Hai chương trình, một mục tiêu trong bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em
Vì mục tiêu chung là chăm lo, phát triển nguồn lực xã hội
Ngày 22-12-2015, Chính phủ ban hành Quyết định 2361/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Mục đích của Chương trình là hướng tới bảo vệ, giúp giảm nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, giảm bị xâm hại; trợ giúp, chăm sóc để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhanh phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Để thực hiện Chương trình, Chính phủ đặt ra mục tiêu: Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 5%; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.
Trước đó, đầu tháng 12-2015, Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu là tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Có thể nói, các chương trình nói trên của Chính phủ Việt Nam không nằm ngoài mục đích thực hiện ngày càng tốt hơn mục tiêu chính trị trong các cam kết quốc tế về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em đã được ký kết tại Brasil vào năm 1990. Đáng chú ý là, trong Chương trình này, Chính phủ giao các bộ thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em thông qua các hoạt động, như diễn đàn trẻ em, thăm dò ý kiến trẻ em, hội đồng trẻ em, câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em và các các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện.
Có thể nói, cả hai chương trình này đều tìm đến một mục tiêu chung là chăm lo, phát triển nguồn lực xã hội cho tương lai của đất nước. Động thái này thêm một lần nữa khẳng định hướng đi của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đặt ra.
Trong bất cứ xã hội nào, trẻ em luôn là đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục kỹ lưỡng, chu đáo và đặc biệt bởi trẻ em là tương lai của dân tộc, của đất nước và được ví như tờ giấy trắng, tinh khiết. Nếu không có biện pháp và cách thức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đúng cách sẽ rất có hại. Với ý nghĩa ấy, vài thập niên lại đây, cùng với sự thúc đẩy phát triển các vấn đề kinh tế - xã hội khác, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em toàn diện. Không chỉ là nước thứ hai trên toàn cầu ký Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em không bảo lưu một điều khoản nào mà Việt Nam còn ban hành, sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được Quốc hội thông qua vào năm 1991 và sửa đổi vào các năm 2004, 2015. Đặc biệt, ngày 05-11-2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Với những cố gắng này, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Mới đây, trong kỷ niệm 25 năm Ngày ký Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, đại diện các cơ quan chức năng đã dẫn chứng các số liệu khẳng định sự tiến bộ của Việt Nam ở lĩnh vực này. Cụ thể, trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt trong việc thực hiện quyền trẻ em. Từ năm 2000, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm một nửa (từ 39 xuống 20 trẻ trên 1.000 ca sinh sống); số trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi đã giảm 1/3 (từ 36% xuống còn 25%). Tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt và uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tỷ lệ được tiêm vaccine bại liệt và viêm gan B cũng tăng nhanh ở Việt Nam. Hiện nay, khoảng 95% trẻ em trong độ tuổi được đi học và hưởng nền giáo dục tốt hơn. Trong năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã thông qua Luật Nuôi con nuôi, phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật, thành lập tòa án chuyên trách đầu tiên về trẻ em - Tòa án Gia đình và người chưa thành niên; thực hiện chế độ nghỉ thai sản 6 tháng và cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Trước những thành tựu này, ông Jesper Moller, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam… Đây là những nỗ lực rất lớn của Việt Nam, để bảo đảm trẻ em được lớn lên trong một môi trường trong lành và an toàn”.
Xác định, nhận diện chính xác những “vật cản”
Tuy nhiên, từ thực tế xã hội cho thấy, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn một số hạn chế, khó khăn. Mặc dù chưa có thống kê chính xác của các cơ quan chức năng, nhưng những biểu hiện, như tỷ lệ tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại thân thể, tinh thần và tình dục có xu hướng tăng; việc lạm dụng sức lao động trẻ em, lạm dụng quyền lợi trẻ em để đạt mưu đồ người lớn ngày càng có biểu hiện nghiêm trọng hơn. Tình trạng bạo lực học đường, trẻ em phạm tội nguy hiểm, nghiện ma túy, nghiện game, trẻ em lang thang, bị tai nạn, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đang là những vấn đề nóng trong xã hội. Các điểm vui chơi, các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em còn thiếu; tình trạng học sinh bỏ học và chênh lệch phát triển giữa trẻ em vùng sâu, vùng xa so với trẻ em ở vùng đô thị còn khá cao;… đang là những vấn đề thách thức không nhỏ với chính quyền các địa phương và Chính phủ.
Để trẻ em được chăm sóc và ngày càng có cơ hội nhiều hơn, phát triển, trưởng thành toàn diện và cũng qua đó để khẳng định sâu sắc hơn cam kết chính trị của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, chúng ta cần đẩy mạnh việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em bằng những việc làm thiết thực. Trong đó, vấn đề mấu chốt nhất là cần xác định, nhận diện chính xác những “vật cản”, làm giảm tiến trình và hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng, tâm lý của trẻ em để bảo vệ và khuyến khích trẻ em phát triển. Đẩy mạnh giáo dục, truyền thông có định hướng cho trẻ em thông qua các chương trình gần gũi với đời sống, tâm lý lứa tuổi; ngăn chặn và hạn chế các chương trình trò chơi giải trí dễ gây nghiện cho trẻ em. Tích cực truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng, nhất là các phụ huynh về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; kiên quyết điều tra, xét xử những trường hợp ngược đãi thân thể, tinh thần và lạm dụng sức lao động trẻ em;... Nhà nước, địa phương cần cân đối ngân sách, kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi từng giai đoạn. Chính quyền địa phương các cấp cần có biện pháp phát huy vai trò của tổ chức quần chúng, vai trò của Hội Cựu chiến binh, hội người cao tuổi, hội khuyến học,… trong chung tay bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong công tác tổ chức thực hiện các dự án, chương trình, các bộ, ngành và địa phương cần lựa chọn nhân sự có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và tâm huyết với hoạt động công tác trẻ em và phong trào đoàn, đội. Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh cải cách giáo dục theo hướng mở để phát huy tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của trẻ em trong tiếp thu kiến thức và ứng dụng kiến thức trong thực tiễn các hoạt động đời sống xã hội. Kịp thời phát hiện các mô hình hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hiệu quả để nhân rộng, khuyến khích xã hội cùng thực hiện.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, điều ấy chỉ đúng khi chúng ta có phương pháp hành động đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Người cũng từng viết thư căn dặn các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân khai giảng năm học mới đầu tiên của đất nước sau khi giành được độc lập: “Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Người cũng đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lời ích trăm năm phải trồng người”. Vì thế, để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hiệu quả, thiết thực, vấn đề là mỗi gia đình, mỗi người lớn cần thực sự trở thành tấm gương để trẻ em học tập, noi theo./.
Tuần tin cải cách hành chính đến ngày 14-02-2016  (15/02/2016)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc Tết tại tỉnh Hải Dương  (14/02/2016)
Đồng chí Hoàng Trung Hải dự Lễ xuống đồng và Tết trồng cây 2016  (14/02/2016)
Hội nhập ASEAN tác động tích cực đến ngành du lịch Việt Nam  (14/02/2016)
Tổng thống Putin và Obama điện đàm về tình hình tại Syria  (14/02/2016)
Chủ tịch nước gặp mặt các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày  (14/02/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên