Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường cách mạng Lào
Nhân kỷ niệm 55 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (05-9-1962 - 05-9-2017), phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc phỏng vấn Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào Kikeo Khaykhamphithoun về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Lào và cách thức làm thế nào để thế hệ trẻ hai nước tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ có một không hai trên thế giới giữa hai nước.
Tiến sỹ Kikeo Khaykhamphithoun khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết gắn bó với nhân dân Lào, Người có vai trò rất lớn và đã có những cống hiến to lớn cho cách mạng Lào.
Đầu thế kỷ XX, thông qua tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa chủ nghĩa Mác - Lê-nin đến với Lào. Thời gian Bác hoạt động ở Thái Lan, Bác đã theo dõi tình hình của Lào và hướng dẫn chỉ đạo cho các cán bộ Lào hoạt động cách mạng.
Năm 1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt dòng Mekong để từ Thái Lan sang Pakse, tỉnh Champasak, lên tỉnh Savannakhet và đến bản Xiengvang thuộc tỉnh Khammuane để tìm hiểu tình hình và vạch ra phương hướng, kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng cơ sở cách mạng ở Lào. Tại đây, Người đã chọn lựa được những hạt giống cách mạng và những hạt giống này đã sinh sôi nảy nở và phát triển rất nhanh tại Lào.
Từ một tổ chức quần chúng cách mạng năm 1928, đến năm 1930 ở Lào đã thành lập sáu chi bộ cộng sản ở Vientiane, Pakse, Thakhek, Savannakhet, Phontiu và Borneng. Đồng thời, có các tổ chức quần chúng như Hiệp hội Công nhân, Thanh niên, Phụ nữ, Liên minh chống đế quốc, Hiệp hội trợ giúp về kinh tế được phát triển mở rộng tại các trung tâm huyện thị và tại các khu vực có nhiều công nhân, nhờ vậy, năm 1934, Đảng bộ xứ Lào được thành lập.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo và dẫn đường chỉ lối cho cách mạng Lào. Bác thường nhắc nhở rằng “Phải nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường”, chỉ có làm được như vậy, phong trào cách mạng mới phát triển nhanh chóng và đoàn kết chắc chắn.
Đặc biệt Người rất chú trọng tới công tác xây dựng lực lượng của cách mạng Lào, coi đây là yếu tố quyết định của cách mạng Lào. Người coi đây là mục tiêu quan trọng nhất mà Việt Nam phải giúp Lào bởi theo Người: “Nếu cách mạng Lào không giành được thắng lợi, bọn thực dân không bị đánh đuổi khỏi Lào, nghĩa là cách mạng Việt Nam, đất nước Việt Nam cũng không thể tồn tại được”.
Ông Kikeo Khaykhamphithoun nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng đối với cách mạng Lào, tư tưởng và tinh thần cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường, là ngọn nguồn tập trung sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân Lào, giúp cho cách mạng Lào có những bước phát triển vững chắc, ngày càng lớn mạnh và giành thắng lợi cuối cùng vào năm 1975, lập nên nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Ông nhấn mạnh thế hệ con cháu cùng tất cả người dân Lào trên cả nước luôn ghi tạc công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lào sẽ tiếp tục thực hiện và vận dụng lời dạy của Bác trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, đặc biệt là trong việc gìn giữ và phát huy quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, mối quan hệ có một không hai trên thế giới, làm sao để mối quan hệ này mãi trường tồn với thời gian.
Để đưa việc gìn giữ, tăng cường và phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam vào trong việc bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào cho rằng trước tiên cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để họ hiểu về truyền thống đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam.
Ông nêu rõ phải giải thích để mọi người hiểu rõ rằng quan hệ đặc biệt Lào - Việt không phải do vô tình sinh ra, mà đã được tôi luyện và trải qua bao thử thách trong thời kỳ chiến tranh ác liệt; quan hệ này sinh ra từ máu và nước mắt của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập của cả hai nước; nó được sinh ra từ sự thủy chung, trong sáng trên tinh thần đồng chí anh em ruột thịt, trên thế giới không thể tìm ra được mối quan hệ nào đặc biệt như hai nước Lào - Việt Nam.
Theo ông Kikeo Khaykhamphithoun, công tác tuyên truyền giáo dục phải được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức. Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Ban Tuyên giáo Việt Nam phải tiếp tục hợp tác, phối hợp, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để triển khai công tác tuyên truyền trong từng giai đoạn. Đặc biệt, phải tăng cường tuyên truyền quảng bá những cuốn sách về lịch sử quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam 1930 - 2007 mà hai Đảng, hai Nhà nước đã cùng xây dựng năm 2011 cho người dân hai nước Lào - Việt Nam, để họ biết, họ hiểu và cùng nhau gìn giữ, bảo vệ để quan hệ đặc biệt Lào - Việt mãi mãi trường tồn với thời gian./.
Khai giảng năm học mới 2017 - 2018  (05/09/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ khai giảng tại Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (Hà Nội)  (05/09/2017)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong học sinh, sinh viên  (05/09/2017)
Petrovietnam - hành trình gian khổ và vinh quang  (05/09/2017)
Tiêu chí đánh giá bình đẳng giới trong quản lý cán bộ, công chức  (05/09/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên