Trưng cầu dân ý về kế hoạch tiếp nhận người di cư: Hungary không đạt kết quả như mong muốn
TCCSĐT - Cử tri Hungary ngày 02-10 đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch tiếp nhận số người di cư theo hạn ngạch bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên kết quả bỏ phiếu không có giá trị pháp lý do tỷ lệ cử tri đi bầu thấp, chưa đạt được mức tối thiểu là 50%.
Những chỉ trích về chính sách chống người nhập cư
Theo kế hoạch được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi năm ngoái sau cuộc khủng hoảng người di cư, Hungary sẽ phải tiếp nhận 1.294 người xin tị nạn.
Trong cuộc khủng hoảng người nhập cư, Hungary trở thành quốc gia nằm trên đường trung chuyển từ khu vực Tây Balkan đến Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU) khác. Trong nỗ lực kiềm chế dòng người nhập cư trái phép, nước này đã đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia, thậm chí sử dụng các biện pháp trấn áp cứng rắn đối với những người nước ngoài xâm nhập trái phép vào nước này. Hồi tháng 12-2015, Hungary nộp đơn lên tòa án châu Âu chống lại kế hoạch phân bổ người tị nạn của EU.
Trước những động thái trên, cùng với việc Hungary quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch tiếp nhận số người di cư theo hạn ngạch bắt buộc của EU vào đầu tháng 10, ngày 26-9, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích Chính phủ Hungary về cách đối xử với những người xin tị nạn, tạo ra làn sóng chống người nhập cư ở nước này. Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, trong năm 2015, chính phủ bảo thủ của Thủ tướng V. Orban đã tăng cường các hoạt động ngăn chặn người nhập cư tới Hungary một cách công khai, như thiết lập hàng rào thép gai tại biên giới Serbia và Croatia, thông qua các thủ tục tị nạn một cách chậm chạp, trục xuất cưỡng bức người nhập cư ra khỏi Hungary, thậm chí bỏ tù những người di cư xâm nhập trái phép vào nước này.
Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, Hungary đã chọn cách hành xử không theo luật pháp châu Âu, khi “từ chối tiếp nhận người tị nạn” và “đối xử bất công” đối với người nhập cư. Ngoài ra, Tổ chức nhân quyền này cũng tỏ ý lo ngại về các chiến dịch tuyên truyền chống người tị nạn đã lên đến “đỉnh điểm” trước cuộc trưng cầu dân ý tại nước này.
Phản ứng trước cuộc trưng cầu dân ý, một nhóm gồm 22 tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Hungary đã cho rằng, đây là cuộc trưng cầu “vô nhân đạo”. Trả lời phỏng vấn báo chí Đức, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nhấn mạnh, việc tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này là “trò chơi nguy hiểm” bởi nó đặt nghi vấn về tính hợp pháp của luật pháp EU. Ngoại trưởng Luxembourg J. Asselborn ngày 13-9 cũng đã đề xuất tạm khai trừ Hungary khỏi EU vì đã vi phạm “giá trị dân chủ cốt lõi” của liên minh này.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp
Một ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc Hungary có nên tham gia vào kế hoạch phân bổ người tị nạn của EU hay không, Thủ tướng Hungary V. Orban - một nhân vật vốn phản đối gay gắt chính sách người nhập cư của EU - đã kêu gọi cử tri tích cực tham gia sự kiện này và bỏ phiếu “Không” nhằm bảo vệ các giá trị và số mệnh của liên minh.
Trong một bài viết dài đăng tải trên nhật báo “Magyar Idok” số ra ngày 01-10, Thủ tướng V. Orban, người vốn chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch phân bổ 100.000 người tị nạn đầu tiên trong 28 quốc gia thành viên của EU, nhấn mạnh câu hỏi được đưa ra trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 02-10 dường như đơn giản, song thực chất bao hàm mọi vấn đề tác động đến số mệnh của nội khối EU. Ông cáo buộc phe đối lập đã có hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia, “kết thân” với giới chức lãnh đạo EU và tạo nền tảng cho phép vô số người di cư bất hợp pháp định cư tại nước này.
Bài viết của Thủ tướng V. Orban cũng bày tỏ sự không hài lòng về chính sách bắt buộc tiếp nhận người tị nạn của EU, cáo buộc giới chức cấp cao EU đã “thuyết phục” một lượng lớn người di cư tới châu Âu bằng những lời hứa không nên có. Ông đổ lỗi giới chức EU đã không tham vấn người dân châu Âu khi đưa ra kế hoạch phân bổ người tị nạn, cho rằng kế hoạch này đi ngược lại những lợi ích của châu Âu. Theo Thủ tướng V. Orban, giờ đây các nước châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức từ cuộc khủng hoảng di cư và buộc phải trả giá cho những hậu quả mà các chính sách không tốt đã ban hành. Theo nhận định của Thủ tướng V. Orban, “tình trạng di cư không được kiểm soát” là một mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình của châu Âu, tạo ra gánh nặng đối với các nước phải tiếp nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nền hòa bình, trật tự, sự thịnh vượng tại các quốc gia EU sẽ bị thay thế bằng bạo loạn, căng thẳng, xung đột, bạo lực và sự bần cùng. Để chấm dứt tình trạng này, nhà lãnh đạo Hungary cho rằng, EU cần phải đẩy mạnh sự phân bổ quyền lực giữa các quốc gia thành viên, và cảnh báo sự tan rã trong nội khối liên minh.
Kế hoạch bị thất bại
Để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, tháng 9-2015, các nước EU đã thỏa thuận giảm tải cho Hy Lạp và Italia, nơi tập trung phần lớn người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông, theo đó, EC quyết định phân bổ 160.000 người tị nạn sang nhiều nước EU. Tuy nhiên, Áo, Đan Mạch, Ba Lan và Hungary phản đối hạn ngạch trên và không nhận một người tị nạn nào theo sự phân bổ trên mặc dù đã qua một nửa trong thời hạn hai năm. Ngày 02-10, Hungary đã tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này.
Tham gia cuộc trưng cầu dân ý, cử tri Hungary sẽ phải trả lời câu hỏi: “Bạn có muốn EU áp đặt việc tái định cư các công dân không phải người Hungary đến Hungary, thậm chí không thông qua Quốc hội hay không?”. Theo các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, 70% cử tri có khả năng sẽ bỏ phiếu không chấp nhận kế hoạch của EU, nhưng để cuộc trưng cầu ý dân có hiệu lực, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu phải cao hơn 50%, và để kết quả cuộc trưng cầu ý dân thành công phải có hơn 50% số cử tri bỏ phiếu trả lời “Không”. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân không có hiệu lực ràng buộc pháp lý, nhưng Chính phủ Hungary có thể yêu cầu loại bỏ khỏi Hiệp ước Lisbon quy định về người di cư.
Tuy nhiên, thực tế không như dự đoán. Theo số liệu của Văn phòng Bầu cử Quốc gia Hungary công bố, kết quả kiểm 94,8% số phiếu cho thấy, tỷ lệ người dân nước này phản đối kế hoạch tiếp nhận số người di cư theo hạn ngạch bắt buộc của EU chiếm áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý. Song như vậy là chưa đủ, bởi với 98,2% số phiếu bầu hợp lệ phản đối kế hoạch về người di cư của EU, kết quả cuộc trưng cầu dân ý vẫn không có giá trị do tỷ lệ cử tri đi bầu thấp, chưa đạt được mức tối thiểu là 50%.
Ngay sau thông báo trên, phe đối lập tại Hungary đã kêu gọi Thủ thướng V. Orban từ chức, cáo buộc ông quá vội vã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân khi số người xin tị nạn tại Hungary không nhiều. Mặc dù vậy, người đứng đầu phe đối lập cho biết sẽ làm rõ vấn đề này để EU hiểu rằng không thể làm ngơ trước mong muốn của cử tri Hungary.
Cùng với Hungary, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz tuyên bố, EU nên ngừng việc áp đặt kế hoạch tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch đối với các nước thành viên, đồng thời cho rằng mục đích này hoàn toàn không thực tế. Phát biểu với nhật báo “Welt am Sonntag” của Đức, ông S. Kurz cảnh báo rằng, mọi bất đồng về kế hoạch này có thể đe dọa tính đoàn kết trên toàn EU.
Như vậy, cuộc trưng cầu dân ý tại Hungary đã thất bại. Cuộc tranh luận về bài toán giải quyết người di cư ở Hungary nói riêng và ở châu Âu nói chung vẫn rơi vào bế tắc./.
Đoàn đại biểu Đảng tham dự Diễn đàn gặp gỡ tiến bộ Mỹ Latinh  (03/10/2016)
Chống tội phạm mạng là cuộc đấu tranh của toàn dân  (03/10/2016)
Phát huy vai trò người đứng đầu trong phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  (03/10/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-9 đến ngày 02-10-2016  (03/10/2016)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên