Kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng tại Lào Cai

Theo: Chinhphu.vn
22:35, ngày 05-01-2019
Sáng 05-01-2018, tại Lào Cai, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017-2018.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ đây là hoạt động kiểm tra thường xuyên của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đối với địa bàn được giao quản lý, chỉ đạo theo sự phân công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, thời gian gần đây công tác phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh mẽ, đạt được kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Điều này đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế -xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Phó Thủ tướng cho rằng Lào Cai có nhiều thế mạnh, các chỉ số đánh giá đối với cấp tỉnh đạt thứ hạng cao như chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả năng lực quản trị hành chính công… Tuy những biểu hiện vi phạm, tham nhũng không nhiều nhưng không phải là không có và càng đòi hỏi cấp ủy, lãnh đạo địa phương không được chủ quan, phải kiên trì, liên tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng để duy trì và phát huy tốt những thành tích đã đạt được.

Trên bình diện chung, Phó Thủ tướng cho rằng tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính công, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản... còn để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng. Chưa kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa được phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương.

Theo Phó Thủ tướng, để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương thì trước hết phải là sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương. Hoạt động kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là rất quan trọng và cần thiết nhưng không thể làm thay vai trò, tổ chức thực hiện của các địa phương.

“Thông qua việc kiểm tra này, tôi mong rằng sẽ cùng địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện, tình hình và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra tìm ra nguyên nhân của tồn tại, yếu kém, sơ hở trong quản lý để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết Tỉnh uỷ Lào Cai đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động kiểm tra, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, xây dựng và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch đề ra.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề có nội dung phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giao cho Ban Nội chính Tỉnh uỷ chủ trì thành lập Đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, việc thi hành án các vụ việc liên quan đến án tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai và các tổ chức thành viên tổ chức tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây bức xúc trong nhân dân, công khai và minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị… góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tiến tới kiềm chế, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới, Tỉnh uỷ Lào Cai xác định tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, gắn với đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, liêm chính, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tỉnh ủy Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn, thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; thực hiện tốt công tác tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các sai phạm về tham nhũng; đẩy mạnh hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; thực hiện rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng…/.