Liên minh châu Âu - Cu-ba: Cơ hội thúc đẩy hợp tác
TCCSĐT - Cùng với những tiến triển trong quan hệ Mỹ và Cu-ba, thế giới tiếp tục chứng kiến những bước tiến mới trong quan hệ giữa quốc đảo này với Liên minh châu Âu (EU) sau hơn mười năm gián đoạn với việc hai bên ký kết Thỏa thuận về Đối thoại Chính trị và Hợp tác, chính thức bình thường hóa quan hệ song phương.
Từ giá trị chiến lược của Cu-ba…
Trong gần 10 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự đổi thay của môi trường chiến lược toàn cầu. Trong đó, trật tự đơn cực đang bị phá vỡ, trật tự đa cực đang chuyển từ định hướng sang định hình. Theo đó, các giá trị địa - chính trị, địa - chiến lược của các khu vực cũng như của các quốc gia riêng lẻ được chú ý nhiều hơn khiến các nước, các tổ chức lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu… bên cạnh việc duy trì chiến lược, tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng của mình. Trước bối cảnh đó, khu vực Mỹ La-tinh là một trong những khu vực có nhiều biến chuyển, mang đến toan tính chiến lược. Trong đó, Cu-ba là quốc gia đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Với sự kiện lịch sử Mỹ và Cu-ba bình thường hóa quan hệ, chấm dứt hơn nửa thế kỷ căng thẳng do chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cu-ba, La Ha-ba-na đã chứng minh được tinh thần kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và nhân dân Cu-ba đã lựa chọn, vượt qua khó khăn về kinh tế, đối ngoại, từng bước khẳng định vai trò trong khu vực. Không chỉ có vậy, giá trị chiến lược của Cu-ba đang ngày càng được thế giới nhìn nhận, thúc đẩy các nước tăng cường quan hệ với quốc đảo này, đặc biệt là việc Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cu-ba sau nhiều năm căng thẳng.
Trên thực tế, môi trường địa - chính trị khu vực Mỹ La-tinh đã có những thay đổi, nhiều nước Mỹ La-tinh đi theo hướng cánh tả, cánh tả ôn hòa như Bra-xin, Ác-hen-ti-na hay chính phủ cánh tả cấp tiến ở Vê-nê-xu-ê-la. Cu-ba không chỉ là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất ở Tây bán cầu, mà còn là một trong những ngọn cờ đầu của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh, có uy tín và quan hệ với các nước trong khu vực. Trong những năm gần đây, việc tham gia các hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nước châu Mỹ đã đưa Cu-ba trở lại cơ cấu khu vực.
Ngoài ra, cùng với việc tiến hành chính sách mở cửa thị trường, cập nhật mô hình kinh tế mới, Cu-ba đã khiến các nước quan tâm nhiều hơn nhằm tận dụng sự mở cửa của Cu-ba để tăng cường tiếp xúc kinh tế với khu vực Tây bán cầu.
Năm 2015, Bộ Ngoại thương và đầu tư nước ngoài Cu-ba đã thông báo Chính phủ nước này chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài vào 246 dự án thuộc 11 lĩnh vực, với tổng trị giá lên tới 8,71 tỷ USD. Nông nghiệp, khai mỏ, một số ngành công nghiệp, xây dựng và du lịch cũng là những lĩnh vực Cu-ba đang sẵn sàng đón chào dòng vốn đầu tư. Ngoài ra, để thúc đẩy chính sách này, Quốc hội Cu-ba đã thông qua đạo luật nhằm bảo đảm và khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài bỏ vốn vào Cu-ba, đặc biệt là vào Đặc khu phát triển Ma-ri-en (ZEDM). Cu-ba hy vọng ZEDM sẽ trở thành một khu phát triển công nghệ hàng đầu trong khu vực, hấp dẫn đối với việc thu hút vốn nước ngoài, trong đó tiến hành các hoạt động sản xuất và dịch vụ tiên tiến, đối với cả xuất khẩu cũng như thay thế nhập khẩu, góp phần vào sự phát triển quốc gia. Hiện tại, đã có khoảng 200 công ty từ hơn 30 quốc gia có ý định đầu tư vào ZEDM.
Hơn nữa, trong chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tại khu vực Mỹ La-tinh, Cu-ba còn thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Nga với tư cách là nước kế thừa Liên bang Xô-viết trước đây và Trung Quốc hướng tới việc thúc đẩy quan hệ vốn có với Cu-ba. Nga khẳng định, Cu-ba là một trong những đối tác chiến lược của Nga tại Mỹ La-tinh. Mới đây, nước này đã quyết định xóa 90% trong tổng số 35 tỷ USD mà Cu-ba nợ Liên Xô trước đây và 10% còn lại sẽ được đưa vào một quỹ đặc biệt của hai nước để đầu tư vào các dự án phát triển tại Cu-ba. Còn Trung Quốc đã tiến hành một loạt các chuyến thăm cấp cao đến Cu-ba thời gian gần đây nhằm vạch ra một lộ trình phát triển trong tương lai cho mối quan hệ Trung Quốc - Cu-ba từ tầm cao chiến lược và triển vọng lâu dài. Như vậy, vị thế chiến lược về kinh tế, chính trị của Cu-ba là một trong những nguyên nhân thúc đẩy EU bình thường hóa quan hệ với Cu-ba nhằm mở ra cơ hội và điều kiện giành ảnh hưởng địa - chính trị ở Cu-ba; đồng thời, tạo cơ hội để phát triển đầu tư ở nhiều nước Mỹ La-tinh khác. Và hơn cả là tạo thế cân bằng với các nước lớn về ảnh hưởng ở khu vực Mỹ La-tinh.
… đến những bước đi cần thiết của EU
Khi Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cu-ba, dường như cũng là thời điểm EU gấp rút tiến trình đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ với nước này.
Quan hệ giữa EU và Cu-ba trở nên căng thẳng sau khi liên minh này áp đặt hàng loạt quy định giới hạn mối quan hệ thương mại và ngoại giao với Cu-ba năm 1996. Năm 2003, EU chính thức đình chỉ quan hệ với Cu-ba sau khi áp đặt lệnh trừng phạt Cu-ba liên quan tới một số động thái của Chính quyền La Ha-ba-na mà Bruých-xen cáo buộc là vi phạm nhân quyền, cũng như do sức ép từ đồng minh Mỹ.
Sau nửa thập niên lạnh nhạt, quan hệ giữa EU và Cu-ba bắt đầu được hâm nóng kể từ năm 2008. Sau khi Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ với Cu-ba vào năm 2005, EU đã quyết định đồng thuận thiết lập đối thoại chính trị và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc đảo này. Ngày 10-02-2014, EU tuyên bố bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Cu-ba, sau hơn một thập niên không trao đổi đoàn ngoại giao chính thức. Cu-ba đã hoan nghênh chủ trương của EU, coi đây là động thái mang tính xây dựng, song khẳng định đối thoại song phương phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của Cu-ba.
Tháng 4-2014, EU và Cu-ba bắt đầu quá trình đàm phán về Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác, được coi là văn bản công nhận quan hệ chính trị song phương, đồng thời có thể mở ra cơ hội tăng cường trao đổi thương mại giữa hai bên. Các vòng đàm phán lần lượt được diễn ra tại thủ đô La Ha-ba-na (Cu-ba), gồm vòng đàm phán thứ nhất (tháng 4-2014), vòng đàm phán thứ ba (tháng 3-2015); tại Bruých-xen có vòng đàm phán thứ hai (tháng 8-2014), vòng đàm phán thứ tư (tháng 6-2015), vòng đàm phán thứ sáu (tháng 02-2016). Trong đó, vòng đàm phán thứ năm được tổ chức tại La Ha-ba-na (tháng 9-2015) được cho là vòng đàm phán khó khăn nhất trong quá trình đàm phán song phương khi hai bên bắt đầu thảo luận về thỏa thuận chính trị mới nhằm thay thế cho chính sách đơn phương mang tên “Lập trường chung” mà EU áp đặt đối với La Ha-ba-na trong suốt 19 năm qua.
Tại các vòng đàm phán, hai bên đã trao đổi một cách thẳng thắn tất cả các khía cạnh trong quan hệ song phương, kể cả những vấn đề nhạy cảm như hệ thống kinh tế - chính trị hay nhân quyền. Cu-ba luôn tỏ ra sẵn sàng đối thoại cởi mở về mọi vấn đề trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và tự do lựa chọn của mỗi dân tộc.
Rộng mở cơ hội đối thoại và hợp tác
Sau hai năm nỗ lực đàm phán, EU và Cu-ba đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử, chính thức bình thường hóa quan hệ song phương. Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác hai bên được ký kết ngày 11-3-2016, một tuần sau khi vòng đàm phán thứ bảy diễn ra ngày 03-3 nhân chuyến thăm Cu-ba của Đại diện cấp cao EU về Chính sách an ninh và đối ngoại P. Mô-ghe-ri-ni. Thỏa thuận đã chấm dứt chính sách tiêu cực mà EU áp dụng với La Ha-ba-na nhiều năm qua. Đây không chỉ là bước tiến phù hợp với xu thế quốc tế chung là hòa bình, hợp tác và phát triển, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên trong việc tìm kiếm mô hình hợp tác mới, bình đẳng và hiệu quả, mà còn là kết quả nổi bật và là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với chính sách phát triển và nỗ lực hội nhập của quốc đảo vùng Ca-ri-bê.
Đại diện cấp cao của EU về Chính sách an ninh và đối ngoại, bà P. Mô-ghe-ri-ni tuyên bố, thỏa thuận mới mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa La Ha-ba-na và Bruých-xen, thời kỳ của đối thoại và hợp tác, đồng thời nhấn mạnh quan hệ lịch sử mật thiết và sâu rộng gắn liền Cu-ba và châu Âu. Thỏa thuận càng có ý nghĩa khi được ký kết trước khi diễn ra chuyến thăm lịch sử đến Cu-ba của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma - chuyến thăm chính thức đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Cu-ba trong suốt 88 năm qua. Điều này thể hiện sự quan tâm cao của EU đối với Cu-ba, và cho thấy, EU không muốn chậm chân trước sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của các nước khác.
Có thể thấy, việc thúc đẩy quan hệ song phương EU - Cu-ba là điều mà cả hai bên trông đợi, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Đối với Cu-ba, việc xây dựng mối quan hệ chính trị tốt đẹp với EU đem đến cho quốc gia Nam Mỹ cơ hội tranh thủ sự hỗ trợ từ một đối tác lớn và giàu tiềm lực cho quá trình cải cách và phát triển kinh tế. Trước khi ký thỏa thuận lịch sử này, Cu-ba là nước duy nhất tại Mỹ La-tinh chưa ký thỏa thuận hợp tác song phương với EU, dù đã ký hiệp định song phương với 15 quốc gia thành viên của khối. Kể từ năm 2008 đến nay, EU đã viện trợ phát triển cho Cu-ba 110 triệu USD. Chưa kể, mới đây, trong chuyến thăm tới Cu-ba của Ủy viên EU về Phát triển quốc tế N. Mi-mi-ca, EU đã ký khoản viện trợ 10 triệu ơ-rô cho Cu-ba trong tổng số 50 triệu ơ-rô trong các quỹ hợp tác phát triển cho quốc gia này. Khoản hỗ trợ mới này sẽ giúp xây dựng các năng lực quản trị hành chính công và sản xuất lương thực bền vững của Cu-ba.
Ngoài ra, dù hợp tác gián đoạn, cả EU và Cu-ba vẫn nhìn nhận tích cực về các cơ hội kinh tế của nhau. Hiện, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường du lịch lớn thứ ba của Cu-ba. Số liệu chính thức của EU cho thấy, trao đổi thương mại giữa khối này với Cu-ba vẫn đạt tổng giá trị hơn 2 tỷ ơ-rô, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Cu-ba vào EU đạt 462 triệu ơ-rô.
Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác EU - Cu-ba đạt được sau hai năm, với bảy vòng đàm phán cam go và nội dung bao trùm hầu hết các lĩnh vực hợp tác song phương, gồm cả những vấn đề gai góc, như dân chủ, nhân quyền và nhất là “lập trường chung của EU về Cu-ba” - một chính sách tiêu cực từng khiến tiến trình cải thiện quan hệ giữa hai bên nhiều lần “đóng băng”. Tuy còn những điểm khác biệt trong đối thoại chính trị, hai bên đã nhất trí về các nguyên tắc nền tảng cho một mối quan hệ song phương mới, đó là: mối quan hệ dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tôn trọng hiến pháp và các quy định pháp luật của nhau, đồng thời phản đối mọi chính sách mang tính thù địch, gồm cả các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ chống Cu-ba hiện hành.
Tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa EU - Cu-ba cần thêm thời gian. Tuy nhiên, văn kiện quan trọng hai bên vừa ký là bước khởi đầu mới, tạo khung pháp lý mới để hai bên phát triển quan hệ song phương trong tương lai. Việc La Ha-ba-na tuyên bố sẵn sàng thảo luận về mọi vấn đề, kể cả những điểm còn khác biệt, sẽ là nền tảng để hai bên xây dựng mối quan hệ mới, trên cơ sở đối thoại và hợp tác bình đẳng và hiệu quả./.
Chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP  (21/03/2016)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang Nga  (21/03/2016)
Chỉ đạo của Thủ tướng về khu vực cấm hoạt động khoáng sản tại Ninh Thuận  (21/03/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay