Sáng 28-3-2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016).

Theo dõi phiên thảo luận qua sóng phát thanh truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri bày tỏ đồng tình về kết quả đạt được của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần giải quyết rốt ráo để cử tri ngày càng đặt trọn niềm tin vào những người đại diện cho mình tại Quốc hội. Cử tri mong muốn Quốc hội cần đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa…

* Đánh giá cao chất lượng hoạt động của Quốc hội

Cử tri Giang Văn Quyết (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, nhất là việc ban hành Hiến pháp 2013, thông qua 222 bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh. Ngoài ra, Quốc hội đã thực hiện có hiệu quả quyền và trách nhiệm trong công tác giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cụ thể là những quyết sách kịp thời của Quốc hội trong điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Đặc biệt, tại phiên thảo luận sáng 28-3, các đại biểu đã thẳng thắn thảo luận về những điều còn tồn tại trong hoạt động của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội để từ đó có đề xuất các giải pháp để Quốc hội khóa sau nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; chất lượng hoạt động giám sát, chất vấn; chất lượng hoạt động Quốc hội, giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến quốc kế, dân sinh. Đây là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự đổi mới trong hoạt động của Đại biểu Quốc hội mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng với các ủy ban của Quốc hội đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, cử tri Võ Văn Nhơn (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Nam) cho rằng, chất lượng thảo luận tại các kỳ họp của Quốc hội cũng như các đại biểu làm việc thiết thực hơn, đã nói được tiếng nói của nhân dân. Một số đại biểu ngày càng tâm huyết hơn khi “đi tận cùng” các vụ việc người dân phản ánh. Vì vậy, người dân ngày càng tin tưởng vào Quốc hội. Có thể nói, nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Quốc hội đã tạo được niềm tin khá vững chắc trong nhân dân.

Theo cử tri Huỳnh Tắc (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí tỉnh Bình Dương), nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã thật sự là diễn đàn lớn mạnh lan tỏa trực tiếp đến với người dân, Quốc hội đã thay đổi rõ nét về chất lượng hoạt động. “Tôi nhận thấy trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã thực hiện rất đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng ta về đổi mới đồng bộ chính trị, đổi mới căn bản, rõ nét chức năng giám sát tối cao của Quốc hội; nâng tầm các phiên chất vấn và trả lời chất vấn” cử tri Huỳnh Tắc bày tỏ.

* Cần đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa

Cử tri Đoàn Ngọc Anh (trú tại 142 Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam) cho rằng, nhiệm kỳ XIII, Quốc hội hoạt động khá hiệu quả khi cho ra đời rất nhiều Luật. Điều đó góp phần minh bạch hóa thể chế để người dân trông vào. Quốc hội là cơ quan giám sát cao nhất, tuy nhiên cũng cần giám sát một số vấn đề cụ thể để làm “điểm”, tránh tình trạng giám sát chung chung. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội cũng cần theo đuổi đến cùng trong quá trình giải quyết những tồn tại mà các thành viên Chính phủ đã hứa trước Quốc hội, nhất là những vấn đề ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Đồng thời, cần minh bạch hơn đối với những hoạt động của Quốc hội như đối ngoại, giải quyết những vấn đề nhạy cảm, chủ quyền Tổ quốc...

Theo dõi phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội sáng 28-3, nhiều cử tri tại tỉnh Bình Dương cũng tỏ ra băn khoăn nhiều vấn đề như việc chất vấn và thực hiện lời hứa chưa được báo cáo rõ đã giải quyết tới đâu để cử tri biết; còn có đại biểu còn “ái ngại” lên tiếng trên diễn đàn. Theo cử tri Nguyễn Ngọc Sơn (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trí Thức Bình Dương), so với nhu cầu, đòi hỏi của cử tri thì các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã làm tốt nhiệm vụ được giao nhưng vẫn cần phải có sự thay đổi toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa. Trong số gần 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII, cử tri nhận thấy khoảng 40 - 50 đại biểu Quốc hội thường xuyên đăng đàn phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri. Nhiều đại biểu dự họp và có đóng góp qua các cuộc họp tổ nhưng chưa thấy tích cực, tiếng nói chưa đủ mạnh như cử tri mong muốn.

Theo dõi những phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri Nguyễn Ngọc Sơn cũng nhận thấy, các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã nêu lên được nhiều vấn đề, nhưng điều quan trọng là các vấn đề đó đã được giải quyết tới đâu. Những kiến nghị, đóng góp cần được lập thành Nghị quyết để theo dõi trong suốt quá trình giải quyết; từ đó, kết quả giải quyết từng vấn đề phải được giám sát và công khai cho cử tri hay. Cử tri Nguyễn Ngọc Sơn nêu ý kiến: “Chúng ta tìm ra được bệnh rồi, nhưng để chữa lành bệnh thì phải điều trị như thế nào, mất bao lâu thời gian”. Vì vậy, Quốc hội cần có lộ trình giải quyết và phải có báo cáo từng việc đã giải quyết để cho cử tri nắm.

Tại phiên thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tiếc nuối, những lời hứa chưa hoàn thành, những việc còn “mắc nợ” với nhân dân. Những tồn tại này, theo cử tri Nguyễn Ngọc Sơn, Quốc hội cần đánh giá, rà soát lại, thậm chí tập hợp thành văn bản cụ thể việc nào chưa làm được hay đã làm nhưng còn dang dở và giao các đại biểu nhiệm kỳ sau có trách nhiệm giải quyết rốt ráo./.