Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định: Sở hữu trí tuệ là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào thế giới, cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam rất lớn khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Sở hữu trí tuệ trong khoa học - công nghệ là sở hữu công nghiệp gồm nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý và thương mại... Đây là những lĩnh vực tiên quyết bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam cũng như sản phẩm, thương hiệu Việt khi hội nhập.

* Hoàn thiện Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đã trở thành lĩnh vực quan trọng trong phát triển khoa học - công nghệ nói riêng cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và với xu thế hội nhập thì lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập. Sở hữu trí tuệ chưa thực sự trở thành ngành kinh tế để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, từ đó đặt ra nhiệm vụ để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành động lực phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế, Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thành chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ trong giai đoạn tới.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia để đến năm 2030, xây dựng được một hệ thống sở hữu trí tuệ với mục tiêu “Hành động kịp thời, thực thi hiệu quả, thúc đẩy sáng tạo, gia tăng giá trị”. Theo đó, hệ thống sở hữu trí tuệ phải khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo đổi mới, phát triển công nghệ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm khả năng cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia ưu tiên tăng cường hoạt động sáng tạo, để hệ thống sở hữu trí tuệ trở thành hạt nhân thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong toàn xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu về hoạt động sáng tạo của ASEAN, Chỉ số sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố tăng mạnh từ thứ 52/141 nước và nền kinh tế năm 2015, sẽ được cải thiện và dự kiến xếp hạng 35 vào năm 2020. Đông thời, thông qua sở hữu trí tuệ đưa tỉ lệ đóng góp của ngành công nghiệp bản quyền trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng lên.

Trong một cuộc tọa đàm mới diễn ra về xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia để đưa ra cách nhìn mới, cách tiếp cận mới về định hướng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia Việt Nam giai đoạn tới, ông Ye Min Than, cán bộ Chương trình cao cấp Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới cũng nhấn mạnh: Sở hữu trí tuệ không phải là mục đích mà là một công cụ để thực hiện các mục tiêu chính sách công và các mục tiêu phát triển. Sở hữu trí tuệ có liên quan đến tất cả các quốc gia, cả quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển nhưng không có mô hình chung cho tất cả các quốc gia, vì vậy tùy theo sự phát triển và mục tiêu từng nước để xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia phù hợp, đặc biệt cần gắn chặt sở hữu trí tuệ với chính sách phát triển để đạt mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: Bộ Khoa học và Công nghệ có vai trò rất lớn để kết nối những nhà nghiên cứu, những nhà khoa học với nhà sản xuất, những doanh nghiệp; tạo điều kiện để các nhà khoa học được nghiên cứu tốt nhất, làm ra nhiều công nghệ tốt nhất; đồng thời là cầu nối để đưa công nghệ đến với doanh nghiệp. Khi Việt Nam có công nghệ riêng, sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng để bảo hộ công nghệ, tạo ra được hàng hóa có sức cạnh tranh để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thay vì dùng hàng ngoại.

* Từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam trong những năm qua giảm khiến cho Thương hiệu Quốc gia Việt Nam bị xếp thứ hạng thấp trong các nước ASEAN. Điều này cho thấy sức mạnh thương hiệu quốc gia Việt Nam chưa cao, trong đó các yếu tố còn yếu và hạn chế do chất lượng sản phẩm, vòng đời sản phẩm, xuất nhập khẩu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam…

Để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập, đồng thời khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỉ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô cũng như tăng cường sự nhận biết của người tiêu dùng đối với sản phẩm thương hiệu Việt… Bộ Công thương đã có Quyết định số 984/QĐ-BCT, ngày 06-3-2012 ban hành quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia với mục tiêu quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ… của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để việc xây dựng thương hiệu quốc gia hiệu quả cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các tổ chức liên quan để tạo lập cơ chế chính sách đồng bộ và hiệu quả nguồn lực của Nhà nước cho chương trình thương hiệu quốc gia. Theo đó, nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ… giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh, chính xác khi tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế cũng như không có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thì các doanh nghiệp trong nước sẽ không có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, không thể nâng cao được vị thế của thương hiệu quốc gia Việt, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nhựa Bình Minh khẳng định.

Hiện nay, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam mới tập trung cho các doanh nghiệp lớn nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cần được hỗ trợ xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu, bán được hàng với giá tốt hơn, số lượng nhiều hơn. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với sản phẩm, doanh nghiệp là rất cần thiết. Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang ký kết các Hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là đã tham gia Hiệp định TPP nên việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu, hình ảnh quốc gia rất quan trọng và cần thiết. Nếu không có biện pháp xây dựng, quảng bá thương hiệu thì các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được cơ hội khi Việt Nam hội nhập.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến sở hữu trí tuệ, cũng như nâng cao nhận thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt được quảng bá và phát triển thương hiệu của mình tại thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài./.