Đối ngoại nhân dân phát huy vai trò trụ cột trong nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam
TCCS - Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) lần đầu tiên xác định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(1). Phát huy vai trò là một trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác đối ngoại nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, cùng với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước tạo nên những điểm sáng nổi bật của nền ngoại giao Việt Nam.
Từ vai trò quan trọng đến trở thành một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam
Đối ngoại nhân dân là một hình thức đặc sắc của nền ngoại giao Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức và lãnh đạo ngay từ những ngày đầu cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân bao gồm các quan điểm lớn về lợi ích quốc gia - dân tộc, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về độc lập, tự chủ, tự cường gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, “thêm bạn, bớt thù”, “ngoại giao tâm công”...
Trong thực tiễn các thời kỳ cách mạng của Việt Nam, đối ngoại nhân dân đã phát huy vai trò hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời tạo tiền đề hỗ trợ xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước sau này.
Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang, tháng 8-1945), Đảng ta đã đề ra những quyết sách quan trọng về đối nội và đối ngoại, trong đó về đối ngoại, Đảng chủ trương tránh trường hợp phải đối phó với nhiều lực lượng cùng một lúc, cần giữ liên lạc với nhân dân các nước có liên quan để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ta hình thành chính sách đối ngoại thân thiện với nhân dân các nước, nhất là vận động dư luận để bạn bè quốc tế hiểu rõ và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đoàn thể của nước ta gia nhập mặt trận nhân dân dân chủ, tiến bộ trên thế giới, như Liên hiệp Công đoàn thế giới (WFTU), Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới (WFDY), Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế (WIDF), Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL), Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC). Người cũng chỉ đạo thành lập Hội Việt - Mỹ thân hữu và Hội Việt - Hoa hữu hảo. Đây là các tổ chức đối ngoại nhân dân đầu tiên để thúc đẩy quan hệ nhân dân giữa nước ta với các nước đối tác quan trọng này.
Chủ trương triển khai công tác đối ngoại nhân dân được đề cập ở những mức độ khác nhau từ Đại hội II của Đảng (năm 1951) và tiếp tục được phát triển qua các kỳ Đại hội. Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên đối ngoại nhân dân được Đảng xác định là một trong ba trụ cột của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Đây là một bước phát triển quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về vai trò và vị trí của đối ngoại nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại nhân dân trong nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại
Sau Đại hội XIII của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương và tổ chức nhân dân triển khai Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 6-7-2011, của Ban Bí thư khóa XI, “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”. Trên cơ sở kết quả triển khai Đề án, Ban Đối ngoại Trung ương đã tham mưu Ban Bí thư khóa XIII ban hành Chỉ thị số 12/CT-TW, ngày 5-1-2022, “Về tăng cường sự lãnh đạ#o củ#a Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoạ#i nhân dân trong tình hì#nh mới”. Chỉ thị số 12/CT-TW đã đưa ra quan điểm định hướng, tầm nhìn, nâng cao nhận thức, xác định nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đối với việc phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đối ngoại nhân dân, gắn kết chặt chẽ hơn đối ngoại nhân dân với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, qua đó nâng cao sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện tốt Chỉ thị số 12-CT-TW sẽ góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả và đóng góp tích cực của đối ngoại nhân dân trong công tác đối ngoại chung của đất nước.
Nhìn lại thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền và nỗ lực của các đoàn thể, tổ chức nhân dân với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, công tác đối ngoại nhân dân đã có đóng góp quan trọng vào thành tựu của mặt trận đối ngoại Việt Nam.
Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức nhân dân đã tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, qua đó góp phần củng cố, tăng cường, tạo nền tảng xã hội thuận lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước.
Các tổ chức nhân dân của Việt Nam đã củng cố và phát triển quan hệ với hàng nghìn tổ chức, đối tác, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước bạn bè truyền thống, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nhiều thỏa thuận hợp tác song phương đã được các tổ chức nhân dân của Việt Nam ký kết với các đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác ngày càng có trọng tâm, thiết thực và hiệu quả. Các hoạt động hợp tác được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như trao đổi đoàn, giao lưu hữu nghị, thăm hỏi, chúc mừng nhân các dịp lễ, Tết, tọa đàm, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoạt động tình nguyện, nhân đạo, trao và nhận các hình thức khen thưởng, kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước.
Thứ hai, bên cạnh việc phát triển quan hệ song phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân đã quán triệt chủ trương “nâng tầm đối ngoại đa phương”, “giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế”; trên cơ sở đó, tích cực tham gia các hoạt động đa phương và phát huy vai trò, trách nhiệm, sáng kiến tại các cơ chế đa phương mà Việt Nam là thành viên. Một số đoàn thể, tổ chức nhân dân tham gia đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo tại các cơ chế hợp tác đa phương quốc tế và khu vực, như Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham gia Ban Lãnh đạo Đại hội đồng toàn cầu Liên minh Hợp tác xã quốc tế... Bên cạnh đó, các tổ chức nhân dân Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, gia nhập nhiều cơ chế hợp tác đa phương quốc tế và khu vực mới trên các lĩnh vực hoạt động đa dạng, như Hội Nông dân Việt Nam gia nhập Tổ chức Nông dân Thế giới, Hiệp hội Sữa Việt Nam gia nhập Liên minh Thực phẩm đồ uống ASEAN và Liên hiệp Sữa quốc tế, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam gia nhập Hiệp hội Cảng biển quốc tế, Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam gia nhập Hiệp hội Pháp luật Xây dựng quốc tế, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam gia nhập Hội Bệnh mạch máu châu Á...
Các tổ chức nhân dân Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đối tác tổ chức, đăng cai nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, nổi bật là việc Ủy ban Hòa bình Việt Nam đăng cai Đại hội Hội đồng Hòa bình Thế giới lần thứ 22 (năm 2022), Hội Người mù Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù khu vực ASEAN” (năm 2022), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đăng cai Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 (năm 2023), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đón các đoàn đại biểu quốc tế tham dự các hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (năm 2023)...
Trong quá trình tham gia các cơ chế và hoạt động đa phương, các tổ chức nhân dân Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều biện pháp, sáng kiến hợp tác, phản ánh sự quan tâm, tham gia phù hợp và đóng góp tích cực vào các hoạt động của nhân dân khu vực và thế giới vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thứ ba, công tác đối ngoại nhân dân tích cực phối hợp và hỗ trợ hai trụ cột đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước. Trước, trong và sau Đại hội XIII của Đảng, các đoàn thể, tổ chức nhân dân đã tích cực chia sẻ thông tin về Đại hội XIII của Đảng, về đường lối đối ngoại và phát triển đất nước của Đảng ta tới bạn bè và đối tác quốc tế; đồng thời, giới thiệu rộng rãi tới các đối tác có quan tâm về các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””. Một số đoàn thể, tổ chức nhân dân tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân nhân dịp lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm Việt Nam, như chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn (năm 2023); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (năm 2023), Hoàng Thái tử Nhật Bản Phu-mi-hi-tô A-ki-si-nô và Công nương Ca-goa-si-ma Ki-kô (năm 2023); tổ chức hoạt động đối ngoại nhân dân nhân dịp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tiến hành thăm các nước Lào, Trung Quốc, Mỹ, Bra-xin, Cu-ba, Ác-hen-ti-na, U-ru-goay...
Thứ tư, đối ngoại nhân dân góp phần tích cực trong công tác thông tin đối ngoại và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo. Các đoàn thể, tổ chức nhân dân ngày càng nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, áp dụng công nghệ số, lồng ghép nội dung thông tin đối ngoại trong hoạt động chuyên môn của tổ chức để tuyên truyền về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam; quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật Việt Nam; các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, qua đó cung cấp thông tin sinh động, phong phú đến bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới. Trong các hoạt động song phương và tham gia các cơ chế, diễn đàn nhân dân quốc tế và khu vực, trong đó có Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF), Diễn đàn Nhân dân Á - Âu (AEPF), các tổ chức nhân dân đã tổ chức nhiều hội thảo (trong đó có các Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức tại Nga từ năm 2016 tới nay), tọa đàm nhằm chia sẻ về tình hình thực tế, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, Biển Đông, nguồn nước sông Mê Công..., trao đổi để các đối tác, bạn bè quốc tế hiểu rõ và ủng hộ Việt Nam, đồng thời đấu tranh chống những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động trong những vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức nhân dân tích cực tham gia đóng góp vào Báo cáo quốc gia của Việt Nam và xây dựng những báo cáo “bóng”(2) theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Thứ năm, các đoàn thể, tổ chức nhân dân có nhiều nỗ lực trong công tác vận động nguồn lực nước ngoài và triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
Công tác vận động, tranh thủ các nguồn viện trợ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai phù hợp với chủ trương, chỉ đạo liên quan của Đảng, Nhà nước và các quy định của pháp luật. Các đoàn thể, tổ chức nhân dân đã triển khai nhiều hoạt động thuộc các chương trình, dự án, phi dự án tiếp nhận từ các đối tác quốc tế, như các tổ chức nhân dân ở các nước, các cơ quan hợp tác phát triển nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên (đơn cử như y tế, giáo dục, giải quyết hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, cứu trợ khẩn cấp, ứng phó với biến đổi khí hậu...), với giá trị trung bình trong 10 năm qua đạt khoảng 250 triệu USD/năm. Thông qua các hoạt động này, các tổ chức nhân dân Việt Nam không chỉ tranh thủ các nguồn lực tài chính của đối tác nước ngoài, mà còn tiếp cận, học hỏi thành tựu khoa học - công nghệ mới, mô hình và kinh nghiệm hoạt động tiên tiến trên các lĩnh vực, vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam.
Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua được các đoàn thể và tổ chức nhân dân đẩy mạnh nhằm củng cố, mở rộng liên kết với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các đoàn thể và tổ chức nhân dân tích cực hỗ trợ các hội đoàn mới được thành lập và triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về Tổ quốc, nhất là việc chung tay chia sẻ khó khăn, thách thức do tác động của thiên tai, dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh COVID-19. Cùng với các đoàn thể và tổ chức nhân dân trong nước, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực tham gia công tác thông tin tuyên truyền nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược, tập hợp lực lượng giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra quyết liệt, tác động sâu sắc đến cấu trúc chính trị, an ninh tại các khu vực, trong đó có khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tranh chấp biên giới, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và các “điểm nóng” trên thế giới, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các xu hướng mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu,... sẽ tiếp tục được các nước và các tổ chức, cơ chế hợp tác đa phương quốc tế và khu vực ưu tiên thúc đẩy.
Các phong trào, hoạt động của nhân dân thế giới liên quan hòa bình, an ninh, đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, bảo vệ quyền của người lao động và các nhóm dễ bị tổn thương, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững,... sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ do tình hình kinh tế, an ninh, chính trị trên thế giới và tại một số nước vẫn còn nhiều bất ổn, khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.
Cùng với những mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045 cũng như yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, nhiều cơ hội, thách thức và những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn đối với công tác đối ngoại nhân dân Việt Nam trong thời gian tới cũng được đặt ra.
Trên cơ sở các nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong việc triển khai các nhiệm vụ đề ra, thể chế hóa Chỉ thị số 12-CT/TW bằng chính sách, quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân. Mặt khác, các tổ chức nhân dân cần chú trọng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm củng cố bộ máy tổ chức, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, phát huy tốt vai trò và thế mạnh đặc thù trong công tác. Đồng thời, các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân cần tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu; chủ động xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác song phương và đa phương; nâng cao hiệu quả công tác vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả trên các lĩnh vực; tích cực vận động, đa dạng hóa và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại và vận động người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn trong các hoạt động đối ngoại chung.
Bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, các văn bản chỉ đạo và quy định liên quan của Đảng và Nhà nước, các tổ chức nhân dân Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai công tác đối ngoại, đóng góp vào kết quả chung trong công tác đối ngoại của cả nước. Trong thời gian tới, đối ngoại nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò “ngoại giao tâm công”, nỗ lực trong việc “chinh phục trái tim và khối óc” của bạn bè thế giới, góp phần củng cố, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực; cùng đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội./.
----------------------
(1) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 162
(2) Báo cáo “bóng” (shadow report) là các báo cáo có tính chất độc lập về tình hình thực hiện quyền con người ở một nước do các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước xây dựng và gửi cho Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhằm bổ sung thông tin cho Báo cáo quốc gia UPR mà nước đó phải xây dựng theo cơ chế UPR
Phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay  (31/03/2024)
Vận dụng tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong đối ngoại quốc phòng hiện nay  (19/02/2024)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam