Phát huy vai trò người đứng đầu trong phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
TCCS - Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ ấy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có vai trò quan trọng đặc biệt. Bởi lẽ, người đứng đầu chịu trách nhiệm cao nhất trong lãnh đạo, quản lý đơn vị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị (sau đây gọi chung là người đứng đầu) là người chịu trách nhiệm cao nhất trước cấp trên việc lãnh đạo, quản lý, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, giáo dục và rèn luyện cán bộ, nhân viên thuộc quyền. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ ra một trong ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay là: xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo đó, để phát huy vai trò của người đứng đầu trong cuộc đấu tranh này, cần tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau đây.
Xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trở nên rất nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Sự sa sút ý chí, phai nhạt lý tưởng, thờ ơ về chính trị, thói vô cảm, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lối sống xa hoa, xa rời quần chúng... làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm sai lệch chủ trương, chính sách, thậm chí làm sai lệch cả định hướng phát triển của đất nước, cản trở công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hai nguy cơ đối với Đảng cầm quyền, đó là sự sai lầm về đường lối và sự suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự biến chất của những ông “quan cách mạng”, của những người “làm quan để phát tài”, vấn nạn tham nhũng, lãng phí như là “kẻ thù” đặc biệt nguy hiểm của cách mạng, là “giặc nội xâm”. Người nhấn mạnh, phải kiên quyết chống những hiện tượng đó như “chống giặc” thì mới có thể làm cho cách mạng trụ vững và tiến lên.
Vì thế, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhất là “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí, là một thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Để vượt qua thách thức ấy, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân cần nhận thức rõ ý nghĩa sống còn, đặc biệt quan trọng của cuộc đấu tranh này; từ đó xác định quyết tâm thật sự và chuyển nó thành trách nhiệm thật sự, thông qua công tác tổ chức thực tiễn, không chỉ hô hào chung chung, quyết tâm trên lời nói. Nhận thức ấy được chuyển biến thành hành động cụ thể ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là những người đứng đầu, mới có thể giành được thắng lợi.
Theo đó, người đứng đầu phải xác định phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là lương tâm và trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, trước Tổ quốc. Là người quản lý tình hình mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị, chịu trách nhiệm cao nhất việc tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, người đứng đầu không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh này. Quyền lực cao nhất trong một tổ chức, cơ quan, đơn vị bao giờ cũng phải gắn với trách nhiệm cao nhất đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị đó.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nặng nhất nếu tổ chức, cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm nặng nhất nếu không kiên quyết đấu tranh, không có biện pháp tích cực khuyến khích các tổ chức, động viên và bảo vệ những người hăng hái đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.
Trước thực trạng việc phát hiện, tố cáo các vụ việc tiêu cực của cán bộ, đảng viên chủ yếu là do quần chúng, báo chí thực hiện, đến lúc phải quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu nếu trong tổ chức, cơ quan, đơn vị có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà mình không phát hiện ra. Không thể chấp nhận tình trạng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà người đứng đầu lại vô can. Điều đó chỉ có thể, hoặc là do trách nhiệm kém, hoặc là do năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thậm chí là do người đứng đầu dung dưỡng, bao che cho các hiện tượng đó. Vì bất cứ lý do nào, người đứng đầu đều không đủ phẩm chất và năng lực tương xứng với cương vị được giao, cần phải miễn nhiệm, hoặc truy tố trước pháp luật nếu người đứng đầu cũng bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gây hậu quả nghiêm trọng.
Người đứng đầu phải có trách nhiệm quán triệt, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng, những quy định của pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị mình. Người đứng đầu không chỉ có quyết tâm, có thái độ kiên quyết, mà còn phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và biện pháp xử lý “triệt” tận gốc “kẻ thù”, “giặc nội xâm” thì nhiệm vụ phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Xây dựng đội ngũ những người đứng đầu có trình độ, năng lực tương xứng
Phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực giáo dục, tuyên truyền tốt, thường xuyên, tích cực phê phán những quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc, chắc chắn tình hình chính trị, tư tưởng trong cơ quan, đơn vị sẽ vững vàng, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị sẽ khó có thể xảy ra. Người đứng đầu thật sự thanh liêm, hết lòng vì công việc, “dĩ công vi thượng”, lại có năng lực quản lý giỏi, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, thì chắc chắn hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị cũng sẽ rất khó xảy ra, nếu có xảy ra cũng sẽ sớm bị phát hiện và được xử lý nghiêm khắc, triệt để. Người đứng đầu có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, thường xuyên chăm lo xây dựng môi trường văn hóa, nghiêm khắc lên án thói cá nhân, ích kỷ, ham chơi hưởng thụ, hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống trong cơ quan, đơn vị cũng khó có cơ hội phát triển.
Công tác xây dựng đội ngũ những người đứng đầu cần được tiến hành toàn diện và đồng bộ, đúng nguyên tắc, từ khâu phát hiện, bồi dưỡng nguồn đến bổ nhiệm, sử dụng và đãi ngộ. Trước những đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay, công tác xây dựng đội ngũ này cần tập trung vào những vấn đề trọng yếu sau:
Một là, coi trọng việc quản lý chặt chẽ, toàn diện người đứng đầu cả về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống. Cụ thể, đó là quản lý, đánh giá chính xác việc quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, việc chấp hành luật pháp, quy định của Nhà nước, việc chấp hành các nguyên tắc công tác trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; quản lý chặt chẽ các mối quan hệ, hoàn cảnh và điều kiện sống của gia đình người đứng đầu; quản lý chặt chẽ người đứng đầu trong việc chấp hành những điều đảng viên không được làm... Do đặc thù về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, cần khắc phục tư tưởng cho rằng, việc quản lý tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị chỉ là, hoặc chủ yếu là sự quản lý của người đứng đầu đối với cán bộ, nhân viên mà coi nhẹ việc quản lý trước hết đối với chính người đứng đầu.
Hai là, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa tổ chức đảng các cấp, các cơ quan chức năng quản lý nhân sự, các tổ chức, đoàn thể và quần chúng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi gia đình họ sinh sống. Bỏ sót, không chú ý đúng mức một khâu nào trong hệ thống quản lý này thì công tác quản lý người đứng đầu sẽ thiếu chặt chẽ, do đó việc đánh giá sẽ không khách quan, toàn diện, thiếu chính xác.
Ba là, phát huy cao độ nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Do vị trí, vai trò và quyền lực trên thực tế của người đứng đầu chi phối trực tiếp, rất lớn sự thăng tiến, trọng dụng và những quyền lợi vật chất, tinh thần của mỗi cán bộ, nhân viên thuộc quyền, nên việc phát huy dân chủ, duy trì các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt phê bình và tự phê bình đối với người đứng đầu không hề dễ dàng. Do vậy, tính chiến đấu của tổ chức đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải được phát huy cao độ.
Bốn là, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ những người đứng đầu cả về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý, tổ chức thực tiễn. Cần đặc biệt chú ý nâng cao năng lực quản lý của người đứng đầu ở những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản, đầu tư công, xây dựng cơ bản, quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước, tín dụng, ngân hàng, thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ, quan hệ giữa cơ quan, cán bộ nhà nước với người dân, doanh nghiệp... Trình độ, năng lực không chỉ là một tiêu chí cơ bản, tối quan trọng trong sắp xếp, bổ nhiệm người đứng đầu mà còn là một tiêu chí cơ bản, tối quan trọng trong nhận xét, đánh giá người đứng đầu trong suốt quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của họ. Theo đó, việc sắp xếp, bổ nhiệm người đứng đầu được căn cứ vào trình độ đào tạo chuyên môn, vào năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của họ. Việc bồi dưỡng trình độ, năng lực của người đứng đầu được tiến hành thường xuyên, liên tục với những nội dung và hình thức phù hợp. Đây là trách nhiệm của hệ thống chính trị, của tổ chức, của cấp trên trực tiếp và trách nhiệm của chính người đứng đầu ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Năm là, quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ những người đứng đầu thực sự vững vàng, trong sáng, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, là tấm gương tiêu biểu ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị cả về bản lĩnh chính trị, sự liêm khiết và thái độ kiên quyết, dũng cảm trong cuộc đấu tranh này. “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, nói đi đôi với làm, sự gương mẫu, kiên quyết của người đứng đầu chính là một yếu tố cơ bản, trực tiếp quyết định kết quả phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Theo đó, thái độ, trách nhiệm trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phải được quy định thành một tiêu chí cơ bản để đánh giá người đứng đầu hiện nay. Chức vụ càng cao thì sự gương mẫu càng phải cao. Đây vừa là nguyên nhân vừa là bài học sâu sắc trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nói chung và nhất là trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng.
Sáu là, khắc phục tư tưởng và quan niệm cho rằng đã là người đứng đầu, người cao nhất trong tổ chức, cơ quan, đơn vị thì không cần quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện. Trong khi phần lớn người đứng đầu xứng đáng là tấm gương mẫu mực, nêu cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, đang tồn tại một bộ phận không nhỏ để danh lợi chi phối lập trường, ý chí; vì tham quyền chức mà sa sút đạo đức và lương tâm, danh dự, với mức độ và phạm vi ngày càng tăng, ngay cả với một số cán bộ cao cấp, người đứng đầu ở chức vụ càng cao thì điều đó càng trở nên nguy hiểm. Từ đó, có cơ chế và duy trì thành nền nếp việc cấp trên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu theo phân cấp để nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ này; đồng thời thông qua đó để định hướng và chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đây là một nội dung rất quan trọng mà chúng ta cần học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước trực tiếp làm công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cao cấp.
Hoàn thiện các quy định, chế tài trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Phát huy vai trò của người đứng đầu trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không chỉ đòi hỏi xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của người đứng đầu, coi trọng xây dựng đội ngũ những người đứng đầu, mà còn đòi hỏi hoàn thiện các quy định, chế tài để tạo hành lang pháp lý cần thiết. Thực tiễn cho thấy, có thái độ và quyết tâm cao, xác định rõ trách nhiệm, có đủ phẩm chất và năng lực, nhưng nếu thiếu hành lang pháp lý thì người đứng đầu sẽ không có công cụ hữu hiệu để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Theo đó, trước hết là việc hoàn thiện các quy định, chế tài để giám sát thực hiện quyền lực của người đứng đầu. Ai cũng biết, khi có quyền lực dễ nảy sinh sự lạm dụng quyền lực và cũng dễ nảy sinh đặc quyền. Chừng nào còn sự lạm dụng quyền lực, còn có nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Vì thế, đối với người đứng đầu, và nói chung, với các tổ chức, cơ quan, đơn vị nắm giữ công quyền, nắm giữ tài sản công cũng vậy, đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ, nghiêm minh để ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực. Sự giám sát ấy là những quy định pháp luật, của tổ chức đảng, quy định của chính mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu phòng, chống tham nhũng, lãng phí coi trọng các quy định, chế tài pháp luật, thì phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống lại coi trọng trước hết các quy định, chế tài mang tính đạo đức, phù hợp với đặc thù của người cán bộ, đảng viên.
Sự trực tiếp, thường xuyên tham gia giám sát quyền lực của người đứng đầu không phải ai khác, đó chính là tổ chức đảng, chính quyền và đông đảo cán bộ, nhân viên ở chính tổ chức, cơ quan, đơn vị đó. Vấn đề cốt yếu là quy định chức năng, nhiệm vụ giám sát của từng tổ chức, từng đối tượng đối với người đứng đầu như thế nào. Điều này phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị cụ thể.
Mặt khác, để người đứng đầu phát huy tốt vai trò của mình, đòi hỏi hoàn thiện các quy định, chế tài cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho người đứng đầu giám sát cán bộ, nhân viên, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Việc hoàn thiện các quy định, chế tài này cần đủ mạnh, làm cho mọi cán bộ, nhân viên nếu muốn tồn tại và hoàn thành nhiệm vụ, chức trách buộc phải tu dưỡng, rèn luyện, có đạo đức, lối sống tốt, không dám vi phạm và không có điều kiện, cơ hội để vi phạm.
Coi trọng phát huy dân chủ, coi trọng ý kiến phản ánh của cấp dưới, của quần chúng và của báo chí trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định, chế tài giám sát quyền lực người đứng đầu cũng như các quy định, chế tài ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, thực hiện công khai minh bạch tài sản theo quy định. Ở đâu càng nhiều vùng cấm, càng nhiều “khoảng tối” thì càng dễ cho tham nhũng, lãng phí. Theo đó, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị quy định rõ và công khai quyền được biết, được bàn, được kiểm tra của cán bộ, nhân viên trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mình./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-9 đến ngày 02-10-2016  (03/10/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 26-9 đến ngày 02-10-2016)  (03/10/2016)
Chương trình nghệ thuật tri ân 10 nữ dân quân Lam Hạ anh hùng  (02/10/2016)
Anh bắt đầu tiến trình rời Liên minh châu Âu vào tháng 3-2017  (02/10/2016)
Trung Quốc phản bác dự báo tăng trưởng thương mại của WTO  (02/10/2016)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên