Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp đổi mới đất nước
TCCS - Ngoại giao “cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14-12-2021). Khái niệm này là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện với những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc thấm nhuần triết lý và thực hành hiệu quả trường phái ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” có ý nghĩa hết sức quan trọng.
1- Ngày 14-12-2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”(1).
Ngày 19-12-2023, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh về trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo, nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo, nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái, nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Theo khắc họa khái quát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” được hình thành trong thời kỳ đổi mới gần 40 năm qua. Trường phái này được Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy bản sắc, truyền thống dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại. Như vậy, đề cập đến trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” chính là đề cập đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cũng như các hoạt động đối ngoại, ngoại giao của cả hệ thống chính trị Việt Nam trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới.
2- Khi khắc họa khái quát về trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là trường phái được “phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(2).
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin trang bị cho chúng ta thế giới quan và phương pháp luận khoa học, biện chứng và cách mạng để có thể thấy rõ được những quy luật phát triển và xu thế vận động khách quan của xã hội loài người. Với thế giới quan và phương pháp luận đó, Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận thế giới là một chỉnh thể phức tạp, luôn trong trạng thái không ngừng vận động, vừa tuân theo các quy luật và xu thế khách quan, vừa chịu sự tương tác phức tạp, chứa đựng cả hợp tác lẫn đấu tranh giữa các quốc gia - dân tộc, giữa các nền kinh tế và giữa các nền văn hóa... Quy luật phát triển của xã hội loài người là đi từ hình thái kinh tế - xã hội thấp lên hình thái kinh tế - xã hội cao, và hình thái kinh tế - xã hội cao nhất là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, nhân loại đang trong giai đoạn lịch sử quá độ từ hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa lên hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, mở đầu bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc(3).
Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa và phát huy bản sắc, truyền thống dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển hệ thống quan điểm mang tính nền tảng, chỉ đạo việc hoạch định và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước Việt Nam. Trong kho tàng tư tưởng của Người mà Đảng Cộng sản Việt Nam lấy làm nền tảng để hình thành và phát triển trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”, đáng chú ý là tư tưởng cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Việt Nam là một bộ phận cấu thành của chỉnh thể thế giới; “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên trì thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc trong mọi hoàn cảnh, kiên định về chiến lược, linh hoạt về sách lược; đoàn kết giai cấp, đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(4); “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(5); “giúp bạn là tự giúp mình”; ngoại giao là một “mặt trận”...
Có thể nói, thế giới quan khoa học, biện chứng, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giúp Đảng ta có cách nhìn rõ về cấu trúc chính trị, kinh tế - xã hội, về các quy luật và xu thế vận động khách quan của thế giới ngày nay, về vị trí của Việt Nam trong sự vận động của thế giới. Với cách nhìn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạch định đường lối, đề ra chủ trương, chính sách phát triển đất nước vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam, vừa phù hợp với các quy luật và xu thế vận động khách quan của thế giới và xã hội loài người, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Từ thực tiễn sinh động các hoạt động đối ngoại trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đúc kết nên một hệ thống quan điểm chỉ đạo việc hoạch định và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đặc biệt đáng chú ý là các quan điểm sau: 1- Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại(6); 2- Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi(7); 3- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế(8); 4- Giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng mà Việt Nam có quan hệ; 5- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế(9); 6- Nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế với cách nhìn biện chứng về đối tượng, đối tác: “trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta”(10); 7- Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế(11); 8- Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”(12); 9- Nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế(13); 10- Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước(14); 11- Thực hiện chính sách “bốn không”: không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; 12- Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân(15).
3- Lợi ích quốc gia - dân tộc luôn là xuất phát điểm, là cơ sở để hoạch định và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại, là cái “gốc” của đối ngoại, ngoại giao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta”(16).
Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (năm 1986) đến nay, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại(17) của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã được khẳng định xuyên suốt qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Với đường lối đối ngoại đó, Việt Nam luôn giữ vững độc lập, tự chủ trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, có quan điểm, lập trường riêng đối với các vấn đề quốc tế... Giữ vững độc lập, tự chủ, nhưng không biệt lập, đóng cửa, tự cô lập, mà luôn mở rộng sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các nước, các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế và khu vực; luôn phấn đấu vì hòa bình, thúc đẩy tình hữu nghị, sự hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, việc Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa đã tạo nên sự tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Ngay từ khi định hình đường lối đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: Giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với thực lực, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng mà Việt Nam có quan hệ. Sự uyển chuyển trong chính sách và các bước đi đối ngoại của Việt Nam không phải là sự ngả nghiêng, thực dụng, vô nguyên tắc, mà là sự sáng tạo, năng động, linh hoạt về sách lược trên cơ sở kiên định về chiến lược nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Chỉ trên cơ sở giữ vững nguyên tắc và kiên định về chiến lược mới có thể sáng tạo, năng động và linh hoạt về sách lược. Đồng thời, sự sáng tạo, năng động và linh hoạt về sách lược giúp cho việc triển khai, thực hiện chiến lược đạt hiệu quả cao.
Thực tiễn đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới thể hiện rõ sự bám chắc vào lợi ích quốc gia - dân tộc, sự kiên định và nhất quán về đường lối, sự sáng tạo, năng động, linh hoạt về sách lược và trong từng bước đi, đối sách cụ thể; tạo thành ba nét đặc sắc của trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát: “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
4- Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã mở đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Khi đó, Việt Nam đang trong hoàn cảnh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, cả về kinh tế - xã hội lẫn quan hệ đối ngoại. Trong khi đó, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong bối cảnh đó, về mặt đối ngoại, có hai vấn đề lớn, hết sức cấp bách mà Việt Nam phải xử lý: Một là, phá được thế đất nước bị bao vây, cấm vận, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để củng cố độc lập dân tộc, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và phát triển đất nước. Hai là, thích ứng với bối cảnh khách quan của thế giới đang biến đổi sâu sắc với những đảo lộn trong cục diện thế giới... Từ việc xử lý những vấn đề này, quá trình hình thành đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã được thúc đẩy.
Ngày 20-5-1988, Bộ Chính trị khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”, trong đó nhận định: tình trạng kinh tế yếu kém, tình thế bị bao vây về kinh tế và cô lập về chính trị sẽ trở thành nguy cơ lớn đối với an ninh và độc lập dân tộc. Từ đó, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ phải ra sức tranh thủ các nước anh em, bè bạn và dư luận rộng rãi trên thế giới, phân hóa hàng ngũ đối phương, “thêm bạn, bớt thù”, làm thất bại âm mưu cô lập Việt Nam về kinh tế và chính trị; chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình; ra sức tranh thủ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và xu thế quốc tế hóa cao của kinh tế thế giới, đồng thời tranh thủ vị trí tối ưu trong phân công lao động quốc tế. Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI thể hiện sự đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về thời cuộc và thế giới; mở đầu cho việc hoạch định đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiếp đó, các Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 3-1989), Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (tháng 8-1989) và Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 3-1990) khóa VI đã tập trung đánh giá tình hình thế giới liên quan đến những biến động xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu; đề ra quyết sách đối phó với những tác động phức tạp từ diễn biến của tình hình thế giới đối với đất nước, đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Đến Đại hội VII của Đảng (tháng 12-1991), Việt Nam khẳng định “hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”(18). Đại hội VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định một trong sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng là “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”; xác định mục tiêu của đối ngoại Việt Nam là “tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(19).
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (tháng 6-1992) đã ra nghị quyết về công tác đối ngoại, xác định rõ nhiệm vụ công tác đối ngoại, tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại, các phương châm xử lý các vấn đề quan hệ quốc tế. Đây là văn kiện đánh dấu sự hình thành đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.
Đường lối đối ngoại đổi mới đã được Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994) chính thức khẳng định với tuyên bố “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(20).
Từ Đại hội VIII của Đảng (tháng 6-1996) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Cùng với sự nhất quán đó, qua các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng, đường lối đối ngoại đổi mới của Việt Nam liên tục được hoàn thiện và phát triển. Đáng chú ý là những nội dung lớn sau:
Về thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc: Từ chỗ yêu cầu các hoạt động đối ngoại phải “đáp ứng lợi ích của nhân dân ta” (Đại hội VII) đã phát triển thành yêu cầu “vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh” (Đại hội XI), rồi “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” (Đại hội XIII).
Về quan hệ song phương với các nước: Từ chủ trương “bình thường hóa, thiết lập quan hệ với các nước” (Đại hội VII) đã phát triển thành chủ trương “đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững” (Đại hội XI), rồi thành chủ trương “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy” (Đại hội XIII).
Về quan hệ đa phương: Từ chủ trương “hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết các vấn đề tồn tại và các tranh chấp bằng thương lượng” (Đại hội VII) đã phát triển thành chủ trương “tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc” (Đại hội XI), rồi “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác” (Đại hội XII). Đến Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021), nội dung về quan hệ đa phương trong đường lối đối ngoại của Đảng đã được phát triển thành “Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể”(21). “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết”(22).
Về hội nhập quốc tế: Từ chủ trương “tham gia và tranh thủ vị trí tối ưu trong phân công lao động quốc tế” (Nghị quyết số 13-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa VI), đã phát triển thành “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực” (Đại hội IX); rồi “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” (Đại hội X); “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” (Đại hội XI) và hiện nay là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” (Đại hội XIII).
Về định vị Việt Nam trong thế giới ngày nay và xác định tâm thế đối ngoại của Việt Nam: Từ thời điểm ban đầu hết sức khiêm tốn khi tuyên bố: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” (Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII) đã phát triển thành “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (Đại hội IX), rồi “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” (Đại hội X), “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội XI) và Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(23).
Về quan hệ Đảng: Từ chỗ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ xác lập các mối quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới (Đại hội VI), đã mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả (Đại hội VII) và từ Đại hội VIII mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền và các đảng khác, nghĩa là với tất cả chính đảng. Từ Đại hội XI, bên cạnh quan hệ song phương với các chính đảng ở các nước trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương mở rộng tham gia và thúc đẩy mạnh hơn quan hệ đa phương chính đảng.
Về lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý: Từ quan điểm “Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại” (Đại hội IX) đã phát triển thành “Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế” (Đại hội XIII).
Về tổ chức lực lượng: Từ yêu cầu “phối hợp chặt chẽ” hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại, đối ngoại quốc phòng và an ninh, thông tin đối ngoại và thông tin trong nước” (Đại hội VIII) đã phát triển thành “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân” (Đại hội XIII).
Có thể thấy, quá trình hoàn thiện, phát triển đường lối đối ngoại đổi mới của Việt Nam và trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” vẫn đang tiếp diễn.
5- Trong gần 40 năm qua, nhất quán triển khai thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới, Việt Nam đã phá được thế bị bao vây, cấm vận; tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới; có quan hệ đặc biệt với ba nước(24), quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với bảy nước(25), quan hệ đối tác chiến lược với 11 nước(26), quan hệ đối tác toàn diện với 12 nước(27); có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ; hình thành thế đan xen lợi ích nhiều tầng nấc với nhiều nước. Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia và tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn nghị viện quốc tế quan trọng. Các tổ chức hữu nghị nhân dân Việt Nam có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Vấn đề biên giới với các nước liên quan từng bước được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để bảo vệ chủ quyền, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đồng thời góp phần vào việc củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Đối với những vấn đề phức tạp về biên giới lãnh thổ, biển, đảo, Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan, cố gắng kiểm soát bất đồng, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới; đồng thời, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn (ASEM, APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN...) và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN... Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Nhìn tổng thể, trong gần 40 năm qua, trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung có ý nghĩa lịch sử của đất nước, để “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(28); đồng thời, ngày càng vững bước tiến tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045./.
-------------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12-2021, tr. 18
(2) Nguyễn Phú Trọng: “Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, Tạp chí Cộng sản, số 1028, tháng 12-2023, tr. 9
(3) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 69
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 147
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 256
(6), (7), (8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 161, 161 - 162, 162
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 66
(10) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 44
(11), (12), (13), (14), (15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 162, 117, 72 - 73, 162, 162
(16) “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc”, Tlđd
(17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 161
(18), (19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 88
(20) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Sđd, tr. 147
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 162 - 163
(22), (23) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 164, 162
(24) Lào, Cu-ba và Cam-pu-chia
(25) Trung Quốc (năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016), Hàn Quốc (năm 2022), Hoa Kỳ (năm 2023), Nhật Bản (năm 2023) và Ô-xtrây-li-a (năm 2024)
(26) Tây Ban Nha (năm 2009), Anh (năm 2010), Đức (năm 2011), I-ta-li-a (năm 2011), Thái Lan (năm 2013), In-đô-nê-xi-a (năm 2013), Xin-ga-po (năm 2013), Pháp (năm 2013), Ma-lai-xi-a (năm 2015), Phi-líp-pin (năm 2015) và Niu Di-lân (năm 2020)
(27) Nam Phi (năm 2004), Chi-lê (năm 2007), Bra-xin (năm 2007), Vê-nê-xu-ê-la (năm 2007), Ác-hen-ti-na (năm 2010), U-crai-na (năm 2011), Đan Mạch (năm 2013), Mi-an-ma (năm 2017), Ca-na-đa (năm 2017), Hung-ga-ri (năm 2018), Bru-nây (năm 2019) và Hà Lan (năm 2019)
(28) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 25
Đối ngoại nhân dân phát huy vai trò trụ cột trong nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam  (19/05/2024)
Phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay  (31/03/2024)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam