm, bởi có những việc làm không ai dám nghĩ tới, không ai làm được thì bà lại làm được.
Là người đã gắn bó với cù lao Tân Phong gần hết cuộc đời, nếm trải bao khó nhọc của vùng sông nước chằng chịt, “ông Hai làm cầu” hiểu rất rõ điều kiện đi lại ở nơi đây. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì cực khổ trăm bề. Không ít những tai nạn thương tâm đã xảy ra với các cháu nhỏ khi chúng đến trường qua những chiếc cầu khỉ lắt lẻo.
Biết chút ít nghề hồ, cùng sự trợ giúp của ông Nguyễn Hùng Sơn - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, đã nghỉ hưu - ông Hai đã bê tông hoá những cây cầu khỉ đầu tiên trên cù lao. Sau vài cây cầu đầu tiên tự bỏ vốn ra làm toàn bộ, ông Hai tính đến chuyện xóa hết cầu khỉ, rồi bê tông hoá đường trong ấp. Muốn làm được "chuyện lớn" đó, ông nghĩ cần có nhiều người, vì thế ông rất thích thú với cách nói "xã hội hoá".
Trước tiên, ông "xã hội hoá" trong gia đình - ông vận động các con của mình được 30 triệu đồng, rồi vận động một số nguồn đóng góp khác để làm cùng lúc 3 cây cầu. Về sau này, khi có chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", việc làm cầu thuận lợi hơn. Mỗi cây cầu, Nhà nước chi "vốn đối ứng" 10 triệu đồng, còn lại là người dân đóng góp. Nhưng dân trong xã còn nghèo, nhiều nhà cơm chưa đủ ăn lấy tiền đâu mà đóng góp. Vì vậy, phần vốn đóng góp của "nhân dân" bao giờ cũng xuất phát từ ông Hai! Ông ứng tiền làm trước rồi vận động bà con tham gia, thiếu bao nhiêu ông "bao". Theo chiết tính, kinh phí làm cầu lên đến 26 triệu đồng, trong khi nguồn hỗ trợ của Ủy ban nhân dân xã và bà con đóng góp chỉ được 14 triệu đồng. Vậy mà tính đến hết năm 2008, tổng số cầu khỉ do người công nhân "cổ lai hy" trực tiếp xây dựng bê-tông đã lên đến gần 50, với tổng giá trị hơn 1 tỉ đồng.
Lúc đầu ông kêu gọi góp tiền, bà con còn ngần ngại, vì sợ "hổng biết làm được hôn". Sau đó thấy không góp tiền mà cũng có cầu, đi lại tiện lợi, nên bà con tự giác hưởng ứng. “Sự nhiệt tình của bà con mới là đáng khen, công của tui chỉ là vận động được bà con tham gia" - ông Hai khiêm tốn nói. Ông mơ ước bê-tông hóa những chiếc cầu cho bà con đi lại đỡ khổ, nhưng ông sẽ giữ lại một cây cầu khỉ (trên con đường nhỏ vào vườn nhãn của ông), vừa để cho con cháu sau này hình dung được cảnh cầu khỉ, vừa để khách du lịch ngoại quốc đến đây có chỗ chụp hình lưu niệm.
Có một lớp học rất kỳ lạ không chạy theo thành tích, không theo chương trình, mà chỉ theo lương tâm của người lính... Đó là lớp học ở giữa bản Cuôi của thượng uý Nguyễn Xuân Thuyết và thiếu uý Nguyễn Hữu Cường.
Ở thị xã, thành phố, nhiều bậc phụ huynh lo chạy ngược chạy xuôi để con mình vào được trường chuẩn quốc gia, trường điểm. Còn ở bản Cuôi, cha mẹ không đủ sức quan tâm đến chuyện học của con, mà nếu có, cũng lực bất tòng tâm! Chỉ có mấy anh bộ đội biên phòng mới lo toan mọi thứ, đi vận động từng gia đình, từng người, từng em nhỏ ra lớp học. Bàn, ghế các em ngồi học là những tấm gỗ gác tạm; sách, vở, cặp, áo quần... cũng một tay các chiến sỹ đồn biên phòng Cù Bai gom góp, lo cho mỗi em một bộ để học tập.
Dỗ các em đến lớp để học đã khó, giữ các em ngồi học lâu dài mới nan giải vô cùng. Lúc đầu, học sinh vào lớp - ra lớp tự do, tuỳ thích, không hề có khái niệm xin phép thầy. Học ở lớp, em thì đứng, em thì nằm, em thì kêu la giống như đi “chăn trâu ngoài suối vậy". Khái niệm kỷ luật lớp học cũng hầu như chưa có trong nếp nghĩ của các em. Các thầy cứ kiên trì dạy về kỷ luật lớp học, lễ phép với người lớn, với bạn bè trong lớp, sau đó mới vào dạy chữ.
Phương châm của các thầy biên phòng đưa ra là "chậm mà chắc", phải đối xử các em như con, cháu của mình để dốc hết tâm lực dạy các em. Mỗi ngày, các thày chỉ dạy 2 chữ cái bởi tiếng Kinh các em còn chưa biết thì làm sao mà dạy ào ào được? Nếu dạy để theo kịp chương trình và thời gian của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thì chỉ sau một tuần sẽ không còn em nào ngồi lại học.
Hai anh lại dạy các em từng nét chữ, đánh vần từng chữ cái, phát âm theo đúng âm chuẩn, lại uốn lưỡi, uốn miệng cả ngày để các em làm theo cho đúng. Cả ngày, thày trò "nghiền nát" 2 chữ cái trên lớp, tối về hai thày giáo lại đến từng nhà để kiểm tra và tiếp tục "nhào nặn" để các em thật lưu loát từng con chữ. Sáng hôm sau, thày giáo dành nửa buổi sáng để kiểm tra bài cũ, 100% học sinh được kiểm tra.
Học thành thạo bảng chữ cái, thày chuyển sang dạy ghép chữ, đánh vần, đọc luôn câu. Không kể thời gian, hễ thấy học sinh chịu học, ham học được lúc nào là thày dạy lúc đó, cả buổi trưa và buổi tối, thày đều ngồi bên cạnh các em. Chính vì kiên trì như vậy, qua 6 tháng học tập, các em đã biết đọc, biết viết thành thạo và không có em nào bỏ học. “Học đến đâu là nắm chắc đến đó, giống như đổ bê-tông phần móng của nhà cao tầng. Bây giờ em nào cũng rất thích đi học. Đó mới chính là ý nghĩa lớn nhất đối với những người thày mang quân hàm xanh”.
“Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Cuộc thi viết về "Những tấm gương bình dị mà cao quý" đã mang lại những điều thật cao quý, đó là đã phát hiện và giới thiệu được hàng trăm tấm gương khiêm nhường, cặm cụi giữa đời thường mà trách nhiệm với cộng đồng và xã hội lại vô cùng lớn lao.
Trong một bài viết nhỏ, không thể kể hết tất cả những tấm gương tiêu biểu của truyền thống yêu nước, của bản sắc văn hoá Việt Nam - những người chưa từng bước lên bục danh dự nhận những phần thưởng cao quý, nhưng lại là những người được đồng đội, được hàng xóm, láng giềng, được những người xung quanh trân trọng, suy tôn và cảm phục từ đáy lòng. Đó chính là phần thưởng cao quý nhất dành tặng cho những con người “rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân”./.
Những người sống vì mọi người  (29/04/2009)
Thế giới tập trung đối phó với dịch cúm lợn  (28/04/2009)
Gặp lại những du kích quân Ca-ra-cát  (28/04/2009)
Kinh tế thế giới với Trung Quốc là một trụ cột  (28/04/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm