Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
TCCSĐT - Ngày 15-6-2016, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) phối hợp tổ chức Hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Tham dự hội thảo có Đại sứ, Đại diện ngoại giao của nhiều nước và tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịnh Ngân hàng thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (WB), chủ trì Hội thảo.
Hội thảo tập trung vào ba nhóm vấn đề: Việt Nam sẵn sàng thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và nâng cấp ngành; Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo thuận lợi cho thương mại, bảo đảm sự công bằng.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong mười hai nền kinh tế thuộc vành đai Thái Bình Dương gần đây đã đạt được thỏa thuận ký kết hiệp định thương mại toàn diện nhất chưa từng thấy trong vòng hai thập niên qua - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chiếm khoảng 40% GDP và 30% thương mại hàng hóa toàn cầu, TPP là hiệp định thương mại đầy tham vọng và đầy đủ nhất cho đến nay. Việt Nam gần đây cũng đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Không chỉ bao gồm các vấn đề truyền thống, như tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ thương mại và đầu tư, cả hai hiệp định này còn bao gồm các lĩnh vực mới, không được đề cập, hoặc đề cập sâu hơn, so với các hiệp định ký kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hơn nữa, các hiệp định mới thiết lập theo chuẩn mực quốc tế sẽ có tác động mạnh hơn đối với các chính sách và thể chế trong nước của Việt Nam hơn so với các hiệp định thương mại tự do trước đây.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu từ việc áp dụng chính sách tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế. Các chính sách này không chỉ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, việc làm và đầu tư mà còn thúc đẩy cải cách trong nước. Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu của sự phát triển và hiện đang phấn đấu trong quá trình chuyển đổi khó khăn để thành quốc gia có thu nhập trung bình. Việc gia nhập TPP và EVFTA tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục con đường tăng trưởng nhanh chóng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, các thỏa thuận này cũng tiềm ẩn những rủi ro đáng kể và các cam kết nếu không được thực hiện một cách cẩn trọng, nhiều lợi ích tiềm tàng của các hiệp định này có thể bị bỏ qua.
Theo bà Victoria Kwakwa, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm. Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy, TPP có thể góp phần làm tăng thêm GDP của Việt Nam khoảng 8% vào năm 2035 và EVFTA có thể đóng góp thêm 4% nữa. Trong số các nước ký kết TPP hiện nay, Việt Nam do có mức GDP bình quân đầu người thấp nhất, có một số lợi thế tương đối độc nhất vô nhị, nhất là các ngành công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động và các ngành hiện đang chịu thuế suất cao như dệt may. Do mở đường tăng cường xuất khẩu vào các thị trường lớn nên các hiệp định thương mại mới sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại nói chung và tăng cường thu hút dòng vốn FDI nói riêng, hiện đã khá cao, nhằm xây dựng năng lực xuất khẩu, kể cả thu hút đầu tư vào các dự án đầu nguồn trong các ngành hiện đang bị giám sát nghiêm ngặt theo quy tắc xuất xứ (ví dụ ngành dệt may).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, phần then chốt, cốt lõi của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào là việc thực hiện. Điều này đặc biệt khó khăn trong nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, nơi vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa các cam kết quốc tế, pháp luật và các quy định trong nước. Trọng tâm trong các hiệp định thương mại thế hệ mới này đòi hỏi những nỗ lực lớn của các bên liên quan ở Việt Nam nhằm thực thi một cách đầy đủ các cam kết phía sau đường biên. Điều này có thể liên quan không chỉ đến việc rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý và khuôn khổ thể chế mà còn thay đổi cấu trúc của nhiều ngành kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá hai FTA này sẽ đem lại những cơ hội đáng kể cho Việt Nam, nhưng sẽ cũng đặt ra không ít thách thức cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Để tận dụng được cơ hội và vượt lên những thách thức trong cạnh tranh quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã chủ động và quyết tâm hành động nhằm tạo ra những sức bật mới cho nền kinh tế mà một trong những việc đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước”./.
Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia  (16/06/2016)
Nhà báo Hồng Chương với báo chí cách mạng Việt Nam  (16/06/2016)
Chủ tịch nước gửi điện chia buồn vụ xả súng đẫm máu tại Orlando  (16/06/2016)
Nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới  (16/06/2016)
Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan, Malaysia  (14/06/2016)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật  (14/06/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên