Về nguyên nhân hiện tượng hải sản chết tại miền Trung
Câu hỏi: Thưa Thứ trưởng, những ngày qua hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại miền Trung là vấn đề mà người dân tại các địa phương này cũng như cộng đồng xã hội trong và ngoài nước rất quan tâm, lo lắng. Với trách nhiệm được giao chủ trì xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng nêu trên, ông có thể cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ như thế nào?
Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Như nhà báo và cộng đồng xã hội đã biết, hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 06-4-2016 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình ngày 10-4-2016, Thừa Thiên - Huế ngày 15-4-2016, Quảng Trị ngày 16-4-2016 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng 04-5-2016.
Trong đó, hải sản chết nhiều tại tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 06 đến 07-4-2016, tỉnh Quảng Bình từ ngày 14 đến 15-4-2016, tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 16 đến 17-4-2016 và tỉnh Quảng Trị từ ngày 18 đến 19-4-2016. Từ ngày 24 đến 26-4-2016, cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại thì trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu; ngày 04-5-2016 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình.
Qua theo dõi của Tổ công tác hiện trường, từ ngày 04-5-2016 đến nay không còn phát hiện hiện tượng bất thường tại khu vực này nữa.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Môi trường nông nghiệp là những tổ chức Khoa học và Công nghệ đầu tiên tham gia tiếp cận thực địa hiện trường.
Tại thời điểm đó, quy mô và tính chất của hiện hiện tượng hải sản chết chưa thể hiện dấu hiệu đầy đủ của một sự cố thảm họa môi trường trên diện rộng. Sau đó, tất cả các Viện Nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, Y tế, … cũng đã tổ chức lấy và phân tích mẫu hải sản chết tại 4 tỉnh miền Trung này. Cho đến nay, các hiện tượng bất thường, từ góc độ khoa học đều đã được tiếp cận, duy trì cập nhật và xử lý làm cơ sở cho việc phân tích xác định nguyên nhân.
Ngay khi có thông tin và báo cáo, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã kịp thời, quyết liệt và thường xuyên chỉ đạo, giao nhiệm vụ theo đúng trách nhiệm và lĩnh vực quản lý của các bộ ngành và yêu cầu báo cáo kịp thời. Đặc biệt Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hàng ngày với tinh thần xuyên suốt là đảm bảo khẩn trương, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, có kết luận độc lập, khách quan với đầy đủ căn cứ khoa học thuyết phục, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu vi phạm.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức đoàn công tác liên ngành gồm các nhà khoa học của các Viện Nghiên cứu liên quan đi khảo sát thực địa tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung để tổng hợp thông tin, lấy mẫu và tiến hành phân tích mẫu để đánh giá hiện tượng và tìm hiểu nguyên nhân; đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế phối hợp chặt chẽ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến, lấy mẫu hiện trường để phục vụ cho công tác phân tích, xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết; báo cáo nhanh kết quả và các đề xuất, kiến nghị về Bộ.
Ngay khi các tổ chức Khoa học và Công nghệ độc lập có được một số kết quả phân tích chỉ tiêu ban đầu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì tổ chức cuộc họp với tất cả các tổ chức Khoa học và Công nghệ, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu độc lập, từ đó định hướng kịch bản và các phương án phối hợp nghiên cứu nhằm xác định nguyên nhân hải sản chết hàng loạt.
Căn cứ vào diễn biến kết quả thu được của các nhóm nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các bộ ngành, tổ chức Khoa học và Công nghệ có liên quan họp thống nhất và ra quyết định thành lập Hội đồng chuyên gia Khoa học và Công nghệ quốc gia với 3 Tổ chuyên gia tập trung vào nghiên cứu các nhóm tác nhân (1) hóa học, (2) sinh học và nhóm (3) khí tượng, thủy văn và động lực học biển để phân tích đối chứng, so sánh, bổ sung căn cứ, đánh giá chéo và độc lập nhằm đi đến các kết luận đủ căn cứ khoa học; thành lập Tổ công tác hiện trường thường trực tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; thành lập Tổ công tác điều phối, hỗ trợ để thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, làm việc với các bộ, ngành và Hội đồng chuyên gia Khoa học và Công nghệ quốc gia.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng chuyên gia Khoa học và Công nghệ quốc gia cũng đã mời một số chuyên gia khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) có kinh nghiệm tham gia phối hợp xác định nguyên nhân của hiện tượng nêu trên.
Có thể nói, tất cả lực lượng các tổ chức Khoa học và Công nghệ, nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan đã tham gia vào quá trình phân tích, đánh giá và xác định nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt này. Chúng tôi hoan nghênh trách nhiệm và sự quan tâm của các nhà khoa học độc lập và trên thực tế, chúng tôi đã mời một số nhà khoa học tham gia Tổ chuyên gia và tiếp nhận những kết quả, thông tin nghiên cứu độc lập để tăng cường bằng chứng và căn cứ khoa học. Với tính chất là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều ngành: Hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái… việc xác định nguyên nhân thực sự là một vấn đề lớn, phức tạp và đặt ra yêu cầu tiếp cận, xử lý bài bản, khoa học, khách quan, chặt chẽ và đúng pháp luật. Các nhà khoa học đã được tạo mọi điều kiện để trả lời bằng luận cứ khoa học của mình một cách độc lập và khách quan nhất.
Câu hỏi: Thưa ông, từ những chỉ đạo của Chính phủ, rồi sự vào cuộc của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ như ông nói trên, đến nay chúng ta đã thu nhận được những kết quả gì? Ông có thể cung cấp để cộng đồng biết không?
Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Bộ Khoa học và Công nghệ và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ý thức được trách nhiệm trước nhân dân và xã hội về việc nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt nêu trên để sớm báo cáo Chính phủ, công bố trước nhân dân.
Thực chất đến nay đã xác định đây là sự cố môi trường trên diện rộng, mà việc giải quyết về mặt khoa học vừa đòi hỏi huy động liên ngành vừa yêu cầu tính chuyên sâu cao trong từng xem xét phân tích khoa học. Đó là chưa nói đến yêu cầu phân tích hồi tố về điều kiện thực địa ban đầu. Các kết quả phân tích riêng lẻ không đủ cơ sở để có câu trả lời đầy đủ căn cứ khoa học vững chắc. Khi làm việc với các nhà khoa học, có những thời điểm ban đầu, đôi khi có cảm nhận là thực sự khó khăn để có được một kết luận tổng hợp, toàn diện và thuyết phục.
Bằng sự nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm của các tổ chức Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học liên ngành như: Hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái, viễn thám, kỹ thuật hạt nhân…, tính đến thời điểm ngày 26-4-2016 các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính độc tố học và tảo độc.
Có thể khẳng định việc cập nhật liên tục diễn biến hiện trường và phối hợp tổ chức lấy các mẫu vật, kết hợp với phân tích hồi tố về điều kiện thực địa lúc xảy ra sự cố môi trường, đã đáp ứng cho yêu cầu nghiên cứu, phân tích để xác định nguyên nhân một cách khoa học. Các đối tượng lấy mẫu: Cá, nước (tầng mặt và tầng đáy), trầm tích, san hô, sinh vật phù du, hệ sinh thái biển, động vật đáy, các dữ liệu ảnh viễn thám… là cơ sở để phân tích đánh giá đầy đủ kết luận khoa học.
Thực chất đã có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác và tính khách quan. Các nhà khoa học nước ngoài khi được trao đổi tham vấn với Hội đồng chuyên gia Khoa học và Công nghệ quốc gia đã khẳng định về việc tiếp cận và đi đúng hướng của các nhà khoa học trong nước để từng bước xác định nguyên nhân.
Cho đến nay, các kết quả phân tích mẫu, kết quả đối chứng đã cơ bản thể hiện sự hội tụ và phù hợp với những quy luật và diễn biến thực địa. Kịch bản nguồn phát sinh tác động, lan truyền ra sao, ảnh hưởng đến cá và sinh vật biển kể cả san hô như thế nào đã dần được sáng tỏ. Trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học cho thấy hơn một tháng qua chúng ta đã nỗ lực và cũng đã đi một chặng đường dài đến giai đoạn nước rút cuối cùng thực hiện mục tiêu đề ra.
Như vậy có thể nói đã đủ cơ sở để khẳng định sẽ có được câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận. Bộ Khoa học và Công nghệ đang nỗ lực cùng với Hội đồng chuyên gia Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Phạm Công Tạc!
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (15/05/2016)
Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh  (15/05/2016)
Quá trình hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở Việt Nam  (15/05/2016)
Quá trình hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở Việt Nam  (15/05/2016)
Quá trình hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở Việt Nam  (15/05/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay