Những đóng góp của đồng chí Hồng Chương với Tạp chí Cộng sản
TCCSĐT - Đồng chí Hồng Chương tên thật là Trần Hồng Chương, bút danh Trần Quốc Tú, sinh ngày 01-5-1921 tại xã Triệu Sơn, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình nông dân, sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, ngay từ năm 16 tuổi (năm 1937), đồng chí đã tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ do Đảng ta lãnh đạo, hoạt động trong Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế.
Sau nhiều năm hoạt động ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, năm 1956, đồng chí Hồng Chương về công tác ở Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản hiện nay), cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian đầu, đồng chí làm Trưởng Ban Văn giáo. Từ năm 1960, đồng chí là Ủy viên Ban Biên tập, Thư ký Tòa soạn của Tạp chí Cộng sản. Từ năm 1965, đồng chí là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ngày 30-4-1982, Bộ Chính trị ra Quyết định số 70/NQ-NS-TW đề bạt đồng chí Hồng Chương giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thay đồng chí Đào Duy Tùng được phân công làm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Trong các năm từ 1982 đến 1986, đồng chí Hồng Chương giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Như vậy, trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng của mình, có tới hơn 30 năm đồng chí Hồng Chương cống hiến tại Tạp chí Cộng sản.
Trong thời gian công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Hồng Chương đã có hơn 150 bài viết đăng trên Tạp chí Học tập, Tạp chí Cộng sản, hầu hết là những bài nghiên cứu, lý luận, đòi hỏi phải được chuẩn bị, suy nghĩ rất công phu trước khi viết ra. Đó là những bài viết phản ánh đầy đủ, sâu sắc về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta (như bài Đế quốc Mỹ nhất định sẽ thất bại hoàn toàn ở miền Nam nước ta; bài Sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn; hay bài Ních-xơn - Thất bại và bế tắc của đế quốc Mỹ),...; những bài viết về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, về chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (như bài 35 năm đấu tranh anh dũng và thắng lợi vẻ vang; hay bài Về cuộc vận động đổi mới); những bài viết thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX (như bài Quan hệ biện chứng giữa nhân tố dân tộc và nhân tố quốc tế; bài Chủ nghĩa hiện thực bị phản bội;…). Đặc biệt, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí đã viết bài xã luận “Dũng cảm tiến lên kế tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch”. Bài viết được đồng chí Trường Chinh chỉ định không chỉ đăng trên Tạp chí Học tập mà còn đăng cả trên báo Nhân Dân.
Cũng trong thời gian công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Hồng Chương đã sửa chữa, duyệt hơn 4.000 bài. Với tính cẩn trọng, trình độ uyên thâm, mỗi bài viết do đồng chí sửa chữa, góp ý đều được anh em, đồng nghiệp tin tưởng, trân trọng.
Trong giai đoạn đồng chí Hồng Chương làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, ngoài những vấn đề lý luận chung phục vụ việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội V của Đảng, Tạp chí Cộng sản tiếp tục coi việc tuyên truyền đường lối và chính sách kinh tế của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Những bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản vừa thể hiện đúng những quan điểm của Đảng, vừa có những tìm tòi, phù hợp với tình hình thực tế, phát huy tác dụng tốt trong chỉ đạo thực tiễn về các vấn đề: khoán trong nông nghiệp; kế hoạch ba phần,... đồng thời là cơ sở góp phần cùng toàn Đảng tìm ra định hướng đúng và những quan điểm đúng cho công cuộc đổi mới trong giai đoạn tiếp theo của Cách mạng Việt Nam.
Trong suốt quá trình công tác và lãnh đạo tại Tạp chí Cộng sản, qua những bài viết, những trải nghiệm thực tế, đồng chí Hồng Chương đã để lại nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu cho các thế hệ cán bộ, biên tập viên Tạp chí Cộng sản. Có thể khái quát ở mấy điểm chính sau:
Thứ nhất, phải luôn luôn gắn bó, bám sát thực tế cuộc sống
Đồng chí Hồng Chương coi việc gắn bó mật thiết với thực tế cuộc sống là một yêu cầu không thể thiếu đối với người làm tạp chí lý luận của Đảng, bởi theo đồng chí, báo chí là để phục vụ cuộc sống, muốn vậy phải nắm bắt trúng hơi thở của cuộc sống. Và trong thời gian làm việc ở Tạp chí Cộng sản, mặc dù bận công tác quản lý, lãnh đạo ở cơ quan nhưng đồng chí vẫn tranh thủ đi nhiều, về với các cơ sở. Thời bình, đồng chí đi đến các địa phương, cơ sở làm ăn tiên tiến và cả những địa phương khó khăn, vướng mắc. Thời chiến, đồng chí càng hăng hái đi đến những vùng khó khăn, những nơi diễn ra sự đánh phá ác liệt của bom đạn quân thù. Khi đế quốc Mỹ bắt đầu bắn phá ồ ạt miền Bắc, đồng chí đã dẫn đầu một đoàn cán bộ của Tạp chí Học tập đi vào tuyến lửa Quảng Bình. Địch ném bom làm tắc đường, thì đồng chí cùng đoàn giấu xe ô-tô vào rừng, tiếp tục đi bộ. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau khi Đà Nẵng được giải phóng, đồng chí cùng một số cán bộ của Tạp chí Cộng sản theo đại quân vào các tỉnh phía Nam, giữa lúc chưa dứt tiếng bom đạn. Mỗi lần đi thực tế về, với vốn kiến thức dày dặn, phong phú và sự nhanh nhạy của một cán bộ lãnh đạo, một người làm tạp chí lý luận của Đảng, đồng chí Hồng Chương lại truyền đạt cho anh em, đồng nghiệp những suy nghĩ của mình để từ đó có thể ra được những bài viết, biên tập thấm đượm hơi thở của cuộc sống.
Thứ hai, coi trọng công tác nghiên cứu, tự học hỏi để trau dồi kiến thức
Đồng chí Hồng Chương luôn nhắc nhở các cán bộ, biên tập viên trong cơ quan phải coi trọng việc nghiên cứu, nghiên cứu kinh điển, nghiên cứu đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu thực tế cuộc sống, đặc biệt những vấn đề do cuộc sống đặt ra có liên quan đến lĩnh vực biên tập của mình. Có nghiên cứu sâu, nghiêm túc mới thấy được vấn đề cần viết và cách xử lý các vấn đề đó. Đồng chí cho rằng, việc học tập và trau dồi kiến thức không chỉ từ sách vở, trong báo chí mà cả trong cuộc sống, trong đúc rút kinh nghiệm. Bản thân đồng chí đọc rất nhiều, đủ các thể loại: kinh điển, chính trị, sử học, văn học,… Nhờ thế, đồng chí tích lũy được khối lượng kiến thức rộng lớn, là cơ sở giúp đồng chí thành đạt, tiến bộ trong nghề làm tạp chí lý luận của Đảng.
Để nhắc nhở cán bộ, biên tập viên trong việc nghiên cứu, tự trau dồi kiến thức, đồng chí Hồng Chương luôn căn dặn: muốn đặt bài cộng tác viên thì mình cũng phải có cái vốn nghiên cứu ban đầu mới cùng cộng tác viên trao đổi, bàn bạc được.
Bản thân đồng chí là tấm gương sáng về sự tự học tập, tự nghiên cứu phấn đấu để trở thành một trong những cây bút lý luận chính trị hàng đầu trong đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam. Tham gia cách mạng từ rất sớm, sau đó lại giữ những trọng trách trong các cơ quan của Đảng ở địa phương và Trung ương, đồng chí không có điều kiện học tập, nghiên cứu một cách hệ thống, bài bản tại các trường lớp chính quy, đồng thời cũng chưa từng được theo học một lớp lý luận chính trị dài hạn nào, ngoài những khóa bồi dưỡng ngắn hạn dành cho cán bộ cao cấp của Đảng. Nhận rõ khiếm khuyết này của bản thân, đồng chí đã tự giác tự học tập, tự nghiên cứu trong sách vở, trong thực tiễn công tác và cuộc sống. Những đồng chí cùng công tác với đồng chí Hồng Chương tại Tạp chí Cộng sản kể lại rằng, nét nổi bật là đồng chí Hồng Chương rất chăm đọc sách, đọc rất nhiều. Đọc đủ các loại sách: kinh điển, chính trị, sử học, văn học,... một cách say mê. Nhờ thế, đồng chí tích lũy được một kho kiến thức khá đồ sộ về mọi mặt…. Chăm đọc, đồng chí cũng rất chịu khó ghi chép. Trong quá trình đọc sách, báo, tài liệu, có đoạn nào hay, có tư liệu gì có giá trị, đồng chí đều chép thành phích, được sắp xếp thành một hệ thống khoa học, khi cần thì sử dụng được một cách nhanh chóng. Đồng chí thường nhắc nhở cán bộ làm tạp chí, nhất là làm tạp chí lý luận, bên cạnh cơ sở lý luận đúng cần phải có tư liệu dồi dào. Làm tạp chí lý luận là trao đổi, tranh luận, cọ xát quan điểm, ý kiến với nhau, không có tư liệu dồi dào thì khó mà có sức thuyết phục. Đồng chí cũng yêu cầu cán bộ biên tập ở Tạp chí Cộng sản phải coi trọng việc nghiên cứu, nghiên cứu kinh điển, nghiên cứu đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu thực tế cuộc sống, trước hết là tập trung nghiên cứu những vấn đề cuộc sống đặt ra liên quan trực tiếp đến lĩnh vực biên tập chuyên môn của bản thân.
Thứ ba, nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lê-nin
Đồng chí Hồng Chương luôn nhắc nhở anh chị em là phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Cách mạng Việt Nam. Muốn vậy, phải đọc kỹ, hiểu sâu những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, dùng các nguyên lý đó để soi sáng nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bản thân đồng chí đã vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin để có những bài viết phân tích sâu sắc các vấn đề của lịch sử, như cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tổng kết các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta, việc thành lập và giải tán Quốc tế Cộng sản,…
Đồng chí Hồng Chương luôn nhắc nhở anh chị em, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Cộng sản: “Để Tạp chí trở thành một trung tâm nghiên cứu lý luận tập hợp chung quanh mình một đội ngũ đông đảo các nhà lý luận vừa vững vàng về chính trị, vừa có năng lực nghiên cứu, biên tập thì mỗi cán bộ, biên tập viên trong Tạp chí phải ngày đêm học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học tập đường lối và chính sách của Đảng, đi vào thực tế, đi vào quần chúng, nâng cao trình độ văn hóa và nghiệp vụ của mình, ra sức tu dưỡng về đạo đức và phẩm chất cách mạng để thật sự trở thành những chiến sĩ của Đảng trên mặt trận lý luận và tư tưởng”.
Thứ tư, cẩn trọng với công việc, giản dị, khiêm tốn với bản thân và gần gũi, chân thành với đồng nghiệp
Bên cạnh việc làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý, công việc chuyên môn nghiệp vụ, đồng chí Hồng Chương còn là một nhân cách lớn để chúng ta học tập.
Là một đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo - dù ở cương vị nào, đồng chí Hồng Chương luôn gần gũi, chân tình với anh em, đồng nghiệp, nhưng với công việc thì luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, tính nguyên tắc. Điều này càng thể hiện rõ khi đồng chí ở cương vị Tổng Biên tập, luôn làm việc với thái độ cẩn trọng, chu đáo trong việc tổ chức bài vở, phân công công việc cho cán bộ cấp dưới. Các bài viết được duyệt rất kỹ, không bao giờ tỏ ra khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc về quan điểm. Một trong những đức tính quý báu của đồng chí là, khi bình thường thì lắng nghe và suy nghĩ nhiều, nói ít, song lúc gặp những ý kiến mà bản thân đồng chí cho là không ổn, không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, thì lập tức xung trận làm rõ phải trái. Công việc khi đã phân công cho cán bộ, đồng chí đều nhắc nhở thường xuyên và tạo mọi điều kiện để cán bộ hoàn thành.
Khi làm cán bộ quản lý, đồng chí Hồng Chương luôn nhắc nhở bản thân: làm cách mạng bởi mình cần cách mạng và vì cách mạng chứ không phải cách mạng cần mình và phải vì mình. Bên cạnh đó, đồng chí luôn quan tâm xây dựng gìn giữ sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau trong cơ quan, mong muốn và căn dặn mọi người phải yêu thương, tin cậy, tôn trọng và đoàn kết giúp đỡ nhau. Đồng chí thể hiện một tác phong lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, việc gì cũng qua kiểm chứng thực tế rồi mới yên tâm quyết định.
Chính tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, nhân cách và lối sống giản dị, chân thành, đồng chí Hồng Chương đã là tấm gương cho cán bộ, biên tập viên học tập, noi theo và trưởng thành.
Có thể nói, suốt 52 năm công tác, phấn đấu dưới lá cờ của Đảng, với hơn 30 năm cống hiến tại Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản, đồng chí Hồng Chương luôn tỏ rõ lòng trung thành với Đảng và nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật cao trong công tác, niềm say mê trong công việc và sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Hoạt động không mệt mỏi của đồng chí đã góp phần tích cực vào sự trưởng thành của sự nghiệp báo chí cách mạng nói chung và Tạp chí Cộng sản nói riêng.
Những kinh nghiệm, tác phong làm việc và nhân cách của nhà báo, nhà lý luận chính trị Hồng Chương là tấm gương để những thế hệ đi sau ở Tạp chí Cộng sản học tập và noi theo./.
Tây Ninh: 5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (13/06/2016)
Tây Ninh: 5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (13/06/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm tỉnh Champasak của Lào  (13/06/2016)
Việt Nam tham dự khóa họp 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc  (13/06/2016)
Khai mạc Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (13/06/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên