Mỹ - Ấn Độ xây dựng quan hệ đối tác bền vững thế kỷ XXI
TCCSĐT - “Định hình mối quan hệ trong thế kỷ XXI” là nhận định của giới phân tích khi đánh giá về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây. Đây là chuyến thăm thứ 4 của Thủ tướng N. Modi tới Mỹ và cũng là cuộc gặp lần thứ 7 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn.
Định hình mối quan hệ trong thế kỷ XXI. Ảnh: vtv.vn
Củng cố nền tảng quan hệ
Quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Ấn Độ N. Modi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước vào tháng 5-2014, phản ánh mong muốn và đáp ứng lợi ích của mỗi nước. Trước chuyến thăm Washington lần này, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ đã có 6 cuộc hội đàm trong vòng 2 năm qua. Đây là một con số ấn tượng trong bối cảnh Washington và New Delhi chưa thiết lập một quan hệ đồng minh chính thức nào. Ashley Tellis, một chuyên gia Ấn Độ thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế ở Washington, được hãng tin Reuters dẫn lời nhận định rằng, kể từ sau khi lên cầm quyền vào năm 2014, tính đến nay, ông N. Modi đã có 3 lần tới thăm Mỹ và 6 lần hội đàm với Tổng thống B. Obama. Mức độ thường xuyên của các cuộc gặp mặt như vậy giữa Tổng thống B. Obama và một lãnh đạo quốc gia mà không phải đồng minh chính thức là điều đặc biệt.
Theo Jin Canrong, Phó Giám đốc Trường Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, Washington rất coi trọng giá trị chiến lược, tiềm năng kinh tế của Ấn Độ và việc xích lại gần Ấn Độ sẽ giúp Mỹ củng cố nỗ lực tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương. Về phần Ấn Độ, ông Jin Canrong cho rằng, nỗ lực thắt chặt quan hệ Mỹ - Ấn của quốc gia Nam Á này nằm trong tính toán về cả an ninh chiến lược lẫn phát triển kinh tế của New Delhi. Còn giới phân tích nhận định, với chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng N. Modi, người vẫn luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Washington, muốn tìm cách thắt chặt mối quan hệ song phương cũng như củng cố thêm những bước tiến mà hai bên đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh.
Đối với Ấn Độ, việc tăng cường hợp tác với Mỹ sẽ giúp New Delhi thu hút các nguồn vốn đầu tư và đây được xem như là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ để hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng vốn phụ thuộc vào nhập khẩu. Hơn nữa, một trong những nguyên nhân khiến Thủ tướng N. Modi chủ trương thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn là để đối trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng sự hiện diện tại những khu vực truyền thống của New Delhi, trong đó có Ấn Độ Dương.
Quan hệ phát triển giữa hai nước được coi là thành công trong chính sách đối ngoại của Tổng thống B. Obama. Đối với Mỹ, chuyến thăm của Thủ tướng N. Modi sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực trong chính sách đối ngoại của Tổng thống B. Obama trong thời gian tới trong bối cảnh Washington nhìn nhận Ấn Độ là một mắt xích quan trọng trong việc triển khai chính sách tái cân bằng châu Á và là đối trọng với Trung Quốc. Đặc biệt, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện đang không ngừng biến động và đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia cũng như tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong tương lai. Washington cho rằng, chuyến công du lần này của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi là thời điểm thích hợp để mở rộng những thành tựu thời gian qua và đưa quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn tiến lên phía trước. Điều này cũng là lời nhắn nhủ của Tổng thống B. Obama về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ với Ấn Độ, một đồng minh không chính thức của Mỹ tại châu Á và khu vực Nam Á, cho người đứng đầu Nhà Trắng kế nhiệm khi ông rời nhiệm sở vào đầu năm 2017.
Xây dựng quan hệ đối tác bền vững
Chính quyền Tổng thống Obama đang theo đuổi chính sách “xoay trục” về châu Á. Là một nước lớn hàng đầu châu Á cũng như thế giới với tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn, đồng thời sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ, Ấn Độ trở thành một lá bài chủ lực trong chính sách trên của Mỹ. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Washington của Thủ tướng N. Modi trước khi Tổng thống B. Obama rời Nhà Trắng là nhằm củng cố cho nền tảng của mối quan hệ song phương Mỹ - Ấn, vốn luôn được hai bên bồi đắp trong thời gian qua.
Tại cuộc hội đàm cấp cao tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ B. Obama và Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực song phương, quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Washington và New Dehli đã ra “Tuyên bố chung Mỹ - Ấn: Đối tác bền vững trong thế kỷ XXI”, trong đó, hai bên đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Ấn Độ dựa trên các giá trị chung về tự do, dân chủ, quyền con người, bình đẳng và pháp trị. Theo đó, cam kết tìm kiếm các cơ hội mới để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu, nâng cao năng lực quản lý dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Tổng thống B. Obama và Thủ tướng N. Modi tái khẳng định những tiến triển quan trọng của quan hệ song phương thời gian qua phù hợp với lộ trình quan hệ song phương mà lãnh đạo hai nước đã đề ra trong các Tuyên bố chung tháng 9-2014 và tháng 01-2015. Trên cơ sở đó, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu Mỹ - Ấn về khí hậu và năng lượng sạch, tăng cường an ninh - an toàn năng lượng, đẩy mạnh hợp tác hạt nhân dân sự, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại,... Như về vấn đề biến đổi khí hậu, lãnh đạo hai nước chia sẻ quan điểm về các lợi ích của năng lượng sạch, cam kết là đối tác mật thiết của nhau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Washington tái khẳng định cam kết trong năm 2016 sẽ tham gia Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu sớm nhất có thể. Cũng như vậy, Ấn Độ đã bắt đầu tiến trình hành động để hướng tới mục tiêu chung này. Trong một thông cáo, Washington cho biết: “Mỹ và Ấn Độ nhận thức được sự cấp thiết của mối đe dọa biến đổi khí hậu và vì vậy rất nỗ lực để đưa Hiệp định Paris được thực thi một cách có hiệu lực càng sớm càng tốt”. Lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ chung về tăng cường hợp tác an ninh năng lượng, năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu.
Dễ dàng nhận thấy những điểm nổi bật trong quan hệ xuyên đại dương Mỹ - Ấn hiện nay. Đó là trao đổi công nghệ, các cuộc tập trận quân sự chung và gần đây nhất là vấn đề an ninh hàng hải trên Biển Đông. Do vậy, hợp tác an ninh, quân sự, quốc phòng giữa hai nước đang phát triển mạnh. Trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng N. Modi đã có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, một sự kiện cho thấy mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Mỹ và Ấn Độ. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Thủ tướng N. Modi khẳng định, trải qua lịch sử Mỹ đã trở thành một đối tác không thể thiếu của Ấn Độ và việc củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ an ninh giữa Ấn Độ và Mỹ là cần thiết. Thủ tướng N. Modi nhấn mạnh, hai nước cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác về an ninh để có thể đối phó hiệu quả hơn với chủ nghĩa khủng bố, cũng như bảo đảm tự do an toàn hàng hải trong khu vực. Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ cũng khẳng định cam kết trong việc hỗ trợ tái thiết nền hòa bình tại Afghanistan.
Cựu Đại sứ Mỹ Frank Wisner từng nhận xét, Washington và New Delhi đang có “một trong những mối quan hệ quốc phòng lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới”. Cả Mỹ và Ấn Độ đều lo lắng về chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Afghanistan - Pakistan cũng như sự nổi lên đáng lo ngại của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, Mỹ và Ấn Độ đang muốn đưa quan hệ quốc phòng song phương tiến xa hơn nữa. Tháng 4-2016, Ấn Độ và Mỹ đã cam kết tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương bằng cách nhất trí cho phép hai bên sử dụng các cơ sở quân sự của nhau cho mục đích cung cấp hậu cần và sửa chữa.
Tổng thống B. Obama và Thủ tướng N. Modi ủng hộ việc hoàn tất lộ trình hợp tác theo Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ - Ấn năm 2015 đối với châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời coi đây là mục tiêu xuyên suốt cho hợp tác song phương trong những năm tới. Mỹ và Ấn Độ cam kết hợp tác để thúc đẩy an ninh - an toàn hàng hải, tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không và khai thác các nguồn tài nguyên phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), đồng thời giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Hai nước hướng tới thúc đẩy hợp tác quân sự, nhất là trong các hoạt động tập trận, huấn luyện và cứu trợ thảm họa nhân đạo (HA/DR). Quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn có thể trở thành “mỏ neo ổn định” và Mỹ công nhận Ấn Độ là một đối tác quốc phòng quan trọng.
Ngoài ra, quốc gia có nền kinh tế năng động hàng đầu châu Á và nền kinh tế số 1 thế giới tăng cường quan hệ sẽ mang lại những lợi ích lớn cho cả hai bên. Điều này cũng phù hợp với chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ”, thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là từ Mỹ mà Thủ tướng N. Modi từng đưa ra. Thời gian qua, có thể thấy rõ qua kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ đã tăng mạnh, từ 60 tỷ USD năm 2009 lên 107 tỷ USD năm 2015. Ngoài ra, doanh số bán thiết bị quân sự của Mỹ sang Ấn Độ cũng lên tới 14 tỷ USD năm 2015, tăng gấp 50 lần so với cách đây gần một thập niên. Do vậy, hai nước đã đặt ra kế hoạch tham vọng tăng tổng thương mại Mỹ - Ấn lên gấp 5 lần từ hơn 100 tỷ USD hiện nay lên 500 tỷ USD trong 10 năm tới.
Trong một tuyên bố riêng, Tổng thống B. Obama và Thủ tướng N. Modi đã nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Tổng thống B. Obama đánh giá cao những đóng góp của Thủ tướng N. Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân diễn ra cuối tháng 3-2016 tại Washington, hoan nghênh việc New Dehli đề xuất đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh về Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt vào năm 2018. Lãnh đạo hai nước cam kết phối hợp ngăn chặn nguy cơ các phần tử khủng bố có thể tiếp cận và sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân cũng như các vật liệu phóng xạ khác. Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ Ấn Độ gia nhập Nhóm Cung cấp Hạt nhân (NSG); cam kết bắt đầu các công tác chuẩn bị của công ty Westinghouse của Mỹ tại các địa điểm sẽ xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ - dự án được cho là sau khi hoàn tất sẽ trở thành một trong những dự án lớn nhất trong lĩnh vực này, đáp ứng cam kết trong thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn.
Con đường mà hai nước sẽ phải trải qua để trở thành cái mà Tổng thống B. Obama từng nhắc đến trong chuyến thăm Ấn Độ hồi năm 2015 - “những đối tác tốt nhất” - còn dài. Quan hệ Mỹ - Ấn cũng còn không ít trở ngại khi có một số ý kiến cho rằng, Ấn Độ không phải là đồng minh và cũng không cử binh sĩ tham gia cùng quân Mỹ trong các cuộc chiến gần đây. Về phía Ấn Độ, các nhà hoạch định chính sách cũng nhận thấy Mỹ đã gạt Ấn Độ sang một bên khi thực hiện con đường hòa bình ở Afghanistan. Thế nhưng, lợi ích quốc gia sẽ là trên hết. Một Ấn Độ đang vươn lên tại châu Á và toàn cầu, một nước Mỹ đang củng cố và gia tăng vai trò và vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương, cả hai hẳn sẽ không ngần ngại vượt lên thách thức để xích lại gần nhau hơn nữa. Có thể nhận thấy rằng, chuyến thăm Washington của Thủ tướng N. Modi đã đáp ứng kỳ vọng của cả hai nước, tạo sự gắn kết vững chắc đồng thời góp phần làm nổi bật chiều sâu của mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn Độ./.
Sự kiện trong nước nổi bật trong tuần (từ ngày 06-6 đến ngày 12-6-2016)  (14/06/2016)
Những đóng góp của đồng chí Hồng Chương với Tạp chí Cộng sản  (13/06/2016)
Những đóng góp của đồng chí Hồng Chương với Tạp chí Cộng sản  (13/06/2016)
Tây Ninh: 5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (13/06/2016)
Tây Ninh: 5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (13/06/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm tỉnh Champasak của Lào  (13/06/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm