TCCS - Ngày 30-7-2022, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc đối thoại với Đại sứ Hàn Quốc và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đại diện một số tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam_Ảnh: TTXVN

Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và 59/63 tỉnh, thành phố với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 79,8 tỷ USD. Thủ tướng có buổi làm việc nhằm lắng nghe và ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc về những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất sáng kiến, giải pháp cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại cuộc làm việc, Đại sứ Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc nêu 33 kiến nghị gửi các bộ, ngành, cơ quan, địa phương của Việt Nam. Các kiến nghị tập trung vào các vấn đề như: Ưu đãi thuế; quy hoạch điện, cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp; cơ chế khuyến khích đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo và chiến lược, giải pháp để xây dựng và phát triển ngành xe điện; các biện pháp ứng phó với dịch bệnh thời gian tới; thủ tục liên quan giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng;… và các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai một số dự án cụ thể.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 370 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng…

Tuy nhiên, Việt Nam xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Về quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng nêu rõ, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác đã không ngừng được củng cố và phát triển thực chất, toàn diện, vượt bậc trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau, tạo không gian hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ). Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã tiến hành đầu tư tại Việt Nam, như Samsung, LG, Hyosung, Hanwha, Hyundai, Tập đoàn CJ, Lotte... Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, 30% đầu tư Hàn Quốc vào ASEAN hướng vào Việt Nam; kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tương đương 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Giai đoạn vừa qua, hai nền kinh tế đã bổ trợ rất tốt cho nhau.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn, đang cải cách mạnh mẽ để vươn lên, tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có ảnh hưởng quan trọng ở châu Á, là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực. Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nhanh, năng động, với gần 100 triệu dân, có vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN và Đông Á; đầu tư vào Việt Nam cũng là tiếp cận với thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 600 triệu dân. Hai nước đang trong quá trình phê chuẩn Hiệp định RCEP và cùng hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Bên cạnh những thành tựu tốt đẹp của 30 năm hợp tác, tiềm năng và dư địa phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường,

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục hợp tác, chân thành, tin cậy, hiệu quả giữa hai bên, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Ủy Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với đại diện một số tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam_Ảnh: TTXVN

Việt Nam mong muốn sẽ có thêm nhiều dự  án hợp tác, đầu tư của Hàn Quốc thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (như công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển kết cấu hạ tầng...); có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị (tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao phần giá trị gia tăng của Việt Nam, bảo đảm hài hòa hơn nữa lợi ích của hai bên trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam); thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

“Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về thương mại, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); đồng thời, giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, như thủy sản, hải sản, trái cây vào thị trường Hàn Quốc.

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về phát triển năng lượng. Việt Nam khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết COP 26; chú trọng hình thành các trung tâm năng lượng lớn phù hợp với lợi thế cạnh tranh của các địa phương; phát triển hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch; đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh để huy động các nguồn xã hội hoá cho đầu tư phát triển.

Về phát triển công nghiệp, trọng tâm ưu tiên của Việt Nam là phát triển công nghiệp với hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo, tạo bước đột phá trong hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam.

Về những khó khăn, vướng mắc, một số vấn đề các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc nêu đã được giải đáp, xử lý trong buổi đối thoại. Những vấn đề khác, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu và sớm đưa ra biện pháp xử lý cụ thể./.

Trung Duy (tổng hợp)