TCCSĐT - Trong khuôn khổ các sự kiện chính của Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long năm 2016, ngày 12-7-2016, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thời gian qua, thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới trong quá trình hội nhập quốc tế. Hội nghị này là dịp để lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp, nhà khoa học cùng nhận diện đúng những khó khăn, thách thức của vùng, qua đó đồng lòng, hợp lực tìm ra những giải pháp giúp đồng bằng sông Cửu Long chủ động hội nhập và phát triển bền vững trong tương lai.

Với 28 tham luận, 7 ý kiến trình bày tại hội nghị, bên cạnh việc đánh giá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của vùng thời gian qua, các đại biểu đã tập trung phân tích, nhận định về những khó khăn, bất cập và thách thức mà đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ phải đối diện.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, những khó khăn, bất cập đang nổi lên là: thiếu kế hoạch liên kết hiệu quả giữa các tỉnh, thành trong vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển; cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu; chưa có chiến lược phát triển công nghiệp tương xứng với thế mạnh của vùng; sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ chưa cao; chưa tối ưu hóa được chuỗi sản xuất; chưa tạo dựng được những thương hiệu có uy tín.

GS,TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng đáng lo ngại nhất là nhiều nông dân và doanh nghiệp do chưa hiểu biết về hội nhập quốc tế, chưa tin tưởng lẫn nhau nên chưa hợp tác tốt trong sản xuất - tiêu thụ nông sản. TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, bày tỏ lo ngại trước tình trạng phần lớn lao động nông nghiệp trong vùng có trình độ học vấn thấp, chủ yếu sản xuất bằng kinh nghiệm; chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng đồng bộ trên cơ sở chuỗi giá trị. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sản lượng lúa và nhiều loại nông sản của vùng tăng nhưng nông dân chưa giàu, doanh nghiệp khó tạo vùng nguyên liệu ổn định, khó phát triển thị trường tiêu thụ.

Theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long cần phải sớm vượt qua 5 thách thức lớn. Đó là: Cấu trúc ngành trong nền kinh tế của vùng chậm chuyển đổi; thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu hội nhập; chưa có chính sách đặc thù riêng cho vùng; chưa có một chính sách đầu tư khởi nghiệp trên quy mô toàn vùng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những cơ hội, đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong vùng cần nhận thức rõ những cơ hội, thách thức đó. Từ đó có những chương trình, dự án nghiên cứu cụ thể, thiết thực hơn về những cơ hội, thách thức đối với từng lĩnh vực cụ thể, đề ra những giải pháp để tận dụng tốt những cơ hội, khắc phục nhanh những thách thức trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, Bộ Kế hoạch đầu tư cần sớm phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long theo cách tiếp cận mới gắn với những vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, phát triển những sản phẩm chủ lực của vùng để nâng cao sinh kế của người dân, phát triển bền vững. Trên cơ sở đó tiến hành đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao.

Trong bối cảnh hội nhập, các địa phương đồng bằng sông Cửu Long phải chú trọng liên kết, hợp tác để kết nối sản phẩm, kết nối chuỗi giá trị. Mối liên kết này dựa trên cơ sở những chủ trương, định hướng của Nhà nước và có cơ chế khuyến khích sự hợp tác của các doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài nước cùng nhân dân nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng lợi tức cho người sản xuất cũng như doanh nghiệp, góp phần đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển trù phú, an toàn, bền vững trong tương lai.

Hội nghị đã nhất trí đề xuất một số giải pháp để đồng bằng sông Cửu Long chủ động hội nhập và phát triển bền vững trong thời gian tới:

- Sớm quy hoạch và nhanh chóng đầu tư các trục giao thông kết nối đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh, các trục ven biển, đẩy nhanh việc xây dựng các luồng vận tải thủy để tăng năng lực giao thương hàng hóa.

- Quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường. Có cơ chế kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp và cánh đồng lớn để sản xuất theo quy trình nông nghiệp kỹ thuật cao.

- Tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác, có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư để hình thành các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của vùng hiệu quả, bền vững.

- Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp./.