Chủ tịch nước gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh
Chiều 03-10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì buổi gặp gỡ giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh với đại diện doanh nghiệp, doanh nhân Thành phố.
Cùng chủ trì buổi gặp gỡ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Buổi gặp gỡ do Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Đây cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội lắng nghe, chia sẻ và giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân Thành phố.
Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân ghi nhận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đề ra đã kịp thời đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp và người dân.
Quá trình cải cách thủ tục hành chính luôn nhận được sự đồng tình, hoan nghênh từ các doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là khâu tổ chức thực hiện một số chủ trương, chính sách còn chậm, thậm chí khi triển khai làm sai lệch so với tinh thần nội dung của chính sách.
Các đại biểu doanh nghiệp cũng đưa ra một số kiến nghị như việc tham khảo ý kiến của các đối tượng chịu tác động trước khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành những quyết định, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là chủ trương, chính sách phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.
Xây dựng Quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố. Cần tổ chức sơ kết Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cần có các luật và hệ thống cơ chế, chính sách kinh tế, tạo hành lang thông thoáng để doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội phát triển; sửa đổi quy định về làm ngoài giờ để có thể giúp người lao động tăng thêm thu nhập; cải cách chính sách thuế, thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, cơ chế một cửa đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm, nhất là sản phẩm có uy tín của các doanh nghiệp trong nước, để bảo đảm niềm tin của người tiêu dùng...
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn và trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý, kiến nghị đầy tâm huyết, có trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo Thành phố chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết những kiến nghị thuộc thẩm quyền của cấp ủy, chính quyền Thành phố; đồng thời ghi nhận những kiến nghị liên quan đến các bộ, ngành Trung ương và cho biết sẽ phản ánh kịp thời tới Quốc hội, chỉ đạo các bộ, ngành sớm có những sửa đổi, bổ sung, giải quyết kiến nghị và thông báo cho doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, doanh nghiệp, doanh nhân là bộ phận chủ yếu tạo ra của cải, vật chất cho xã hội; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế; có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế...
Hiệp hội doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh với bề dày hơn 40 năm hình thành và phát triển, đến nay đã có hơn 60 tổ chức thành viên tự nguyện, với hơn 8.000 doanh nghiệp hội viên.
Trong những thành tựu chung của đất nước trong ba thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Tính đến hết năm 2015, cả nước có 535.920 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97%, đóng góp 49% GDP, khoảng 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và tạo ra khoảng 45% tổng số việc làm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, FTA Việt Nam-EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN...) đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế.
Tiến trình này tạo cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cơ hội tiếp cận hơn 80% thị trường thế giới với thuế xuất bằng 0%; tranh thủ các nguồn lực về đầu tư, công nghệ và quản lý, quản trị tiên tiến; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…
Tuy nhiên, đi cùng với đó là không ít khó khăn, thách thức như sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức to lớn; đặc biệt trong trung hạn và dài hạn, số lao động phổ thông sẽ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển.
Việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là sự ra đời và hoạt động của các tổ chức của người lao động nếu không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ có thể sẽ làm méo mó các quan hệ lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đứng trước những khó khăn, thách thức này, Đảng, Nhà nước đã, đang và cam kết sẽ tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường lành mạnh và động lực cho phát triển kinh tế; bổ sung, hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, không ngừng phát triển, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp mà các doanh nghiệp, doanh nhân cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
Đó là, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, năng động, sáng tạo, cạnh tranh, bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế, là lực lượng chủ lực, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn chặt với tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cùng đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải thực sự là “những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế”; nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của doanh nhân Việt Nam; tích cực và chủ động hơn nữa trong hội nhập quốc tế; tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản trị tiên tiến.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục tích cực tham gia các chương trình bảo đảm an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện xã hội vì cộng đồng…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh phải luôn đóng vai trò tiên phong, là hạt nhân phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát huy tốt lợi thế của Thành phố trong phát triển vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt cần đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, đầu tư, nuôi dưỡng, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh và đột phá.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng tới toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, các đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước mong muốn, các doanh nghiệp, doanh nhân thành phố giữ vững niềm tin và quyết tâm vượt qua thách thức, vươn lên mạnh mẽ, tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội; sớm trở thành một trong các trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á./.
Không để áp lực thời gian ảnh hưởng tới sửa Bộ luật Hình sự  (03/10/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 26-9 đến ngày 02-10-2016)  (03/10/2016)
Đề nghị kiểm toán về việc quản lý và sử dụng vốn ODA  (03/10/2016)
Thiếu điện sẽ gây sự hỗn loạn đối với sự phát triển  (03/10/2016)
Khai mạc Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (03/10/2016)
Nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,3% - 6,5%  (03/10/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay