Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18 đến 24-9-2017)
TCCSĐT - Khóa họp thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã diễn ra tại thành phố New York (Mỹ) vào trung tuần tháng 9-2017. Đáng chú ý tại khóa họp lần này, vấn đề cần phải cải tổ Liên hợp quốc là một nội dung lớn được nhiều nước tán thành. Và dấu mốc được ghi nhận đó là việc 128 quốc gia đã ký vào tuyên bố chính trị 10 điểm ủng hộ nỗ lực cải cách Liên hợp quốc.
Liên hợp quốc cải tổ để bảo vệ những giá trị khai sáng
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72 M. Lajcak và Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres tại phiên khai mạc. Ảnh: UN
Khóa họp của Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố và tội phạm mạng, con số các cuộc xung đột vũ trang trên toàn cầu ngày một tăng trong vài năm gần đây. Điều này khiến thế giới cần có một Liên hợp quốc hoạt động hiệu quả hơn và hợp pháp hơn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ D. Trump từ khi nhậm chức đến nay đã nhiều lần tỏ ra hoài nghi về vai trò của Liên hợp quốc. Do đó, một sự kiện quan trọng bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc thứ 72 này là việc Tổng thống D. Trump chủ trì một cuộc họp cấp cao bàn về vấn đề cải tổ Liên hợp quốc (ngày 18-9), với sự tham gia của các phái đoàn thường trực của Mỹ, Canada, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Jordan, Niger, Rwanda, Senegal, Slovakia, Thái Lan, Anh và Uruguay. Tại cuộc họp, mặc dù ủng hộ sự tồn tại của Liên hợp quốc, song Tổng thống D. Trump vẫn cho rằng, những năm gần đây, Liên hợp quốc chưa hoạt động hết khả năng của mình do tình trạng quan liêu, quản lý chưa thỏa đáng và Mỹ chưa nhìn thấy kết quả hoạt động xứng với đầu tư của Mỹ cho tổ chức này.
Tại thời điểm này, đã có 128 quốc gia ký vào tuyên bố chính trị gồm 10 điểm ủng hộ các nỗ lực cải tổ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres. Tuy nhiên, những sáng kiến về cải tổ Liên hợp quốc đến nay lại chưa nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Phía Nga cho rằng, những đề xuất của Mỹ về việc cải tổ Liên hợp quốc là một bước tiến hướng tới trật tự thế giới đơn cực, giảm thiểu vai trò của Liên hợp quốc trong cấu trúc của thế kỷ XXI, và Nga không ủng hộ điều này.
Được thành lập cách đây 72 năm, Liên hợp quốc từ 51 quốc gia ban đầu giờ đã có 193 quốc gia thành viên cùng hợp tác và cạnh tranh trong một thế giới đã khác rất nhiều so với năm 1945. Ngoài việc dân số đã tăng gấp 3 lần, thế giới biến đổi nhanh chóng của thế kỷ XXI còn chứng kiến sức mạnh giữa các quốc gia thay đổi đáng kể, nhiều trung tâm quyền lực mới nổi lên, những nền kinh tế mới với một hệ thống đa cực bắt đầu xuất hiện. Trong khi đó, có một thực tế là thành phần của Hội đồng Bảo an từ lâu đã không còn phản ánh những thực tiễn địa chính trị của thế giới. Việc đạt được sự đồng thuận của 2/3 tổng số thành viên đã khó, đạt được sự đồng thuận của 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an còn khó hơn khi mà mỗi phương án, mỗi nhóm quốc gia lại theo đuổi những lợi ích khác nhau. Do đó, gần như tất cả các quốc gia đều nhất trí rằng, cần phải cải tổ Hội đồng Bảo an nói riêng và Liên hợp quốc nói chung.
Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72 lần này được đánh giá là có nhiều chuyển biến hơn những năm trước, làm dấy lên hy vọng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc sẽ tìm được tiếng nói chung cho một số giải pháp cụ thể để cải tổ Liên hợp quốc. Những động thái này đang cho thấy quyết tâm của cộng đồng thế giới nhằm đưa tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này ngày càng hoạt động hiệu quả hơn.
Nhiều rào cản trong nỗ lực chống phân biệt sắc tộc ở Mỹ
Một người biểu tình bị cảnh sát Mỹ bắt giữ. Ảnh: TTXVN
Mâu thuẫn sắc tộc lại bùng lên ở Mỹ sau các cuộc biểu tình phản đối cựu cảnh sát người da trắng Jason Stockley được tòa tuyên trắng án trong vụ một người da màu bị bắn chết năm 2011. Diễn biến này cho thấy, vấn đề mâu thuẫn sắc tộc tồn tại trong lòng nước Mỹ hàng trăm năm qua vẫn chưa thể được giải quyết.
Các cuộc biểu tình bùng phát ngay sau khi tòa đưa ra phán quyết trên. Khoảng 600 người biểu tình đã tuần hành ngày 15-9 từ trụ sở tòa án đến khu buôn bán ở thành phố St Louis để phản đối. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Vụ việc đã khiến 10 nhân viên an ninh bị thương và 33 người biểu tình bị bắt giữ.
Bạo lực tiếp tục nổ ra tối 16-9 khi khoảng 100 người biểu tình, trong đó có một số người cầm gậy hoặc búa, đập vỡ cửa sổ và đụng độ với cảnh sát, dẫn đến 9 người bị bắt. Cảnh sát đã phải bắn hơi cay và đạn cao su nhằm giải tán những người biểu tình. Đến ngày 18-9, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ hơn 80 người khi cuộc biểu tình biến thành bạo lực đường phố đã bước sang đêm thứ ba tại thành phố St Louis thuộc bang Missouri. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất với hơn 1.000 người tham gia.
Trong lịch sử cách đây hơn 300 năm, những người gốc Phi đầu tiên đã đặt chân tới “xứ cờ hoa” trên các chuyến tàu buôn nô lệ. Tuy chế độ chiếm hữu nô lệ được xóa bỏ tại Mỹ vào năm 1862, sau khi Tổng thống Abraham Lincoln đề xuất bản “Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ”, nhưng hàng trăm năm sau, những người Mỹ gốc Phi vẫn bị đối xử một cách bất công và đầy miệt thị bởi những người da trắng. Dư luận cho rằng, đối với nhiều người da trắng, công dân da màu bị coi là tầng lớp thấp kém về đạo đức và trí tuệ trong xã hội Mỹ. Tại nhiều tiểu bang, người Mỹ gốc Phi bị hạn chế các quyền con người cơ bản và không được hưởng quyền công dân một cách đầy đủ, trong đó có quyền bầu cử. Các kết quả điều tra xã hội năm 2015 cho thấy, biểu đồ phân bổ nhân lực của người da màu tại Mỹ hiện nay ở dạng hình nón, tức là càng lên các vị trí quan trọng như giám đốc điều hành các tập đoàn lớn hay quan chức cấp cao trong chính phủ thì càng ít người da màu.
Bên cạnh đó, công dân da màu cũng chiếm tới hơn 40% số tù nhân tại Mỹ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của cộng đồng người Mỹ gốc Phi luôn ở mức khoảng 10% và tỷ lệ phạm tội bao giờ cũng cao hơn so với các sắc tộc thiểu số khác. Trong 5 năm qua, khoảng 2 triệu người da đen đã vượt qua ngưỡng nghèo tại Mỹ, nhưng tỷ lệ người nghèo vẫn ở mức trên 20% và người Mỹ gốc Phi là cộng đồng hưởng trợ cấp xã hội nhiều nhất ở nước này.
Theo kết quả khảo sát của Gallup công bố mới đây có tới 49% người Mỹ cho rằng, hệ thống luật pháp đang có xu hướng chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Phi và 67% người da màu tin rằng, họ không được đối xử công bằng như người da trắng trong các vụ, việc có liên quan tới cảnh sát. Giới phân tích cho rằng khó có thể xóa bỏ được sự kỳ thị. Dưới thời chính quyền Tổng thống D. Trump chống phân biệt sắc tộc cũng là một trong những chính sách quyết liệt. Song các cuộc biểu tình vừa xảy ra dường như tiếp tục tạo thêm những rào cản trong nỗ lực chống phân biệt sắc tộc ở Mỹ.
EU - Canada: Hướng tới dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với 98% loại hàng hóa
Hiệp định Kinh tế và thương mại toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA). Ảnh: European Commission
Hiệp định Kinh tế và thương mại toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 21-9-2017 sau 8 năm đàm phán. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tương lai phát triển kinh tế của cả EU và Canada.
CETA chính thức có hiệu lực, với việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với 98% các loại hàng hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện đầy đủ hiệp định sẽ chỉ có thể trở thành hiện thực sau khi nhận được sự phê chuẩn của toàn bộ 28 nước thành viên EU và cơ quan lập pháp các vùng trong một tiến trình được cho là sẽ kéo dài nhiều năm. Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định, CETA thể hiện mong muốn của các nước biến chính sách thương mại trở thành công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho công dân cũng như các doanh nghiệp châu Âu. Ông J. Juncker cũng cho rằng thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy các giá trị, tận dụng toàn cầu hóa và định hình các quy tắc thương mại toàn cầu.
Với việc chính thức có hiệu lực, CETA sẽ kết nối EU, một trong những thị trường lớn nhất thế giới gồm 510 triệu người tiêu dùng, với Canada, nền kinh tế năng động và lớn thứ 10 toàn cầu với 35 triệu người tiêu dùng. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tương lai phát triển kinh tế của cả EU và Canada khi có tới hơn 9.000 loại thuế sẽ được dỡ bỏ. Từ các doanh nghiệp ở mọi quy mô đến các ngành, nghề và người tiêu dùng ở cả hai bên sẽ đều được hưởng lợi do những dòng hàng hóa phi thuế, đồng thời sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn cho tầng lớp trung lưu. CETA cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng thêm 12 tỷ euro mỗi năm, đồng thời giúp tạo ra nhiều việc làm mới trên cả hai bờ Đại Tây Dương. Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến quyền hạn của các chính phủ trong vấn đề điều tiết lợi ích công, đặc biệt là đối với các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.
Đối với Canada, CETA đặt ra các tiêu chuẩn mới và tiến bộ cho những hiệp định thương mại tự do của Canada trong tương lai bằng cách bảo đảm đặt lợi ích của người dân vào trung tâm. Ngoài ra, việc CETA chính thức có hiệu lực còn có thể giúp các doanh nghiệp của Canada sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường EU rộng lớn với GDP 22.000 tỷ USD và mua sắm công lên tới 3.300 tỷ USD. Trong khi đó với EU, CETA là hiệp định thương mại đầu tiên với một nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và làm tăng vị thế của EU sau khi độ tín nhiệm của khối này bị ảnh hưởng bởi việc người dân nước Anh bỏ phiếu rút khỏi EU hay còn gọi là Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3-2016.
Những thủ đoạn tấn công khủng bố mới
Các vụ khủng bố ngày càng gia tăng. Ảnh: bbc.com
Bất chấp các biện pháp chống khủng bố được chính phủ châu Âu và EU tiến hành, số lượng và tần suất các vụ tấn công khủng bố vẫn ngày càng gia tăng với những thủ đoạn và chiêu thức tinh vi hơn.
Mặc dù các nước châu Âu tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, song động lực đằng sau các cuộc tấn công khủng bố vẫn chưa bị dập tắt, thậm chí còn có khuynh hướng gia tăng. Anh, Pháp, Bỉ và thậm chí là cả khu vực Bắc Âu và Nam Âu vốn tương đối yên bình đều phải hứng chịu các vụ tấn công khủng bố.
Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, toàn châu lục đã chứng kiến ít nhất 13 vụ tấn công khủng bố, khiến khoảng 58 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương tại Bỉ, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển và một số nước khác. Theo đánh giá của các nhà quan sát, những kẻ khủng bố không tìm kiếm kết quả “ngoạn mục” từ việc sử dụng nhiều nguồn lực mà chúng muốn tăng cường tần suất để gây bất ổn.
Các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chủ tâm nhằm vào “các mục tiêu mềm” hoặc các khu vực công cộng đông người ở châu Âu. Đây chính là một phần trong chiến lược của chúng. Giới chuyên gia cho rằng, các cuộc tấn công nhằm gây thương vong lớn cho dân thường có thể gieo rắc nỗi kinh hoàng cho công chúng, từ đó giúp thổi phồng “sự nghiệp” của các tổ chức khủng bố.
Không giống như các cuộc tấn công khủng bố được tổ chức một cách tinh vi như vụ tấn công 11-9-2001, các hoạt động khủng bố trong thời gian gần đây chịu ảnh hưởng của các vụ tấn công kiểu “đơn độc” và được chuẩn bị công phu. Những kẻ khủng bố liều chết được cho là đã sử dụng rất nhiều loại vũ khí, trong đó có cả dao, súng trường tự động, chất nổ và ô tô, và trong tương lai, có thể chúng sẽ tiếp tục sử dụng các loại vũ khí này. Thêm vào đó, trong nhiều trường hợp, những nghi can của các vụ tấn công khủng bố là người bình thường, chưa từng có tiền án, khiến công tác điều tra của cảnh sát sau vụ tấn công khó khăn hơn.
Không chỉ có vậy, cơ quan phụ trách quốc phòng - an ninh thuộc EU cho biết, khoảng hơn 5.000 người châu Âu đã gia nhập IS tại Syria hoặc Iraq, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2016. Trong số đó, có từ 1.200 đến 3.000 người có thể trở lại lãnh thổ châu Âu. Europol coi đây là mối quan ngại nghiêm trọng. Tại nhiều quốc gia, có không ít “người trở về” không phủ nhận hệ tư tưởng của họ, thậm chí mơ ước được tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Các chuyên gia cảnh báo những “người trở về” vẫn duy trì liên hệ với IS tại các khu vực xung đột thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và đặc biệt là qua dịch vụ Telegram và nguy cơ tấn công khủng bố trong lòng châu Âu là rất lớn.
Một thách thức nữa của cuộc chiến chống khủng bố là thủ đoạn hoạt động tinh vi mới của IS trên không gian ảo. Mặc dù đang bị đánh bại trên các chiến trường Iraq và Syria, IS vẫn có một lực lượng ủng hộ hùng hậu trên mạng internet. Europol cho biết sau sự suy giảm tương đối của kênh tuyên truyền chính thức của IS trong những tháng qua, các phần tử thân IS đã chuyển sang các diễn đàn và sử dụng các nền tảng internet nhỏ hơn để hoạt động. Thực tế này cho thấy, IS tiếp tục gây dựng được một nền tảng vững chắc gồm những phần tử ủng hộ trung thành trên môi trường ảo của internet.
Nỗ lực xây dựng chính phủ Palestine thống nhất
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: AP
Sau nhiều nỗ lực đàm phán cùng vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập, ngày 17-9, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đã tuyên bố sẵn sàng bàn giao dải Gaza cho chính phủ đoàn kết Palestine, cũng như nhất trí giải thể “Hội đồng hành chính” kiểm soát dải Gaza.
Ngay sau tuyên bố trên, phong trào Fatah do Tổng thống M. Abbas đứng đầu ngay lập tức hoan nghênh quyết định này. Một thủ lĩnh cấp cao của phong trào Fatah, ông M. Aloul cho biết, Fatah hoan nghênh việc Hamas chấp nhận các điều kiện quan trọng nhằm chấm dứt sự chia rẽ về chính trị và lãnh thổ kéo dài suốt thập niên qua tại Palestine. Trong khi đó, hãng tin nhà nước MENA của Ai Cập đưa tin quốc gia Bắc Phi này hoan nghênh những bước đi mới của phong trào Hồi giáo Hamas và phong trào Fatah nhằm xây dựng sự đoàn kết Palestine, coi đây là kết quả của những nỗ lực của Cairo trong việc chấm dứt hận thù kéo dài hàng thập niên qua giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine.
Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Arab Mishaal bin Fahm Al-Salami đã đánh giá cao những nỗ lực của Ai Cập trong tiến trình hòa giải Palestine nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác thực sự giữa các phe phái Palestine để chấm dứt xung đột.
Trong một thông báo, ông Al-Salami nhấn mạnh, Ai Cập đã thành công trong việc đứng ra làm trung gian hòa giải nhằm thu hẹp bất đồng và khoảng cách giữa các phe phái khác nhau của Palestine, đồng thời khẳng định Quốc hội Arab sẽ ủng hộ mọi nỗ lực của Ai Cập trong tiến trình hòa giải dân tộc Palestine.
Bất đồng giữa Fatah và Hamas đã tồn tại từ lâu bởi một bên là cánh chính trị lớn nhất của Palestine và một bên là cánh vũ trang mạnh nhất của Palestine. Hamas với sức mạnh vũ trang đã luôn tìm kiếm ảnh hưởng lớn trên chính trường Palestine và khu vực, song lại không thể thực hiện được điều đó dưới thời của cố Tổng thống Yasser Arafat. Khi cố Tổng thống Y. Arafat còn lãnh đạo Fatah, uy tín trong nội bộ và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế của ông đã khiến Hamas chỉ luôn đứng bên ngoài tiến trình chính trị của Palestine. Khi Tổng thống Y. Arafat qua đời tháng 11-2004, đã bỏ lại một khoảng trống quyền lực lớn, khiến chính quyền do Fatah kiểm soát khi đó không tìm ra được gương mặt có đủ uy tín để thay thế. Người dân Palestine, sau nhiều năm kiên nhẫn sống chung với bạo lực để kiên trì đường lối thương lượng, đã quay sang ủng hộ đường lối vũ trang của Hamas. Nhờ vậy, Hamas đã chiếm được ngôi vị lãnh đạo Palestine.
Mâu thuẫn thực sự bắt đầu với việc Fatah, vượt qua Hamas, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 01-2006. Sau cuộc chiến giữa hai phe vào năm 2007, Palestine đã tách thành hai bộ phận, gồm dải Gaza nằm dưới sự lãnh đạo của Hamas, trong khi khu vực Bờ Tây thuộc quyền quản lý của Fatah. Trong khi đó, nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phe phái chính của Palestine đã thất bại.
Kể từ tháng 3-2009, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian trong cuộc đàm phán hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine. Thỏa thuận hòa giải được chính quyền Ai Cập soạn thảo năm 2009 và được cả Hamas và Fatah thông qua vào tháng 5-2011, sau các cuộc biểu tình của người dân Palestine nhằm khôi phục sự thống nhất giữa các phe phái chính trị Palestine sau 4 năm xung đột.
Tuy nhiên, cho đến nay, ít nhất đã có 7 lần nỗ lực hòa giải giữa Fatah và Hamas gặp thất bại. Cộng đồng quốc tế hy vọng, việc phong trào Hamas tuyên bố sẵn sàng bàn giao dải Gaza cho chính phủ đoàn kết Palestine sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng chính quyền Palestine thống nhất./.
Diễn đàn kinh tế miền Trung: Tìm con đường phát triển bền vững  (25/09/2017)
Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo  (25/09/2017)
Chủ tịch nước dự kỷ niệm 25 năm tái lập Văn phòng Chủ tịch nước  (25/09/2017)
Hà Tĩnh: Công tác kiểm tra, giám sát góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng  (25/09/2017)
Đảng ủy Agribank và Hành trình về nguồn năm 2017  (25/09/2017)
Đảng ủy Agribank và Hành trình về nguồn năm 2017  (25/09/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay