TCCSĐT - Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) đang tìm cách thuyết phục chính phủ Anh giải quyết cuộc khủng hoảng của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, bằng cách tham gia hiệp hội này.

Theo phóng viên TTXVN tại London, hiện ở Anh đang diễn ra cuộc tranh luận về việc liệu Anh tham gia EFTA có phải là giải pháp lâu dài cho nước này ở giai đoạn hậu Brexit hoặc trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2-4 năm mà Nội các Anh đã thông qua.

Tuy nhiên, phát biểu cuối tuần qua, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, ông David Davis, cho biết hiện ông không đặt khả năng Anh tham gia EFTA vào trọng tâm các cuộc đàm phán Brexit với EU, bởi theo ông, giải pháp này không giúp Anh tiết kiệm đáng kể về mặt thời gian.

Hiện EFTA có 4 nước thành viên là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Dự kiến Chủ tịch Tòa án EFTA Carl Baudenbacher sẽ có bài phát biểu trước các chuyên gia pháp lý về Brexit của Quốc hội Anh vào ngày 13-9 tới.

Vai trò của Tòa án EFTA tương tự như Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). Chính phủ Anh luôn khẳng định sẽ không tham gia tòa án nào hoạt động song song với các phán quyết của ECJ.

Thay vào đó, Anh muốn thiết lập một tòa án trọng tài riêng theo kiểu Anh, trong đó có tính tới các luật của ECJ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng sẽ khó đạt được sự nhất trí cũng như thiết lập được một cơ chế giải quyết tranh chấp mới vào mùa Xuân 2019, thời điểm dự kiến Anh sẽ chính thức rời EU. Khi đó, tham gia EFTA được đánh giá là giải pháp tối ưu, ít nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp.

Trong một diễn biến khác, tại London, Bộ trưởng phụ trách tiến trình đàm phán đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), ông David Davis ngày 03-9 đã bác bỏ thông tin cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May đang chuẩn bị thông qua hóa đơn “ly hôn” trị giá 50 tỷ euro (tương đương 56 tỷ USD), đồng thời nhấn mạnh rằng các nhà đàm phán Anh sẽ không để vấn đề thời gian gây sức ép buộc Anh phải thanh toán số tiền này.

Ông Davis khẳng định không có cơ sở pháp lý nào cho việc Anh phải đóng góp số tiền lớn cho các dự án của EU sau khi nước này rời khỏi "ngôi nhà chung", thậm chí cả đối với các dự án được thông qua khi Anh còn là thành viên của liên minh này. Bên cạnh đó, theo ông Davis, chính trị cũng là lý do để hai bên cân nhắc nhằm tiến tới một thỏa thuận về tài chính.

Số 10 phố Downing cũng đã phủ nhận thông tin nói rằng bà May sẽ nhất trí thỏa thuận thanh toán hóa đơn “ly hôn” trị giá khoảng 46 tỷ bảng tính theo tỷ giá hiện hành, mà theo tờ The Sunday Times dự kiến sẽ được công bố sau cuộc họp của đảng Bảo thủ.

Báo trên trước đó đưa tin nước Anh sẽ chi trả 7-17 tỷ bảng/năm cho Brussels trong thời gian ba năm sau khi Xứ sở sương mù rời EU vào tháng 3/2019.

Ông Davis nhấn mạnh thời gian cho việc đàm phán Brexit chưa hết, bởi quá trình đàm phán kéo dài 2 năm. Tuy nhiên, mỗi khi nước Anh tiếp cận các vấn đề đàm phán quan trọng thì luôn nảy sinh những sức ép.

Phát biểu của ông Davis được đưa ra sau khi Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, phát biểu tại cuộc họp báo sau vòng đàm phán Brexit thứ 3 rằng vòng đàm phán này khép lại mà không đạt được tiến bộ đáng kể nào./.