Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa
TCCS - Ngày 11-11-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình phát triển kinh tế -xã hội và giải quyết các kiến nghị của tỉnh nhằm thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa thảo luận, phân tích về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, những hạn chế tỉnh Thanh Hóa cần khắc phục, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả nổi bật, toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà tỉnh cần khắc phục, đồng thời nêu rõ các quan điểm, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ lưu ý tỉnh Thanh Hóa phải giữ vững đoàn kết, thống nhất; tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trong đó tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV và các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Thanh Hóa phải chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án trọng điểm trên địa bàn; xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, sản xuất thông minh; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.
Thanh Hóa phải chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm nhằm tạo ra không gian phát triển mới; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công để dẫn dắt, thu hút nguồn lực hợp pháp của xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỉnh phải tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch, vận tải, logistics, thương mại, với các sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thanh Hóa phải quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp; tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; đẩy mạnh quảng bá và phát triển du lịch lễ hội; đang dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tỉnh Thanh Hóa phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn khu vực biên giới, tuyến biển, các đô thị, khu kinh tế; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài...
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành giải đáp một số ý kiến mà đại biểu Quốc hội phản ánh và một số vấn đề vướng mắc nảy sinh.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở phân tích, giải đáp của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ cho biết, một số kiến nghị đã được quy định rõ và Chính phủ đã chỉ đạo. Đối với các kiến nghị còn lại, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đều là các đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu phát triển của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ nhất trí xem xét; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Thanh Hóa phối hợp giải quyết; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét./.
Trung Duy (tổng hợp)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev  (22/08/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô  (06/08/2023)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam