Đừng tự sụp đổ dưới chân mình!
TCCS - Đã sống trong cuộc đời này, ai chả từng nhận được lời khen và cũng thích được khen.
Nói một cách giản dị, khen là cảm giác thuận ý, vừa lòng của người này dành cho người khác. Khen không chỉ là một nghệ thuật trong giao tiếp ứng xử để khích lệ, động viên nhau trong cuộc sống, mà còn là một phương thức giáo dục hiệu quả trong học tập, lao động, công tác. Lời khen đúng đắn, chân thành, tinh tế, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng và đúng mực chính là “thuốc bổ tinh thần” cho người được khen.
Nhưng thời nay, có phải người ta “quá chuộng” lời khen hay không mà lời khen nhiều khi bị lạm dụng thái quá. Hơn thế nữa, đối tượng đáng lẽ được tiếp nhận lời khen nhiều hơn (quần chúng, cấp dưới, nhân viên, chiến sĩ - gọi chung là “người dưới”) thì lại ít được khen hơn; ngược lại, đối tượng đáng ra nên khen vừa phải (lãnh đạo, cấp trên, cán bộ, chỉ huy - gọi chung là “người trên”) thì lại được hưởng thụ “hơi bị” nhiều lời khen.
Bây giờ, khi đến một tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào, nếu tinh mắt để ý và chịu khó quan sát, lắng nghe thì trong các cuộc giao tiếp, có thể thấy quần chúng xem ra thích nói ý tứ cho vừa lòng lãnh đạo, cấp dưới hay “vuốt ve” cấp trên, nhân viên ưa nói tốt về thủ trưởng, chiến sĩ ca ngợi chỉ huy. Trong giao tiếp đời thường là vậy và trong sinh hoạt đảng, chính quyền, đoàn thể, cũng như vậy.
Tại sao lại có hiện tượng trên? Bởi một phần vì “người dưới” mang tâm lý cả nể những người có tuổi tác, chức sắc, vị thế công tác hơn mình, nhưng phần khác, cũng do tâm lý ưa thích, thậm chí do cái sự “nghiện” lời khen của những “người trên”. Mà khi “người dưới” khen thì nhiều khi “khen cho được việc”, cố khen cho “mát mặt người trên”, để lấy lòng “người trên” chứ chưa hẳn là khen đúng lòng mình. Hay nói cách khác, đó là những lời khen mang tính chất “hối lộ tinh thần” hơn là một lời khen thật sự ý nghĩa, giá trị.
Phải chăng, do tâm lý “làm quan” của hàng nghìn năm phong kiến kéo dài dai dẳng đến nay mà trong xã hội hiện thời, không ít “người trên” luôn muốn những “người dưới” “vuốt ve” mình bằng những lời “có cánh”? Để rồi mỗi khi bị “người dưới” có lời “không phải” với mình thì cho ngay rằng họ đã làm cho “tinh thần mình bị tổn thương”, “lòng tự trọng của mình bị xâm hại”, từ đó sẽ dễ sinh ra giận dỗi, không vừa ý, thậm chí là nảy sinh thành kiến cá nhân rồi từ từ tìm thời cơ… “xử lý”.
“Người trên” cũng là con người, cũng có quyền được khen như bất cứ người nào khác, nhưng quan trọng là lời khen đó phải là hợp tình, hợp lý. Tuy vậy, mong những “người trên” luôn nên tỉnh táo và ghi nhớ một điều: Nếu ỷ vào vị thế chức vụ được giao để tự cho mình cái quyền được tiếp nhận, hưởng thụ quá nhiều lời khen của “người dưới” cũng có nghĩa là anh đang đòi “hối lộ tinh thần” ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu cứ sống, sinh hoạt, làm việc trong những lời khen, mà nhiều khi lại chỉ là những lời khen giả tạo của những “người dưới”, thì theo ngày ngày tháng tháng, những biểu hiện quan liêu, chuyên quyền, độc đoán cũng sẽ dần “lớn lên” trong thái độ, tư tưởng, tính cách của “người trên”. Đó là thứ để hình thành, tạo ra “uy tín giả” - một “cái bẫy” có thể làm “người trên” tự sụp đổ ngay dưới chân mình.
Danh ngôn có câu “Đừng thấy cái bóng trên vách to mà tưởng mình vĩ đại”. Cứ thích “đắm chìm” trong những lời khen ngọt ngào rồi lúc nào cũng tưởng tượng ra mình là “người khổng lồ” trong “đám đông tí ton” - đó là mầm mống của thói “đặc ân, đặc lợi tinh thần” - một hiểm họa không thể xem thường đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý./.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm và làm việc tại thủ đô Vientiane  (13/06/2016)
Bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội  (13/06/2016)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn bác sỹ thiện nguyện Đại học Mercer Hoa Kỳ  (13/06/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 06 đến ngày 12-6-2016  (13/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên