Nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới
TCCSĐT - Ngày 09-01-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Chỉ thị đã tạo ra cơ sở pháp lý và chính sách cho các cấp, các ngành, các lực lượng, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào quần chúng trên các tuyến biên giới, biển đảo, mà trực tiếp và trước hết là cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới trong đó có vai trò nòng cốt, chuyên trách của Bộ đội biên phòng.
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xuất phát từ thực tiễn lịch sử bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, với quan điểm toàn dân, toàn diện những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới, như: Quyết định 16/HĐBT, ngày 22-02-1989, của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc tổ chức “Ngày Biên phòng” trên phạm vi cả nước, Chỉ thị 394/CT-TTg, ngày 02-8-1994, của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ngày biên phòng”, Chỉ thị 15/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở các xã phường biên giới, hải đảo” và trong Luật Biên giới quốc gia được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6-2003) đã xác định rõ: “Nhà nước xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia” và quy định ngày 03-3 hằng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”.
Thực hiện các chủ trương, chính sách đó, Bộ đội biên phòng với chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đã chủ động đề xuất phối hợp với các bộ, ban, ngành, như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,... xây dựng các chương trình phối hợp hành động nhằm huy động đông đảo các ngành, các lực lượng và các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới. Các chương trình phối hợp đã được chỉ đạo và triển khai chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở không chỉ ở các tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển mà còn được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.
Trên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân về quốc gia, quốc giới, về trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với các cấp, các ngành tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát động, tổ chức nhiều phong trào quần chúng, xây dựng nhiều mô hình tập hợp quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, như phong trào đấu tranh chống xâm canh ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang; phong trào “Thanh niên làm chủ đường biên” ở An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk; các mô hình giáo dục cảm hóa đối tượng phạm tội tại cộng đồng ở Nghệ An; “dòng họ, thôn, bản không theo kẻ xấu hoạt động tôn giáo trái phép” ở Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu; tuyến sau kết nghĩa, đỡ đầu tuyến trước ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... Những phong trào và hình thức tập hợp quần chúng đó đã mang lại hiệu quả chính trị - xã hội to lớn. Nhận thức trách nhiệm đối với chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của các tầng lớp nhân dân cả nước được nâng lên; ý thức về quốc gia, quốc giới và vai trò tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của đồng bào các dân tộc biên giới được phát huy. Nhân dân biên giới, hải đảo đã tham gia đóng góp hàng triệu ngày công xây dựng các công trình phòng thủ, làm hàng trăm ki-lô-mét đường tuần tra, phát quang trên 1.000km đường biên giới, phối hợp với Bộ đội biên phòng tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc và chủ động cung cấp kịp thời nhiều tin quan trọng phục vụ cho công tác biên phòng...
Nổi bật là phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc” ra đời từ quê hương cách mạng Cao Bằng. Từ sự sáng tạo của phong trào quần chúng ở huyện Phục Hòa, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã rút kinh nghiệm và tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định trách nhiệm cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn vận động nhân dân ở các xóm, bản giáp biên tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành các quy định, xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi và chế độ chính sách đối với các hộ gia đình, các xóm, bản tham gia tự quản. Nhờ đó phong trào đã được nhân rộng ra ở cả 42/42 xã và 145/145 xóm, bản giáp biên của tỉnh. Từ mô hình, kinh nghiệm của Cao Bằng và thực tiễn sinh động của các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm và trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị số 34/CT-BTL về việc “Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới” trên tất cả các tuyến biên giới; yêu cầu Bộ chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức phong trào ở địa phương. Đến nay, ở hầu hết các tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển, hải đảo đã phát động và tổ chức tốt việc các hộ dân và các thôn, bản giáp biên giới đăng ký tự quản đường biên, mốc giới và tự quản an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nơi cư trú. Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị,... là những địa phương có phong trào phát triển sâu rộng, với sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp hướng dẫn tạo điều kiện của các ban ngành, đoàn thể và sự tham gia đông đảo của nhân dân các thôn, bản giáp biên. Riêng tuyến biên giới Việt - Trung, đến nay đã có gần 10.000 hộ gia đình của 124/161 xã, phường biên giới đăng ký tham gia tự quản 1.024km đường biên giới, 263/414 cột mốc chính, 37/71 cột mốc phụ.
Cùng với hoạt động tự quản về đường biên, cột mốc biên giới, các hoạt động tự quản về an ninh trật tự cũng được tổ chức rộng khắp trên tất cả các tuyến biên giới, với sự ra đời của hàng nghìn tổ, đội, thôn xóm tự quản. Nhiều địa phương đã lồng ghép phong trào tự quản với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thông qua việc tổ chức xây dựng các hương ước, quy ước của từng dòng họ, buôn, làng, thôn, bản. Trong đó cùng với các quy định về việc tự giác xóa bỏ các tập tục, thói quen lạc hậu, bài trừ các tệ nạn xã hội, ăn ở, sinh hoạt vệ sinh,... còn quy định rõ các nội dung tự quản về an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, như không vượt biên trái phép, không di cư tự do, không theo kẻ xấu hoạt động tôn giáo trái phép, không sử dụng, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển các chất ma túy... Chính vì vậy, gần 1.700 thôn, bản, buôn, làng văn hóa trên các tuyến biên giới được công nhận trong thời gian vừa qua cũng chính là những thôn, bản, buôn, làng tự quản về an ninh trật tự. Các mô hình “Tàu thuyền, bến bãi an toàn”, “Họ đạo gương mẫu”, “Thôn xóm bình yên”, “Gia đình hòa thuận” tiếp tục được nhân rộng và phát huy tác dụng ở các địa phương tuyến biển, đảo. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm mới có hiệu quả, như “Gia đình người Mông văn hóa”, “Thôn, bản không có người theo bọn xấu hoạt động tôn giáo trái phép” ở tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La..., “Gia đình cựu chiến binh gương mẫu”, “Làng thanh niên văn hóa”, “Buôn, làng không có người vượt biên trái phép” ở Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum,... đã làm phong phú, sinh động thêm cả nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản trên các tuyến biên giới.
Nét mới của phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới những năm gần đây là việc các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp phát động và tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia tấn công chính trị kết hợp giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng. Hàng trăm đối tượng chủ mưu, cầm đầu vượt biên trái phép, kích động biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng, tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật,... đã được đưa ra phê phán, giáo dục, thuyết phục trước cộng đồng thôn bản. Thông qua tấn công chính trị, bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của địch và các loại đối tượng; phân hóa, cô lập chủ mưu cầm đầu; giáo dục cảm hóa những người lầm lỗi và răn đe các đối tượng khác. Cũng thông qua tấn công chính trị để tăng cường uy tín và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao giác ngộ và tinh thần cảnh giác cách mạng của quần chúng. Tiêu biểu cho các hoạt động này là các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, An Giang...
Chính từ các phong trào, các hoạt động tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới mà quần chúng nhân dân đã phát hiện, cung cấp cho Bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng hàng chục ngàn nguồn tin có giá trị phục vụ cho quá trình đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới. Có thể khẳng định, phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đã tăng cường sức mạnh thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên địa bàn biên giới, hải đảo, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Từ thực tiễn xây dựng và tổ chức phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới những năm qua của Bộ đội biên phòng, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, muốn tổ chức được phong trào sâu rộng, huy động được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, trước hết phải tạo ra nhận thức thống nhất từ trong tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể đến các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới; phải coi đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, trên cơ sở đó từng tổ chức, cá nhân xác định trách nhiệm và bằng những việc làm cụ thể để tham gia vào sự nghiệp vẻ vang đó.
Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phong trào mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của mình để xây dựng chủ trương, kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, thiết thực. Đồng thời cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp để tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng hướng vào mục tiêu vận động và tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới.
Ba là, mục tiêu và nội dung của phong trào phải kết hợp chặt chẽ việc thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới. Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng biên giới giàu mạnh để tạo ra tiềm lực củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và ngược lại quốc phòng - an ninh được củng cố sẽ tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ có như vậy mới bảo đảm ổn định chính trị và an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Bốn là, thường xuyên coi trọng việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, xây dựng và phổ biến các mô hình, kinh nghiệm hay; biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc để nâng cao hiệu quả và chất lượng của phong trào.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ có ảnh hưởng và tác động mạnh đến an ninh, trật tự khu vực biên giới nước ta. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; triệt để lợi dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và chủ quyền lãnh thổ để chống phá nước ta, trong đó khu vực biên giới, vùng biển là những địa bàn trọng điểm. Các hoạt động vi phạm biên giới, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, các cấp, các ngành, trên cơ sở nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới theo chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, giác ngộ cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân để mọi người tham gia một cách tự giác, tích cực vào các hoạt động xây dựng và bảo vệ biên giới.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành cùng tham gia xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường biên giới, hải đảo; bảo đảm tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, chính quyền có đủ năng lực quản lý, điều hành mọi hoạt động của địa phương; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoạt động có nề nếp, có hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động và tổ chức có hiệu quả các phong trào quần chúng; các nhiêm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức duy trì và nâng cao chất lượng các phong trào quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tập trung tổ chức có hiệu quả phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới”. Phong trào phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự hướng dẫn tuyên truyền vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, các lực lượng, động viên được mọi người dân tham gia và tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng địa phương để có hình thức tổ chức cho phù hợp.
Thứ tư, tổ chức tốt các hoạt động của “tuyến sau” hướng về biên giới, hải đảo. Trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân tuyến sau đối với việc tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới để tổ chức tốt các hoạt động cụ thể hướng về biên giới, hải đảo như đỡ đầu, kết nghĩa, động viên tinh thần, xây dựng công trình phục vụ dân sinh, phòng thủ biên giới, quyên góp ủng hộ kinh phí, vật chất cho các thôn, bản còn khó khăn ...
Thứ năm, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm phong trào. Hằng năm các ban ngành, đoàn thể dưới sự chủ trì của chính quyền cần tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm phong trào để đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể và cá nhân tiêu biểu, phổ biến nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm hay để thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của phong trào./.
Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan, Malaysia  (14/06/2016)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật  (14/06/2016)
Đồng chí Bùi Văn Quang được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ  (14/06/2016)
Bầu các chức danh chủ chốt Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu khóa mới  (14/06/2016)
Gặp mặt các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài  (14/06/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên