Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tổng hợp ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm tính toàn diện
TCCS - Ngày 9-3-2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tiến độ triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả bước đầu việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng hợp về tiến độ lấy ý kiến.
Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); mặc dù Nghị quyết số 170/NQ-CP không yêu cầu nhưng nhiều bộ, ngành cũng đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân để triển khai trong bộ, ngành mình và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 6-3-2023, theo số liệu trên website lấy ý kiến nhân dân của cơ quan soạn thảo (chưa có số liệu của các địa phương) đã tiếp nhận 7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật và 56 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp.
Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Các ý kiến góp ý tập trung vào 12 nhóm nội dung như: Về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; việc thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận, vai trò của ủy ban nhân dân cấp xã; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); một số vấn đề chưa quy định trong dự thảo luật, các ý kiến tiếp tục đề nghị có quy định trong Luật đất đai.
Sau khi nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tiến độ triển khai dự án, kết quả bước đầu việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ đang nhận được sự hưởng ứng rất tích cực, rộng khắp. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giới, các giai tầng xã hội với dự án luật rất quan trọng này.
Các ý kiến tại cuộc làm việc và kết quả tổng hợp bước đầu ý kiến của nhân dân thể hiện sự đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trực tiếp là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả tổng hợp bước đầu cho thấy có nhiều ý kiến của nhân dân đóng góp rất sâu sắc, toàn diện, rất có giá trị. Ngoài những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, đã có nhiều ý kiến góp ý vào từng điều khoản, từng nội dung cụ thể của dự án luật.
Nhấn mạnh quan điểm việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ là cho có, sau khi lấy ý kiến nhân dân rồi thì việc tổng hợp ý kiến nhân dân là rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu nêu cao tinh thần trung thực, khách quan, vô tư, “gạn đục khơi trong”; tôn trọng mọi ý kiến góp ý của nhân dân, không để bất cứ ý kiến nào của nhân dân không được tiếp thu, giải trình.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc cho rằng, việc tổng hợp ý kiến nhân dân phải bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, cố gắng lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm để tổng hợp; đồng thời đánh giá các xu hướng, các kiến nghị, đề xuất. Sau đó cần lựa chọn một số vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự án luật để tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến, tổ chức tọa đàm sâu hơn, kỹ lưỡng hơn.
“Ban hành được luật là rất tốt, nhưng luật được ban hành ra phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Tiến độ quan trọng, nhưng chất lượng quan trọng hơn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội ban hành văn bản về cuộc làm việc để các cơ quan có cơ sở làm căn cứ thực hiện.
Theo tiến độ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật sẽ kết thúc vào ngày 15-3-2023. Ngày 25-3-2023, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan hữu quan phải hết sức nỗ lực, khẩn trương, làm việc không kể ngày đêm, “không phân biệt vai nọ, vai kia”, hết sức phối hợp hoạt động vì công việc chung, vì sự nghiệp chung./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chú trọng cả phòng và chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật  (10/03/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  (05/03/2023)
Bế mạc Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (15/02/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc và tiếp Hội đồng kinh doanh EU - ASEAN  (14/02/2023)
Khai mạc Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (14/02/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam