Bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với công cuộc đổi mới
TCCS - Cách đây 65 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, quyết đoán và sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước và giành được thắng lợi một cách nhanh chóng, triệt để. Có được thành quả lớn lao đó chính là do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức và kết hợp đúng đắn giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa sự chuẩn bị lâu dài về lực lượng chính trị, xây dựng căn cứ địa với xây dựng lực lượng quân sự, mau lẹ chớp thời cơ phát động quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã xóa bỏ ách thống trị phong kiến hàng nghìn năm, ách thống trị thực dân ngót một thế kỷ, đưa đến sự thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đem lại quyền tự do, độc lập và quyền làm chủ thực sự cho nhân dân Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh - trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng và nhân dân ta trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến lược độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước vững mạnh theo mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
1 - Về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng
Là một Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ngay sau khi ra đời, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, Đảng ta đã sớm đề ra đường lối cách mạng với việc gương cao hai ngọn cờ dân tộc và dân chủ để có thể tập hợp lực lượng của toàn dân tộc thực hiện cho kỳ được mục tiêu của cách mạng là giải phóng dân tộc, đem lại độc lập tự do thật sự cho nhân dân.
Mặc dù trải qua những thăng trầm, chịu tổn thất nặng nề do sự đàn áp, khủng bố khốc liệt của kẻ thù, nhưng Đảng ta vẫn kiên định con đường đã vạch ra, phát động quần chúng nhân dân, từng bước chuẩn bị lực lượng, dự kiến các bước phát triển của phong trào, đưa ra những hình thức đấu tranh phù hợp, tiến hành khởi nghĩa từng phần và khi thời cơ lớn xuất hiện thì kiên quyết và kịp thời lãnh đạo nhân dân nhất tề đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Đường lối đúng đắn, sáng tạo và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là sự tiếp nối kinh nghiệm, bài học của Cách mạng Tháng Tám, đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh và vai trò quyết định của Đảng đối với con đường tồn tại và phát triển của đất nước.
Sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước được độc lập, hòa bình, thống nhất, Đảng đã đề ra đường lối, chủ trương và lãnh đạo toàn dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do mắc sai lầm trong chỉ đạo, cộng với hoàn cảnh quốc tế không thuận, đã có lúc tình hình kinh tế - xã hội lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội. Trước tình hình đó, với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế. Chính nhờ có đường lối đúng đắn, mạnh mẽ, đáp ứng được đòi hỏi của thời cuộc, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ, đất nước từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng, vững bước đi lên.
Bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng tỏ vai trò lãnh đạo quyết định của Đảng. Vào thời điểm trước khi Tổng khởi nghĩa, số lượng đảng viên của Đảng chỉ có vài nghìn người, nếu tính theo tỷ lệ dân số cả nước thì con số đó quả là ít ỏi. Vậy vấn đề đặt ra là vì sao Đảng lúc đó chỉ có ít đảng viên như vậy lại có thể lãnh đạo toàn thể nhân dân đứng lên giành chính quyền? Câu trả lời là Đảng đã thực sự trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thông qua đường lối, chủ trương rõ ràng, đúng đắn, xuất phát từ thực tế tình hình, và mọi hoạt động của Đảng đều nhằm mục đích đem lại độc lập, tự do cho dân tộc và quyền lợi thiết thực, cụ thể cho mỗi người dân. Nhân dân coi Đảng và các tổ chức, đoàn thể của Đảng là đại diện thực sự cho quyền lợi của họ nên khi Đảng phát động cuộc Tổng khởi nghĩa, toàn dân đã nhất tề hưởng ứng.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng vẫn đóng vai trò quyết định sự đi lên, phát triển của đất nước thông qua sự lãnh đạo bằng các đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đã có nhiều sự biến chuyển khác xa so với thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945, khi đất nước đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, mặt bằng dân trí được nâng cao, mọi mặt đời sống đã hội nhập sâu với thế giới, xu thế toàn cầu hóa đóng vai trò chủ đạo, thì các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp để vừa tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo củaĐảng, vừa nhận được sự đồng thuận caocủa toàn dân trong các vấn đề trọng đại của đất nước.
Cách mạng là đổi mới, là sáng tạo. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thực sự làm đổi thay cơ bản cơ cấu xã hội Việt Nam vốn đã tồn tại hàng thế kỷ, đưa đến một sự đổi đời cho dân tộc và cho mỗi người dân. Tinh thần và bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải luôn đổi mới và sáng tạo trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và xứng đáng với vai trò lãnh đạo quyết định, không thể thay thế của Đảng trong sự phát triển đi lên của dân tộc Việt Nam.
2 - Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng một Nhà nước, một chính quyền của dân, do dân và vì dân
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa đến sự thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là một thành quả vĩ đại, đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình phát triển của dân tộc ta.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 là cuộc Tổng khởi nghĩa lớn nhất, sớm giành được thắng lợi triệt để nhất trong lịch sử dân tộc, do toàn dân tiến hành. Sở dĩ có được kết quả như vậy là do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức đúng và đầy đủ về sức mạnh vô địch của đông đảo nhân dân. Chính vì thế, Đảng ta đã sớm đề ra đường lối chiến lược, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và dân chủ, đáp ứng đúng nguyện vọng của đại đa số nhân dân là độc lập, tự do, người cày có ruộng nên đã thu hút, huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Đây vừa là phương châm để vận động, tập hợp quần chúng, vừa là kết quả nếu thực hiện tốt phương châm đó. Thắng lợi to lớn và nhanh chóng của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã chỉ ra rằng, Đảng ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tổ chức để tập hợp quần chúng vào các đoàn thể yêu nước trong Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương (tháng 11-1939), Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát-xít Pháp - Nhật ở Đông Dương (tháng 11-1940), rồi đến Mặt trận Việt Minh (tháng 5-1941), như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, làm cơ sở để vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các công việc của cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thực sự làm đổi thay cơ bản cơ cấu xã hội Việt Nam vốn đã tồn tại hàng thế kỷ, đưa đến một sự đổi đời cho dân tộc và cho mỗi người dân. Tinh thần và bài học của Cách mạng Tháng Tám về vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải luôn đổi mới và sáng tạo trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và xứng đáng với vai trò lãnh đạo quyết định, không thể thay thế của Đảng trong sự phát triển đi lên của dân tộc Việt Nam.
Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 5-1941) chỉ rõ trước hết phải "tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta. Sự liên minh tất cả các lực lượng của giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc kháng Nhật, đó là công việc cốt yếu của Đảng ta"(1).
Mặt trận Việt Minh ra đời trở thành mặt trận dân tộc thống nhất của Việt Nam, khẳng định tuyên ngôn "chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn"(2). Việt Minh "Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do độc lập"(3).
Để có thể "giơ tay đón tiếp các cá nhân hay đoàn thể", Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh gồm 41 điểm (sau đúc kết thành 10 điểm), là một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, ngoại giao cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, tri thức, công chức, học sinh, phụ nữ, thiếu nhi, tư sản, địa chủ, nhà buôn, người già, người tàn tật... Chương trình Việt Minh là cơ sở quan trọng để đoàn kết tập hợp mọi lực lượng dân tộc vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cho đất nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong hoàn cảnh rất khẩn trương, hầu hết cán bộ trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến các địa phương đều không được đào tạo về quản lý, hành chính, chỉ sẵn có lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng và quyết tâm xây dựng, bảo vệ chính quyền non trẻ. Mọi công việc quản lý chính quyền đều mới mẻ, bỡ ngỡ. Ngay từ những ngày đầu Chính phủ lâm thời được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân... Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta"(4). Người nhắc nhở: Chớ có vác mặt làm quan cách mạng để cho dân ghét, dân khinh v.v.. Chính quyền cách mạng non trẻ sau Cách mạng Tháng Tám tồn tại và phát triển được chính là nhờ có sự ủng hộ, bảo vệ hết lòng, hết sức của nhân dân.
Những điểm mạnh, yếu của chính quyền dân chủ nhân dân về mặt tổ chức bộ máy, nhân sự, về trình độ, năng lực và đạo đức của cán bộ, nhân viên chính quyền, được hình thành và xây dựng từ sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một cách cụ thể, thẳng thắn, có cả tính cảnh báo, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, việc xây dựng một chính quyền nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân luôn là tiêu chí, là mục đích để chúng ta phấn đấu. Chính quyền có mạnh, hoạt động có hiệu quả, ắt phải dựa vào dân. Quần chúng nhân dân là một lực lượng to lớn, sáng suốt, có sức mạnh vô song. Chính quyền phải tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phải thực sự làm theo khẩu hiệu "Dân biết - dân bàn - dân kiểm tra và dân được hưởng", như thế mới đạt tới ý nghĩa đầy đủ của cụm từ "lấy dân làm gốc".
Một trong những biểu hiện dễ thấy của một chính quyền có thực sự là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đông đảo quần chúng hay không là ở chỗ chính quyền đó có lắng nghe phản biện của các tầng lớp nhân dân về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội thiết thân đối với cuộc sống của người dân hay không. Nếu chính quyền và người dân đạt được sự đồng thuận cao (chứ không phải đồng ý), thì chính quyền đó sẽ được người dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ. Bài học của Cách mạng Tháng Tám khi mà Chính phủ lâm thời, ngay sau ngày thành lập, đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, đã đưa ra và khái quát nhiệm vụ cấp bách của chính phủ là phải chống ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, được toàn thể nhân dân đồng tình và hưởng ứng, là một ví dụ, một minh chứng tiêu biểu của một chính quyền của dân.
3 - Vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để đưa đất nước tiến lên
Thực tế lịch sử lúc đó, vào tháng 8-1945, khi mà điều kiện khách quan nhìn chung thuận lợi như nhau, nhưng chỉ có Việt Nam làm cách mạng thành công; In-đô-nê-xi-a, Lào cũng có kết quả nhưng ở mức thấp hơn, còn hầu hết các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể là ở Đông Nam Á, không thể đứng lên làm cách mạng, giành chính quyền. Đành rằng điều kiện, hoàn cảnh ở mỗi quốc gia một khác, nhưng điều muốn nói ở đây là vấn đề chớp thời cơ, tận dụng thời cơ để tiến hành khởi nghĩa ở Việt Nam là một điển hình thành công. Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã biết kết hợp điều kiện khách quan từ bên ngoài thuận lợi với điều kiện chủ quan trong nước đã được chuẩn bị kỹ càng trong một thời gian dài, với bao khó khăn gian khổ, hy sinh, để lãnh đạo toàn dân đứng lên giành chính quyền. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng nói: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập. Quyết tâm sắt đá đó của Người cũng chính là quyết tâm của Đảng, của cả dân tộc, đã trở thành hiện thực. Đất nước giành được độc lập, ách thống trị của phong kiến, thực dân, phát-xít bị đập tan, nhân dân làm chủ cuộc sống của mình.
Thực tế lịch sử lúc đó, vào tháng 8-1945, khi mà điều kiện khách quan nhìn chung thuận lợi như nhau, nhưng chỉ có Việt Nam làm cách mạng thành công nhanh chóng và triệt để; còn hầu hết các nước khác trong khu vực châu á - Thái Bình Dương, cụ thể là ở Đông Nam á, không thể đứng lên làm cách mạng, giành chính quyền. Một trong những lý giải đó là vấn đề chớp thời cơ, tận dụng thời cơ để tiến hành khởi nghĩa ở Việt Nam là một điển hình thành công.
Năm 1986, mười một năm sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do những điều kiện khách quan không thuận lợi, mà đặc biệt là những sai lầm chủ quan trong quản lý, điều hành, nền kinh tế - xã hội nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ. Chế độ xã hội đứng trước nguy cơ to lớn mất còn. Chính vào lúc đó, Đảng đã mạnh dạn đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ về kinh tế trên cơ sở đổi mới từng bước về chính trị. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp dần được thay thế bằng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hệ thống chính trị được xây dựng và hoạt động theo hướng ngày càng dân chủ, công khai trên cơ sở luật pháp quy địnhv.v.. Nhờ thế, chỉ trong thời gian không dài, đất nước đã chuyển mình theo hướng tích cực, dần vượt thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp hoạt động ngày càng hiệu quả, lòng tin của nhân dân tăng cao. Chế độ được giữ vững, không bị cuốn theo sự đổ vỡ của một loạt nước cùng mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội như ở Đông Âu và Liên Xô.
Đó là một thành công lớn. Từ trong khó khăn thách thức tưởng chừng khó có thể vượt qua đó, Đảng ta đã nhận thấy đó cũng chính là cơ hội để đổi mới, để tiến lên cũng như trong Cách mạng Tháng Tám, nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Đảng tin vào sức mạnh vô địch, lòng yêu nước của nhân dân đã được thử thách trong đấu tranh cách mạng giành chính quyền và kháng chiến chống xâm lược, cùng quyết tâm vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội để phát triển.
(1) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 7, tr 112 - 113
(2), (3) Văn kiện Đảng đã dẫn, t 7, tr 461
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, t 4, tr 56 - 57
Việt Nam là điển hình thành công về phát triển đất nước  (19/08/2010)
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự mới của chín tỉnh  (19/08/2010)
Bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với công cuộc đổi mới  (19/08/2010)
Sự ngụy tạo của hành động "hạ người để tôn mình"  (18/08/2010)
Cách mạng Tháng Tám trong con mắt các chuyên gia Pháp  (18/08/2010)
Hội thảo tham vấn chiến lược phát triển Việt Nam  (18/08/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên