“Brexit” - Ẩn số khó đoán định

Tuấn Phương (tổng hợp)
14:17, ngày 15-05-2016

TCCSĐT - Còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh ở lại hay tách khỏi Liên minh châu Âu (“Brexit”). Chiến dịch vận động “Ở lại” (Vote remain) và “Rời đi” (Vote leave) tại xứ sở Sương mù đang ngày càng trở nên ráo riết với việc cả hai phe đều đang đẩy mạnh các hoạt động thuyết phục người dân đi theo hướng có lợi cho mình. Kịch bản “Brexit” dường như ngày càng trở nên khó đoán định.

 
 Kịch bản "Brexit" còn là ẩn số. Ảnh: director.co.uk

Kịch bản “Brexit” - được hay mất

Người đi đầu trong xu hướng ủng hộ nước Anh “ở lại” EU là Thủ tướng Anh D. Cameron. Ngày 22-02-2016, Thủ tướng D. Cameron đã tuyên bố bắt đầu chiến dịch nhằm vận động người dân Anh nhất trí tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Lý do thuyết phục đầu tiên mà ông D. Cameron đưa ra đó là việc EU đã thông qua đề xuất của Anh về việc cấp quy chế đặc biệt cho nước này. Gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) năm 1973, trong cuộc trưng cầu ý dân hai năm sau đó, hơn 67% cử tri Anh đã ủng hộ tư cách thành viên chính thức của nước này trong EEC. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Anh và Brussels nhiều lần căng thẳng khi Anh quyết định không tham gia vào các dự án chủ chốt của EU, trong đó có Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khối miễn thị thực Schengen. Do vậy, gói cải cách tổng thể mà Anh đạt được lần này từ EU sẽ mang đến cho Anh “những điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới”, bảo đảm cách tiếp cận công bằng thị trường chung và Anh cũng không bị ràng buộc bởi sứ mệnh liên minh chặt chẽ hơn. Tất nhiên, Anh cũng phải đồng ý nhượng bộ khi ý định của Anh về việc “đóng băng” phúc lợi ngoài lương của người lao động EU nhập cư trong 4 năm đầu làm việc ở nước này sẽ chỉ thực hiện trong thời hạn 7 năm và sẽ chỉ áp dụng với những công dân EU nhập cư mới chứ không phải với những công dân EU hiện đã làm việc tại Anh. Bên cạnh đó, Anh không thể thực hiện được ý định chấm dứt tất cả các khoản thanh toán phúc lợi trẻ em mà công dân EU làm việc ở Anh nhận được để gửi cho con cái họ vẫn ở quê nhà. Thay vào đó, các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức sinh hoạt ở nơi mà đứa trẻ đó đang sống và quy định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 01-01-2020.

Kết quả này cũng minh chứng rằng, Anh cần EU và EU cũng cần Anh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk khẳng định, EU sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích riêng vì lợi ích chung để chứng tỏ sự đoàn kết. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đánh giá thỏa thuận này công bằng cho cả Anh và các nước thành viên EU khác. Ông cho rằng, thỏa thuận này không làm sâu thêm các rạn nứt trong liên minh mà là xây dựng các cầu nối.

Lý do thứ hai mà Thủ tướng Anh đưa ra đó là sự khẳng định vận mệnh của nước Anh là gắn bó chặt chẽ với châu Âu và bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 tới là sự lựa chọn yêu nước. Trong bài phát biểu ngày 09-5, Thủ tướng D. Cameron nhấn mạnh, lịch sử đã chứng minh nước Anh không thể đứng “ngoài lề” khi châu Âu đang lâm vào tình trạng bất ổn. Trong nhiều thập niên qua, EU đã giúp nhiều quốc gia hòa giải những khác biệt và bất đồng, vì vậy Anh cần có trách nhiệm cơ bản trong việc duy trì mục tiêu chung của châu Âu trong việc tránh để xảy ra xung đột giữa các nước thuộc liên minh 28 quốc gia thành viên này. Thủ tướng D. Cameron cũng nêu rõ, trong giai đoạn hậu Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, cố Thủ tướng Winston Churchill, đã luôn cố gắng để đoàn kết châu Âu khi vận động mạnh mẽ Tây Âu cùng thúc đẩy thương mại tự do, lập nên các thiết chế bền vững để châu lục không bao giờ phải trải qua thảm cảnh đẫm máu đó nữa. Thủ tướng D. Cameron nhấn mạnh, bất cứ khi nào quay lưng với châu Âu, nước Anh sớm hay muộn cũng hối tiếc về điều đó và việc trở lại luôn đi kèm với cái giá cao hơn. Việc Anh rời khỏi EU sẽ gây rủi ro cho hòa bình của nước Anh và khu vực, như cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI6) J. Sawers và cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Anh (MI5) J. Evans nhận định, “Brexit” sẽ làm suy yếu mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo giữa Anh với các nước láng giềng, khiến London dễ tổn thương hơn trước các cuộc tấn công tình báo và gây ra bất ổn trên toàn châu lục. Trên danh nghĩa, bài phát biểu nói trên của ông D. Cameron tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia, song đó là một phần nhằm thuyết phục người dân Anh có sự lựa chọn sáng suốt.

Thứ ba, Thủ tướng Anh D. Cameron đã đưa ra phản bác mạnh mẽ quan điểm của những thành viên Đảng Bảo thủ chống EU về cái gọi là “cú sốc kinh tế”, bởi đó là cái giá đáng trả để đổi lấy một nước Anh không còn bị ràng buộc bởi EU. Thủ tướng D. Cameron nhấn mạnh, người dân cần nhận thức rõ, “cú sốc kinh tế” mà những người ủng hộ Anh rời EU kêu gọi họ chấp nhận ở đây đồng nghĩa với mất việc làm và một nền kinh tế bị sứt mẻ có thể áp lực lên đồng nội tệ, nhiều việc làm bị mất và lãi suất mua trả góp có thể tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ và những người làm việc chăm chỉ bỗng chốc mất kế sinh nhai. Do vậy, Thủ tướng D. Cameron khẳng định, không có gì quan trọng hơn việc bảo vệ an ninh tài chính của người dân và đó là lý do vì sao ông tin rằng tốt hơn nước Anh nên ở lại EU. Một thị trường chung gồm 500 triệu người tiêu dùng, được miễn thuế xuất khẩu và có thể tận dụng sức mạnh thương lượng của EU với các nền kinh tế lớn khác mang lại những lợi ích tốt nhất cho người Anh.

Kế hoạch “ở lại” EU của Thủ tướng D. Cameron cũng đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức lớn trên thế giới. Đáng chú ý trong số đó là sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ B. Obama. Theo Tổng thống B. Obama, tất cả các vấn đề như khủng bố, di cư và kinh tế đều có thể giải quyết thành công hơn nếu Anh ở lại EU. Ông B. Obama nêu rõ, EU sẽ không làm giảm ảnh hưởng của Anh cũng như không phải là mối đe dọa đối với London mà ngược lại một EU hùng mạnh sẽ làm gia tăng vị thế đi đầu của Anh trên thế giới. Ông B. Obama khẳng định, Washington nhận thấy rõ tiếng nói của Anh trong EU thế nào, bảo đảm rằng EU luôn có một lập trường mạnh mẽ trên thế giới, luôn duy trì một châu Âu cởi mở và liên kết chặt chẽ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Vì vậy, không phải Mỹ mà thế giới cần sự ảnh hưởng to lớn của Anh, trong đó mong muốn London ở lại EU.

Phe vận động “rời khỏi” EU cũng đang bước vào giai đoạn “tăng tốc”. Một chính trị gia. một nhân vật hàng đầu của phong trào vận động, được đánh giá là được lòng công chúng, thậm chí với cả những người không có cùng quan điểm chính trị, Thị trưởng London vừa mãn nhiệm B. Johnson đã có riêng bài phát biểu để bảo vệ lý do Anh rời khỏi EU. Ông B. Johnson cho rằng, rời EU có thể gây ra “sự bất ổn định và chệch choạc ban đầu nhưng tiếp đó sẽ là sự cải thiện mạnh mẽ” cho xứ sở Sương mù. Và rằng, dự án EU đã bị biến thể và phát triển theo một cách khó xác định so với mục tiêu ban đầu và việc muốn rời khỏi liên minh không thể bị coi là “bài ngoại”. Theo ông B. Johnson, EU đang xâm nhập quá sâu vào từng ngóc ngách chính trị của các vùng và các quốc gia thành viên. Tuyên bố trên của ông B. Johnson được cho là lợi thế đối với chiến dịch vận động “Brexit”.

Đề cập tới thỏa thuận mà Thủ tướng D. Cameron đạt được hồi tháng 02-2016, những người vận động Anh rời khỏi EU đánh giá, thỏa thuận trên chỉ “có những thay đổi rất nhỏ”. Thủ lĩnh Công Đảng J. Corbyn cho rằng, những thay đổi mà Thủ tướng D. Cameron đã đàm phán được hầu như chẳng liên quan gì tới những vấn đề mà phần lớn người dân Anh đang gặp phải. Theo ông J. Corbyn, ông D. Cameron đã không làm gì để thúc đẩy việc làm cho người lao động, bảo vệ ngành sản xuất thép hoặc chấm dứt tình trạng trả lương thấp ở Anh. Về phần mình, ông N. Farage, Thủ lĩnh Đảng Độc lập Anh cho rằng, thỏa thuận với EU là không thỏa đáng, nước Anh cần rời EU, kiểm soát chặt biên giới, tự điều hành đất nước và chấm dứt mỗi ngày phải đóng góp 55 triệu bảng cho EU.

Chia sẻ trên một chương trình của BBC, Bộ trưởng Tư pháp M. Gove bày tỏ hy vọng Anh sẽ rời khỏi thị trường chung châu Âu sau cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, đồng thời bác bỏ những lý lẽ cho rằng, Anh sẽ phải chịu thua thiệt khi thương lượng lại các thỏa thuận thương mại với EU.

Những giả thuyết cần tính đến

Cuộc trưng cầu ý dân sắp tới của Anh về việc quyết định đi hay ở lại EU không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý người dân nước này mà còn kéo theo những quan ngại sâu sắc của giới lãnh đạo EU cũng như thế giới với những đánh giá không mấy tích cực.

Đối với giới chức Anh, kịch bản Brexit sẽ gây tác động xấu tới nền kinh tế quốc gia. Tác động của việc Anh rời EU trước mắt là “một thập niên bất ổn” do Anh sẽ phải cần rất nhiều thời gian để đàm phán các thỏa thuận thương mại với các nước trong và ngoài EU. Việc bỏ phiếu rời EU sẽ là điểm khởi đầu của một quá trình, chứ không phải điểm kết thúc. “Brexit” sẽ gây ra sự bất ổn trên các thị trường tài chính, lên tình hình đầu tư và ảnh hưởng tới giá trị đồng bảng Anh. Hoạt động thương mại của Anh sẽ rơi vào tình trạng mất ổn định, do nước này cần phải đàm phán lại từng thỏa thuận với hơn 50 nước đang có các thỏa thuận thương mại với EU. Bên cạnh đó, các lĩnh vực chế tạo ôtô, nông nghiệp và dịch vụ tài chính cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi nước Anh ước cần 10 năm để tách mình khỏi EU. Giai đoạn 10 năm này bao gồm thời gian Anh dùng để rời khỏi EU, để thiết lập các thỏa thuận thương mại mới và các thỏa thuận liên quan, cũng như thương thảo các hiệp định thương mại mới với Mỹ và các nước khác trên thế giới. Báo cáo của Ủy ban Thượng viện Anh về EU nhấn mạnh, việc xác định và giải quyết quyền lợi của khoảng 2 triệu công dân Anh đang sinh sống tại các nước EU, cũng như khoảng chừng đó công dân EU đang sinh sống tại Anh là một công việc hết sức phức tạp bởi liên quan nhiều vấn đề, từ quyền được cư trú, chăm sóc y tế, học hành, duy trì các khoản phúc lợi xã hội... cho tới các dự án nghiên cứu và hợp đồng xuyên biên giới.

Dự đoán về bối cảnh kinh tế Anh hậu “Brexit”, Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) - tổ chức đại diện các doanh nghiệp ở Anh cảnh báo, “Brexit” có thể gây tổn thất cho nền kinh tế Anh 100 tỷ bảng và gần 1 triệu việc làm.

Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), “Brexit” sẽ làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại đã được xác lập và gây ra những thách thức lớn cho cả Anh và phần còn lại của châu Âu. Các cuộc thương lượng nhằm đạt được các thỏa thuận hậu Brexit sẽ kéo dài, không chỉ tác động nặng nề tới lòng tin người tiêu dùng và giới đầu tư mà còn làm tăng tính dễ tổn thương của thị trường tài chính. IMF cảnh báo, Anh rời khỏi EU sẽ làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại song phương, thu hẹp lợi ích có được từ việc hội nhập và hợp tác kinh tế như những gì các nền kinh tế đang có được hiện nay.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định, người dân Anh sẽ nghèo đi nếu quốc gia này rời khỏi EU. Cụ thể, trong vòng 4 năm, tức là tính đến năm 2020, mỗi người lao động ở Anh sẽ chịu tổng thiệt hại bằng một tháng lương hiện tại (3.200 USD). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 3,3% trong 4 năm tới và giảm 5,1% vào năm 2030. Những tác động từ bất ổn kinh tế, thuế tăng, việc giảm lao động di cư vì mục đích kinh tế và những biến động đối với đồng bảng là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này.

Câu chuyện “Brexit” được đánh giá không chỉ dừng lại ở những hệ lụy đối với nền kinh tế Anh mà còn dẫn tới những tác động xấu tới sự gắn kết của toàn khu vực. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng, việc Anh rời EU sẽ dẫn tới những hậu quả không thể lường trước đối với sự hợp tác ở châu lục này. Bởi theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-MORI thực hiện, có gần 50% số người được hỏi tại 8 nước thành viên EU (gồm Bỉ, Pháp, Đức, Hungary, Italia, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển) đã bày tỏ mong muốn có cơ hội được như các cử tri Anh, nghĩa là được tham gia bỏ phiếu về việc nước mình có nên tiếp tục ở lại EU hay không.

NATO cũng cho rằng, nếu viễn cảnh “Brexit” trở thành hiện thực, NATO sẽ phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại. Theo Phó Tổng Thư ký NATO A. Vershbow, việc hợp tác với một EU hùng mạnh và thống nhất giờ đây đóng vai trò ngày càng quan trọng. Bởi vậy, bất kỳ vấn đề nào gây ảnh hưởng tới tính thống nhất của EU đều khiến NATO quan ngại.

Bài toán chưa có lời giải

Vào ngày 23-6 tới, cuộc trưng cầu ý dân về việc đi hay ở lại EU của Anh sẽ diễn ra. Câu hỏi trưng cầu ý kiến sẽ là liệu nước Anh “sẽ an toàn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn trong một châu Âu cải cách hay đứng ngoài một mình”. Đây là lần thứ hai Anh tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU, sau cuộc trưng cầu đầu tiên vào năm 1975 dưới thời Công Đảng nắm quyền.

Các chiến dịch vận động “ở lại” hay “rời khỏi” EU tiếp tục “nóng”, nhất là trong chính giới Anh. Thủ tướng Cameron tuyên bố giờ là lúc ông sẽ dành “cả trái tim và tinh thần” để vận động cử tri Anh ở lại liên minh này với niềm tin rằng, nước Anh sẽ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn trong một EU cải cách. Thế nhưng, không phải tất cả nội các của ông đều đồng lòng như vậy. Sáu trong số 29 bộ trưởng nội các đã công bố ý định nói “không” với quyết định ở lại EU để giành lại quyền tự chủ của mình, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp M. Gove vốn được xem là đồng minh rất thân cận của Thủ tướng D. Cameron. Rõ ràng, sự tham gia của một loạt nhân vật cao cấp trong nội các, kéo theo sự ủng hộ của khoảng 100 nghị sĩ vào chiến dịch “Bỏ phiếu rời khỏi EU” có thể lôi kéo được một lượng đáng kể những cử tri đã chán ngán “ngôi nhà chung châu Âu”. Tuy vậy, xét tương quan lực lượng, phe ủng hộ ở lại EU đang mạnh hơn. Người đứng đầu các bộ như Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính đều khẳng định đứng về phía Thủ tướng D. Cameron. Và cùng với họ là hầu hết nghị sĩ Công đảng, đảng Dân chủ Tự do và đảng Xanh. Ông D. Cameron cũng có được sự hậu thuẫn chắc chắn của giới doanh nghiệp khi một nửa trong số 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London, trong đó có cả những tập đoàn đa quốc gia như BT, Shell và Vodafone, lên tiếng mạnh mẽ rằng, việc làm và đầu tư của Anh phụ thuộc vào tư cách thành viên EU.

Trong khi đó, dư luận nước Anh mà đặc biệt là ý kiến của người dân Anh vẫn luôn là yếu tố quan trọng quyết định việc Anh còn là thành viên của EU hay không. Tờ “The Times” mới đây đã đăng tải kết quả cuộc thăm dò dư luận do chuyên trang khảo sát YouGov tiến hành, trong đó cho thấy, 42% công dân Anh được hỏi cho biết họ ủng hộ việc nước này ở lại EU, trong khi 40% có quan điểm trái ngược. Số còn lại hoặc chưa đưa ra quyết định, hoặc không thể đưa ra quyết định của mình. Tuy nhiên, theo giới phân tích, phần lớn những người trả lời “chưa biết” có thể sẽ nghiêng về phía muốn “ở lại” nếu được kêu gọi và đây là lời thức tỉnh cho lãnh đạo các chính đảng lớn nhất ở Anh rằng, họ phải làm nhiều hơn nữa để lôi kéo cử tri ủng hộ Anh tiếp tục tư cách thành viên EU.

Hiện nay, thực tế cho thấy, khó khăn lớn cho phe muốn ở lại EU chính là những cử tri trẻ vốn ủng hộ Anh ở lại EU lại là nhóm ít có khả năng đi bỏ phiếu nhất. Thăm dò chỉ ra rằng, trong nhóm cử tri độ tuổi từ 18 - 34, có 53% nói họ ủng hộ Anh ở lại EU so với 29% có suy nghĩ ngược lại. Trong khi chỉ có 52% trong độ tuổi này cho biết họ chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu. Trong nhóm cử tri độ tuổi từ 55 trở lên, tỷ lệ ủng hộ rời khỏi EU cao hơn rất nhiều và đây cũng là nhóm cử tri có tỷ lệ chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu cao hơn. Khoảng 54% số cử tri trên 55 tuổi cho biết muốn nước Anh rời khỏi EU trong khi chỉ có 30% muốn ở lại. Như vậy, rõ ràng là, vẫn còn một tỷ lệ khá cao chưa quyết định và đây chính là nhóm có thể làm thay đổi kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Thủ tướng D. Cameron không còn cách nào khác là phải tận dụng từng giây, từng phút để lôi kéo nhóm “chưa quyết định” này về phía mình nếu như không muốn gây ra một cơn địa chấn Brexit - một viễn cảnh không chỉ khiến nước Anh rời khỏi EU mà còn có thể “tan đàn xẻ nghé” sau đó bởi xứ Scotland - vì lý do ủng hộ EU - sẽ đòi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý nữa để tách khỏi Anh./.