Tổng quan về kinh tế thế giới năm 2015 và dự báo năm 2016
TCCSĐT - Kinh tế toàn cầu năm 2015 nhìn chung phát triển chậm và không ổn định, dù đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan. Có thể thấy, sau hơn 7 năm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (năm 2008), kinh tế thế giới vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước đó. Dự báo năm 2016, tốc độ tăng trưởng có cải thiện hơn so với năm 2015, song kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nhìn lại kinh tế thế giới năm 2015
Bức tranh chung về tình hình kinh tế thế giới trong năm 2015 tuy chưa thực sự khởi sắc nhưng cũng đã bớt ảm đạm hơn. Nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới vẫn chưa được như mức dự báo. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2015 là 2,4% (1), nhưng về cơ bản có thể thấy, những tác động của khủng hoảng tài chính và nợ công đã không còn trầm trọng, kinh tế toàn cầu bắt đầu thích nghi dần với những biến động về chính trị, an ninh. Nền kinh tế thế giới năm 2015 bộc lộ một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia, khu vực vẫn còn không đồng đều, chưa ổn định và thiếu bền vững. Bảy năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn chưa thể đạt được nhịp độ tăng trưởng mạnh và đồng bộ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, cú sốc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai trên thế giới, trong tháng 8-2015 và sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ đã dẫn đến bất ổn và tâm lý xa lánh các tài sản rủi ro. Ngoài ra, bất ổn tại nhiều khu vực trên thế giới cũng đang kìm hãm đà tăng trưởng. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều nhận định, kinh tế thế giới năm 2015 tăng trưởng chậm, mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Sự phục hồi của nền kinh tế phát triển không đủ bù đắp sự suy giảm mạnh của các nền kinh tế đang phát triển; nợ và tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức cao, làm giảm dư địa tài chính, thiếu hụt đầu tư khiến sản xuất và tiêu dùng trì trệ ở nhiều nước.
Năng suất của cả nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều giảm thấp hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, mức tăng trưởng giữa các nước và nhóm nước không đồng đều. Kinh tế các nước phát triển tiếp tục phục hồi nhưng chậm hơn kỳ vọng. Mỹ là nước có nền kinh tế phục hồi tích cực nhất trong nhóm nước phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm còn 5%, tiêu dùng và thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phục hồi yếu, tăng trưởng chậm với tốc độ là 1,5%, do phải xử lý cuộc khủng hoảng “kép” gồm vấn đề nợ công và di cư, cùng tình trạng giảm phát và thất nghiệp cao. Một cột trụ kinh tế khác của thế giới là Nhật Bản, cho dù tỷ giá đồng Yên đã giảm giá đến 60% so với USD kể từ đạt mức đỉnh 73,35 Yên/USD (tháng 10-2011), tạo lợi thế cho hoạt động xuất khẩu nhưng đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản còn rất bấp bênh. Tổng nợ công vẫn cao gấp đôi so với GDP (2).
Các nền kinh tế đang phát triển vẫn tiếp tục giảm tốc năm thứ 5 liên tiếp với mức tăng trưởng 4,3% trong năm 2015 (3). Năm 2015, tăng trưởng của khối 5 nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) không như kỳ vọng. Nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn nhất kể từ khi bắt đầu cải cách, mở cửa. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp chặn đà tăng trưởng nhưng sản xuất công nghiệp Trung Quốc vẫn suy giảm, xuất nhập khẩu vẫn trì trệ, thị trường nhà đất đóng băng, thị trường chứng khoán biến động mạnh, đồng Nhân dân tệ phá giá, dự trữ ngoại hối giảm mạnh… Mức tăng trưởng của Trung Quốc năm 2015 chỉ đạt 6,9% và lần đầu tiên trong 25 năm qua tăng trưởng dưới mức 7% (4). Nga và Bra-xin cũng suy thoái sâu. Tăng trưởng của Nga giảm 3,8% năm 2015 do chịu nhiều tác động tiêu cực của giá dầu giảm sâu kéo dài và do lệnh cấm vận của phương Tây (5). Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng khiến đồng nội tệ của Nga mất giá tới 72,2% so với đồng USD trong khoảng thời gian từ tháng 3-2014 đến tháng 12-2015. Bra-xin lún sâu vào khủng hoảng chính trị và kinh tế, với tình trạng thất nghiệp, lạm phát và thâm hụt ngân sách tăng cao. Ấn Độ là điểm sáng duy nhất trong nhóm BRICS với mức tăng trưởng cao 7,3% (6) và cũng là lần đầu tiên Ấn Độ vượt Trung Quốc về thành tích tăng trưởng. Không kể Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2015 là 4,6% (7), tương đương mức năm 2014, do tăng trưởng các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, trong đó có In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, bị chậm lại nhưng được bù lại bởi tăng trưởng nhanh tại Việt Nam và mức độ khôi phục phần nào tại Thái Lan.
Nền kinh tế ở khu vực Mỹ La-tinh đối mặt với những “cơn cuồng phong” ngược chiều trong năm 2015. Sự sụt giảm giá hàng hóa, giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và biến động tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả kinh tế của khu vực này. Nhiều khó khăn nảy sinh với Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la... Lạm phát ở khu vực có xu hướng tiếp tục gia tăng. Đà tăng trưởng của khu vực châu Phi cũng bị chững lại. Ngoài ra, một loạt các vụ tấn công khủng bố trên thế giới trong năm 2015 cũng đã gióng lên hồi chuông báo động về bất ổn chính trị, an ninh và kinh tế trên toàn cầu.
Thứ hai, thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế biến động phức tạp và khó lường, tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế thế giới. Năm 2015 là năm thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế biến động mạnh và phức tạp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Những diễn biến xấu của nền kinh tế Trung Quốc đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, khiến nhiều thị trường chao đảo trong quý III/2015. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã gây sốc trên thị trường tài chính thế giới khi liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ vào tháng 8-2015. Mặc dù cuối năm 2015, IMF tuyên bố đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đủ điều kiện vào giỏ tiền tệ quốc tế nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ. Nhân dân tệ mất giá đã ảnh hưởng đến tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực và của các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu năm 2015 đã tạm thời lắng xuống nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Sự khác biệt lớn trong chính sách tiền tệ ở hai bờ Đại Tây Dương khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện chính sách nới lỏng còn Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thắt chặt thông qua việc nâng lãi suất cơ bản đã làm đồng ơ-rô giảm giá so với đồng USD và đẩy tỷ giá đồng ơ-rô có thời điểm rơi xuống 1,05 USD/ơ-rô trong năm 2015. Đây là một trong những yếu tố tác động lớn đến sự ổn định kinh tế thế giới.
Thứ ba, giá dầu và giá nguyên liệu giảm sâu tác động tiêu cực tới các nước xuất khẩu dầu và nguyên liệu lớn. Năm 2015, thế giới đã chứng kiến việc giá nguyên liệu và dầu thô tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Chỉ số giá của 22 mặt hàng nguyên liệu (chỉ số Bloomberg) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Trong khi giá dầu thế giới tháng 12 -2015 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, chạm mức 35 USD/thùng. Việc dầu thô giảm giá kéo dài đã tác động hết sức tiêu cực tới những hãng sản xuất dầu và các lĩnh vực liên quan đến dầu. Hàng trăm ngàn lao động trong ngành khai thác dầu toàn cầu đã phải nghỉ việc, nhiều hoạt động sản xuất và khai thác cũng bị ngừng trệ. Đối với những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, như Vê-nê-xu-ê-la, Bra-xin, Ê-cu-a-đo, Ni-giê-ri-a, Nga,... sự sụt giảm giá dầu đang tác động tiêu cực toàn diện tới nguồn thu và tăng trưởng kinh tế của những nước này. Các nước vùng Vịnh cũng phải cắt giảm đầu tư trên toàn cầu cũng như giảm bớt các dự án phát triển xã hội lớn của mình… Không chỉ có vậy, giá dầu thô xuống thấp còn tác động mạnh tới các sản phẩm phát sinh từ dầu và giá của những sản phẩm này cũng đang bị giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh khác, giá dầu sụt giảm cũng làm tăng sức mua từ các hộ gia đình và làm chậm lại lạm phát ở một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ.
Thứ tư, sự đối đầu ngày càng trầm trọng giữa chủ nghĩa khu vực và hợp tác đa phương, gây bất lợi đến tiến trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế thế giới. Vòng đàm phán Đô-ha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được khởi động cách đây 15 năm nhưng vẫn chưa kết thúc. Những tiến triển ít ỏi và chậm chạp của WTO tạo cơ hội và động lực thúc đẩy trào lưu đàm phán hình thành những khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương trong những quy mô khác nhau và với cấp độ khác nhau. Toàn cầu hóa gặp thêm trở ngại và liên kết khu vực gia tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, WTO đã nhận được 13 thông báo về việc thành lập các hiệp định khu vực mới (RTAs). Kết quả là, tổng số các RTAs hiện hành lên đến con số là 265 RTA (8). Bên cạnh đó, RTAs đang trở thành công cụ của chính sách đối ngoại của các nước lớn, như Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc với nhiều toan tính chính trị, an ninh, các mục tiêu thúc đẩy cải cách, dân chủ và nhân quyền. Những mặc cả về cải cách hệ thống thể chế, hệ thống chính trị, các tiêu chí về dân chủ và nhân quyền được đưa ra thay vì chỉ là các dòng thuế quan hay điều kiện tiếp cận của thị trường. Các cam kết về chính trị và an ninh cũng trở thành điều kiện quan trọng cho việc ký kết các hiệp định thương mại (FTA) song phương.
Ngay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2015 đánh dấu bằng một loạt các động thái của các quá trình liên kết, hội nhập kinh tế. Cụ thể, đã xuất hiện cơ cấu mới và tầm cỡ về tài chính liên quốc gia - Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), thành lập theo đề nghị của Trung Quốc. Đầu tháng 12-2015, Mỹ tiếp tục đạt thành quả trong ý tưởng đối trọng với Trung Quốc về kinh tế thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với 11 nước thành viên khu vực đã được ký kết. Đây được xem là hiệp định của thế kỷ, TPP quy tụ các quốc gia đang nắm giữ tới 40% GDP toàn cầu và có thể giúp kinh tế toàn cầu gia tăng thêm 300 tỷ USD mỗi năm. TPP cũng là hiệp định thương mại mới nhất kể từ khi thành lập WTO, vượt xa khuôn khổ thương mại hàng hóa và dịch vụ, hình thành các dây chuyền sản xuất toàn cầu, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của các quốc gia thành viên... Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà nó sẽ xung đột với các quy tắc thương mại đa phương, làm suy yếu nền tảng WTO và có khả năng sẽ điều chỉnh các vấn đề trọng yếu của hợp tác kinh tế đương đại. Các quốc gia không nằm trong hiệp hội khu vực mới sẽ phải tuân theo luật chơi mới của các nước lớn, mặc dù điều này có thể không phù hợp với lợi ích của họ và các nguyên tắc không phân biệt đối xử. Nhìn chung, phúc lợi kinh tế từ một hiệp định thương mại song phương của một nền kinh tế phát triển và đang phát triển thường không lớn nếu tính theo con số tuyệt đối.
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2016
Kinh tế thế giới năm 2016 được dự đoán là có phục hồi nhưng không vững chắc, chủ yếu là do thương mại toàn cầu suy giảm; khả năng biến động thị trường tài chính do các nước tiếp tục phá giá đồng tiền và lãi suất ở các nền kinh tế chủ đạo tăng ở các mốc thời gian không dự đoán được; giá dầu thấp gây áp lực đến cân đối tài chính ở các nước sản xuất dầu; nguy cơ suy thoái hoặc giảm phát kéo dài ở các nền kinh tế châu Âu, Nhật Bản; các thị trường mới nổi đang gặp nhiều thách thức do các nguyên nhân chính trị, kinh tế, tài chính tiền tệ chi phối. Khả năng phát triển kinh tế tiếp tục bị kìm hãm bởi những yếu tố, như năng suất thấp, dân số ngày càng già hóa và những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hiện có nhiều dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016. Các cơ quan quốc tế lớn như WB, IMF, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) gần đây đều rất thận trọng và điều chỉnh lại các số liệu dự báo thấp hơn so với các con số mà các cơ quan này đã đưa ra trước đó. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB công bố tháng 01-2016 dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 ở mức 2,9% (9); IMF và OECD dự báo mức tăng trưởng cao hơn, tuy nhiên Liên hợp quốc cũng chỉ đưa ra con số tăng trưởng GDP toàn cầu là 2,9% (10). Lý giải cho điều này, Liên hợp quốc cho rằng, mặc dù triển vọng kinh tế Mỹ khá hơn nhưng đồng USD tăng giá sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu và giá dầu tụt dốc làm giảm đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng.
Conference Board (tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới có trụ sở tại New York, Mỹ) dự đoán kinh tế thế giới chỉ tăng 2,8% trong năm 2016 (11). Các nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng rất khác nhau. Cụ thể, khu vực đồng ơ-rô được dự báo mức tăng trưởng ước đạt là 1,6%, trong khi kinh tế Mỹ là 2,4%. Đáng lo ngại nhất lại là kinh tế Trung Quốc khi ngay đầu năm 2016 đã có những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. Trái ngược với kinh tế Trung Quốc, các nền kinh tế Đông Nam Á được Conference Board cho là sẽ tăng trưởng tốt ở mức 4,7%.
Tại khu vực châu Âu và Trung Á, WB nhận định tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 3% năm 2016 nhờ giá dầu giảm chậm hơn hoặc sẽ ổn định. Tăng trưởng có thể phục hồi ở vùng miền Đông của khu vực, gồm Đông Âu, Nam Cáp-ca-dơ và Trung Á, nếu giá nguyên vật liệu ổn định. Vùng phía Tây của khu vực, bao gồm Bun-ga-ri-a, Ru-ma-ni-a, Thổ Nhĩ Kì, các nước Tây Ban-căng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng vừa phải nhờ phục hồi tăng trưởng tại khu vực đồng ơ-rô (12).
Dự báo của OECD lạc quan hơn khi cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ là 3,3% trong năm 2016 (13). Dự báo của OECD nhấn mạnh, năm 2016 sẽ có sự phân hóa về tăng trưởng kinh tế trên thế giới với hai xu hướng: Các nước phát triển đã cơ bản thoát khỏi khủng hoảng, đang trong giai đoạn phục hồi và sẽ có sự phục hồi chắc chắn hơn trong năm 2016. Kinh tế châu Âu có thể hồi sinh trong năm 2016, do giá trị của đồng ơ-rô đã giảm đáng kể so với đồng USD, làm cho châu Âu hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và khách du lịch. ECB đã tăng cường các chương trình kích thích kinh tế và mối đe dọa Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung ơ-rô đã tạm thời lắng dịu. Châu Âu có thể là khu vực tăng trưởng ấn tượng nhất vào năm 2016. Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, mức tăng trưởng toàn khối Eurozone sẽ đạt 1,8% vào năm 2016 và 1,9% trong năm 2017. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo, châu Âu tuy có triển vọng kinh tế sáng sủa hơn nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với các vấn đề tồn tại sâu sắc như già hóa dân số, tiếp nhận người tị nạn, cải cách cơ cấu chậm. Chủ nghĩa dân túy phát triển mạnh tại châu lục này có thể dẫn tới khó khăn khi thực hiện chính sách kinh tế và không gian hoạch định chính sách bị thu hẹp.
Các chỉ số kinh tế gần đây của Mỹ cũng khả quan, từ tăng trưởng GDP đến sản xuất công nghiệp, lạm phát, thất nghiệp và tạo việc làm. Tại Mỹ, thị trường việc làm được cải thiện rõ rệt, nhu cầu trong nước được thúc đẩy bởi tiêu dùng hộ gia đình thông qua việc tăng sức mua, tăng lương và tăng đầu tư từ khu vực dân cư. OECD dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 của Mỹ có thể trên 3% (14).
Các nước mới nổi chịu nhiều sức ép như năng lực nội tại yếu và chịu bất lợi do giá nguyên liệu đầu vào thấp. Trong số các nước mới nổi, khu vực Nam Mỹ đáng lo ngại nhất vì chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá các loại nguyên liệu đầu vào dẫn tới sự suy giảm sản lượng xuất khẩu. Bra-xin có nguy cơ giảm phát, trong khi Nga có thể đối diện với tình trạng giảm phát nghiêm trọng. Riêng ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn trên thế giới (Standard & Poor, Moody và Fitch Group) dự báo tăng trưởng kinh tế Nga có dấu hiệu tích cực. Theo các cơ quan này, kinh tế Nga sẽ dần ổn định khi các doanh nghiệp Nga đã thích nghi với thực tế giá dầu thấp và một số cải cách kinh tế đã bắt đầu phát huy tác dụng tích cực. Hiện có 2 yếu tố có thể hậu thuẫn kinh tế Nga trong năm 2016, đó là: các doanh nghiệp sẽ phải trả nợ nước ngoài ít hơn so với năm 2015, nên dòng vốn chảy ra ngoài sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, kỳ vọng vào việc Mỹ và phương Tây sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga vào nửa cuối năm 2016 khiến thị trường trở nên lạc quan hơn. Theo dự báo của tổ chức Standard & Poor và Fitch Group, kinh tế Nga có thể tăng trưởng từ 0,3% - 0,5% vào năm 2016 (15).
ADB nhận định, kinh tế tăng trưởng thấp tại các nước mới nổi sẽ kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mới. Các nền kinh tế mới nổi đã trở nên dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với USD do dự trữ ngoại hối giảm, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp cao và sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô. Tuy nhiên, một số nước mới nổi tại châu Á có thể tận dụng giai đoạn giá nguyên liệu đầu vào thấp để kích thích tăng trưởng (trường hợp của Ấn Độ), còn các nước phát triển được lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, lãi suất ở mức rất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng tại châu Âu. Bên cạnh đó, do được hỗ trợ bởi sức tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc và xu hướng mở rộng sản xuất của Ấn Độ và các quốc gia khác, triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á nhìn chung vẫn sẽ ổn định.
Theo IMF, điểm đáng quan tâm nhất trong năm 2016 là kinh tế Trung Quốc. IMF dự kiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại còn 6,3% vào năm 2016 (16), trong khi WB cho rằng, tốc độ tăng trưởng này là 6,7%. Tốc độ tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc, như Bra-xin, Chi-lê, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam.
Năm 2016, các nền kinh tế của khu vực Mỹ La-tinh vẫn phải đối mặt với các tác động phức tạp với nhiều rủi ro đến từ bên ngoài. Ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh (CEPAL) nhận xét, ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài sẽ có sự khác biệt trong khu vực, nên tốc độ phục hồi sẽ khác nhau giữa các tiểu khu vực. Trong khi các nước Trung Mỹ, GDP sẽ tăng 4,3% trong năm 2016, thì ngược lại tiểu khu vực Nam Mỹ, kinh tế sẽ giảm 0,8%. Trong tiểu khu vực này, Vê-nê-xu-ê-la tiếp tục là nước suy thoái sâu nhất với -7,0%; Bra-xin là -2,0%, còn tiểu khu vực Ca-ri-be sẽ tăng 1,6% (17).
WB dự kiến tăng trưởng tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi đạt mức 5,1%; khu vực Nam Á sẽ là điểm sáng về tăng trưởng đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, theo đó tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 7,3% năm 2016. Do giá nguyên liệu đầu vào ổn định hơn nên khu vực châu Phi hạ Xa-ha-ra sẽ tăng trưởng ở mức 4,2% vào năm 2016, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Ni-giê-ri-a và Nam Phi lần lượt là 4,6% và 1,4% vào năm 2016 (18).
Như vậy, nền kinh tế thế giới trải qua năm 2015 với sự tăng trưởng chậm, chưa lấy lại được đà tăng trưởng. Năm 2016, dự báo đưa ra cho thấy các nền kinh tế khu vực và thế giới tiếp tục chứng kiến những biến động khó nắm bắt, sự trồi sụt tại một số thị trường tài chính và nguyên liệu, sự tăng trưởng là không đồng đều, thiếu bền vững./.
--------------------------------------------------
(1), (3), (4), (5), (6), (7), (9), (12), (18)
Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, tháng 01-2016, http://www.worldbank.org/en/publication/global-economic-prospects, ngày 06-01-2016.
(2) http://www.tradingeconomics.com/united-states/unemployment-rate, ngày 08-01-2016.
(8) http://russiancouncil.ru/en/ - WTO: Is There Hope for a Sinking Ship?, ngày 15-12-2015.
(10), (14) http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/140283/, Kinh tế toàn cầu: Lạc quan hay thất vọng?, ngày 24-12-2015.
(11), (13) http://money.cnn.com/2015/11/10/news/economy/global-economy-2016-oecd-conference-board/, ngày 10-11-2015.
(15) http://rbth.com/business/2015/12/18/what-awaits-russias-economy-in-2016-collapse-or-recovery_552581, What awaits Russia’s economy in 2016 -collapse or recovery?, ngày 18-12-2015.
(16) http://www.doanhnhansaigon.vn/thoi-su-quoc-te/5-du-bao-trong-buc-tranh-kinh-te-the-gioi-2016/1094391/, ngày 04-01-2016.
(17) http://vcci.com.vn/kinh-te-my-latinh-tiep-tuc-tri-tre-trong-nam-2016, ngày 25-12-2015.
Ngày mai khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng  (20/01/2016)
Thông qua Quy chế bầu cử Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII  (20/01/2016)
Đại hội Đảng toàn quốc: Đổi mới diện mạo nông thôn Hà Nội  (20/01/2016)
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Việt Nam đổi mới - nhìn từ Ba Lan  (20/01/2016)
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Khơi dậy các giá trị văn hóa  (20/01/2016)
Nghị quyết hướng dẫn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội  (20/01/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên