Nước Anh và “nỗi ám ảnh” EU
Chỉ còn 10 ngày nữa, người dân Anh sẽ quyết định tương lai của nước này trong Liên minh châu Âu (EU) thông qua cuộc trưng cầu dân ý.
Cuộc “hôn nhân” kéo dài hơn 40 năm qua giữa Anh và Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) trước kia và nay là EU, có thể “đứt gánh” khi mà người dân “quốc đảo sương mù” ngày càng chán nản về tương lai của EU và những lợi ích mà khối này mang lại cho họ.
EU được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 01-11-1993 dựa trên EEC và hiện đã phát triển thành cộng đồng gồm 500 triệu dân với 28 quốc gia thành viên. Trước đó, EEC có tên gọi khác là Cộng đồng Than Thép châu Âu ra đời từ năm 1952. Anh không phải là một trong những nước thành viên đầu tiên sáng lập của khối này. Mãi tới năm 1973, Chính phủ Anh khi đó do Công đảng nắm quyền mới đưa Anh gia nhập liên minh và chỉ 2 năm sau - vào năm 1975, một cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EEC đã được tổ chức ở Anh và kết quả là 67,2% người dân bỏ phiếu không ủng hộ việc rút lui này. Thế nhưng, sau hơn bốn thập niên gắn bó với EU, một bộ phận người dân Anh lại thấy rằng, mối quan hệ giữa nước Anh và EU không mang lại lợi ích cho quốc gia của họ, thậm chí còn có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và vấn đề người nhập cư của khối. Có thể thấy rõ tâm lý hoài nghi tồn tại ở Anh ngay từ khi nước này tham gia “ngôi nhà chung châu Âu”. Hầu hết 28 nước thành viên EU gia nhập “câu lạc bộ” này vì những lý do rõ ràng và lâu dài. Đối với Pháp và Đức, hợp tác với EU là biện pháp để chữa lành những vết thương chiến tranh. Nước Bỉ nhỏ bé thấy đây là cơ hội để nâng được tiếng nói và tính hiệu quả của hoạt động ngoại giao. Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Hà Lan nhìn thấy những cơ hội thương mại lớn. Còn đối với những nước mới gia nhập gần đây ở Đông Âu, bao gồm Ba Lan, Hungary và Estonia,... EU được coi là sự cứu cánh về kinh tế và bảo đảm an ninh cho những nước này. Nước Anh thì ngược lại, gia nhập liên minh này vào năm 1973 một cách do dự, không hề nhiệt tình và trong một thời khắc của sự lo lắng kinh tế thoáng qua.
Đây là nền tảng cho chủ nghĩa hoài nghi EU đang lan tràn khắp đảng Bảo thủ và một bộ phận lớn người dân Anh. Nước Anh chưa bao giờ thực sự muốn trở thành một thành viên đúng nghĩa của EU ngay từ những ngày đầu tiên, thể hiện rõ qua việc đến nay, Anh vẫn đứng ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khu vực tự do đi lại (Shenghen). Trong chừng mực mà đất nước này muốn, thì động lực gia nhập EU là nhằm tiếp cận những lợi ích thương mại tự do tại khu vực. Tuy nhiên, Anh chưa bao giờ có ấn tượng tốt với các chính sách trợ cấp được thiết kế cho nông dân Pháp và các quyền lợi đặc biệt khác. Anh là quốc gia đóng góp lớn cho ngân sách EU kể từ khi nước này trở thành thành viên của khối (riêng năm ngoái đóng góp 13 tỷ bảng) nhưng khoản ngân sách EU “rót lại” cho nước này lại không nhiều (chỉ khoảng 4,5 tỷ bảng trong năm ngoái).
Sự mở rộng dần quyền lực và các quy định mang tính can thiệp của EU vào hệ thống tư pháp, các nguyên tắc của thị trường lao động và nhiều lĩnh vực khác đã gây ra những bất bình lớn trong người dân Anh và sự thất vọng càng lớn hơn với những rắc rối đang diễn ra trong eurozone. Nhiều người Anh cảm thấy họ đã tham gia vào một thỏa thuận “siêu chính phủ” luôn khát khao mở rộng quyền lực và đang “hấp hối” về mặt kinh tế. Đó còn chưa kể đến sự sụt giảm đáng kể về vị thế và tiếng nói của người Anh trong khối này. Vì thế, họ có lý do để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.
Sau thắng lợi của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5-2015, Thủ tướng Anh David Cameron đã phải nhanh chóng bắt tay thực hiện những cam kết tranh cử, trong đó có việc tiến hành cuộc trưng cầu dân ý cho dù bản thân ông Cameron không hề muốn vì những rủi ro và hệ lụy của nó. Thực chất, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sớm hơn dự kiến cũng là nhằm xoa dịu các nhà vận động hành lang ủng hộ ông Cameron trước đây. Cuộc "nổi loạn" tại Nghị viện Anh vào tháng 01-2014 của gần 100 nghị sĩ đảng Bảo thủ theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và việc một số thành viên trong nội các của Anh vẫn ủng hộ rời khỏi EU cho thấy “canh bạc” của ông D. Cameron là vô cùng mạo hiểm. Cho đến lúc này, tỷ lệ cử tri Anh ủng hộ nước này ở lại EU cũng không chênh lệch lớn so với tỷ lệ người dân muốn Anh rời khỏi EU, thậm chí nhiều cuộc thăm dò gần đây còn cho kết quả ngược lại. Điều đó cho thấy ông D. Cameron sẽ gặp khó khăn trong 10 ngày cuối cùng của chiến dịch vận động giữ nước Anh ở lại EU.
Ngoài áp lực từ phe hoài nghi EU trong chính đảng Bảo thủ, vốn lo lắng trước sự trỗi dậy của đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP), một đảng dân túy cánh hữu muốn Anh rời khỏi EU, ông D. Cameron cũng đang đối mặt với sức ép của đông đảo cử tri khi họ cho rằng rời khỏi EU có thể giúp Anh tiết kiệm hàng tỷ USD phí thành viên, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới (để ngăn dòng người nhập cư trái phép) và giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh khỏi các quy định khắt khe của EU.
Trưng cầu dân ý là “con dao hai lưỡi” dù nó đang được lãnh đạo nhiều nước tại châu Âu sử dụng khi muốn tránh đưa ra những quyết định khó khăn. “Trận bóng chính trị” giữa các phe phái ở “đảo quốc sương mù” đang đến hồi cũng gay cấn. Những người ủng hộ Anh ở lại EU hy vọng với sự lãnh đạo đầy nhiệt huyết, cùng cá tính “chiến đấu” mạnh mẽ và khôn ngoan về chính trị, ông D. Cameron sẽ vượt qua thách thức có tính quyết định không chỉ với vị thế chính trị của bản thân ông mà còn với cả tương lai của nước Anh lẫn EU./.
Đừng tự sụp đổ dưới chân mình!  (13/06/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm và làm việc tại thủ đô Vientiane  (13/06/2016)
Bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội  (13/06/2016)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên